Tại xã vùng cao Hữu Sản (huyện Sơn Động, Bắc Giang), những cánh rừng già nguyên sinh được bảo vệ khá nghiêm ngặt bằng các biện pháp của chính quyền và phong tục tập quán tốt đẹp bao đời nay của đồng bào dân tộc Tày, Nùng.
1.Đến xã vùng cao Hữu Sản, chúng tôi như bị choáng ngợp bởi một mầu xanh bạt ngàn của núi rừng trùng điệp. Ngoài hơn 200 ha rừng tự nhiên, nơi đây còn hơn hai nghìn ha rừng kinh tế sản xuất của đồng bào các dân tộc. Chính rừng đã ban phát cho bà con cuộc sống ngày một ấm no và khá giả. Anh Vi Văn Tiến, cán bộ khuyến nông, khuyến lâm xã Hữu Sản khoe: Khoảng gần chục năm trở lại đây đời sống người dân trong xã đã trở nên khấm khá nhờ có rừng, bình quân mỗi ha trồng keo, bạch đàn sau chu kỳ 5 năm thu hơn 100 triệu đồng. Ở Hữu Sản, nhà ít cũng có vài ha rừng, nhiều hộ có đến hàng chục ha rừng trồng kinh tế, thế nên nghèo đói giờ chỉ còn là chuyện của quá khứ. “Đường bê-tông giờ vào tận sâu các sườn núi, người dân đi làm rất thuận tiện, xe cơ giới vào khai thác, vận chuyển gỗ trồng của người dân cũng dễ dàng hơn”, anh Vi Văn Tiến nói.
Rừng lim xanh ở Pò Chùa.
Gia đình bà Vi Thị Chung ở thôn Sản có hơn 6 ha rừng trồng keo, tháng trước bà thu hoạch được hơn 500 triệu đồng. “So các hộ chung quanh, diện tích rừng nhà tôi thuộc dạng ít nhất, nhiều hộ có vài chục ha, lần thu hoạch này họ có hàng tỷ đồng ấy chứ, một số tiền lớn mà trước đây những người nông dân như tôi có mơ cả đời cũng khó thấy, khắp thôn Sản này giờ nhà nào có rừng đều là hộ khá giả trở lên”, bà Chung phấn khởi.
2. Ngoài việc quan tâm phát triển rừng kinh tế, công tác bảo vệ rừng tự nhiên tại Hữu Sản thời gian gần đây đạt nhiều kết quả tích cực. Với nhiều biện pháp được đề ra, việc lấn chiếm, khai thác rừng tự nhiên trên địa bàn đã được hạn chế, qua đó góp phần thiết thực vào công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái, bảo tồn sự đa dạng sinh học. Tại đây, nổi bật lên một khu rừng “cấm” với nhiều câu chuyện huyền bí và hàng trăm cây gỗ quý được chính quyền và cộng đồng gìn giữ, bảo vệ nghiêm ngặt. Có lẽ tại Sơn Động ngày càng ít dần những khu “rừng thiêng”, “rừng cấm” tự nhiên như vậy và một trong số đó phải kể đến khu rừng nguyên sinh Pò Chùa rộng hơn 5 ha được bao bọc bởi các khu rừng kinh tế và cộng đồng dân tộc Tày, Nùng bản địa.
Hàng trăm năm qua, khu rừng Pò Chùa được chính quyền và cộng đồng dân cư trên địa bàn xem như là “báu vật” và được bảo vệ nghiêm ngặt. Nơi đó có những cây gỗ quý, to lớn như lim, táu, dẻ, trám hồng, đa và nhiều măng trúc, măng mai... Dù vậy, gần đây các đối tượng xấu đã vào rừng khoanh vỏ hơn chục cây gỗ lim lớn. Anh Vi Văn Tiến cũng là người dân tộc Tày ở đây cho biết: Từ xa xưa người dân ở đây đã ý thức được những điều cấm kỵ như: Không được chặt cây, lấy củi, săn bắt thú, làm việc xấu trong khu rừng. Rừng có nhiều cây gỗ dù để khô nhưng không ai dám lấy về. Nơi đây có nhiều cây lim hàng trăm năm tuổi, mấy người ôm không xuể. Đồng bào còn lưu truyền nhiều câu chuyện ly kỳ về khu rừng này và từng có một số cá nhân đã vi phạm vào điều cấm kỵ và bị thần Rừng trừng phạt. “Có người lấy gỗ ở rừng Pò Chùa về làm nhà cũng không thể ở được”, anh Tiến nói...
Trẻ em từ khi còn nhỏ đã được ông bà, bố mẹ khuyên dạy rất kỹ những điều cấm đó, tuyệt đối không được làm điều xấu ảnh hưởng đến rừng xanh. Hiện, khu rừng già này được xã giao cho Hội Người cao tuổi xã Hữu Sản trực tiếp quản lý, trông coi, giáo dục con cháu có trách nhiệm giữ khu rừng “cấm”. Theo Chủ tịch UBND xã Bế Văn Kính, ở cả bốn thôn trên địa bàn xã đã thành lập các tổ bảo vệ rừng thường xuyên tuần tra, canh gác, tuyên truyền nhân dân nâng cao nhận thức về ý nghĩa của việc bảo vệ rừng nên những năm qua việc khai thác gỗ, phát lấn chiếm rừng tự nhiên đã không còn xảy ra phổ biến như trước đây.