quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
DIỄN ĐÀN MÔI TRƯỜNG

Hai tồn tại cốt tử trong quy hoạch thủ đô

Thứ Tư, 02/06/2010 | 08:13:00 AM

Quy hoạch thủ đô với vị trí đặt trung tâm hành chính quốc gia là việc hệ trọng, liên quan đến quốc gia, dân tộc. Tuy nhiên, trong đồ án, nội dung này lại có một vai trò đính kèm, đang là một ẩn số, thiếu ổn định, vụn vặt và manh mún.

Tác giả: Hà Thủy

LTS: Tại kỳ họp Quốc hội này, đề án quy hoạch thủ đô Hà Nội với dự kiến Trung tâm hành chính quốc gia sẽ đặt ở chân núi Ba Vì sẽ được đặt lên bàn Nghị sự. Trước đó, đề án cũng đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo người dân, giới kiến trúc sư, quy hoạch sư trong và ngoài nước cũng đã nhiều lần lên tiếng góp lời. Kỳ hai bài viết dưới đây là góc nhìn riêng của KTS Hà Thủy, tiếp tục có những phân tích được nhiều người đồng tình, song cũng sẽ còn một số quan điểm khác cần phải thảo luận thêm. Để rộng đường dư luận, Tuần Việt Nam xin đăng tải để mọi người cùng suy ngẫm.

Ở nước ta, Chính phủ là thiết chế - bộ phận cấu thành cực kỳ quan trọng, không thể tách rời của Nhà nước và của cả Hệ thống chính trị. Vì vậy, việc phân biệt các khái niệm (Trung tâm Hành chính quốc gia với Trung tâm Chính trị quốc gia) là hoàn toàn không có cơ sở cả về mặt lý luận và thực tiễn.

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, ưu tiên số 1 là  lựa chọn (không đồng nghĩa với thay đổi) địa điểm xây dựng, hoàn thiện Trung tâm Chính trị - Hành chính quốc gia, tương xứng với tầm vóc, vị thế mới của đất nước (không đồng nghĩa với to lớn). Một việc hệ trọng, liên quan đến  quốc gia, dân tộc. Tuy nhiên, trong đồ án, nội dung này lại có một vai trò đính kèm, đang là một ẩn số, thiếu ổn định, vụn vặt và manh mún.

Tồn tại 1: Từ sai lệch về khái niệm

Đồ án Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (trong bài xin được gọi tắt là Quy hoạch Thủ đô Hà Nội) đã đề xuất (trích nguyên văn theo đồ án được trưng bày):

"Trung tâm Chính trị quốc gia: (Trụ sở Trung ương Đảng, Nhà nước và Quốc hội) vẫn ở Ba Đình.

"Trung tâm Hành chính quốc gia: sẽ dành khu đất dự trữ ở Ba Vì. Tại đây sẽ xây dựng các cơ quan của Chính phủ, các Bộ ngành. Dự kiến sẽ sây dựng sau 2050..."

Quy hoạch thủ đô với vị trí đặt trung tâm hành chính quốc gia là việc hệ trọng, liên quan đến quốc gia, dân tộc. Tuy nhiên, trong đồ án, nội dung này lại có một vai trò đính kèm, đang là một ẩn số, thiếu ổn định, vụn vặt và manh mún.
Chưa bàn đến việc lựa chọn địa điểm, quy hoạch hay dở như thế nào; Trước hết, chúng tôi cho rằng đây là một sai lầm cơ bản về khái niệm:

Theo Hiến pháp 1992 cũng như theo cách hiểu thông thường, Nhà nước ta bao gồm các thiết chế: (1) Quốc hội - cơ quan lập pháp và giám sát tối cao; (2) Chủ tịch nước; (3) Chính phủ - cơ quan hành pháp - cơ quan chấp hành của Quốc hội, cơ quan hành chính cao nhất của đất nước; (4) Các cơ quan tư pháp tối cao (Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao).

Chính phủ là thiết chế - bộ phận cấu thành cực kỳ quan trọng, không thể tách rời của Nhà nước và của cả hệ thống chính trị; Theo đó, Trụ sở Chính phủ (cùng với Trụ sở của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước) đã, đang ở trung tâm chính trị Ba Đình như hiện nay; Vì vậy, việc phân biệt các khái niệm như trên (Trung tâm Hành chính quốc gia với Trung tâm Chính trị quốc gia) là hoàn toàn không có cơ sở cả về mặt lý luận và thực tiễn;

Mặt khác, nếu Trụ sở Chính phủ dời lên chân núi Ba Vì (với khoảng cách lớn hơn 30km, không ở cùng một địa thế, vùng văn hóa) thì thực chất chúng ta đã dời đô một lần nữa, vì theo cách nói dân gian " Chính phủ ở mô, Thủ đô ở đó";

Dời đô rồi định đô, hoàn thiện mô hình thể chế, nếu thấy tốt cho toàn cục, cho đất nước, dân tộc (và chứng minh, làm sáng tỏ được sự cần thiết phải dời đi, kèm theo luận cứ về sự đúng đắn của nơi chuyển đến) không phải không có tiền lệ. Tuy nhiên, nếu do nhầm lẫn khái niệm (hoặc thiếu hiểu biết) dẫn đến những ý đồ sai lạc là hoàn toàn khác; Để rõ hơn, chúng ta nên tìm lạị, bắt đầu từ khái niệm Thủ đô:

Thủ đô: : thành phố đứng hàng đầu của một quốc gia, nơi làm việc của chính phủ và các cơ quan trung ương (Nguồn: Từ điển tiếng Việt - Nhà xuất bản Từ điển Bách khoa - 2007);

Thủ đô: là trung tâm hành chính của một quốc gia. Thủ đô thường là nơi đặt phần lớn hoặc tất cả các cơ quan quyền lực chính của một quốc gia như: các cơ quan hành pháp, lập pháp, cơ quan tư pháp tối cao, ngân hàng trung ương (Nguồn: Bách khoa toàn thư mở Wikipedia - http://vi.wikipedia.org;

Thủ đô: thành phố đứng hàng đầu của một quốc gia, trung tâm của đất nước về chính trị, kinh tế - xã hội, khoa học - kĩ thuật. Nơi làm việc của chính phủ và các cơ quan trung ương. Ở nhiều nước, thủ đô được coi là đơn vị hành chính có chế độ quản lí đặc biệt. Nguồn: http://dictionary.bachkhoatoanthu.gov.vn;

Với các định nghĩa trên đây đều thể hiện ý chung là không có sự tách bạch giữa trung tâm hành chính quốc gia và trung tâm chính trị quốc gia trong thành phố Thủ đô; và Thủ đô trước hết là nơi làm việc của Chính phủ và các cơ quan Trung ương;

Thủ đô chính thức: (thường được) quy định trong hiến pháp; nếu Thủ đô không phải là nơi làm việc của Chính phủ thì chỉ mang tính danh nghĩa, khi đó sẽ có Thủ đô thực tế (de facto): nơi đặt Chính phủ - nắm thực quyền điều hành đất nước, như cách nói dân gian ở trên;

Các khái niệm khác như: Thủ đô Kinh tế; Thủ đô Tài chính; Thủ đô Văn hóa; Thủ đô Ánh sáng; Thủ đô Âm nhạc; Thủ đô Điện ảnh; Thủ đô Hành chính v.v chỉ là những danh xưng (không chính thức) nhấn mạnh tính chất đầu não, tập trung (ở quy mô quốc gia, quốc tế) về một nội dung, phương diện nào đó.

Qua nghiên cứu 240 thành phố thủ đô thuộc 232 quốc gia và vùng lãnh thổ; Chỉ có 9/232  quốc gia (chiếm 3,88 %) Trung tâm quyền lực Nhà nước bố trí phân tán tại các thành phố khác nhau (thủ đô phân quyền); Các quốc gia này (bao gồm: Hà Lan; Tanzania; Malaysia; Swaziland; Bénin; Nam Phi; Bolivia; Côte d'Ivoire; Nauru) đều có chung đặc điểm: (1) Chế độ quân chủ: 3/9; (2) Xung đột sắc tộc, tôn giáo: 7/9; (3) Tranh giành quyền lực: 7/9; (4) Các mưu toan chính trị: 8/9; (5) Nghèo đói, bạo loạn, bất ổn 6/9; Có phải hình mẫu mà chúng ta phải theo đuổi bằng mọi giá?

Các đặc điểm này, đồng thời đã trở thành lý do chủ yếu hình thành các thủ đô phân quyền thường được gọi tên: Thủ đô Hành pháp - Thủ đô Tư pháp - Thủ đô Lập pháp.

223/232 quốc gia (chiếm 96,12 %) có các Trung tâm quyền lực Nhà nước bố trí tập trung (thủ đô tập quyền - các Trung tâm quyền lực được bố trí vào một khu vực trong một thành phố);  Tất cả các quốc gia thịnh trị, có ảnh hưởng lớn trên thế giới đều tổ chức theo mô hình thủ đô tập quyền, không có quốc gia nào có thủ đô phân quyền (Tài liệu tổng hợp các thành phố thủ đô 232 quốc gia và vùng lãnh thổ tài liệu kèm theo - Xem tại đây).

Khảo sát cụ thể 18 quốc gia thuộc nhóm các nền kinh tế lớn - G20 (Argentina, Australia, Brazil, Canada, Trung Quốc, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Italia, Nhật Bản, Mexico, Nga, Arab Saudi, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Mỹ) cho thấy: tại thủ đô các nước này các Trung tâm quyền lực Nhà nước: Quốc hội; Chính phủ; Tòa án tối cao; có bán kính liên hệ trung bình 2 - 3km; Có lẽ đây là khoảng cách tối ưu cho việc phối hợp, giám sát, chỉ đạo hoạt động có hiệu quả cũng như vai trò độc lập tương đối của hệ thống các trung tâm quyền lực nhà nước; Thời chiến cũng như thời bình.

Có thể hiểu (theo cách hiểu quốc tế) đề xuất của đồ án Quy hoạch Thủ đô Hà Nội: từ năm 2030 - 2050, Thủ đô Hà Nội (theo địa giới hành chính) sẽ có cấu trúc "2 trong 1": Trung tâm Hành chính quốc gia (Thủ đô Hành pháp - Thủ đô de facto - thực tế) sẽ được đặt tại Chân Núi Ba Vì, Trung tâm Chính trị quốc gia (Thủ đô danh nghĩa - theo hiến pháp) vẫn ở Ba Đình.

Nếu hiểu theo cách này, phải chăng những người lập quy hoạch mong muốn tương lai (sau 40 năm) nước ta sẽ giống như 9 nước có các thủ đô phân quyền nói trên (mô hình của Nam Phi hay Malaysia)?

Việc phân tách các khái niệm (như đã nêu trên) sẽ dẫn đến tư duy về thủ đô phân quyền (cả trong tổ chức và không gian);

Quy hoạch thủ đô đồng nghĩa quy hoạch trung tâm quyền lực nhà nước, phải lấy mô hình thể chế chính trị quốc gia (dù phân quyền hay tập quyền) làm cơ sở. Việc lựa chọn, sắp đặt vị trí Trung tâm Chính trị - Hành chính quốc gia là thể hiện hình ảnh, tổ chức, sức mạnh trí tuệ của thể chế chính trị hiện hành.

Mô hình Thủ đô tập quyền là một trong những thành tựu lớn của văn minh nhân loại, mang đến sự ổn định và phồn vinh cho các quốc gia. Điều gì đã khiến chúng ta phải ruồng bỏ mô hình này?

Trong lịch sử, đã có những bài học "cười ra nước mắt" kèm theo hệ quả tệ hại của thủ đô phân quyền (cũng "2 trong 1" thời Vua Lê - Chúa Trịnh), thiết nghĩ, mọi người đều đã biết.

Vì vậy, tại thời điểm hiện nay (và lâu dài), cách suy nghĩ về mô hình nhà nước (của đồ án) nói trên là hoàn toàn sai lệch.

Khái niệm là cơ sở để tư duy; Sai lầm trong khái niệm đương nhiên sẽ dẫn đến chuỗi những sai lầm trong phương pháp luận và kéo theo các giải pháp thực hiện phi lý.

Các câu hỏi đặt ra:

1. Dựa trên cơ sở, mô hình nhà nước, thể chế chính trị nào để khẳng định Trung tâm Hành chính quốc gia khác Trung tâm Chính trị quốc gia? Lý do phân tách 2 khái niệm này?

2. Việc lựa chọn mô hình phân tán các Trung tâm quyền lực Nhà nước là có ý gì, hướng tới mục tiêu nào? Động cơ, luận cứ nào cho việc lựa chọn Mô hình thủ đô phân quyền cho Hà Nội, Việt Nam?

3. Chúng ta đang quy hoạch một đô thị Thủ đô (lấy Trung tâm Chính trị - Hành chính quốc gia làm hạt nhân chủ đạo) hay chỉ tổ chức quy hoạch một Hệ thống quần cư đô thị và thêm vào đó các Trung tâm Hành chính (hoặc Chính trị) quốc gia?

Tồn tại 2: Đến chệch hướng trong mục tiêu quy hoạch Thủ đô Hà Nội

Quy hoạch chung thủ đô phải coi việc lựa chọn địa điểm, quy hoạch cho Trung tâm Chính trị - Hành chính quốc gia (đồng nghĩa  quy hoạch Đô thị Trung tâm quyền lực nhà nước bao gồm các cơ quan hành pháp, lập pháp, cơ quan tư pháp tối cao) là nhiệm vụ hàng đầu, mang ý nghĩa căn bản nhất, làm tiền đề, cơ sở để nghiên cứu thực thi các mục tiêu quy hoạch khác.

Lẽ ra, phải coi việc mở rộng thủ đô Hà Nội là một cơ hội lớn, với việc tái khẳng định vị thế của thủ đô gắn với  quy hoạch một Trung tâm Chính trị - Hành chính quốc gia đàng hoàng, tương xứng với tầm vóc của một nước Việt Nam mới;

Phát triển bền vững Thành phố Thủ đô, trước tiên phải phát triển bền vững hạt nhân đô thị đặc thù của thủ đô Hà Nội (tức Đô thị Trung tâm quyền lực Nhà nước; Đô thị Trung tâm Văn hóa - Lịch sử); Các chức năng trung tâm khác như kinh tế, giáo dục, khoa học công nghệ; quần cư cùng các chức năng dịch vụ, phụ trợ khác (có thể lựa chọn có hoặc không theo nhu cầu).

Đề xuất của đồ án có thể giữ nguyên vị trí, mở rộng, hoàn thiện hay dịch chuyển, miễn là có luận cứ xác đáng; Dù lựa chọn cách nào (định đô hay dời đô), vị trí ở đâu; tổ chức tập trung vào một đô thị (Thủ đô tập quyền) hay phân tán ra nhiều đô thị (Thủ đô phân quyền) thì đồ án quy hoạch cũng phải khẳng định được tính đúng đắn, sự ổn định của nơi bố trí Trung tâm quyền lực nhà nước gắn với kế hoạch chiến lược dài hạn (không hạn định) của quốc gia; Việc lựa chọn này phải tạo được lòng tin trong dân chúng (nếu dịch chuyển Thủ đô cần thiết phải có trưng cầu dân ý), có ý nghĩa quyết định, làm cơ sở quy hoạch phát triển các chức năng khác của đô thị.

Xin nhắc lại, sự lựa chọn này có tác động quyết định đến vận mệnh của đất nước; Cần có các nghiên cứu chuyên sâu, khoa học, không theo cảm tính, mê tín, dị đoan, song cũng không thể xem nhẹ các bài học lịch sử (trong nước và quốc tế);

Tuy nhiên, theo thông tin được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, các địa danh được đề cập đến dành cho Trung tâm Hành chính quốc gia bao gồm: Đông Anh, Thạch Thất, Phú Diễn - Mỹ Đình - Hòa Lạc - Chân núi Ba Vì; Ngày 04/03/2010 đại diện của Bộ Xây dựng tuyên bố: "Trung tâm hành chính quốc gia sẽ về chân núi Ba Vì" (nguồn: http://dantri.com.vn/c20/s20-382199/trung-tam-hanh-chinh-quoc-gia-se-ve-chan-nui-ba-vi.htm ). Sau đó, ngày 21/04/2010 (cũng đại diện này) lại phát ngôn: "Chưa quyết địa điểm xây Trung tâm hành chính quốc gia"; "nhưng định hướng là theo vị trí kết thúc của trục Thăng Long, qua hồ Đồng Mô, dưới chân núi Ba Vì" (nguồn: http://vietnamnet.vn/chinhtri/201004/Chua-quyet-dia-diem-xay-Trung-tam-hanh-chinh-quoc-gia-905539/).

Ngày 11/5/2010 đại diện khác của Bộ Xây dựng giải thích: "Về trung tâm hành chính mới, quy hoạch chỉ đặt vấn đề có quỹ đất dự phòng" (nguồn: http://hanoi.org.vn/planning/archives/394)

Sự thay đổi liên tục các lựa chọn cho thấy những người thực hiện không có chính kiến; Hơn thế, do không có các nghiên cứu cơ bản về vị thế, mô hình tổ chức (đô thị) Trung tâm quyền lực Nhà nước. Dường như có sự thiếu chín chắn trong cách thức tổ chức, nghiên cứu, tiến hành khiến các đề xuất, lựa chọn thiếu cơ sở, theo cảm tính; Mặt khác, dời chuyển Chính phủ (đồng nghĩa với dời đô) là một chủ trương lớn, có lẽ vượt quá khuôn khổ thẩm quyền, và không phải chuyện của một nhà.

Đồ án đã không làm rõ được: Vì sao phải dời chuyển Chính phủ ra khỏi Trung tâm Chính trị Ba Đình (vào năm 2030 - 2050)?

Đồ án đã không làm rõ được: Luận cứ nào cho việc lựa chọn vị trí của Chính phủ tại Chân núi Ba Vì?

Đồ án đã không làm rõ được: Vì sao không tập trung quy hoạch hoàn chỉnh (hoặc mở rộng) Trung tâm Chính trị Ba Đình?

Đồ án cũng đã không làm rõ được: Vì sao phải quy hoạch phân tán thành 3 địa điểm Trung tâm Chính trị - Hành chính quốc gia?

Cũng như vậy, đồ án dường như quá say sưa, thiên lệch với Mô hình đô thị Quần cư; Trong khi, các mô hình quan trọng mang tính quyết định vị thế của thủ đô như Mô hình đô thị Quyền lực Nhà nước, Mô hình đô thị Văn hóa - Lịch sử; Mô hình đô thị Kinh tế; Mô hình đô thị Khoa học - Công nghệ; cùng với các nội dung kèm theo (tiên quyết) như Mô hình phát triển. Sự tương tác vùng và nội tại, Khả năng dung nạp, Khước từ của đô thị,  Sức chứa tới hạn; Cấu trúc đô thị tối ưu.  Tiến trình, kế hoạch đầu tư; Giải pháp đô thị hóa, hiện thực hóa các mục tiêu. Giải pháp kinh tế, quản lý đô thị và nhiều nội dung quan trọng khác phù hợp với điều kiện lịch sử, văn hóa, xã hội, và tự nhiên của Hà Nội (truyền thống và mở rộng); lại rất mờ nhạt hoặc chưa được đề cập tới.

Cũng như vậy, những người thực hiện quá mê mải với những câu chuyện tiểu tiết như "Trục Tâm Linh", "Trục Thăng Long". Các minh họa tính chất của đô thị (Thành phố Xanh - Văn hiến - Văn Minh - Hiện đại) chỉ là những mỹ từ, mà quên nhiệm vụ trọng tâm của đồ án. Quy hoạch chung phải giải quyết đến các vấn đề lớn hơn, đó là mô hình phát triển, cấu trúc đô thị tối ưu, lựa chọn vị trí, quy mô cho các đô thị trung tâm. Bởi, nếu lựa chọn mô hình phát triển không phù hợp, vị trí các đô thị trung tâm sai lệch, quy mô không thực tế thì tất cả những ý đồ, giải pháp, dù hay dù dở đều trở thành vô nghĩa.

Xét tổng quan, công bằng mà nói, đồ án đã đi chệch hướng trong mục tiêu quy hoạch Thủ đô Hà Nội. Kết quả cho thấy, đến nay Trung tâm Chính trị - Hành chính quốc gia chỉ được đề cập và giải quyết như một nội dung đính kèm, đang là một ẩn số, thiếu ổn định, vụn vặt và manh mún (chúng tôi phân tích kỹ  ở bài trước và các bài tiếp theo).

Các câu hỏi đặt ra:

1. Mô hình Trung tâm Hành chính quốc gia bố trí riêng rẽ đã thành công ở những quốc gia nào? Hay chỉ là một thử nghiệm trong đồ án quy hoạch Hà Nội?

2. Vào năm 2030 - 2050 cùng lúc sẽ có 3 Trung tâm quyền lực Nhà nước (Ba Đình - Mỹ Đình - Chân Núi Ba Vì) với khoảng cách 30 - 40 km; mô hình thể chế, phối hợp, giám sát, hoạt động của chính phủ với các cơ quan trung ương khác, an ninh quốc phòng, đối ngoại, đối nội ra sao, giao thông (thường ngày và trường hợp khẩn cấp, chiến tranh) sẽ tổ chức như thế nào?

3. Các thủ đô ngàn năm tuổi (Roma, London, Paris, Bắc Kinh, New Delhi) vẫn tươi mới, giàu sức sống, đẹp và thịnh vượng. Tại sao Hà Nội không tiếp tục phát triển như vốn có, với một Thủ đô tập quyền - Trung tâm quyền lực Nhà nước ở giữa như các thành phố này?

(Tuần VN, 1/6/2010)

Lượt xem: 1546

Các tin khác

Đưa thiên nhiên đến gần cộng đồng

(23/12/2024 06:20:AM)

Áp dụng LEZ: Lựa chọn từ thực tế, kỳ vọng đột phá cho môi trường Thủ đô

(16/12/2024 06:57:AM)

Gỡ vướng mắc thị trường tài chính xanh

(11/12/2024 09:30:AM)

Tài chính khí hậu là con đường dẫn đến công lý khí hậu

(18/11/2024 08:37:AM)

Tìm tiền carbon cho cây lúa

(13/11/2024 08:51:AM)

COP16: Bất đồng chưa thể vượt qua

(05/11/2024 06:53:AM)

Tăng tốc năng lượng tái tạo

(21/10/2024 08:54:AM)

Kinh nghiệm phát triển công trình xanh trên thế giới và đề xuất đẩy mạnh ở việt nam để đáp ứng mục tiêu phát thải ròng khí co2 = zero vào năm 2050

(18/10/2024 08:29:AM)

Người tiêu dùng Net Zero

(30/09/2024 06:12:AM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE