quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
DIỄN ĐÀN MÔI TRƯỜNG

GS Bùi Chí Bửu: “Lợi ích cây trồng biến đổi gien cao hơn tác hại”

Thứ Hai, 13/08/2012 | 03:02:00 PM

GS Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam, là một nhà khoa học đã dành ra nhiều năm nghiên cứu lĩnh vực sinh học biến đổi gien (GMO). Ông cho rằng ứng dụng giống biến đổi gien sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn là mối nguy hại cho nền nông nghiệp.

 

Thái Hằng thực hiện

 

Cục Trồng Trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết đến năm 2015 sẽ đưa vào sản xuất cây trồng GMO, đầu tiên sẽ là giống bắp do có năng suất vượt trội, chống chịu hạn tốt và kháng sâu bệnh.

TBKTSG Online ghi nhận ý kiến ông Bùi Chí Bửu bên lề hội nghị công nghệ sinh học được tổ chức ngày 9-8 ở TPHCM.

GS Bùi Chí Bửu: Xuất khẩu lúa gạo hàng năm mang về hơn 3 tỉ đô la Mỹ cho Việt Nam nhưng đồng thời ngành chăn nuôi đã phải bỏ ra trên 3,7 tỉ đô la Mỹ để nhập khẩu nguyên liệu chế biến thức ăn, trong đó nhập khẩu bắp chiếm một phần rất lớn.

Hiện sản lượng bắp nước ta chỉ mới đảm bảo một phần thức ăn gia súc. Trong khi đó, ở Việt Nam bắp được trồng với diện tích 1,13 triệu hec ta, năng suất trung bình 4,20 tấn/hec ta và sản lượng hàng năm gần 4,7 triệu tấn; phải nhập khẩu mỗi năm trên dưới 1 triệu tấn.

Tuy nhiên, với điều kiện của nước ta, năng suất cây bắp chỉ cần nhích lên 1 tấn/hec ta thì không cần phải nhập nữa!

Bên cạnh những mặt được vẫn tồn tại mối lo ngại GMO là tác hại lên sức khỏe con người, làm thế nào để quản lý được rủi ro này, thưa ông?

- Cây bắp biến đổi gien kháng được con sâu đục thân và trái. Hàng năm chúng ta phải phun thuốc sâu 4-6 lần/vụ, nếu dùng chuyển gien thì hầu như không phải làm điều đó. Giáo sư Paulo Paes de Andrade, Ủy ban an toàn sinh học quốc gia Brazil, quốc gia đứng thứ 2 thế giới về sản phẩm biến đổi gien có đề cập đến những rủi ro, những lo ngại do chúng ta tự đặt ra mà mười mấy năm rồi người ta chưa chứng minh những gì tưởng tượng là có thật cả. Và những điều đó đã làm cản trở sự phát triển của ngành này.

Còn ở Việt Nam, điều bất lợi nhất để đưa giống biến đổi gien vào sản xuất đại trà là dư luận xã hội, có những nhóm này nhóm kia đồng ý hay không đồng ý, làm cho các nhà lãnh đạo, những nhà làm chính sách do dự cho phép phát triển rộng. Sự thật là trên thế giới mười mấy năm rồi người ta vẫn chưa tìm thấy tác hại lên sức khỏe con người, ảnh hưởng đến những con có lợi như ong, bọ rùa, trên cả bông vải, bắp, đậu tương…, như tưởng tượng của chúng ta.

Nói rộng ra, có thể gọi những thay đổi về ứng dụng khoa học kỹ thuật trên nông nghiệp là cách mạng xanh, và nếu chúng ta không đi vào cuộc cách mạng xanh trong thời gian tới thì sẽ rất khó khăn. Việt Nam có diện tích đất lúa cũng ngày một giảm đi, xuống còn 3,8 triệu hec ta trong tương lai. Nếu chúng ta không có biện pháp nào thì biến đổi khí hậu, tình trạng khô hạn, thiếu nước, rồi nhiệt độ nóng lên làm cây không thụ phấn được sẽ tác động lớn đến sản xuất nông nghiệp.

Cái lợi rõ ràng là nhiều hơn cái hại mà chúng ta vẫn tưởng tượng ra.

Nhưng chính trong giới khoa học vẫn có những ý kiến cần phải thận trọng với giống GMO?

- Hiện nay có một số nhà khoa học vẫn lưỡng lự về việc ứng dụng GMO trong sản xuất nông nghiệp, trong khi chúng ta hàng ngày vẫn sử dụng chúng. 90% nguyên liệu dùng để sản xuất thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam là dùng công nghệ GMO.

Trong khoa học có những quan điểm khác nhau, và chỉ những quan điểm trái chiều nhau mới làm cho khoa học phát triển. Nhưng thực tế cho thấy hơn 10 năm qua khi phát triển chăn nuôi công nghiệp, đặc biệt ở 2 tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, số trang trại rất lớn và chúng ta nhập toàn đậu nành và bắp chuyển gien mà đến nay vẫn chưa có vấn đề gì.

Chúng ta có thể hiểu bản thân gien là những axit, sản phẩm của gien là protein, chúng ta ăn là ăn sản phẩm của gien, là protein, mà protein người ta chứng minh không có hại cho động vật máu nóng.

Trong nhiều năm qua mình vẫn tiêu thụ các sản phẩm biến đổi gien?

- Chúng ta ăn gián tiếp qua thịt bò, gà, heo, cá tôm sau khi chúng tiêu thụ thức ăn chăn nuôi có chất GMO như tôi đã nói ở trên.

Brazil có hội đồng an toàn sinh học quốc gia, với  sự tham gia của nhiều bộ ngành có liên quan cùng giám sát lĩnh vực GMO, ở Việt Nam thì sao, thưa ông?

- Việt Nam cũng đang làm như vậy. Năm 2009 Quốc hội bỏ phiếu Luật Đa dạng sinh học, trong đó có đề cập đến sản phẩm biến đổi gien. Cuối năm 2011, ba bộ cùng ngồi lại với nhau để làm hướng dẫn, tôi dự đoán đến tháng 4-2013 bắp chuyển gien mới phát triển mạnh được. Còn từ giờ đến cuối năm chúng tôi còn chờ kết luận cuối cùng của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Có lo ngại nguy cơ lây lan mầm mống chất GMO sang cây lúa là cây lương thực chính của nước ta?

- Rủi ro đó gọi là “dòng chảy của gien”, lan truyền chủ yếu do phấn hoa phát tán. Tuy nhiên, đến giờ phút này người ta chứng minh là ở lúa không có. Hơn nữa cây gì thì sẽ ra cây nấy, bắp thì lai được với bắp, còn lúa hoàn toàn khác, không lai được.

Hiện tượng “dòng chảy của gien” chỉ có trên cây hướng dương nhưng theo tôi về mặt khoa học có thể kiểm soát được hiện tượng này.

Xin cảm ơn ông!

Tại hội nghị, GS Paulo Paes de Andrade, Ủy ban an toàn sinh học quốc gia Brazil cho hay, nhờ ứng dụng GMO, bên cạnh trình độ phát triển kỹ thuật nông nghiệp mà nước này đã vượt lên về năng suất, từ một nông dân sản xuất lương thực cho 13 người năm 1904 tăng lên một nông dân sản xuất cho 120 người như ngày nay.

Tuy nhiên, sự phát triển của lĩnh vực này ở Brazil cũng gặp rất nhiều khó khăn, đó là sự phân hóa về tư tưởng ngay trong chính Hội đồng Kỹ thuật An toàn sinh học quốc gia Brazil, tổ chức đứng đầu cho mọi hoạt động liên quan đến kỹ thuật di truyền ở nước này; các vụ kiện chống lại các tổ chức tư nhân và chính phủ do các tổ chức nông dân thực hiện…

(TBKTSG)

 

Lượt xem: 1007

Các tin khác

Đưa thiên nhiên đến gần cộng đồng

(23/12/2024 06:20:AM)

Áp dụng LEZ: Lựa chọn từ thực tế, kỳ vọng đột phá cho môi trường Thủ đô

(16/12/2024 06:57:AM)

Gỡ vướng mắc thị trường tài chính xanh

(11/12/2024 09:30:AM)

Tài chính khí hậu là con đường dẫn đến công lý khí hậu

(18/11/2024 08:37:AM)

Tìm tiền carbon cho cây lúa

(13/11/2024 08:51:AM)

COP16: Bất đồng chưa thể vượt qua

(05/11/2024 06:53:AM)

Tăng tốc năng lượng tái tạo

(21/10/2024 08:54:AM)

Kinh nghiệm phát triển công trình xanh trên thế giới và đề xuất đẩy mạnh ở việt nam để đáp ứng mục tiêu phát thải ròng khí co2 = zero vào năm 2050

(18/10/2024 08:29:AM)

Người tiêu dùng Net Zero

(30/09/2024 06:12:AM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE