quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
DIỄN ĐÀN MÔI TRƯỜNG

Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) vẫn còn chồng chéo và nhiều bất cập

Thứ Tư, 21/03/2012 | 03:10:00 PM

Đây là ý kiến của TS. Nguyến Khắc Kinh, Hội Đánh giá tác động môi trường - đơn vị trực thuộc Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE).


                                     


Theo tác giả: Phạm vi điều chỉnh của Luật chỉ nên giới hạn ở các khía cạnh về tài nguyên của nước đúng như tên gọi của Luật đã chọn là “Luật Tài nguyên nước” (Luật TNN), trong đó nên tập trung chủ yếu vào các nội dung về: Điều tra cơ bản, đánh giá trữ lượng, kiểm kê số lượng TNN; quản lý tổng hợp các nguồn nước (điều hòa việc khai thác và sử dụng nguồn nước cho các mục đích khác nhau, đặc biệt là giũa thủy lợi và thủy điện; điều hòa việc khai thác và sử dụng các nguồn nước ở các vùng lưu vực sông …Và càng không nên điều chỉnh các nội dung về bảo vệ môi trường (BVMT) vì đã có Luật BVMT.

TS. Nguyến Khắc Kinh lý giải như sau:

- Nước (water) được điều chỉnh trong Luật TNN thực chất là nước thiên nhiên chứ không đơn thuần chỉ là H2O (trong đó còn có rất nhiều các thành phần khác nữa). Nước thiên nhiên có rất nhiều loại khác nhau với các tên gọi khác nhau tùy theo không gian phân bố, tính chất lý - hóa - sinh và các tính chất khác của nó. Song, dù là loại nào thì nước thiên nhiên cũng đều có hai thuộc tính quan trọng cơ bản song song tồn tại: Một là, nước cho các giá trị về của cải, vật chất (trực tiếp hoặc gián tiếp) – thuộc tính tài nguyên, từ đó được gọi là tài nguyên nước (TNN); hai là, nước cho các giá trị về dịch vụ môi trường – thuộc tính môi trường và được gọi là môi trường nước (MTN). Tương tự, các thành phần khác trong thiên nhiên, như đất, không khí, sinh vật … cũng có 02 thuộc tính này. Chính vì vậy, cũng như nhiều nước khác, nước ta đã có các luật riêng về từng loại tài nguyên như: Luật Tài nguyên nước, Luật Đất đai (thực chất là Luật tài nguyên đất), Luật khoáng sản (thực chất là Luật Tài nguyên khoáng), Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (thực chất là Luật Tài nguyên rừng)…và có luật riêng về BVMT (Luật BVMT năm 1993 và Luật BVMT năm 2005 thay thế Luật BVMT năm 1993).

- Một khi đã có các luật riêng cho từng loại tài nguyên và cho BVMT như đã nêu trên thì một điều có tính nguyên tắc cần được tuân thủ là: Các luật này không được mâu thuẫn, chồng chéo với nhau. Theo đó, Luật TNN một mặt không được có những điều khoản mâu thuẫn, chồng chéo với các luật về tài nguyên khác, mặt khác, không được có những điều khoản mẫu thuẫn, chồng chéo với Luật BVMT.

- Trường hợp có những nội dung, điều khoản nào đó của Luật TNN có mối liên quan với phạm vi điều chỉnh của Luật BVMT thì chỉ cần có chỉ dẫn tuân theo quy định của Luật BVMT mà thôi. Mặc dù Luật BVMT hiện hành còn có những bất cập, khiếm khuyết, thậm chí là những sai phạm, nhưng cũng không nên lấy Luật TNN để sửa đổi, bổ sung cho Luật BVMT, mà cần phải sửa đổi, bổ sung chính Luật BVMT này, thậm chí làm Luật BVMT mới để thay thế.

1.3. Với tinh thần nêu trên, thay vì Dự thảo đã viết:

Luật này quy định về quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Nước biển và nước dưới đất thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa; nước nóng, nước khoáng thiên nhiên được điều chỉnh bằng pháp luật khác

Nên viết là:

 Luật này quy định về điều tra cơ bản, đánh giá trữ lượng, kiểm kê số lượng của tài nguyên nước (trừ nước nóng và nước khoáng thiên nhiên); quản lý, khai thác và sử dụng tổng hợp các nguồn nước trong phạm vi đt liền, hải đảo, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế thềm lục địa của nước Cng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”

Theo đó:

- Trong quản lý nguồn nước sẽ bao gồm cả những nội dung về bảo vệ  nguồn nước; đối với những nội dung có liên quan đến khía cạnhc BVMT nước thì chỉ cần viện dẫn “tuân theo quy định của Luật BVMT” là đủ;

- Các nội dung về phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra không nên đưa vào “Phạm vi điều chỉnh” vì đó không phải là phạm trù của tài nguyên.

 (Nên có một luật riêng về phòng, chống các sự cố thiên tạo và nhân tạo, trong đó có nội dung về phòng, chống tác hại của nước; hoặc, trong khi chưa có luật riêng này thì chỉ cần lồng ghép các khía cạnh về phòng, chống tác hại do nước vào các nội dung về khai thác, sử dụng các nguồn nước).

- Không nên loại trừ tài nguyên nước (nước biển và nước dưới đất) thuộc phạm vi vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa (Luật Khoáng sản có điều chỉnh cả khoáng sản ở đây thì tại sao Luật TNN lại không ?)

2. Về giải thích từ ngữ:

Nên xem lại để chỉnh sửa, bổ sung một số từ ngữ và cách giải thích từ ngữ của Dự thảo, cụ thể như:

2.1. Dự thảo đã viết “Tài nguyên nước quy định trong Luật này bao gồm nước mưa, nước mặt, nước dưới đất và nước biển thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Theo tôi, nước (nước thiên nhiên – như trên đã nêu) chỉ có thể trở thành nguồn tài nguyên khi nó được tích chứa trong một thủy vực cụ thể nào đó (biển, sông, suối, ao, hồ, kênh, rạch, tầng địa chất, vỉa địa chất, thấu kính địa chất v.v… (trong tiếng Anh người ta hay dùng từ Water body) mà con người có thể điều tra, đánh giá, tính toán được cụ thể về số lượng và chất lượng của nó. Còn đối với nước nằm ngoài các thủy vực như đã nêu, như nước mưa khi chưa rơi hoặc hơi nước chẳng hạn, thì không nên coi là tài nguyên (tuy nhiên, lượng mưa và lượng bốc hơi của nước là những yếu tố quan trọng để tính toán về số lượng nước, về cân bằng nước trong thiên nhiên nói chung, ở các thủy vực nói riêng).

Vì thế, nên viết là:

Tài nguyên nước là nước được tích chứa trong các thủy vực mà con người có khả năng điều tra, đánh giá, khai thác và sử dụng”.

2.2. Dự thảo đã viết “Nước dưới đất là nước tồn tại trong các tầng chứa nước dưới mặt đất.

          Hiện nay, ở Việt Nam có sự hiểu khác nhau về cụm từ “nước dưới đất”.

Theo khoa học về Địa chất thủy văn, phía dưới về mặt trái đất (dưới mặt đất) có 02 loại nước riêng biệt mà trong tiếng Anh gọi là Ground Water   Under-ground Water, trong tiếng Nga gọi tương ứng là Grunto-vaia VođaPod-zem-laia Vođa, trong đó:

- Ground Water (hay Grunto-vaia Vođa) – là nước được hình thành do sự thẩm thấu của nó qua mặt đất rồi đi xuống và tích tụ ở phía trên của một lớp đất đá (đa số có hinh thái sin-clinal – tức là hình thái cong lõm) không thấm nước hoặc ít thấm nước (có độ thấm rất nhỏ) – có thể gọi lớp đất đá này là đáy. Nhiều người Việt Nam (nhất là các nhà địa chất thủy văn) hay gọi đó là nước dưới đất, đôi khi  cũng có người gọi là nước ngầm (theo nghĩa đen trong tiếng Anh cũng như tiếng Nga, theo tôi, nên dịch là nước trong đất !?). Loại nước này rất hay bị ô nhiễm bởi các chất ngoại xâm nhập vào nên ít khi được khai thác cho mục đích cấp nước sinh hoạt (trừ những nơi không thể có được loại nước thứ hai sẽ trình bày dưới đây).

- Under-ground Water (hay Pod-zem-laia Vođa)– là nước tích tụ ở các tầng, các vỉa mà cả phía trên và phía dưới đều bị không chế bởi lớp đất đá (vỉa) không thấm nước hoặc ít thấm nước với nhiều hình thái khác nhau và tương đối đồng dạng với nhau, như: bằng phẳng, nghiêng, cong lõm, cong lồi (anti-clinal); tích tụ ở các cấu trúc địa chất khác có dạng thấu kính, dạng địa hào, dạng địa lũy v.v… Loại nước này ít bị ô nhiễm bởi các yếu tố ngoại nên thường được khai thác cho mục đích sinh hoạt. Trong tiếng Việt, nhiều người (nhất là các nhà địa chất thủy văn) hay gọi đó là nước ngầm, tuy nhiên, cũng không ít người gọi đó là nước dưới đất.

Theo cách giải thích của Dự thảo như nêu trên thì có thể làm cho không ít người sẽ hiểu “nước dưới đất” theo nghĩa rất hẹp và chỉ là nước tồn tại (tích tụ) trong các tầng chứa nước chứ không phải ở các vỉa (trong địa chất học, “tầng” khác với “vỉa”), các thấu kính, các địa hào, địa lũy … mặt khác, nhiều người không coi lớp đất phía dưới mặt đất (lớp Ground) là “tầng” hay “vỉa” cho nên có thể không coi Ground Waternước dưới đất (!?).

Vì vậy tôi cho rằng, cũng có thể dùng từ “nước dưới đất” ở Luật TNN này, song nó phải bao gồm tất cả các loại nước (Ground Water và Under-ground Water) như đã nêu trên. Theo đó, nên viết là:

Nước dưới đất là nước được tích tụ ở phía dưới mặt đất” hoặc

Nước dưới đất là nước được tích tụ ở phía dưới mặt đất mà có thể được khai thác và sử dụng”

2.3. Dự thảo đã viết: “Nguồn nước là các dạng tích tụ nước tự nhiên hoặc nhân tạo có thể khai thác, sử dụng bao gồm sông, suối, kênh, rạch, hồ, ao, đầm, phá, biển, các tầng chứa nước dưới đất; mưa, băng, tuyết và các dạng tích tụ nước khác.

Hiện cũng vẫn còn nhiều tranh luận xung quanh khái niệm về nguồn nước trong tiếng Việt, nhưng theo tôi, nếu từ này tương đồng với từ trong tiếng Anh là water source thì nên hiểu đó trước hết là một thủy vực (water body) mà có thể được sử dụng như là nguồn cung cấp nước cho một mục đích cụ thể nào đó, như sinh hoạt, thủy lợi, nuôi trồng thủy sản, công nghiệp, giao thông thủy v.v… hoặc cho hỗn hợp các mục đích này.

Viết như của Dự thảo nêu trên, tôi thấy rằng:

- Bị lẫn sang phạm trù của thủy vực (water body),

- “Mưa” (rain, raining) không phải là nước (chỉ là “mưa” mà thôi).

Vì vậy, nên có 02 từ riêng biệt và được giải thích như sau:

a) Thủy vựcnhững không gian xác định có chứa nước, băng, tuyết ở trên mặt đất và dưới mặt đất”  hoặc

Thủy vựcnhững không gian xác định có chứa nước, băng, tuyết ở trên mặt đất và dưới mặt đất, bao gồm biển, đầm, phá, sông, suối, kênh, rạch, hồ, ao, các cấu trúc địa chất chứa nước và các dạng tích tụ nước khác.

b) “Nguồn nước là những thủy vực có thể được sử dụng làm nguồn cung cấp nước cho những mục đích cụ thể

2.4. Nên loại bỏ các giải thích từ ngữ đã viết trong Dự thảo, cụ thể như sau:

a) “Ô nhiễm nguồn nước” :

Thực chất đây là “ô nhiễm môi trường nước” mà trong Luật BVMT 2005 đã có giải thích chung là “ô nhiễm môi trường”; nếu cần cụ thể hơn thì nên đề nghị bổ sung vào Luật BVMT sửa đổi sắp tới, như: “Ô nhiễm môi trường nước”, “ô nhiễm môi trường không khí”, “ô nhiễm môi trường đất” v.v…

b) “Suy thoái nguồn nước” (với lý giải tương tự như trên).

c) “Khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước”

        Thực chất đây là “Sức chịu tải của môi trường nước”, tuy trong Luật BVMT 2005 chưa có giải thích cụm từ này, nhưng nên để cho Luật BVMT sẽ được sửa đổi trong thời gian tới giải thích cụm từ này.

2.5. Nên bổ sung giải thích cụm từ đã được sử dụng trong Dự thảo, nhưng chưa được giải thích, ví dụ:

nguồn sinh thủy”, cần giải thích để:

-  Tránh sự nhầm lẫn với “nguồn nước”;

- Làm rõ về việc có coi các đối tượng, như: các “đám mây mưa”, “nước mưa” đang rơi hoặc chưa sẽ rơi trong thời gian rất ngắn có là “nguồn sinh thủy” không ? nếu coi đó là “nguồn sinh thủy” thì việc “bảo vệ và phát triển” chúng sẽ được thực hiện như thế nào theo quy định của Luật TNN này (có liên quan nhiều đến Điều 28 của Dự thảo).

3. Về một số nội dung cụ thể:

3.1. Về Điều 8 của Dự thảo về “Các hành vi bị cấm”:

        Nên loại bỏ các khoản 1 và 2 (về đổ chất thải, xả nước thải) vì đó là phạm vi điều chỉnh của Luật BVMT 2005; nếu Luật BVMT 2005 chưa đủ rõ, chưa đủ cụ thể thì nên để nghị làm cho rõ, cho cụ thể ở Luật BVMT sửa đổi sắp tới.

3.2. Về căn cứ để lập các loại chiến lược, quy hoạch, tại các điều 10, 13, 18 … của Dự thảo chỉ đề cập đến căn cứ là “kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội” mà không đề cập đến “quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội” là không thỏa đáng, vì:

- Hiện nay, trên phạm vi cấp quốc gia, cấp vùng và cấp tỉnh ở nước ta hầu như chỉ có “quy hoạch” hoặc “quy hoạch tổng thể” về phát triển KT-XH” chứ chưa thấy có “kế hoạch” nào cả (Luật Khoáng sản năm 2010 cũng mắc phải điều không thỏa đáng này !?).

- Khi soạn thảo văn bản ở cấp “chiến lược” và cấp “quy hoạch” không nên lấy văn bản “kế hoạch” là văn bản ở cấp thấp hơn làm căn cứ, mà chỉ nên có điều ngược lại mà thôi !?

3.3. Về nội dung về “Điều tra cơ bản TNN” (Điều 11):

        - Nên bỏ những nội dung về “xả nước thải”, “ô nhiễm nước”, “suy thoái nước”, “khả năng tiếp nhận nước thải” … (vì như trên đã nêu, đó là phạm vi điều chỉnh của Luật BVMT; nếu trong Luật BVMT chưa rõ, chưa đủ thì đề nghị bổ sung, sửa đổi ở Luật BVMT sẽ được sửa đổi sắp tới).

3.4. Về các nội dung “bảo vệ môi trường” :

Nên loại bỏ tất cả các nội dung điều chỉnh về BVMT trong Dự thảo bởi vì có quá nhiều sự chồng chéo, thậm chí mâu thuẫn với Luật BVMT 2005, mặt khác, có những điều, khoản, điểm gây phiền hà một cách không cần thiết. Cũng như đã lý giải như trên, nếu có gì chưa ổn về khía cạnh BVMT theo Luật BVMT năm 2005 thì cũng nên đề nghị sửa đổi, bổ sung trong Luật BVMT sẽ được sửa đối sắp tới. Cụ thể, những nội dung cần loại bỏ có liên quan đến các điều sau đây:

        - Các điều 26, 27, 33, 34, 36 (Chương III),

        - Điều 48 (Muc 2, Chương IV) v.v...

 

Lượt xem: 2575

Các tin khác

Đưa thiên nhiên đến gần cộng đồng

(23/12/2024 06:20:AM)

Áp dụng LEZ: Lựa chọn từ thực tế, kỳ vọng đột phá cho môi trường Thủ đô

(16/12/2024 06:57:AM)

Gỡ vướng mắc thị trường tài chính xanh

(11/12/2024 09:30:AM)

Tài chính khí hậu là con đường dẫn đến công lý khí hậu

(18/11/2024 08:37:AM)

Tìm tiền carbon cho cây lúa

(13/11/2024 08:51:AM)

COP16: Bất đồng chưa thể vượt qua

(05/11/2024 06:53:AM)

Tăng tốc năng lượng tái tạo

(21/10/2024 08:54:AM)

Kinh nghiệm phát triển công trình xanh trên thế giới và đề xuất đẩy mạnh ở việt nam để đáp ứng mục tiêu phát thải ròng khí co2 = zero vào năm 2050

(18/10/2024 08:29:AM)

Người tiêu dùng Net Zero

(30/09/2024 06:12:AM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE