Xăng dầu là một trong những loại hàng hóa phải chịu thuế bảo vệ môi trường. Ảnh: ĐỨC TRÍ
Qua đó thay đổi nhận thức và hành vi của người dân và doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu dùng nhằm giảm phát thải. Tuy nhiên, tại buổi hội thảo lấy ý kiến của các sở, ban, ngành cùng các đơn vị doanh nghiệp xung quanh dự thảo luật này do Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức vừa qua, nhiều đại biểu tỏ ý lo ngại về tính khả thi của luật.
Ông Lê Chiến Thắng, Phó Trưởng phòng Thuế xuất nhập khẩu thuộc Cục Hải quan TPHCM cho rằng, mục tiêu của việc thu thuế bảo vệ môi trường là hạn chế đến mức thấp nhất các tác động của quá trình khai thác và sản xuất gây ảnh hưởng đến môi trường sống xung quanh. Thế nhưng, tại khoản 3 điều 4 bản dự thảo lại ghi hàng hóa do cơ sở sản xuất trực tiếp xuất khẩu hoặc ủy thác cho cơ sở kinh doanh xuất khẩu để xuất khẩu, trừ trường hợp tổ chức, cá nhân mua hàng hóa thuộc diện chịu thuế bảo vệ môi trường để xuất khẩu thuộc vào đối tượng không phải chịu thuế là không hợp lý.
Bởi lẽ, hiện nay có một số mặt hàng do cơ sở sản xuất trực tiếp xuất khẩu ra nước ngoài có lượng phát thải gây ô nhiễm cho môi trường xung quanh như than đá, quặng bôxít… Do đó, nếu chúng ta không đánh thuế loại hàng hóa này sẽ gây ra sự thiếu công bằng đối với các loại hàng hóa khác và nó sẽ không hạn chế được tình trạng ô nhiễm dẫu biết rằng nó là nhóm mặt hàng xuất khẩu của đất nước.
Ông Vũ Quang Triệu, đại diện Công ty cổ phần Than phía Nam, đặt vấn đề: “Quá trình khai thác đá và than đều gây ra một lượng bụi và các chất phát thải ảnh hưởng đến môi trường sống và sức khỏe của người lao động. Thậm chí, mức độ ô nhiễm của quá trình khai thác đá còn cao gấp nhiều lần so với than. Thế nhưng, trong đối tượng chịu thuế không hiểu sao loại sản phẩm này lại không nằm trong đối tượng chịu thuế cho dù nó tiếp tục được sử dụng vào việc sản xuất mặt hàng khác là xi măng. Ban soạn thảo cần xem xét và mở rộng đối tượng chịu thuế đối với mặt hàng này để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường”.
Đồng quan điểm này, ông Chế Đình Lý, Viện Môi trường và Tài nguyên TPHCM khuyến nghị: Việc đánh thuế môi trường đối với các mặt hàng là nhằm mục đích giảm ô nhiễm môi trường. Do đó, trong quy định đối tượng chịu thuế chúng ta cần phải phân định rõ đầu vào, đầu ra và trong quá trình sản xuất để thu đủ nhằm tạo sự công bằng. Bởi lẽ, hiện nay có một số mặt hàng ở nhóm đầu vào chẳng hạn như khai thác tài nguyên thải ra nhiều khói bụi, sản xuất thép gây ra hiệu ứng nhà kính cao và đầu ra như việc chôn lấp chất thải có một số sản phẩm rất khó phân hủy như vi mạch điện tử… Chính vì thế, nếu chúng ta không tính toán kỹ mức độ tác động môi trường của các sản phẩm sẽ khó giảm thiểu được ô nhiễm môi trường”.
Từ những vấn đề các đại biểu đặt ra, để Luật Thuế bảo vệ môi trường thực sự phát huy tính hiệu quả khi đi vào đời sống thực tiễn sau khi được Quốc hội chính thức thông qua dự kiến diễn ra vào kỳ họp tới, đòi hỏi ban soạn thảo cần có những bổ sung, điều chỉnh phù hợp hơn.