Vào những năm 1990, tại khu vực này, rừng ngập mặn gần như không còn. Do tác động của con người phá rừng dẫn tới tình trạng sóng biển lấn đất làm nhiều hộ dân sinh sống tại đây đã bị ảnh hưởng nặng nề do biển xâm thực. Nhiều hộ dân rơi vào tình trạng buộc phải di dời khỏi nơi ở.
Năm 2007, dự án GTZ (tổ chức Hợp tác Kỹ thuật của Cộng hòa Liên Bang Đức) đã chọn khu vực xã Vĩnh Hải để triển khai áp dụng mô hình đồng quản lý. Rừng ngập mặn trong diện quy hoạch được phân thành 4 khu. Khu thứ nhất có diện tích 12 ha là khu rừng đước phòng hộ, được xác lập nhằm để bảo vệ tốt cho các loài thủy sản có nơi trú ngụ, sinh sản tự nhiên, duy trì tính đa dạng của hệ sinh thái rừng ngập mặn. Khu thứ hai có diện tích 22 ha rừng phục hồi, bên trong là 1 phần của đai rừng, có mật độ thưa, được trồng thêm rừng để ngăn sóng biển và làm nơi trú ẩn của sinh vật biển. Khu thứ ba có diện tích trên 26 ha là khu rừng mới trồng, có bề rộng 90m tính từ đai rừng lớn trở ra biển, được xác lập nhằm tăng cường bề rộng đai rừng, để ngăn cản sóng biển và che chở cho các loài sinh vật biển. Khu thứ tư có diện tích 34ha, là phần đai rừng bên trong, nơi có nhiều cây rừng đã phát triển, có thể cung cấp tài nguyên cho con người, nếu được sử dụng bền vững.
Quá trình thực hiện dự án từ năm 2007 đến nay, kết quả đạt được rất khả quan. Hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển tại khu vực từng được coi là gần như không còn, nay đã xanh tốt trở lại. Điều này đồng nghĩa với việc môi trường sống cho các loài thuỷ sinh được tạo ra.
Một trong những điểm cơ bản của cách quản lý này là người dân tham gia đồng quản lý có thể tự do vào rừng phòng hộ ven biển kiếm củi và khai thác các nguồn lợi từ rừng để phục vụ cuộc sống. Khác với cách quản lý trước đây, việc bảo vệ quản lý rừng chỉ tập trung vào giao khoán, cấm khai thác, cấm vào rừng với mọi hình thức. Với cách quản lý này, rừng vẫn bị tàn phá mà đời sống người dân ven biển vẫn bấp bênh. Nay với cách quản lý mới, thay vì bị cấm vào rừng khai thác, người dân tham gia dự án được phép vào rừng khai thác nguồn lợi hải sản trong phạm vi cho phép như: nghêu giống, tôm, cua, cá…
Việc vào rừng này được thông qua hình thức phát thẻ cho người tham gia dự án. Thẻ được cấp khi người tham gia dự án đã qua các khoá tập huấn do cán bộ dự án hướng dẫn về cách trồng, bảo vệ rừng, khai thác tài nguyên rừng một cách hợp lý. Từ cách đào tạo và tổ chức trên, ý thức người dân đã có những chuyển biến tích cực, cùng nhau phối hợp bảo vệ môi trường, tinh thần tự giác nâng cao,. Thời gian qua, hệ sinh thái trong khu vực đã có những đổi thay rõ nét, điều đó đã chứng tỏ những thành công từ việc áp dụng mô hình đồng quản lý./.
Theo dangcongsan.vn
(VEA, 27/8/2010)