Tây Nguyên bây giờ đang hạn. Tuy năm nào cũng hạn, nhưng cứ khoảng 5 năm Tây Nguyên lại bị đại hạn một lần. Không thể đưa nước ngược lên Tây Nguyên, Tây Nguyên chỉ còn cách chung sống với hạn hán. Hạn hán Tây Nguyên còn là thảm họa của các tỉnh dưới đồng bằng ăn nguồn nước từ Tây Nguyên.
Nguyễn Đình Hòe - VACNE
1.Vài nét về hạn hán Tây Nguyên
Tây Nguyên bao gồm năm tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông và Lâm Đồng. Tây Nguyên là mái nhà của miền Trung bán đảo Đông Dương, là vùng sinh thuỷ của các sông ngắn Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và một số chi lưu của sông Mê Kông ở Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia. Nguồn nước Tây Nguyên chỉ là nước mưa tại chỗ, nước chỉ chảy đi, không chảy đến. Không thể đưa nước vùng thấp chảy ngược lên Tây Nguyên, trong khi đó Tây Nguyên phải có trách nhiệm chia sẻ nước cho các tỉnh dưới hạ lưu thuộc miền Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và một số địa phương của Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia.
Vài nét phác thảo trên đây cho thấy nguồn cấp nước của Tây Nguyên chỉ trông cậy duy nhất vào nước mưa tại chỗ, khả năng giữ nước của nền đất và lớp phủ thực vật. Để bảo đảm an toàn về nguồn nước, Tây Nguyên cần bảo lưu 1,5 triệu ha rừng phòng hộ trên đất dốc (45% đất lâm nghiệp) và 292 ngàn ha rừng phân tán kiểu da báo trong vùng đất nông nghiệp (30% diện tích đất nông nghiệp) vì theo tính toán cứ 1ha rừng đủ giữ nước tưới cho 2,3 ha đất nông nghiệp và nước sinh hoạt cho 1 hộ gia đình bốn người. Nếu tính thêm số dân cư đô thị là 1 triệu người, thì Tây Nguyên cần có thêm 250 ngàn ha rừng nữa. Tổng cộng để có đủ nước cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất hiện nay, Tây Nguyên cần có trên 2 triệu ha rừng, chiếm chừng 37% tổng diện tích đất tự nhiên chỉ để giải quyết nhu cầu nước cho riêng Tây Nguyên. Đó là chưa tính đến chuyện Tây Nguyên còn có nghĩa vụ cấp nước cho các địa phương đông dân dưới hạ lưu các hệ thống sông. Trong tương lai, Tây Nguyên sẽ công nghiệp hoá mạnh hơn, nhu cầu sử dụng nước sẽ tăng lên đáng kể, diện tích rừng do đó cũng phải tăng thêm. Hiện nay diện tích rừng Tây Nguyên không còn nhiều và ước tính mỗi năm Tây Nguyên còn chặt phá thêm chừng 60 ngàn ha rừng tự nhiên.
Tây Nguyên lại là vùng có chỉ số khô hạn năm cao nhất nước, tương đương với Nam Bộ (từ 0,4 - 1,0), nhưng chỉ số khô hạn tháng còn cao hơn cả Nam Bộ. Suốt từ 1980 đến nay, năm nào Tây Nguyên cũng bị hạn vào mùa khô (từ tháng 11 đến tháng 4 dương lịch), nhưng hạn nặng thường xảy ra khoảng năm năm một lần, vào các năm 1983, 1988, 1993, 1998, 2003, 2008. Vào đầu tháng 4 hàng năm, nhiều sông suối nhỏ ở Đắc Lắc có lưu lượng dòng chảy bằng 0, dung tích các hồ chứa chỉ đáp ứng khoảng 25-30% nhu cầu sản xuất và sinh hoạt. Đến tận tháng 5, nhiều vùng Tây Nguyên như huyện Kon Chro (Gia Lai) các nguồn nước ăn vẫn cạn kiệt.
2.Tây Nguyên - vùng đất trên sống lưng trâu, không giữ được nước
Địa hình Tây Nguyên thực ra không bằng phẳng, mà gần giống như sống lưng của một con trâu khổng lồ. Đoạn quốc lộ 14 nối liền 3 thị xã - thành phố Kon Tum, Playku và Ba Mê Thuột chạy đúng trên sống lưng trâu, chia Tây Nguyên làm hai phần không đối xứng: sườn Đông rất dốc và hẹp, sườn Tây thoải và rộng.
Sườn Đông Tây Nguyên là sườn hứng mưa. Hễ ven biển Nam Trung Bộ có áp thấp nhiệt đới hoặc bão là sườn Đông có mưa lớn. Có những vùng như thượng nguồn sông Ba, mưa liên miên sáu tháng không mấy khi trời quang. Lượng mưa trung bình hàng năm ở sườn Đông không phải là ít (trên 2000mm) nhưng do địa hình rất dốc, lại chủ yếu tạo thành từ các loại đá kém thấm nước như đá hoa cương, đá núi lửa cổ, đá sét... nên khi mưa hay gây lũ, kể cả lũ quét, nhưng hết mưa là thiếu nước.
Sườn Tây Tây Nguyên có địa hình bằng phẳng, nhiều cao nguyên basalt rộng lớn, dốc dần về phía sông Mê Kông. Đất đỏ basalt thường có chiều dày khá lớn, có nơi dày hàng chục mét với độ hạt rất mịn. Khi gặp nước mưa, đất basalt chảy nhão như bùn, có tác dụng cản nước mưa thấm xuống tầng sâu. Bùn đất basalt khi khô hay bị nứt nẻ thành các khối hình đa giác với những khe nứt khô sâu hàng mét, tạo điều kiện cho nước trong đất bốc hơi càng nhanh. Nước mưa sườn Tây chỉ có khả năng tích luỹ lớn trong tầng đá móng nứt nẻ bên dưới lớp đất basalt. Nhưng cũng như sườn Đông, đá móng ở sườn Tây cũng chủ yếu là loại có tính thấm không cao.
Như vậy, nhìn chung trên toàn lãnh thổ Tây Nguyên, việc có giữ được nước hay không chủ yếu phụ thuộc vào độ che phủ rừng. Rừng đầu nguồn quan trọng nhất ở Tây Nguyên lại phân bố dọc đường quốc lộ 14. Với vị trí rất thuận tiện giao thông, cư trú và làm ăn, rừng ven quốc lộ 14 đang bị tàn phá thảm hại chưa kiểm soát được.
Trên diện tích đất basalt màu mỡ rộng lớn, Tây Nguyên đã phát triển các vùng nông nghiệp liền khoảnh rộng rãi với tập đoàn cây ưa ẩm như cà phê, hồ tiêu, lúa... làm cho nhu cầu nước tưới lại càng thiếu hụt nặng. Nhu cầu này thường thiếu hụt đến 60 - 70% vào mùa khô hằng năm.
Việc phát triển nông nghiệp và cây công nghiệp truyền thống đã ngốn một lượng nước rất lớn. Lí thuyết nước ảo cho phép nhận diện điều này.
3.Nước ảo (Virtual water)
“Nước ảo” là lượng nước “thật” cần để sản xuất ra lương thực thực phẩm và hàng hóa khác. Vì vậy “nước ảo” còn được gọi là “lượng nước gắn vào, bao gói vào (embedded) sản phẩm. Khái niệm nước ảo được GS John Anthony Allan, làm việc đồng thời tại Trường Hoàng gia Luân Đôn và Trường Nghiên cứu Châu Phi và Viễn Đông của Vương Quốc Anh, giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1993. Phương pháp tính toán lượng “nước ảo” của giáo sư Allan giúp các nhà nghiên cứu có cơ sở đánh giá hợp lý mức độ liên quan giữa nguồn nước với các lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng.Với việc đề xuất ra khái niệm “nước ảo”, giải thưởng Nước Stockhom 2008 đã được trao cho giáo sư John Anthony Allan, 15 năm sau khi vị giáo sư đáng kính này đề xuất khái niệm nước ảo trên cơ sở những nghiên cứu của mình tại vùng khô hạn châu Phi. Tuy nhiên trong thời gian 2002 - 2005, một nhóm nghiên cứu ở Hà Lan, do Arjen Hoekstra dẫn đầu đã hoàn thiện phương pháp tính toán nước ảo và nhờ đó lý thuyết nước ảo trở nên phổ biến toàn cầu (1) .
Lượng nước ảo / đơn vị sản phẩm
1. Thịt bò: 15.500 lít nước /1 kg
2. Bia: 75 lít nước /1 cốc bia loại 250 ml
3. Pho mat: 5.000 lít nước / 1 kg
4. Thịt gà: 3.900 lít nước /1 kg
5. Dừa quả: 2.500 lít nước / 1 kg cơm dừa
6. Cà phê: 140 lít nước / 1 ly cà phê
7. Bông vải: 2.700 lít nước / 1 chiếc áo sơ mi vải bông kích cỡ trung bình
8. Trứng gà: 200 lít nước/ 1 quả trứng
9. Thịt dê: 4.000 lít nước / 1 kg
10. Da: 16.600 lít nước / 1 kg da thuộc
11. Ngô hạt : 900 lít nước / 1 kg ngô hạt
12. Sữa bò: 1000 lít nước / 1 lít sữa tươi
13. Cam: 50 lít nước / 1 quả cam
14. Giấy: 10 lít nước / 1 tờ giấy trắng khổ A4
15. Thịt heo: 4.800 lít nước / 1 kg thịt
16. Khoai tây: 900 lít nước / 1 kg khoai tây chiên
17. Gạo: 3.400 lít nước / 1 kg
18. Lúa (gạo) – 3000 lít nước/ 1 kg lúa
19. Đậu tương: 1.800 lít nước / 1 kg hạt
20. Đường mía: 1.500 lít nước / 1 kg đường
21. Trà (chè): 30 lít nước/ 1 ly trà loại 250 ml
22. Rượu: 120 lít nước / 1 ly rượu loại 125 ml
(Nguồn:Product Gallery (2) )
Việc phát triển các sản phẩm nông nghiệp kể cả cây công nghiệp đã “ngốn” một lượng nước khổng lồ của Tây Nguyên. Lượng nước này không chỉ là “phần” của Tây Nguyên mà cả “phần” nước đáng lẽ dành cho các địa phương dưới hạ lưu các dòng sông bắt nguồn từ Tây Nguyên. Đã thiếu nước lại “xuất siêu nước ảo” thông qua việc bán sản phẩm nông nghiệp sang các vùng khác và xuất khẩu ra nước ngoài. Chiến lược này xem ra sẽ nhanh chóng đưa Tây Nguyên đến ngưỡng không thể phát triển được nữa
4.Tây Nguyên cần chung sống với sự khan hiếm nước
Vì không thể đưa nước từ vùng khác lên Tây Nguyên, lại phải chia sẻ nguồn nước hiếm hoi cho các tỉnh dưới hạ lưu, nên nguồn nước Tây Nguyên còn rất ít, không tương xứng với diện tích đất nông nghiệp rộng lớn và gây khó khăn cho công nghiệp hoá và đô thị hoá Tây Nguyên. Ngoài việc sử dụng cho con người và sản xuất, ít nhất 60% lượng nước tự nhiên phải được nhường lại cho hệ sinh thái để đảm bảo cân bằng sinh thái. Dễ thấy con đường chung sống với hạn hán của Tây Nguyên đòi hỏi phải sử dụng thật hiệu quả và thật tiết kiệm tài nguyên nước. Trồng cây gì, phát triển ngành công nghiệp gì, trình độ công nghệ trong nông nghiệp như thế nào, có bao nhiêu dân, xây dựng hồ đập ở đâu cũng đều phải tính toán khoa học.
Làm cơ sở cho các tính toán khoa học này, bước đi ban đầu là nghiên cứu, điều tra, làm rõ sự cân bằng nước lãnh thổ Tây Nguyên,trả lời câu hỏi Tây Nguyên có bao nhiêu nước và TN được sử dụng cho mình bao nhiêu nước. Trên cơ sở lượng nước có thể sử dụng, các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội mới có thể được hoạch định hợp lí.
Định hướng chiến lược của Tây Nguyên là chỉ nên phát triển các ngành công nghiệp ít dùng nước. Trong lĩnh vực nông nghiệp cần thay dần tập đoàn cây ưa ẩm bằng tập đoàn cây đòi hỏi ít nước như bắp, cao su, thông nhựa... Không thể cứ chỗ nào có đất basalt màu mỡ là phát triển nông nghiệp, ngay cả vùng đất này vẫn phải dành diện tích cho trồng rừng. Cần thay dần công nghệ tưới lãng phí (tưới tràn, tưới phun mưa) bằng công nghệ tưới tiết kiệm (tưới ngầm vào gốc cây). Lựa chọn loài cỏ thích hợp để che phủ gốc cây ăn trái và cây công nghiệp, làm giảm lượng bốc hơi. Và để làm việc đó, cần làm rõ mật độ dân số tối ưu cho Tây Nguyên. Việc di dân theo kế hoạch lên Tây Nguyên cần phải được tính toán dựa trên sức chứa của lãnh thổ, sức chứa này lại phải ưu tiên cho an ninh và quốc phòng. Cần kiểm soát tốt hoạt động di dân tự do tận gốc.
Khan hiếm nước là trở ngại sinh thái lớn nhất của phát triển Tây Nguyên. Tây Nguyên không thể phát triển giống như các vùng sinh thái khác của đất nước mà phải có chiến lược và định hướng riêng biệt để tránh thảm hoạ sinh thái, khhong chỉ đối với Tây Nguyên mà cả đối với các địa phương màTây Nguyên là đầu nguồn. Nạn hạn hán ngày càng trầm trọng là một cảnh báo.
Chú thích:
(2).Water Footprint, Product Gallery, 2010