quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
DIỄN ĐÀN MÔI TRƯỜNG

Hạt gạo nơi "cổng trời" Ngọc Linh

Thứ Hai, 10/01/2011 | 03:33:00 AM

TTCT - Thôn 5 của xã Trà Nam (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) nằm ở mạn đông nam dãy Ngọc Linh (có đỉnh cao 2.598m) là nơi heo hút giữa bốn bề núi cao rừng rậm, chưa có đường xe thông với bên ngoài.

 

Vậy mà cư dân nơi này lại là chủ nhân của vựa lúa nước lớn nhất cả mạn đông Ngọc Linh rộng lớn. Càng đáng quý hơn, những hạt thóc này là sản phẩm siêu sạch của một nền nông nghiệp lúa nước ruộng bậc thang bền vững...

Một góc nóc Long Túc 1 - Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ

Gần một ngày vượt quãng đường Nam Quảng Nam đang cày ủi đầy sình lầy và leo qua nhiều con dốc “cổng trời”, 16g, dưới mưa, tôi đã chạm đất thôn 5, xã Trà Nam - cái tên ấn tượng với bất kỳ ai đến đây bởi những con dốc dựng chờn mắt. Đường dẫn vào nóc làng ngang qua vài ba đồng ruộng.

Mùa gặt đã qua lâu, những thân rạ cao kều dần rạp xuống. Những cây lúa tái sinh lác đác từ gốc rạ vẫn cho những bông lúa mẩy hạt. Những ngôi nhà mái lợp tre lồ ô dựng giữa ruộng là nơi nghỉ ngơi lúc làm mùa và cũng là kho tạm của chủ ruộng tuy đóng kín cửa vẫn tạo nét tươi vui cho đồng lúa đã qua vụ...

“Nhờ bà con ở thôn 5 thực hiện tốt chủ trương mở ruộng nước, biết dùng giống lúa mới của ngành khuyến nông, họ lại cần cù nên từ lâu đã tự túc được lương thực, cấp trên nhẹ được nỗi lo hỗ trợ gạo ăn cho họ. Khi đường Nam Quảng Nam hoàn thành, bà con chắc sẽ khá lên với hạt lúa, khai vỡ thêm ruộng nước, khi làm 2 vụ/năm lượng lúa sạch của bà con sẽ có nhiều để bán ra...”.

Ông VÕ TRANG
(chủ tịch UBND xã Trà Nam)

Những kho thóc đầy

Theo chân những phụ nữ gùi những bó củi nứa to kềnh, tôi đến nóc Long Túc 1 khi trời đã nhá nhem tối. Tiếng vượn hót lúc cuối ngày nơi đỉnh núi vọng xuống làng nghe rất rõ. Tôi chọn vào ngôi nhà sàn dài, bên bếp lửa đang luộc nồi măng to, ông Đinh Thành Đôi ngồi đan những miếng cót dùng chắn cho kho lúa.

“Thôn 5 mình đã đem lúa từ nhà ruộng vô nhà kho, ăn tết lúa mới từ lâu rồi. Nay xong mùa, rảnh, mình đan cót để dành cho năm sau...” - vị già làng 57 tuổi nói. Ông Đôi nói năm nay lúa không bị mưa to làm hư, nhà ông có 10 khẩu, thu được 120 bao (khoảng 40kg/bao), so với nhiều nhà trong nóc vẫn không phải là nhiều.

Theo tục lệ của người Xơ Đăng, trước khi nhập lúa mới về nhà kho (dựng ở xa nhà để phòng hỏa hoạn), ông Đôi đã phải mang 60 bao lúa cũ về cất ở nhà. “Thôn 5 mình nhà nào cũng nhiều lúa, ai cũng thừa lúa ăn. Chỉ có một ít nhà vì thiếu người làm hay vì lười biếng mới có ít lúa thôi...” - ông Đôi nói, dẫn tôi đến xem vựa lúa cũ đầy ứ một góc nhà.

Sớm mai làng đã vắng người, ông Đinh Xuân Long, một nông dân, nói bà con đang bận vào rừng lấy củi để chuẩn bị cho lễ ăn lúa kho. “Ở Long Túc 2 có nhiều nhà còn nhiều lúa cũ. Nhưng một số ít nhà như mình đã gần cạn lúa cũ, vậy nên dân mình mới bàn nhau chừng một tuần nữa là làm lễ ăn lúa kho. Muốn lấy lúa mới trong kho ra ăn phải làm lễ cúng, cả nóc cùng cúng một ngày, nhà nào còn nhiều lúa cũ cũng phải cúng mở kho để phòng khi ăn hết lúa cũ thì cứ việc ra kho lấy lúa mới về mà ăn...” - ông Long giải thích.

Già làng Hồ Văn Dang với đống lúa cũ vừa chuyển từ kho về cất ở nhà, nhường kho chứa 150 bao lúa mới gặt - Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ

Hạt thóc bền vững

Có được hạt lúa nước dư dả, bà con Xơ Đăng ở đây cho rằng đó là cả một hạnh phúc lớn lao. Họ biết cư dân các vùng lân cận còn thiếu hạt gạo, phải ăn gạo đong từng cân, chờ Nhà nước hỗ trợ gạo trong lúc đợi vụ gặt.

Già làng Hồ Văn Dang, 75 tuổi, là cựu chiến binh, ở nóc Long Túc 2, kể chính bà con thôn 5, xã Trà Nam vẫn chưa quên những năm tháng thiếu đói sau ngày hòa bình. Ngày đó ruộng lúa nước ít, kỹ thuật gieo cấy còn kém, nhiều nhà trong thôn phải ăn thêm củ sắn. Được chính quyền địa phương khuyến khích, từ kinh nghiệm làm lúa nước của ông cha, họ đã nỗ lực không ngừng để biến những gò đồi, những khu chồi dại có thể đưa nước vào thành những khu ruộng bậc thang liền lĩ.

Những vụ mùa sung nẫm mở dần ra từ khi bà con có được những giống lúa thích hợp với chân ruộng vùng cao. “Hồi đầu dân mình qua Quảng Ngãi tìm giống mới. Lúa được mùa, mừng cái bụng lắm. Rồi đến khi huyện cấp cho giống mới, lúa lại được mùa hơn nữa. Mới biết mình siêng nhưng cũng phải nhờ cái giống tốt mới được dư ra như chừ...” - già Dang nói.

“Mình chỉ cắt lấy cái bông lúa, còn để nguyên thân cây lúa lại cho nó rục xuống ruộng. Mình giữ cái rừng quanh ruộng để nó có cái lá mục trôi ra cho ruộng, cho con nước xung quanh không tắc để tưới cho cây lúa. Mình ăn rừng ăn đất sống thì phải có cách nuôi cái đất cái rừng để nó nuôi mình được lâu chứ...” - già làng Nguyễn Thanh Đề ở nóc Ngọc Lê nói kinh nghiệm của cha ông. Hì hục đào mương xuyên rừng đưa nước từ nguồn vào đồng, họ cũng giỏi điều độ để cả một cánh đồng bậc thang luôn có nước ở mức mát lành cần thiết, vô hại cho cây lúa. Không dùng một loại thuốc bảo vệ thực vật nào, đồng lúa vẫn không bị sâu bọ phá hại, mùa vụ đã cho cư dân hạt lúa siêu sạch.

“Vựa thóc lớn” - cái tên được nhiều người bên ngoài phong cho thôn 5, xã Trà Nam là một quá trình tạo lập đầy cảm động. “Thôn 5 mình có 263 hộ, 1.114 khẩu, hộ nào cũng có ruộng nước, mình ước tính có khoảng 50% số hộ mỗi mùa gặt được 30-50 bao, còn khoảng 50% số hộ gặt được từ trên 50 bao đến 150 bao, trong đó số hộ dư ăn nhiều lắm...” - anh Đinh Thanh Lợi, 27 tuổi, ước tính.

Không ai ở đây biết diện tích ruộng nước của mình qua đo đạc, bà con chỉ phỏng tính phần ruộng mình có được bằng ang giống (khoảng 5kg/ang). Ruộng bậc thang phần lớn là những đám ruộng nhỏ, có đám chỉ chừng vài chục mét vuông, vậy mà có nhà có diện tích ruộng đến 30 ang giống (chừng 1ha).

Cái đáng quý của hạt thóc nơi có độ cao gần một ngàn mét bị chắn bởi lớp lớp vách núi cao của sơn hệ Ngọc Linh này chính là bởi nó chỉ thấm đẫm mồ hôi của người gieo cấy chứ không lẫn pha một chút hóa chất công nghiệp nào. Không dùng phân hóa học và cả phân chuồng, nhưng chính những nông gia Xơ Đăng nơi rẻo cao này đã “bón” một lượng hữu cơ thích đáng cho cây lúa.

Ông Long giải thích: “Thuốc trừ sâu giết con sâu nhưng cũng giết thêm những con vật ăn con sâu, dùng nó không có lợi đâu. Mình để con chim cũng như con rắn, con ếch sống để nó bắt sâu bọ trên đồng ruộng nên không săn giết nó. Chỉ lo giết chuột để nó không ăn hại cây lúa, mình lại có thịt để ăn. Nhà nào cũng có mấy trăm cái bẫy chuột, chiều nào cũng đi gài chuột nên nó khó hại được cây lúa...”.

Thầy Nguyễn Thanh Trường, giáo viên ở nóc Long Túc 1, cho rằng khâu vệ sinh đồng ruộng của cư dân cũng góp phần vào việc phòng trừ sâu bệnh cho cây lúa. Vào mùa họ dọn sạch cỏ bờ, lấy bùn trát láng hết mặt bờ như láng ximăng, nhờ vậy nhiều loại sâu bọ hại lúa không còn chỗ sinh sản.

Con đường cho hạt thóc

Nhưng hạt thóc dư nhiều lại không có người mua, cư dân chỉ biết đem một ít giã thành gạo đổi cho các chủ quán người Kinh ở trong vùng để lấy nhu yếu phẩm. “Một bao lúa 40kg giã thành gạo chỉ bán được 100.000 đồng. Quán họ mua một ít để nấu rượu bán lại cho dân mình...”, chị Hồ Thị Lan ở nóc Ngọc Lê nói. Thóc dư nhiều quá, nhiều người lại tổ chức đâm trâu để đãi đằng làng nóc.

“Nhà mình có sáu khẩu, lúa cũ hiện còn 70 bao, lúa mới được 150 bao. Lại dư nữa rồi. Năm ngoái nhà mình đã đâm trâu rồi. Nhưng mình đã quyết định sang năm tổ chức cúng đâm trâu nữa. Để mừng được cái mùa, lúa mình dư phải đâm trâu đãi bà con thôi...” - già làng Hồ Văn Dang bày tỏ. Đâm trâu, ngoài con trâu to có sẵn, chủ nhà còn phải làm gạo nấu rượu, nấu cơm để đãi người trong, ngoài nóc suốt ba ngày, tiêu tốn 30-40 bao thóc.

Không có đường xe, giữa bốn bề núi cao dốc dựng, khi đau ốm bà con phần nhiều dựa vào cúng bái, nhất là cúng đâm trâu. Chị Hồ Thị Lan kể năm ngoái nhà chị đã đâm trâu cúng cho đứa con trai bị đau, nhưng mất trâu, mất hơn 30 bao lúa con trai vẫn chết bỏ lại vợ con.

Ruộng nước cho đủ thóc ăn, người thôn 5 từ lâu đã giảm thiểu hẳn việc phá rừng làm rẫy. Và từ hạt lúa no đủ, dư thừa, họ mong ngóng con đường Nam Quảng Nam ngang qua quê mình sớm được khai thông để mở đường cho họ ra bên ngoài, nhất là với hạt gạo lúa nước siêu sạch mà họ có được.

HUỲNH VĂN MỸ

(TTCT, 8/1/2011)

Lượt xem: 1148

Các tin khác

Tăng cường công tác quản lý tín chỉ carbon nhằm thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định

(07/05/2024 06:52:AM)

Việt Nam ủng hộ có thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhự

(25/04/2024 07:01:AM)

Căn bản về tái hoang dã

(22/04/2024 08:37:AM)

Một nền kinh tế xanh cần nhiều thứ hơn chỉ là trợ cấp

(20/04/2024 06:23:AM)

Thúc đẩy phát triển đô thị theo hướng xanh, bền vững

(03/04/2024 07:56:AM)

Nước đã cạn

(30/03/2024 06:46:AM)

Bảo vệ môi trường – Nền tảng để phát triển kinh tế bền vững

(28/03/2024 07:08:AM)

Chuyển đổi xanh trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

(26/03/2024 05:49:AM)

Một số suy nghĩ về chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, từ khai thác thâm dụng tài nguyên thiên nhiên sang phát triển dựa vào hệ sinh thái, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn - Từ phân tích thực

(25/03/2024 06:28:AM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE