Góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu sinh học trong các trường đại học hiện nay
(VACNE) - Dựa trên phân tích bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập, cùng với các cuốc khủng hoảng về kinh tế-xã hội, môi trường và xu hướng phát triển bền vững, cải cách giáo dục hiện nay trên thế giới, phân tích hiện trạng và xu hướng đổi mới toàn diện, sâu sắc công tác giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ trong nước, tác giả đưa ra một số khuyến nghị nhằm đổi mới công tác giảng dạy và nghiên cứu trong các trường đại học theo hướng gắn kết hơn nữa với thực tiễn phát triển, đào tạo qua nghiên cứu và cho nghiên cứu, xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh, các trung tâm xuất sắc và đẩy mạnh hội nhập quốc tế.
GS.TSKH Trương Quang Học
Trung tâm Nghiên cứu TN&MT (Đại học Quốc gia Hà Nội),
Trưởng ban Biến đối khí hậu, Hội Bảo vệ TN&MT Việt Nam
Đặt vấn đề
Thế giới sống hay cụ thể hơn là đa dạng sinh học (ĐDSH), là nguồn tài nguyên quí giá nhất, chỉ có trên Trái đất chúng ta, có vai trò rất lớn đối với tự nhiên và đời sống con người. Đa dang sinh học mà trước hết là các dịch vụ HST là cơ sở cung cấp và đảm bảo sự thịnh vương cho loài người trong suốt quá trình phát triển đã qua, hiện nay và mãi mãi trong tương lai [23, 28] . Đã có một thời, con người ngạo mạn khi tưởng rằng bằng cách nào đó chúng ta có thể tiến lên mà không có đa dạng sinh học hay đa dạng sinh học chỉ là việc phụ: sự thật là chúng ta cần đa dạng sinh học hơn bao giờ hết trên một hành tinh của 7 tỷ người và sẽ là của 9 tỷ người vào năm 2050 [1].
Hiện nay, ĐDSH đang bị suy thái một cách báo động trên phạm vi toàn cầu và được xem là một trong hai (Suy thoái đa dạng sinh học và Biến đổi khí hậu) vấn đề môi trường nghiêm trọng nhất, thách thức lớn nhất cho sự phát triển bền vững (PTBV) của nhân loại trong thế kỷ 21 [23, 24]. Vì vậy, nghiên cứu và giáo dục về Sinh học/Đa dạng sinh học có ý nghĩa ngày càng lớn, không chỉ theo nghĩa bảo tồn tài nguyên, mà còn trong ứng phó với BĐKH và PTBV.
Sinh học hay rộng hơn là Khoa học sự sống là khoa học liên ngành, vừa mang tính cơ bản vừa mang tình ứng dụng cao. Công tác giảng dạy sinh học trong các trường đại học Việt Nam đã có một lịch sử phát triển ít nhất là 50 năm (kể từ sau cuôc kháng chiến lần thứ nhất). Chúng ta có rất nhiều thành tựu. Nhưng nhìn lại, nhiều người còn chưa thấy thỏa mãn vi chưa tương xứng với tiềm năng, chưa đáp ứng được các yếu cầu phát triển của xã hội..
Bài viết này nhằm thảo luận một số vấn đề về giảng dạy và nghiên cứu Sinh học ở các trường đại học với hy vọng góp một phần nhỏ nâng cao chất lượng đào tạo lĩnh vực quan trọng này trong bối cảnh biến đổi toàn cầu hiện nay.
1. Bối cảnh
1.1 .Bối cảnh quốc tế
Sau hai hội nghị thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc, Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất về Môi trường và Phát triển tai Rio de Janeiro, Brazin năm 1992, Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới về Phát triển bền vững ở Jahannesburg, Nam Phi năm 2002, phát triển bền vững (PTBV), đã trở thành chiến lược phát triển của toàn nhân loại trong thế kỷ 21 [3, 5, 20, 23]..
Trong khung cảnh đó, cuộc cách mạng khoa học – công nghệ (KHCN) hiện đại của thế giới (đặc biệt là 4 cuộc cách mạng GRIN: Công nghệ sinh học – Genomics; Tự động hóa – Robobtics; Công nghệ thông tin – Informatics; và Công nghệ nano – Nano Science and Technology) tiếp tục phát triển với nhịp điệu ngày một nhanh, tạo ra những thành tựu mang tính đột phá, làm thay đổi nhanh chóng, sâu sắc và quyết định đối với sự phát triển của kinh tế, xã hội và bản thân con người. KHCN đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp; thời gian đưa kết quả nghiên cứu vào ứng dụng ngày càng thu hẹp, vòng đời công nghệ ngày càng rút ngắn. Thế giới đang hướng tới nền kinh tế tri thức và toàn cầu hóa [22].
Bên cạnh đó, chúng ta cũng đang phải đối mặt với một thế giới đầy biến động, với những cuộc khủng hoảng mới về kinh tế/ tài chính, về xã hội và về sinh thái (mà quan trọng nhất là cuộc khủng hoảng khí hậu, BĐKH) thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế và đòi hỏi phải có những cố gắng mới để ứng phó. Trong bối cảnh biến đổi toàn cầu hiện nay, thế giới tập trung vào ba định hướng: (i) xã hội cacbon thấp; (ii) xã hội tái tạo tài nguyên; và (iii) xã hội hài hòa với thiên nhiên (Sumi et al., 2011). Và con đường PTBV là phát triển xanh/kinh tế xanh – một trong hai chủ để xuyên suốt được thảo luận tại Hội nghị của LHQ về phát triển bền vững được tổ chức vào ngày 20-22 tháng 6 vừa qua tại RIO de Janeiro: i) Phát triển kinh tế xanh và giảm nghèo; ii) Hoàn thiện hệ thống thể chế (How to build a green economy to achieve sustainable development and lift people out of poverty; How to improve international coordination for sustainable development) [7, 10, 14, 25, 27, 29].
Trong bối cảnh đó, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao (CLC) là chiến lược phát triển/ cạnh tranh của các nước. Theo đó, phương châm của giáo dục là: “Học để biết, học để làm, học để sống và học để sống với nhau” (learning to know, learning to do, learning to be and learning to live together), khác với quan niệm truyền thống trước đây: Học để làm (“Job-ready” graduate).
Nhân lực CLC của Thế kỷ XXI cần có ba tố chất: i) Năng lực tư duy sáng tạo (creative thinking manpower) để phát hiện và giải quyết các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn cuộc sống, KHCN, trong tổ chức quản lý, trong cơ chế thị trường; ii) Năng lực hành động sáng nghiệp (entrepreneurial manpower) (tạo lập việc làm, doanh nghiệp cho mình và cho người khác trong môi trường cạnh tranh quyết liệt hiện nay), và iii) Năng lực tự học và nghiên cứu khoa học - học suốt đời.
Vì vậy, phương châm đổi mới giáo dục đại học (GDĐH) hiện nay là: “kết hợp học tập với giải quyết các vấn đề thực tiễn thông qua nghiên cứu/ triển khai/ chuyển giao công nghệ / phục vụ xã hội…để tạo nên nguồn nhân lực mới chất lượng cao”. Nói một cách khác, nghiên cứu khoa học (NCKH) – được quan niệm là một chức năng đặc trưng của GDĐH.
1.2. Bối cảnh quốc gia
Trong hai mươi năm qua, đặc biệt là 10 năm gần đây, Việt Nam đã tận dụng thời cơ thuận lợi, vượt qua nhiều thách thức khó khăn thực hiện PTBV đất nước và đã đạt được những thành tựu to lớn và rất quan trọng về kinh tế, xã hội và môi trường.
Bên cạnh những kết quả nêu trên, trong thực thi PTBV cũng còn nhiều yếu kém, bất cập. Những thành tựu đạt được chưa tương xứng với tiềm năng. Chất lượng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Tăng trưởng kinh tế còn dựa nhiều vào các yếu tố phát triển theo chiều rộng, chậm chuyển sang phát triển theo chiều sâu. Huy động và hiệu quả sử dụng các nguồn lực còn hạn chế; lãng phí, thất thoát còn nhiều; hiệu quả đầu tư thấp. Tiêu hao nguyên liệu, năng lượng còn rất lớn. Việc khai thác và sử dụng tài nguyên chưa thật hợp lý và tiết kiệm. Các cân đối kinh tế vĩ mô chưa thật vững chắc, bội chi ngân sách, thâm hụt cán cân thương mại còn lớn, lạm phát còn cao. Môi trường sinh thái nhiều nơi bị ô nhiễm nặng…[3, 10].
Trong giai đoạn hiện nay, PTBV ở Việt Nam đang đứng trước nhiều khó khăn thách thức lớn có tính chất toàn cầu cũng như những thách thức chủ quan khác của đất nước: i) Tác động của khủng hoảng tài chính, biến động giá lương thực và năng lượng: ii) Biến đổi khí hậu: iii) Tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt; iv) Môi trường bị suy thoái kéo dài do hậu quả của chiến tranh (bom mìn và chất độc da cam/dioxin) và quá trình phát triển KT-XH hiện nay; v) Trình độ phát triển, hiệu quả sản xuất và tiêu dùng thấp…[10, 11]
Việt Nam với quyết tâm cao, tiếp tục giữ vững các cam kết quốc tế với quan điểm phát triển nhanh và bền vững, thực hiện các chiến lược quốc gia (Chiến lược phát triển bền vững, Chiến lược về BĐKH, Chiến lược tăng trưởng xanh…) nhằm thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và phát triển kinh tế theo chiều sâu để tiến tới việc sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính thông qua nghiên cứu và áp dụng công nghệ hiện đại, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng để nâng cao hiệu quả nền kinh tế, ứng phó với BĐKH, góp phần xóa đói giảm nghèo…, và tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế một cách bền vững.
Hàng loạt các văn bản quy định pháp luật đã được ban hành trong đó khẳng định Khoa hoc, Giáo dục được coi là quốc sách hàng đầu, là động lực phát triển kinh tế - xã hội, là hòn đá tảng cho CNH, HĐH đất nước. Tuy nhiên, trong thực tế vừa qua, GD và KH-CN còn nhiều yếu kém, một phân là do chưa được đầu tư đúng mức, đặc biệt là trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao - yếu tố quyết định sự phát triển và cạnh tranh trong xu hướng hội nhập và toàn cầu hoá hiện nay…[10, 6, 7, 8, 9, 11, 15, 16]. Các chiến lược phát triển KH-CN, Giáo dục và các giải pháp thực hiện gần đây đã được ban hành và hy vọng sẽ sớm đi vào thực tế [8. 9. 15. 16].
2. Thảo luận và khuyến nghị
Dựa trên sự phấn tích bối cảnh quốc tế, bối cảnh trong nước, thực tế giảng dạy về Sinh học vừa qua ở một số trường ĐH trong nước và các kinh nghiệm quốc tế, chúng tôi xin mạnh dạn có một số thảo luận và khuyến nghị khái quát, với hy vọng có thể góp phần nâng cao chất lượng đào tạo Sinh học trong các trường đại học hiện nay.
a. Các chương trình đào tạo cần gắn chặt hơn nữa với Thực tiễn phát triển của đất nước theo phương châm: Suy nghĩ toàn cầu, hành động địa phương (Thinking globally, acting locally). Những vấn đề cơ bản và xuyên suốt gồm: i) Phát triển bền vững và con đường đề phát triển bền vững – tăng trưởng xanh ( năng lượng xanh, lối sống xanh, vốn tự nhiên, dịch vụ HST…); ii) Ứng phó với BĐKH và giảm nghèo. Đồng thời gắn chặt hơn với các khoa học khác có liên quan, nhất là các Khoa học về Trái đất. Cần cập nhật, lồng ghép các nội dung này vào các chương trinh hay môn học một cách thích hợp.
- Có thể thêm môn học đại loại như “Sinh học và thực tiễn phát triển của Việt Nam” để sinh viên thấy được các nhu cầu thực tiễn hiện nay đối với Sinh học về mặt cơ bản cũng như ứng dụng (tương tự như môn học Biology and the American social contract ở một số ĐH Hoa Kỳ: Scientific background of such biological issues as teaching of evolution and the creationist viewpoint, risk assessment and the causes of cancer and neurodegenerative diseases, genetic engineering in medical and agricultural research, the use of animals and humans in research. Case studies of the impact of public and private interests on biological research in the United States);
- Lồng ghép các vấn đề thực tiễn hoặc tăng cường liên hệ/phân tích thực tiễn, qua các cases studies trong các môn học cụ thể phù hợp.
b.Xác định một tỷ lệ “mềm” trong chương trình đào tạo để định kỳ câp nhật, đổi mới chương trình phù hợp với thực tiễn phát triển (một cách chóng mặt như hiện nay).
c. Tăng cường giảng dạy về sinh thái học theo nghĩa: hệ sinh thái (HST) vừa là đối tượng nghiên cứu (cấu truc, chức năng, dịch vụ, các chu trình Sinh-Địa-Hóa, dòng năng lượng, diễn thể, tính chỗng chịu, tính thích ứng), vừa là cách tiếp cận khoa học (ecosystem based approach) vừa là giải pháp để giải quyết vấn đề (ecological engineering solutions). Trong đó chú ý các vấn đề mang tính tích hợp cao và xuyên suốt (dịch vụ hệ sinh thái, tính chống chịu-thích ứng (adaptive-resisiliance) của các hệ thống bao gồm HST tự nhiên (ecological system) và đặc biệt là HST-XH (socio-ecological suystem) và các giải pháp tổng hợp để duy trì và tăng cường nó trong từng điều kiện cụ thể. Nghiên cứu và giảng day về Sinh thái học, nhất là HST ở ta còn yếu và cần phải được tăng cường ngay, càng sớm càng tốt.
- Có thể thêm hoặc tích hợp môn Sinh thái nhân văn (Khoa học nghiên cứu mối tương tác giữa hai hệ thống tự nhiên và xã hội) vào chương trình, đặc biệt chú ý tới các kiến thức của thực tiễn Việt Nam.
d.Trong chương trình đào tạo Công nghệ sinh học nên tăng cường phần công nghệ để có được hai chân (Sinh học và Công nghệ) đều nhau.
e. Chương trình đào tạo phải được thiết kế và tổ chức thực hiện theo phương châm: đào tạo qua nghiên cứu và cho nghiên cứu. Cụ thể:
- Nhanh chóng xây dựng một số trường đại học trọng điểm theo mô hình Đại học định hướng nghiên cứu (các con chim đầu đàn của hệ thống GD Việt Nam). Tốt nhất là chuyển các viên nghiên cứu cơ bản về các trường Đại học này.
- Tăng cường công tác nghiên cứu khoa học bao, gồm cả công tác nghiên cứu khoa học của sinh viên trong các trường đại học. Nghiên cứu khoa học trong ĐH có hiệu quả kép, tạo ra đồng thời các sản phẩm KH-CN và các sản phẩm đào tạo.
- Khẩn chương xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh, các trung tâm nghiên cứu xuất sắc (cỗ máy sản xuất ra các sản phẩm KH-CN, đồng thời là nơi đào tạo nguồn nhân lực CLC, nhất là ở bậc thạc sĩ và tiến sĩ).
- Tăng cường thời lượng cho thực tập, cho thâm nhập thực tế (tương tự như thực tập sản xuất (ở khoa Sinh học ĐHTH Hà Nội ngày xưa).
- Tăng thời lượng cho các semine, làm tiểu luận cho sinh viên (nhất là tiểu luận theo nhóm.
- Áp dụng phương pháp dạy-học tích cực phù hợp với từng môn học…
f. Từng bước hiện đại hóa (để hội nhập một cách chủ động và thực chất) chương trình đào tạo cả về cấu trúc, nội dung và tổ chức thực hiện. Một trong những giải pháp hữu hiệu là đẩy mạnh hợp tác quốc tế (theo nhiều cách, nhiều mức độ khác nhau). Ưu tiên đào tạo đội ngũ cán bộ giảng dạy trẻ (chú ý đào tạo theo nhóm, đồng bộ) - yếu tố quyết định nhất tới chất lượng giao dục. Trên thế giới, đặc biết là ở các nước châu Á (Singapor, Hàn Quốc, Trung Quốc…) đã có rất nhiều bài học.
g. Trong thời đại hội nhập hiện nay, theo phương châm giáo dục trong thế kỷ 21 của UNESCO, phù hợp với thời đai bung nổ thông tin các chương trình đào tạo thường tập trung vào ba nhóm yếu cầu: i) các Kiến thức cơ bản nhất (làm vốn); ii) Phương pháp luận (để học suốt đời và để giải quyết các vấn đề mới luôn luôn do thực tế đặt ra); và iii) Các kỹ năng /phương pháp cần thiết nhất (để có thể làm việc hiệu quả ngay sau khi ra trường), có lẽ chương trình đào tạo của chung ta cũng nên cải cách theo hướng nay. (Chương trình hiện nay hình như quá nặng và chưa thật thiết thực).
Giá trị cuối cùng của các cơ sở giáo dục là đào tạo ra những con người có nghề và biết làm nghề để kiếm sống và phục vụ xã hội trong cơ chế thị trường mở.
Kết luận
Trong thời gian qua, giáo dục đào tạo nói chung, giáo dục đào tạo Sinh học nói riêng đã có nhiều thành tựu và đã có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển KH-CN và xây dựng đất. Bên cạnh đó cũng còn những yếu kém, bất cập. Trước yếu cầu mới của phát triển đất nước công tác giảng day Sinh học cũng cần có những đổi mới theo xu hướng hội nhập và phục vụ thiết thực cho sự nghiệp PTBV của đất nước trong bối cảnh biến đổi toàn cầu hiện nay.
Tài liệu tham khảo
1. Ban thư ký Công ước Đa dạng Sinh học, 2010. Báo cáo triển vọng đa dạng sinh học toàn cầu lần thứ 3. Montreal.
2. Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2010. Báo cáo môi trường quốc gia 2010: Tổng quan môi trường Việt Nam. Hà Nội, 2010.
3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2011. Kỷ yếu Hội nghị phát triển bền vững toàn quốc lần thứ ba. Hà Nội, tháng 01 năm 2011.
4. Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, 2004. Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam (Chương trình Nghị sự 21 của Việt Nam). Hà Nội, 8.2004.
5. Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, 2010. VIỆT NAM: 2/3 chặng đường thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hướng tới năm 2015. Hà Nội, 8.2010.
6. Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, 2011. Chiến lược Quốc gia về Biến đổi khí hậu. Hà Nội, 12.2011.
7. Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, 2012a. Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020. Hà Nội, 4.2012.
8. Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, 2012b: Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011 – 2020.
9. Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, 2012c. Chiến lược phát triển giáo dục 2011 – 2020.
10. Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, 2012d. Thực hiện phát triển bền vững ở Việt Nam. Báo cáo quốc gia tại Hội nghị cấp cao của Liên Hiệp Quốc về Phát triển bền vững (RIO+20). Hà Nội, 5.2012.
11. Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, 2012e. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Hà Nội, 9.2012
12. IUCN, UNEP, WWF, 1996. Cứu lấy Trái đất: Chiến lược cho cuộc sống bền vững. NXB. Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội
13. IPCC, 2007. “Báo cáo đánh giá lần 4 của UBLCPVBĐKH: Nhóm I: “Khoa học vật lý về biến đổi khí hậu”, Nhóm II: “Tác động, thích ứng và khả năng bị tổn thương”, Nhóm III: “Giảm nhẹ biến đổi khí hậu”.
14. Ngân hàng Thế giới, 2012. Tăng trưởng xanh cho mọi người: Con đường hướng tới Phát triển bền vững, Ngân hành thế giới. Oa-sinh-ton D.C..
15. Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, 2000. Luật Khoa học và Công nghệ.
16. Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, 2012. Luật Giáo dục đại học.
17. Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam,
18. Quyết định phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, Số 158/2008/QĐ-TTg, ngày 02/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ.
19. Sumi, A; Mimura, N; Masui, T., 2011. Climate change and Global Sustainability: A Hoclistic Approach. UN University Press. Tokyo-New York-Paris.
20. Trương Quang Học, 2005. Nghiên cứu và đào tạo về môi trường và phát triển bền vững. Kỷ yếu Hội thảo khoa học về môi trường và phát triển bền vững. NXB Khoa học và Công nghệ. Hà Nội.
21. Trương Quang Học, 2010. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến đa dạng sinh học của Việt Nam. Kỷ yếu Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ III. Hà Nội, 2010
22. Trương Quang Học, 2010. Biến đổi khí hậu toàn cầu: Cơ hội và Thách thức cho Nghiên cứu và Đào tạo. Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường: 25 năm xây dựng và phát triển. NXB Khoa học và Công nghệ. Hà Nội.
23. Trương Quang Học, 2012. VIỆT NAM: Thiên nhiên, Môi trường và Phát triển bền vững. Nxb Khoa học và Kỹ thuật. Hà Nội.
24. Truong Quang Hoc and Tran Hong Thai, 2008. Climate Change and Sustainable Development in Vietnam: Climate Change Inpacts on Nature and Society Life. Proceedings, The 2nd Vietnam-Japan Symposium on Climate Change and the Sustainability, 11/2008. Vietnam. National University Press. Ha Noi.
25. UNDP, 2007. Báo cáo Phát triển con người 2007/2008. Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu: Đoàn kết nhân loại trong một thế giới phân cách. UNDP, Hà Nội.
26. WB, 2010. Development and Climate Change. World Development Report. The World Bank.
27. WB, 2011. Conflict, Security, and Development. The World Bank.
28. The European Commision, 2012. Life, Lives and Livelyhood. The European Commision’s work on Biodiversity and Development.
29. The future we want: RIO+20 outcome Documents , 2012
(www.uncsd2012.org/.../documents/)
30. Chương trình giảng dạy Sinh học của một số trường đại học trong và ngoài nước (…)
Summary
Contributions to improving the teaching and research quality
in Biology in Vietnam universities
Prof. DSc. Truong Quang Hoc
Center for Natural Resources and Environmental Studies
VIETNAM NATIONAL UNIVERSITY, HANOI
In the context of integration and globalisation, together with the economic, social, and environmental crisis, and current sustainable development orientations, education development in the world, of the current status and tendences of the deep and comprehensive reforms in education and science-technology in Vietnam, the author recommends solutions for improving the education and research quality in biology in Vietnam universities, through a closer linkage with social developental practice, strengthening of research activities, training via research and for research, the development of strong scentific working groups, centres of excellence, and the strengthening of international integration.
Key words: traing, research, high quality, international integration, Biology, university