DIỄN ĐÀN MÔI TRƯỜNG
Đường bê tông ở làng cổ Đường Lâm: Mặc áo tứ thân đeo cà vạt!
Thứ Hai, 28/11/2011 | 03:05:00 PM
Bất chấp những quy định về bảo tồn làng cổ, một con đường bê tông trắng toát đã xuyên qua vùng trung tâm của làng cổ Đường Lâm.
Cách Hà Nội 50km, Đường Lâm (thuộc thị xã Sơn Tây, Hà Nội) là ngôi làng cổ nổi tiếng cả nước với hàng trăm ngôi nhà làm bằng đá ong cùng nhiều công trình kiến trúc độc đáo khác. Để bảo tồn ngôi làng này, chính quyền thị xã Sơn Tây đã quy định quy định người dân không được phép xây nhà hai tầng, vật liệu xây dựng không được dùng bê tông, mái tôn... trong phạm vi làng cổ.
Thế nhưng, một con đường bê tông vừa được thi công đã xuyên thẳng vào trung tâm của ngôi làng cổ kính này. Đó là con đường nối các di tích quan trọng bậc nhất của làng cổ Đường Lâm, bao gồm cổng làng, đình Mông Phụ và chùa Mía.
Theo ghi nhận của Đất Việt, con đường bê tông từ đình Mông Phụ đến chùa Mía đã được hoàn thành, còn con đường từ cổng làng đến đình Mông Phụ đang được tiến hành dở dang. Nhiều đường nhánh thông ra con đường này là đường lát gạch theo kiểu cũ.
Có thể dễ dàng nhận thấy màu trắng toát của con đường bê tông mới không ăn nhập gì với dáng vẻ cổ kính, trầm mặc của những con đường gạch cũ và những ngôi nhà làm bằng đá ong.
Trao đổi với Đất Việt, ông Phan Văn Liêm, thành viên Ban quản lý di tích đình Mông Phụ, cho biết: “Con đường cũ nối từ cổng làng tới đình Mông Phụ và chùa Mía vốn là đường đất, đã xuống cấp khiến việc đi lại gặp nhiều khó khăn. Làm lại con đường này để phát triển du lịch là điều bắt buộc. Tuy nhiên, do không đủ kinh phí nên phải làm đường bê tông chứ không làm đường lát gạch nghiêng theo kiểu cổ được”.
Trong khi đó, ông Phan Văn Hòa, Phó chủ tịch xã Đường Lâm, khẳng định: "Ở làng cổ Đường Lâm, đường đi được quy định chỉ lát gạch nghiêng cho hòa hợp với không gian kiến trúc cổ. Nhưng dự án làm đường này đã được phê duyệt từ nhiệm kỳ lãnh đạo trước, đội ngũ lãnh đạo mới hiện nay của xã Đường Lâm không thể thay đổi được".
Một số hình ảnh Đất Việt ghi nhận:
Đường Lâm là một xã thuộc thị xã Sơn Tây, Hà Nội, Việt Nam; đã trở thành làng cổ đầu tiên ở Việt Nam được Nhà nước trao bằng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia ngày 19/5/2006.
Đây là quê hương nhiều danh nhân như vua Ngô Quyền, Bố Cái Đại vương Phùng Hưng, Giang Văn Minh, bà Man Thiện (mẹ của hai Bà Trưng), bà chúa Mía (người xây chùa Mía, vương phi của chúa Trịnh Tráng), Phan Kế Toại, Hà Kế Tấn, Kiều Mậu Hãn, Phan Kế An, ... Đường Lâm còn được gọi là đất hai vua do là nơi sinh ra Ngô Quyền và Phùng Hưng.
Tuy gọi là làng cổ nhưng thực ra Đường Lâm từ xưa gồm 9 làng thuộc tổng Cam Giá Thịnh huyện Phúc Thọ trấn Sơn Tây, trong đó 5 làng Mông Phụ, Đông Sàng, Cam Thịnh, Đoài Giáp và Cam Lâm liền kề nhau. Các làng này gắn kết với nhau thành một thể thống nhất với phong tục, tập quán và tín ngưỡng hàng ngàn năm nay không hề thay đổi.
|
|
Con đường bê tông màu trắng hiện ra sau chiếc cổng nổi tiếng của làng cổ Đường Lâm.
|
|
Đoạn đường từ cổng làng đến đình Mông Phụ ngổn ngang do việc thi công đang dang dở.
|
|
Nền đường cũ là đường đất, gây nhiều khó khăn cho việc đi lại vào những ngày mưa. |
|
Và nó đang bị thay thế bằng con đường bê tông mới toanh. |
|
Cống thoát nước hai bên đường được đậy bằng những nắp bê tông khá thô thiển.
|
|
Nhiều đường nhánh thông ra con đường này là đường lát gạch theo kiểu cũ. |
|
Dễ dàng nhận thấy màu trắng toát của con đường bê tông mới không ăn nhập gì với dáng vẻ cổ kính, trầm mặc của những con đường gạch cũ và những ngôi nhà làm bằng đá ong.
|
|
Không như đường bê tông, đường gạch tỏ ra rất hòa hợp với sắc màu của những ngôi nhà đá ong.
|
|
Nhiều con đường trong làng đã được lát gạch bằng sự đóng góp của dân làng, nhưng con đường được thực hiện bằng kinh phí nhà nước lại không được như vậy.
|
|
Tổng số vốn để làm con đường tại Đường Lâm lên tới hơn 5 tỉ đồng với chiều dài 2km. Nguồn vốn này được cấp bởi UBND TP Hà Nội, thị xã Sơn Tây và UBND xã Đường Lâm. UBND xã Đường Lâm trực tiếp giám việc thi công con đường.
|
Hồng Quân
(ĐVO)
Lượt xem: 1437
Các tin khác
Đưa thiên nhiên đến gần cộng đồng (23/12/2024 06:20:AM)
Áp dụng LEZ: Lựa chọn từ thực tế, kỳ vọng đột phá cho môi trường Thủ đô (16/12/2024 06:57:AM)
Gỡ vướng mắc thị trường tài chính xanh (11/12/2024 09:30:AM)
Tài chính khí hậu là con đường dẫn đến công lý khí hậu (18/11/2024 08:37:AM)
Tìm tiền carbon cho cây lúa (13/11/2024 08:51:AM)
COP16: Bất đồng chưa thể vượt qua (05/11/2024 06:53:AM)
Tăng tốc năng lượng tái tạo (21/10/2024 08:54:AM)
Kinh nghiệm phát triển công trình xanh trên thế giới và đề xuất đẩy mạnh ở việt nam để đáp ứng mục tiêu phát thải ròng khí co2 = zero vào năm 2050 (18/10/2024 08:29:AM)
Người tiêu dùng Net Zero (30/09/2024 06:12:AM)