Khu dự trữ sinh quyển khu vực châu thổ sông Hồng (hay còn gọi là Khu dự trữ sinh quyển đất ngập nước ven biển liên tỉnh châu thổ sông Hồng) thuộc địa giới ba tỉnh Ninh Bình, Nam Định và Thái Bình được tổ chức UNESCO công nhận vào năm 2004.
Khu dự trữ này có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là các loài chim quý hiếm, trong đó có hai vùng lõi là khu vực Vườn Quốc gia Xuân Thủy (thuộc tỉnh Nam Định) và Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải (thuộc tỉnh Thái Bình).
Là một bộ phận quan trọng trong khu dự trữ này, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải vừa bảo tồn những nguồn giống gen quý hiếm vừa khai thác, phát huy lợi thế, tạo thu nhập cho người dân.
Khu BTTN Tiền Hải. (Ảnh: Vustathaibinh.vn)
Khu vực có giá trị về đa dạng sinh học
Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải nằm ở phía tả ngạn cửa Ba Lạt thuộc huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình với tổng diện tích 12.500ha, gồm diện tích rừng ngập mặn, đất bãi bồi và đất ngập nước, trong đó khoảng 9.000ha thuộc diện trong khu vực bảo vệ nghiêm ngặt, 3.500ha phục hồi sinh thái và 1.700ha là khu vực vùng đệm.
Năm 1995, Cồn Vành, Cồn Thủ thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải được quy hoạch vào khu Ramsar đầu tiên của khu vực Đông Nam Á. Lớp thực bì của Khu bảo tồn có rừng ngập mặn, rừng phi lao và đa dạng các kiểu sinh cảnh đất ngập nước như ưu hợp sú, bân, măm, o rô mọc xen kẽ, rừng trồng thuần…
Ngoài ra còn có các sinh cảnh phi lao, đầm tôm, cồn cát, bãi cát, khu bồi lắng. Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải là khu bảo tồn loài-sinh cảnh có giá trị trong vùng, nhất là đối với loài chim.
Do đặc điểm tại Khu bảo tồn Tiền Hải là bãi bồi do phù sa sông Hồng bồi đắp, hình thành nên cánh rừng ngập mặn lâu đời xen lẫn rừng trồng những năm gần đây, vì vậy vào mùa chim di cư nơi đây trở thành nơi trú ngụ của hàng triệu con chim.
Theo Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải, nơi đây tập trung 215 loài chim thuộc 31 họ, 14 bộ (chiếm gần 26% tổng số loài chim và trên 73% tổng số bộ hiện có ở Việt Nam), trong đó có bảy loài chim có giá trị bảo tồn nguồn gen ghi trong Sách đỏ như bồ nông chân xám, choắt lớn mỏ vàng, choắt chân vàng lớn, choắt mỏ thìa…
Bên cạnh đó, Khu bảo tồn còn có hệ đa dạng sinh học. Theo thống kê tại đây có 99 loài thực vật bậc cao bao gồm 33 họ. Mới đây nhất, năm 2014 tỉnh Thái Bình đã tiến hành khảo sát và phát hiện thêm 16 loài thuộc tám họ, nâng tổng số loài lên 115 loài, 42 họ. Lớp thực vật này là thức ăn cho các loài chim. Đặc biệt, khu bảo tồn này có tới 43 loại cây có thể làm thuốc, chiếm 40% tổng số loài. Ngoài ra còn có khoảng 113 loài côn trùng, 107 loài cá, 37 loài lưỡng cư, bò sát trong đó có bốn loài thuộc diện quý hiếm, cần bảo tồn được ghi trong Sách đỏ.
Hài hòa giữa khai thác và bảo tồn đa dạng sinh học
Với đặc điểm vị trí địa lý và giá trị của Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải, những năm qua tỉnh Thái Bình đã khai thác những lợi thế đó phục vụ phát triển kinh tế.
Cồn Vành (xã Nam Phú, huyện Tiền Hải) nằm trong Khu bảo tồn Tiền Hải với bãi bồi rộng, bãi biển vẫn còn giữ vẻ hoang sơ trải dài khoảng 6km và rừng ngập mặn hơn 700ha nằm trong hệ thống các khu rừng ngập mặn ven biển từ Ninh Bình-Nam Định-Thái Bình-Hải Phòng-Quảng Ninh. Phát huy lợi thế và biến đây thành khu du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao kết hợp du lịch sinh thái rừng ngập mặn, năm 2008 Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình đã phê duyệt Quy hoạch xây dựng khu du lịch sinh thái Cồn Vành trên diện tích hơn 140ha. Khu du lịch được xây dựng ven biển kết hợp đa dạng giữa khu du lịch nghỉ dưỡng, khu ở kết hợp dịch vụ, khu vui chơi giải trí, khu thể thao-sân golf, khu văn hóa tổng hợp, khu bãi tắm, khu rừng trồng kết hợp nuôi thủy sản. Trong tương lai, đây sẽ là điểm nhấn thu hút du lịch của tỉnh Thái Bình.
Ông Nguyễn Công Lý, Trưởng Ban quản lý khu du lịch Cồn Vành cho biết mặc dù dự án đang trong quá trình tư vấn, thiết kế nhưng thời gian qua khu du lịch biển Cồn Vành đã thu hút nhiều lượt du khách. Chỉ tính riêng trong đợt nghỉ lễ 30/4, 1/5 vừa qua, mỗi ngày có khoảng 10.000 lượt du khách đến Cồn Vành tham quan và tắm biển.
Bên cạnh việc tận dụng lợi thế phát triển du lịch, người dân trong vùng đệm thuộc địa phận ba xã Nam Phú, Nam Thịnh và Nam Hưng (huyện Tiền Hải) còn phát triển vùng nuôi tôm, vạng, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Tuy nhiên việc phát triển “nóng” chưa theo quy hoạch của các đầm tôm, vạng và đánh bắt, khai thác thủy hải sản quá mức, tận thu trên địa bàn ba xã Nam Phú, Nam Thịnh, Nam Hưng đang là vấn đề đặt ra trong việc bảo tồn đa dạng sinh học tại đây.
Theo Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải, trong quá trình nuôi tôm người dân đã phát quang cây nên độ che phủ tại khu vực nuôi chỉ còn dưới 50%.
Những năm gần đây số lượng chim về đây đang có chiều hướng giảm do việc nuôi và khai thác tôm ảnh hưởng đến tập tính của nhiều loài chim. Còn các bãi vạng được người dân khai thác từ năm 1994 và là nơi kiếm ăn quan trọng của nhiều loài chim nước.
Đến nay việc khai thác vạng chưa ảnh hưởng đến sinh cảnh của các loài chim, tuy nhiên hầu hết các bãi vạng do dân tự chiếm và bán trao tay cho các chủ vây vạng khác, chính quyền địa phương có quản lý và tiềm ẩn những nguy cơ về mất ổn định an ninh, trật tự do mâu thuẫn giữa người dân, chủ bãi vạng.
Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải được xác định là vùng quan trọng bảo tồn đa dạng sinh học không chỉ có ý nghĩa với Việt Nam mà còn có ý nghĩa với thế giới với nhiều giống gen quý. Vì vậy, việc bảo tồn đa dạng sinh học vùng lõi cần gắn liền với việc bảo tồn rừng ngập mặn và những bãi bồi ven biển, cửa sông, vừa khai thác lợi thế phát triển kinh tế vừa chú trọng công tác quy hoạch, bảo tồn đa dạng sinh học để Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải nói riêng và Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng nói chung là điểm lưu giữ những giá trị đa dạng sinh học phong phú, có giá trị nổi bật toàn cầu.