quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
HOẠT ĐỘNG HỘI VACNE

Góp bàn về tư duy xanh trong chính sách tài chính thúc đẩy bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên hướng đến phát triển bền vững ở Việt Nam

Thứ Sáu, 28/09/2018 | 10:15:00 AM

(VACNE) - Báo cáo của Hội Bảo vệ TN&MT Việt Nam do PGS. TS Lê Văn Thăng, Ủy viên Thường vụ Hội, trình bày tại Hội thảo “Cơ chế tài chính hỗ trợ phát triển các mô hình kinh tế xanh, gắn với bảo vệ môi trường” do Viện Chiến lược và Chính sách tài chính và Văn phòng Dự án Quản trị Nhà nước tổ chức ngày 27-28/9/2018 tại Đà Nẵng

Góp bàn về tư duy xanh trong chính sách tài chính thúc đẩy bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên hướng đến phát triển bền vững ở Việt Nam

Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam





Đặt vấn đề

“Xanh hóa” (greening) là thuật ngữ hiện là phổ biến và chính thức cả trong nghiên cứu khoa học và cả trong quản lý phát triển theo hướng phát triển bền vững, được xuất hiện gắn với bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu. “Xanh” hiện được sử dụng phổ biến như là tính từ gắn với nhiều khái niệm phát triển quan trọng, như tăng trưởng xanh, phát triển xanh, kinh tế xanh, sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, tài chính xanh, …

Việt Nam đã ban hành và đang thực hiện Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh (QĐ số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012), Kế hoạch hành động quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 - 2020 (QĐ số 403/QĐ-TTg ngày 20/3/2014); các bộ ngành, địa phương, các tổ chức, cộng đồng trong xã hội cũng có những chương trình, kế hoạch hành động cụ thể của mình hướng tới bền vững và xanh.

 

Bài viết này đề cập tới tư duy xanh như là cơ sở cho các hành động và quyết định hành động phát triển và liên hệ với chính sách tài chính thúc đẩy bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên hướng đến phát triển bền vững ở nước ta.

 

 

1. Tư duy xanh trong quyết định phát triển

Tài nguyên và môi trường ngày nay đã trở thành nội dung trọng tâm trong quản lý phát triển theo hướng bền vững và ứng phó với BĐKH. Sự khan hiếm, cạn kiệt dần tài nguyên và sự suy giảm, suy thoái chất lượng môi trường sống đang là thách thức lớn, thậm chí nghiêm trọng. Các quốc gia trên thế giới cũng đã thống nhất với nhau rằng cần thay đổi nhận thức, tư duy về mối quan hệ Con người – Tự nhiên và trên cơ sở những thay đổi ấy có hành động phù hợp.

Từ Tuyên bố Stockholm về Môi trường con người năm 1972 cho đến nay đã có sự thay đổi lớn về nhận thức về mối quan hệ Con người – Tự nhiên theo hướng con người không phải đứng ngoài để chinh phục, khai thác tự nhiên, bắt tự nhiên phục vụ nhu cầu của con người mà cuộc sống của con người phụ thuộc vào tự nhiên, phải ứng xử tôn trọng, hài hòa với tự nhiên. Phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, phát triển xanh hay nói cách khác xanh hóa phát triển, tăng trưởng đang là định hướng chủ đạo cả trong tư duy cả trong quyết định và hành động về phát triển.

Có nhiều định nghĩa về xanh hóa, nhưng có thể hiểu một cách ngắn gọn, đơn giản là làm cho mọi hoạt động phát triển ngày càng trở nên xanh, thân thiện nhiều hơn với môi trường. Xanh hóa hay tính từ Xanh được lựa chọn sử dụng không chỉ vì màu sắc đặc trưng cho tự nhiên mà còn để đối lập với mầu Nâu vốn thường được sử dụng để chỉ hiện trạng ô nhiễm, suy thoái của tự nhiên, môi trường.

Tính chất xanh trong các quyết định và hoạt động phát triển thường được diễn giải là thân thiện với Tự nhiên và tập trung vào 2 yếu tố tác động tới Tự nhiên chủ yếu nhất là: sử dụng khôn khéo, thông minh tài nguyên tự nhiên; và gắn với đó là phát thải ít nhất ra môi trường. Khái niệm xanh hóa sự phát triển hay tăng trưởng xanh, phát triển xanh không thay thế khái niệm phát triển bền vững mà là cách diễn đạt mới của phát triển bền vững gắn với bối cảnh phát triển mới là biến đổi khí hậu (và điều này đã được xác định trong quan điểm Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh). Vậy là, tất yếu xanh hóa cũng chính là tất yếu phát triển bền vững với sự nhấn mạnh vào ứng phó với biến đổi khí hậu để thực hiện phát triển bền vững. Tư duy xanh về thực chất, bản chất cũng là tư duy phát triển bền vững gắn với bối cảnh tác động ngày càng rõ rệt và tăng lên của biến đổi khí hậu.

Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh của Việt Nam đã xác định 3 nội dung chính, gồm: (i) Giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; (ii) Xanh hóa sản xuất, khuyến khích phát triển công nghiệp xanh, nông nghiệp xanh; (iii) Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững. Nhìn từ giác độ kinh tế chính trị thì các nội dung Tăng trưởng xanh nói trên đều xoay quanh trục Tiêu dùng. Bởi lẽ, suy cho cùng thì sản xuất cũng là hành động tiêu dùng, hay nói cụ thể hơn thì là hành động khai thác, sử dụng tài nguyên và môi trường tự nhiên thông qua các công nghệ sản xuất để tạo ra sản phẩm cho nhu cầu sống và phát triển của con người. Còn nhìn từ giác độ tài nguyên, môi trường thì sản xuất cũng là tiêu dùng tài nguyên (đất, nước, khoáng sản, ...) và môi trường (thải các chất thải ở dạng rắn, khí, lỏng). Kinh tế học phân định tiêu dùng sản xuất (khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên cho mục đích sản xuất, cung ứng sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của xã hội) và tiêu dùng cá nhân (sử dụng các sản phẩm được sản xuất ra cho nhu cầu cá nhân).

Tiêu dùng bền vững và gắn với đó là tiêu dùng xanh được hiểu một cách chung nhất là "việc sử dụng hàng hóa và dịch vụ để đáp ứng những nhu cầu cơ bản và nâng cao chất lượng cuộc sống trong khi sử dụng ít hơn tài nguyên thiên nhiên và các chất độc hại, đồng thời giảm phát thải và chất gây ô nhiễm trong chu trình sống và không làm tổn hại tới việc đáp ứng nhu cầu của thế hệ mai sau" (UN, 1995). UNEP xác định “mục đích cuối cùng của tiêu dùng bền vững là cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống của cả người tiêu dùng thế hệ hiện nay và các thế hệ mai sau, đồng thời giảm thiểu tác động tới môi trường” với nhận định rằng “tiêu dùng bền vững là chìa khoá cho phép xã hội và cá nhân phát triển mà không nhất thiết phải hy sinh chất lượng cuộc sống hoặc các yếu tố phát triển bền vững”.

Thế nhưng làm thế nào để thực hiện tiêu dùng bền vững thì các quốc gia vẫn đang tìm kiếm câu trả lời phù hợp nhất, từ khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên hiện có, bao gồm cả chế biến sâu tài nguyên, tái sử dụng, tái chế chất thải (như sản xuất sạch hơn, 3R, 4R[1], …), cho đến tăng cường các nguồn tài nguyên năng lượng sạch như gió, năng lượng mặt trời, thủy triều, ... cũng như tìm kiếm và sử dụng các nguồn tài nguyên mới ở sâu hơn trong lòng trái đất, như băng cháy, địa nhiệt, …

Tác động của biến đổi khí hậu ngày càng tăng rõ rệt cũng đang thúc đẩy sự tìm kiếm này bởi sự gia tăng các nguy cơ về an ninh năng lượng, an ninh tài nguyên, an ninh môi trường và theo đó là an ninh con người. Hướng vào tăng trưởng xanh, phát triển nền kinh tế xanh với tiêu dùng xanh là cách thức ứng phó mới của các quốc gia trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Như đã nói ở trên, tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, xét về bản chất, không thay thế phát triển bền vững mà là cách gọi mới trong bối cảnh biến đổi khí hậu với sự nhấn mạnh vào sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, phát thải thấp khí nhà kính ra môi trường. Cũng vậy, sản xuất, tiêu dùng xanh không thay thế sản xuất, tiêu dùng bền vững mà là cách thức sản xuất, tiêu dùng để thực hiện tăng trưởng xanh, kinh tế xanh ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu.

Vậy là, về nhận thức, con người từ chỗ coi tự nhiên là tặng vật nên khai thác, sử dụng một cách vô tư, thoải mái, thậm chí thô bạo, không chú ý đến tính dễ bị tổn thương, tính giới hạn về khả năng tái tạo hay phục hồi của tự nhiên để rồi bị tự nhiên phản ứng, “trả thù”, phải trả giá bằng chính tương lai phát triển tiếp tục của mình và các thế hệ tiếp theo. Khi nhận ra, tuy có muộn, nhưng con người đã điều chỉnh nhận thức của mình thông qua thay đổi cách thức quan hệ với tự nhiên.

Cho đến nay, con người đã nhận thức lại rằng mình là bộ phận của tự nhiên, sinh ra từ tự nhiên, tiến hóa theo các quy luật sinh tồn của tự nhiên và cần thiết phải duy trì mối quan hệ chặt chẽ, hài hòa với tự nhiên để có thể tiếp tục phát triển một cách bền vững. Nói là nhận thức lại là bởi lẽ trước đây con người đã từng nhận thức, ứng xử với tự nhiên không phải hoặc không hoàn toàn như vậy. Điều khó khăn cơ bản ở đây là nhận thức mới cần được thể hiện trong bối cảnh phát triển của nền kinh tế thị trường hiện được hầu hết các quốc gia trên thế giới coi là phương thức phát triển chủ đạo ít ra trong thế kỷ 21 này mà chi phối ở đó (tức nền kinh tế thị trường) là quan hệ thị trường, quan hệ giá trị, động lực chính của mọi hoạt động là lợi nhuận. Đây là câu hỏi khó và phức tạp, đang được tìm kiếm lời giải.

Thực tế đang hé mở hy vọng cho hướng tìm kiếm lời giải này. Đó là coi tài nguyên không chỉ là nguồn lực (resource), tài sản (asset) mà còn là nguồn vốn (capital) cho phát triển. Nghĩa là tài nguyên thiên nhiên cần được lượng giá, định giá (hay vốn hóa) như là một nguồn vốn kinh tế để có thể đưa vào lưu thông bình thường trong các hoạt động kinh tế trong nền kinh tế thị trường. Đó cũng là quan điểm lãnh đạo và quản lý phát triển bền vững ở Việt Nam của Đảng CSVN, cụ thể “Tài nguyên là tài sản quốc gia, là nguồn lực, nguồn vốn tự nhiên đặc biệt quan trọng để phát triển đất nước. Tài nguyên phải được đánh giá đầy đủ các giá trị, định giá, hạch toán trong nền kinh tế, được quản lý, bảo vệ chặt chẽ; khai thác, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả và bền vững, gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh tài nguyên” (Nghị quyết của Ban chấp hành TƯ Đảng CSVN số 24-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2013 về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường).

Tuy vậy, cũng lưu ý rằng sự hé mở hy vọng cho hướng tìm kiếm lời giải nói trên có đúng và phù hợp cho lâu dài hay không vẫn còn bỏ ngỏ bởi lẽ cả lý thuyết và cả thực tiễn vài thế kỷ phát triển kinh tế thị trường cho đến nay đã chỉ ra rằng bên cạnh những điểm mạnh, tích cực cơ bản, rõ ràng thì kinh tế thị trường cũng có không ít những khiếm khuyết, những thất bại (trong lý luận kinh tế gọi là thất bại thị trường - market failures).

Tài nguyên thiên nhiên như là tài sản tự nhiên có những đặc điểm rất khác biệt so với các tài sản kinh tế thông thường khác, như nguồn gốc hình thành, sự giới hạn, tính khấu hao tài sản, … Sự khác biệt này sẽ làm cho việc vốn hóa tài nguyên và môi trường trở nên không dễ dàng trong khá nhiều trường hợp mà các lý thuyết kinh tế hiện nay chưa đáp ứng được. Đơn cử trường hợp đối với loại tài nguyên không tái tạo (như than, dầu mỏ, bô xít, …): lý thuyết về vốn hóa hiện hành (lượng giá, định giá, …) chưa thể giải đáp cho câu hỏi về mối quan hệ giữa khai thác ngay và để lại vài chục năm nữa, cụ thể là mối quan hệ trong tính khấu hao hay chiết khấu tài sản loại tài nguyên này. Trong lý thuyết Kinh tế Tài nguyên và Môi trường, chiết khấu (hệ số r) là điều chỉnh đưa các lợi ích và chi phí trong tương lai về giá trị hiện tại tương đương và trong thực tế vẫn còn nhiều bàn cãi vì rất khó thống nhất về hệ số r này.

Có thể khái quát sự thay đổi triết lý trong nhận thức về mối quan hệ Con người – Tự nhiên như sau (theo khái quát của các giáo sư trường Đại học Toronto, Canada):

- Thế hệ trước đây thừa kế tự nhiên của các thế hệ trước như là một tài sản tự nhiên.

- Thế hệ hiện tại vay tự nhiên của các thế hệ sau như là một tài sản và do vậy có trách nhiệm phải trả lại cho thế hệ tiếp theo.

Nghĩa là, nói theo ngôn ngữ của kinh tế học thì ngày nay chúng ta cần nhận thức rằng chúng ta không phải là người thừa kế mà là người đi vay các tài sản tự nhiên và phải có trách nhiệm trả cả gốc lẫn lãi, trong đó người chủ nợ là các thế hệ kế tiếp. Gốc ở đây là thực trạng tự nhiên trước khi sử dụng (cả về hiện vật và cả về giá trị) và lãi ở đây là thực trạng tự nhiên sau khi sử dụng trở nên tốt hơn.

bao ve moi truong de phat trien ben vung



2. Hiện thực hóa
tư duy xanh trong chính sách tài chính thúc đẩy bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên hướng đến phát triển bền vững ở Việt Nam

Lãnh đạo, quản lý quá trình phát triển kinh tế ở nước ta hiện nay được định hướng vào tăng trưởng xanh, phát triển xanh. Thực trạng phát triển ở nước ta cho đến nay về thực chất vẫn còn là mang nhiều tính chất “nâu”, nghĩa là sự phát triển mà trong đó tăng trưởng, phát triển kinh tế còn dựa nhiều vào khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên và môi trường vượt quá ngưỡng tự phục hồi của tự nhiên, ngưỡng tiếp nhận chất thải của môi trường, gây tổn hại, ô nhiễm, suy thoái môi trường. Bên cạnh những thuận lợi, cơ hội thì sự chuyển (tuy là dần) sang xanh và bền vững đang đứng trước nhiều vấn đề, thách thức.

Tổng kết chặng đường 15 năm (2001 - 2015) thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Thiên niên kỷ (MDGs) ở Việt Nam cho thấy mục tiêu số 7 “Đảm bảo bền vững môi trường” còn chưa đạt được đầy đủ (Bảng 1), thậm chí còn ẩn chứa nhiều nguy cơ đe dọa tới tiến trình phát triển phát triển bền vững ở chặng đường tiếp theo (2016 – 2030). Tại phiên họp của Quốc Hội ngày 2/11/2016 thảo luận về Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nước ta đã cảnh báo rằng “Môi trường của chúng ta đạt đến ngưỡng không thể chịu thêm được nữa”[2].

 

Bảng 1. Kết quả 15 năm (2001 - 2015) thực hiện MGDs của Việt Nam

 

Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDGs)

 

Kết quả thực hiện

MDG 1: Xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói

MDG 2: Phổ cập giáo dục tiểu học

MDG 3: Tăng cường bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ

MDG 4: Giảm tử vong trẻ em

MDG 5: Tăng cường sức khỏe bà mẹ

MDG 6: Phòng chống HIV/AIDS, sốt rét và các bệnh dịch nguy hiểm khác

MDG 7: Đảm bảo bền vững môi trường

 

MDG 8: Thiết lập quan hệ đối tác toàn cầu vì phát triển

Đạt

Đạt

Đạt

 

Gần đạt

Đạt

Đạt nhiều nội dung

Đạt nhiều nội dung

Đạt nhiều nội dung

Nguồn: CHXHCN Việt Nam (2015), Báo cáo quốc gia Kết quả 15 năm thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của Việt Nam.

Nếu như trong chặng đường phát triển tới thực trạng này không được ngăn chặn, cải thiện, cụ thể là lĩnh vực kinh tế và xã hội vẫn tiếp tục có những kết quả, thành tựu tốt, còn lĩnh vực quản lý, bảo vệ tài nguyên, môi trường vẫn tiếp tục tụt hậu ngày càng xa so với các lĩnh vực kinh tế và xã hội thì bức tranh phát triển của đất nước chắc chắn sẽ không hướng được vào bền vững và xanh mà thậm chí còn ngược lại, có thể là thảm cảnh với sự “trả thù” của tự nhiên đối với sự tăng trưởng, phát triển tiếp tục như là “lời nguyền tài nguyên”, “lời nguyền môi trường” đang được các nhà quản lý phát triển cảnh báo. Sự tăng trưởng kinh tế nước ta ở chặng đường 15 năm qua thực hiện MDGs được đánh giá là ấn tượng (5 – 7%/năm) chắc chắn là chưa thể coi là hướng vào bền vững khi tính đủ những hao hụt, tổn thất về tài nguyên và môi trường. Đã có ý kiến nói thẳng rằng mức tăng trưởng ấy có được là do “chuyển lỗ vào tài nguyên, môi trường” hay “hy sinh môi trường”.

Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi mô hình phát triển sang chú trọng chiều sâu với phát triển bền vững, xanh là yêu cầu xuyên suốt trong các quyết định phát triển. Thực hiện phát triển bền vững trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt và mạnh mẽ đòi hỏi phải chú ý nhiều hơn tới củng cố và duy trì nền tảng vững chắc, lâu dài, bền vững cho quá trình tăng trưởng và phát triển của  đất nước là tài nguyên thiên nhiên và môi trường sống của con người. Cụ thể là đặt tài nguyên thiên nhiên và môi trường vào trung tâm của các quyết định phát triển, tức là “xanh hóa” quá trình phát triển, từ tư duy cho đến hành động. Đó chính là điểm khác biệt trong tiếp cận tăng trưởng xanh, phát triển xanh so với tiếp cận phát triển theo hướng bền vững hiện nay là lồng ghép, tích hợp các vấn đề tài nguyên, môi trường trong các quyết định phát triển.

Chính sách tài chính nước ta thời gian qua đã và đang hướng tới và đóng góp thúc đẩy bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên theo hướng phát triển bền vững và gần đây là xanh. Nhiều chính sách tài chính quan trọng đã được ban hành và đưa vào thực hiện, thể hiện trong các Luật và văn bản cụ thể hóa hướng dẫn thi hành luật, như các Luật Thuế Tài nguyên, Thuế Bảo vệ môi trường, Thuế tiêu thụ đặc biệt, … cùng các Nghị định và Thông tư hướng dẫn thi hành luật. Các chính sách tài chính này, bao gồm các lĩnh vực quản lý tài chính như chi ngân sách nhà nước, thuế, tín dụng, thị trường vốn, … đã có những tác động đáng kể, tích cực tới quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường theo hướng bền vững và xanh. Bên cạnh đó, vẫn còn những tồn tại, hạn chế cả trong bản thân các chính sách và cả trong tổ chức thực hiện chính sách. Một nghiên cứu gần đây nhất về chính sách tài chính trong thực hiện mục tiêu bảo vệ môi trường đã chỉ ra các tồn tại, hạn chế này[3], trong đó có hạn chế liên quan tới tăng trưởng xanh, sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, cụ thể là mức thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường đối với một số hàng hóa chưa thực sự hợp lý, chưa đủ lực để thúc đẩy sản xuất xanh và tiêu dùng xanh; chưa cân đối hài hòa giữa yêu cầu tăng trưởng nhanh với tăng trưởng xanh trong chính sách thuế”. Thị trường vốn cho phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh hiện vẫn còn rất sơ khai mà một nguyên nhân quan trọng liên quan tới chính sách tài chính còn chưa đầy đủ, phù hợp như là một nhân tố quan trọng tạo môi trường cho thị trường này vận hành và phát triển. Các công cụ tài chính xanh, như quỹ tài chính xanh, cổ phiếu xanh, tín dụng xanh, tín chỉ xanh (tín chỉ các bon, …) dường như vẫn còn chưa được định hình rõ nét và vận hành hữu hiệu cho phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh.

Từ giác độ một tổ chức xã hội về bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường, chúng tôi thấy, để hiện thực hóa tư duy xanh trong chính sách tài chính thúc đẩy bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên hướng đến phát triển bền vững ở nước ta thời gian tới, nên chú ý tới các điểm sau:

(i) Nâng cao nhận thức và hiểu biết về kinh tế xanh, tăng trưởng xanh nói chung và tài chính xanh nói riêng để tư duy xanh luôn thường trực trong các quyết định phát triển. Nhận thức và hiểu biết luôn là cơ sở và điều kiện hàng đầu cho cả hoạch định và thực hiện mọi chính sách phát triển.

(ii) Xanh hóa chính sách tài chính. Việc xanh hóa này bao gồm cả xanh hóa các chính sách hiện hành và xanh hóa các chính sách tiếp tục sẽ ban hành. Xanh hóa chính sách tài chính là làm cho chính sách này ngày càng hướng nhiều hơn vào bảo vệ nền tảng Tự nhiên cho phát triển, cụ thể là tạo ngày càng nhiều nguồn tài chính cho phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng xanh.

(iii) Tạo lập và phát triển thị trường tài chính xanh cho phát triển bền vững với các hàng hóa tài chính xanh, như cổ phiếu xanh, tín chỉ xanh, tín dụng xanh, tín chỉ xanh, … cùng các tổ chức, cơ chế hỗ trợ phát triển thị trường này, như tư vấn pháp lý, tư vấn giao dịch, …

(iv) Tăng cường nguồn lực tài chính cho quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường từ nguồn ngân sách nhà nước. Tất yếu tăng cường này xuất phát từ 3 lý do: một là, chi ngân sách nhà nước cho quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường hiện còn quá ít (1% tổng chi ngân sách, tương đương khoảng 0,25 – 0,3% GDP) cả so với thế giới (khoảng 1-3% GDP) cả so với nhu cầu thực tế; hai là, thị trường tài chính xanh ở nước ta còn sơ khai, cần có sự tạo đà về nguồn cung ban đầu từ phía Nhà nước; và ba là, đi liền với tạo đà là tạo sức hút, niềm tin của các nhà đầu tư tham gia thị trường tài chính xanh. 

 

 

Thay lời kết

Tăng trưởng, phát triển xanh là cách thức phát triển được Đảng và Nhà nước ta lựa chọn để thực hiện phát triển bền vững đất nước. Sự thay đổi tư duy thường không dễ dàng và sự điều chỉnh, thay đổi tư duy và hành động “kinh tế trước, môi trường sau” sang tư duy và hành động đặt các vấn đề tài nguyên và môi trường vào vị trí trung tâm của các quyết định phát triển chắc chắn sẽ khó khăn và trở ngại hơn so với việc lồng ghép chúng. Tư duy đúng là cơ sở, nền tảng tiên quyết cho các quyết định và hành động phát triển đúng.

Chính sách tài chính là công cụ quan trọng trong quản lý phát triển đất nước theo hướng bền vững, xanh. Chính sách tài chính hiện nay ở nước ta cần được hoàn thiện, đổi mới theo hướng xanh hóa cả trong hoạch định và cả trong tổ chức thực hiện. Nền kinh tế xanh, tăng trưởng xanh được quản lý bởi 2 bàn tay: bàn tay hữu hình của Nhà nước (thông qua chính sách) và bàn tay vô hình của Thị trường (thông qua cạnh tranh). Chính sách tài chính xanh và Thị trường tài chính xanh được phối hợp tốt với nhau sẽ hỗ trợ tốt cho xây dựng và phát triển nền kinh tế xanh, tăng trưởng xanh ở Việt Nam./.

 

                              TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1.   Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam. 2008. Bảo vệ môi trường và Phát triển bền vững. Ấn phẩm kỷ niệm 20 năm Hội BV TN&MT VN ( 1988 – 2008 ),  NXB Khoa học và Kỹ thuật,H.

2.   Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam.2018. Kinh tế xanh cho phát triển bề vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu. NXB Chính trị Quốc gia – Sự thật, H.

3.   Tạp chí Môi trường, chuyên đề II/ 2013. Cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường. Đặc san kỷ niệm 25 năm Hội BV TN&MT VN ( 1988 – 2013 ). Tổng cục Môi trường Bộ TN&MT xuất bản, H.

 



[1] 3R, 4R là viết tắt theo tiếng Anh (Reduce - Tiết giảm, Reuse - Tái sử dụng, Recycle – Tái sử dụng, Recovery – Thu hồi năng lượng).

[3] Cụ thể tham khảo: PGS. TS. Lê Xuân Trường (2017), Phát huy vai trò của chính sách tài chính trong thực hiện mục tiêu bảo vệ môi trường, http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu--trao-doi/trao-doi-binh-luan/phat-huy-vai-tro-cua-chinh-sach-tai-chinh-trong-thuc-hien-muc-tieu-bao-ve-moi-truong-117485.html

Lượt xem: 2149

Các tin khác

Trung tâm Ứng phó sự cố Môi trường Việt Nam (SOS) tổ chức tập huấn ứng phó sự cố tràn dầu cho Công ty Xăng Dầu An Giang

(26/04/2024 10:11:AM)

Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế tổ chức seminar khoa học về ứng phó sự cố tràn dầu

(22/04/2024 02:51:PM)

Tập huấn tác động của thuốc bảo vệ thực vật trong nông nghiệp và môi trường

(22/04/2024 01:16:PM)

Nghiên cứu đánh giá về đốt mở và sử dụng thuốc BVTV đối với môi trường và sức khoẻ con người ở Việt Nam là hoạt động thiết thực và có triển vọng.

(18/04/2024 05:50:PM)

Hội thảo tập huấn “Tác động của thuốc bảo vệ thực vật và đốt hở ngoài trời trong nông nghiệp lên môi trường và sức khỏe cộng đồng ở khu vực miền Trung”

(17/04/2024 11:22:AM)

(THPT) video “Phú Thọ - Khát vọng xanh”

(17/04/2024 10:42:AM)

(VTV) – Video Lễ hội Đền Hùng 2024: Lan toả thông điệp "Khát vọng xanh"

(17/04/2024 10:24:AM)

Lan tỏa thông điệp “Khát vọng xanh” đến cộng đồng tại Lễ hội Đền Hùng 2024

(15/04/2024 12:50:PM)

Thống kê số lượt truy nhập hàng ngày trên Website VACNE tháng 3/2024

(10/04/2024 07:46:PM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE