quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
DIỄN ĐÀN MÔI TRƯỜNG

Dự án "Tuyến đê biển Vũng Tàu - Gò Công": Lợi bất cập hại

Thứ Ba, 10/01/2012 | 04:12:00 PM

Theo ý kiến của nhiều bạn đọc, VACNE xin đăng lại bài viết về đê biển Vũng Tàu - Gò Công theo định dạng html để quý vị độc giả tiện tra cứu.

 
 
 
PGS. TS. Lê  Trình
Chủ tịch Hội Đánh giá Tác động môi trường Việt Nam
 
Lời nói đầu:
Tháng 7 năm 2011 sau khi đọc kỹ Báo cáo Dự án tôi đã gửi bài dưới đây đến Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đào Xuân Học, chủ trì dự án. Với tinh thần cầu thị đầu tháng lo năm nay Thứ trưởng đã mời tôi đến Văn phòng để trao đối về chuyên môn dự án này. Tôi rất cảm kích về việc Thứ trưởng Đào Xuân Học dù rất bận đã dành hơn một giờ để thuyết minh cho tôi về ý nghĩa, hiệu quả của dự án. Tôi đã hiểu hơn về mục tiêu và khả năng chong ngập lũ và hiệu quả kinh tế của dự án (nếu chưa tính đến tổn thất về môi trường). Tuy nhiên, trong dự án này nhiều vấn đề môi trường chưa được xem xét đúng mức, nhiều hậu quả môi trường chưa được dự báo. Với hiểu biết nhất định về sinh thái vùng hạ lưu hệ thống sông Đồng Nai - Sài Gòn qua chủ trì thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu ở vùng này trong 20 năm qua nên tôi thực sự lo lắng về việc Chính phủ có thể thông qua dự án trong khi chưa tham khảo đầy đủ thông tin của các đơn vị, cá nhân trong các lĩnh vực môi trường, kinh tế, xã hội. Vì vậy tôi xin gửi bài này đến Tổng cục Môi trường, Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, các nhà khoa học để nêu quan điểm của mình và mong các tổ chức, cá nhân có ý kiến về tác dộng môi trường, kinh tế và xã hội của dự án này.
Nếu Bộ NN-PTNT chứng minh rằng dự án sẽ không làm thay đổi độ mặn, không ngọt hóa, không làm tăng bồi lắng vùng cửa sông và không biến Vịnh Gành Rái thành nơi chứa nước ngọt (như mục tiêu của Dự án này) thì tôi xin rút lại các dự báo tiêu cực đối với dự án này. Dưới đây là toàn văn bản nhận xét.
 
Tổng cục Thủy lợi - Bộ NN và PTNT đã lập dự án xây dựng tuyến đê biển chạy xuyên qua các vịnh biển Gành Rái, Đồng Tranh nối thành phố (TP) Vũng Tàu - tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) với huyện Gò Công - tỉnh Tiền Giang (hình dưới) với tổng kinh phí dự tính lên đến 50.000 tỷ đồng. Các mục tiêu dự án là (nguyên văn): "chống lũ lụt, ngập úng và xâm nhập mặn cho toàn vùng TP. Hồ Chí Minh, trước mắt và lâu dài; tăng cường khả năng thoát lũ, giảm chiều sâu và thời gian ngập lũ, chống xâm nhập mặn cho vùng Đồng Tháp Mười (ĐTM) trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng; chống xâm nhập mặn cho khu vực Gò Công, Long An; phòng chống thiên tai và các tác động từ biển cho toàn bộ khu vực TP. Hồ Chí Minh và vùng ĐTM; về lâu dài khi cần sẽ chuyển thành hồ chứa nước ngọt cho vùng ".



 
Nội dung dự án (trích nguyên văn đoạn Mở đầu)
"Phương án chọn của dự án là xây dựng tuyến đê biển từ Gò Công đến gần Vũng Tàu, nơi tiếp với tuyến đê nhỏ đi vào rừng Cần Giờ (hình dưới). Chiều dài tuyến đê chính dài 29km, rộng 25 m, chiều sâu nước trung bình 6,5m (tính từ cốt 0,00m) và một cống kiểm soát triều, thoát lũ rộng 500m, sâu âm 12m và các âu thuyền, sau đó kết nối với Vũng Tàu bằng cầu giao thông rộng 22,4m, dưới cầu các loại tàu bè đi lại bình thường vào khu vực vịnh Gành Rái. Tuyến đê phụ dài 13km nối từ đầu cầu phía đê chính đi vào cần Giờ với chiều rộng bề mặt là 10m, chiều sâu bình quân gần 4,5m. Theo phương án này sẽ tạo được hồ chứa có diện tích mặt nước 40.000ha, dung tích 2,5 tỷ m3. Ngoài ra cần xây dựng một cống kiểm soát triều, thoát lũ rộng 200m, sâu âm 12m và âu thuyền trên sông Lòng Tàu. Về lâu dài khi nước biến dâng lên nhiều, cảng đã xây dựng xong ở dọc đê có thế hoàn thiện nốt đoạn đê"


 
 
Hình: Tuyến đê biển Vũng Tàu - Gò Công (phương án chọn của dự án)
Theo các tác giả của dự án "tuyến đê sẽ giải quyết vấn đề lũ lụt, úng ngập, xâm nhập mặn ra chống biến đổi khí hậu (BĐKH) cho một vùng rộng lớn đến 1,0 triệu ha thuộc lưu vực sông Đồng Nai - Sài Gòn và Vàm Cỏ".
Tuy nhiên, các mục tiêu này liệu có đạt được hay không trong khi tác động tiêu cực về kinh tế và môi trường của dự án này được dự báo là sẽ rất nghiêm trọng.
Lũ lụt là hiện tượng bình thường ở lưu vực các hệ thống sông Cửu Long, sông Vàm Cỏ, sông Đồng Nai. Lũ lụt ở vùng này không phải là thiên tai mà là yếu tố giúp đảm bảo cung cấp nước ngọt cho vùng hạ lưu, duy trì cân bằng nước, cân bằng sinh thái, cung cấp nguồn lợi thủy sản, nguồn nước ngầm, xử lý ô nhiễm đất, diệt côn trùng có hại, cung cấp phù sa. Do vậy năm nào lũ về ít, đời sống, kinh tế của nông dân vùng Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang gặp khó khăn, môi trường bị ô nhiễm, đất đai khô cằn hơn các năm có lũ. Vậy có nên chống lũ triệt để bằng các công trình như đê biển Vũng Tàu - Gò Công không?
- Lũ lụt, ngập úng hiện nay chỉ gây tác hại ở vùng ven sông Sài Gòn ở trung tâm TP. Hồ Chí Minh. Nguyên nhân của hiện tượng này không phải do thay đổi chế độ triều (các bảng thống kê triều ở Trạm Vũng Tàu không cho thấy có hiện tượng nước dâng đáng kể trong suốt vài chục năm qua). Nguyên nhân chính của vấn nạn ngập đường xá ở nội thành là do nước lũ kết hợp triều không được thoát nhanh vì các vùng chứa nước tự nhiên (kênh rạch, đất trũng) ở các quận, huyện nội, ngoại thành đã và đang bị lấn chiếm, san lấp; các hệ thống cống thoát nước bị tắc nghẽn do các công trình xây dựng. Để giải quyết nguyên nhân này thì dự án đê biển Vũng Tàu - Gò Công có ý nghĩa gì? Theo nhiều chuyên gia cao cấp về mô hình thủy lực (GS Nguyễn Tất Đắc, GS Nguyễn Ngọc Trân...) các tính toán về thủy văn trong dự án chưa đủ cơ sở để chứng minh với dự án này ngập úng ở TP Hồ Chí Minh và lưu vực Đồng Nai, Vàm cỏsẽ giảm cơ bản. Như vậy, vấn đề chế ngự lũ trong lưu vực có nên giải quyết bằng công trình đê biển này?.
- Ngọt hóa vùng ven biển các tỉnh Tiền Giang, Long An, Bà Rịa -Vùng Tàu và TP Hồ Chí Minh có cần thiết không khi phần lớn các vùng trồng lúa ở các tỉnh này về cơ bản đã sản xuất được 2 vụ, trong khi đó vùng nước lợ, nước mặn vùng cửa sông, ven biển là nơi nuôi trồng thủy sản (tôm, cá, nghêu, sò) có giá trị kinh tế còn cao hơn trồng lúa? Tại khu vực ven biển người nuôi thủy sản chỉ mong có nguồn nước mặn không bị ô nhiễm và không bị ngọt hóa.
Từ hai vấn đề trên cần đặt câu hỏi "dự án đê biển Vùng Tàu - Gò Công có cần thiết không ? trong khi nếu xây dựng tuyến đê biển này các tác động do thay đổi chế độ thủy văn sẽ dẫn đến tổn thất nghiêm trọng và không phục hồi về sinh thái, chất lượng môi trường và kinh tế đối với vùng hạ lưu sông Đồng Nai - Sài Gòn và Vàm Cỏ.
Các tác động xấu chính của dự án đến môi trường được dự báo dưới đây.
1. Các vịnh Gành Rái, Đồng Tranh, sẽ thành hồ chứa chất thải
Hiện nay mỗi ngày trên các sông, kênh rạch trong lưu vực các hệ thống sông Đồng Nai - Sài Gòn và Vàm Cỏtiếp nhận gần 2,0 triệu m3 nước thải sinh hoạt và gần 1,0 triệu m3 nước thải công nghiệp với tải lượng BOD lên đến 900 tấn/ngày, COD trên 2000 tấn/ ngày và hàng chục tấn các chất ô nhiễm có độc tính cao (dầu mỡ, các kim loại nặng, các hợp chất hữu cơ khó phân hủy). Theo quy hoạch phát triển KT - XH các tỉnh trong các lưu vực này vào năm 2020 và các năm tiếp theo lưu lượng nước thải và khối lượng các chất ô nhiễm đưa vào các lưu vực sông này sẽ còn cao hơn nhiều lần. Hiện nay với chế độ bán nhật triều và biên độ triều vùng cửa sông đến 3 - 4 m, khả năng tự làm sạch, khả năng tiếp nhận chất thải ở các sông Lòng Tàu, Soài Rạp, các sông ở huyện CầnGiờ, hạ lưu sông Vàm Cỏkhá lớn: theo kết quả các chương trình quan trắc của quốc gia, TP. Hồ Chí Minh và các đề tài, dự án mức độ ô nhiễm hữu cơ (qua các thông số DO, BOD) cao nhất tại các sông Sài Gòn ở trung tâm TP Hồ Chí Minh và sông Thị Vải ở khu vực thượng lưu. Tuy nhiên khi dòng nước bẩn từ sông Sài Gòn đổ vào các sông Đồng Nai rồi chuyển đến sông Nhà Bè, Soài Rạp, Lòng Tàu... ra đến khu vực cách bờ biển 20-30 km thì mức độ ô nhiễm đã giảm nhanh chóng: tại các sông ở huyện CầnGiờ giá trị DO và BOD đã gần đạt mức cho phép theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN 08:2008/BTNMT). Sông Thị Vải, Gò Da tại hạ lưu cách bờ biển khoảng 5-8 km đã đạt chất lượng như các sông ở Cần Giờ. Trong tương lai, nếu ngăn các vịnh Gành Rái - Đồng Tranh bằng đê biển Vũng Tàu - Gò Công sẽ tạo ra hồ chứa, ngăn cản dòng nước ô nhiễm từ nội địa thoát ra biển khơi và cản trở dòng triều xâm nhập vào cửa sông. Hậu quả sẽ là mức độ ô nhiễm các sông Đồng Nai, Sài Gòn, Soài Rạp, Lòng Tàu, Thị Vải sẽ tăng nhanh do bị giảm rõ rệt khả năng "tự làm sạch" và các vịnh Gành Rái, Đồng Tranh sẽ là bể chứa chất thải của TP Hồ Chí Minh và cả lưu vực hệ thống các sông Đồng Nai, Vàm Cỏ.Tác động trực tiếp của việc ô nhiễm các dòng sông này và các vịnh Gành Rái, Đồng Tranh ảnh hưởng nghiêm trọng đến cấp nước sinh hoạt, thủy lợi, tài nguyên thủy sản, cảnh quan và du lịch ở vùng có diện tích hàng nghìn km2 này với số dân hàng chục triệu người. Đây là yếu tố môi trường và kinh tế cực kỳ quan trọng chưa được tính tới trong dự án.
2. Tác động do bồi lắng
Việc ngăn biển ở các Vịnh Gành Rái, Đồng Tranh sẽ tạo ra một hồ chứa khổng lồ, dẫn đến thay đổi chế độ thủy văn các lưu vực sông nêu trên. Tác động nghiêm trọng sẽ là bồi lắng vùng cửa sông và ven biển. Với khối lượng phù sa hàng triệu tấn/ năm đổ về mức độ bồi lắng các sông Nhà Bè, Lòng Tàu, Ngã Bảy, Gò Da, Thị Vải, Soài Rạp sẽ lớn. Hậu quả trực tiếp sẽ là các luồng tàu vào hệ thống các cảng nước sâu ở tuyến sông Thị Vải (Gò Da, Cái Mép, Gò Dầu, Phú Mỹ), hệ thống các cảng ở dọc tuyến sông Lòng Tàu, Nhà Bè, Soài Rạp (cho tàu đến trên 50.000 DWT) sẽ bị bồi. Việc duy tu, nạo vét luồng tàu hàng năm sẽ tốn kinh phí rất lớn.
Hậu quả của việc bồi lắng còn là việc thay đổi cấu trúc nền đáy, thay đổi điều kiện sinh thái của vùng có tài nguyên thủy sản vào loại lớn của Việt Nam. Dự án đê biển chưa tính đến sự tổn thất về kinh tế này.
3. Phá hoại hệ sinh thái ngập mặn ven biển
Việc ngăn nước triều bằng đê biển Vũng Tàu - Gò Công sẽ làm "ngọt hóa" các huyện Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh), Tân Thành, TX Bà Rịa (Bà Rịa - Vũng Tàu), Gò Công Đông (Tiền Giang), Cần Giuộc (Long An) và sẽ biến vịnh Gành Rái - Đồng Tranh thành "nơi trữ nguồn nước ngọt trong tương lai" (nguyên văn thuyết minh dự án). Vùng ven các vịnh này là vùng sinh thái ngập mặn có giá trị sinh thái và kinh tế rất quan trọng đối với Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt là Khu dự trữ sinh quyển thế giới - rừng ngập mặn (RNM) Cần Giờ. RNM Cần Giờ sau giải phóng được phục hồi sau khi đã bị Mỹ phát quang bằng chất độc hóa học. Với diện tích vào loại rộng nhất ở Đông Nam Á (tổng diện tích 75.740 ha, trong đó rừng phủ kín trên 35.000 ha), đang được bảo vệ tốt và có tính đa dạng sinh học cao (157 loài thực vật, trong đó có 34 loài ngập mặn, 137 loài cá, 31 loài bò sát, 9 loài lưỡng cư, 130 loai chim, 19 loài thú trong đó có nhiều loài thuộc Sách Đỏ Việt Nam) nên đã được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới (2001). Hệ sinh thái RNM không chỉ có giá trị về đa dạng sinh học mà còn có vai trò đặc biệt trong điều tiết khí hậu cho TP Hồ Chí Minh và vùng chung quanh, ngăn sóng, chống xói mòn, chống hậu quả nước biển dâng do biến đổi khí hậu. Ngoài ra, các bãi lầy ven sông, biển và trong RNM chính là vùng xử lý nước thải từ thượng lưu đưa về. Nếu không có vùng RNM này chất lượng nước biển vùng vịnh Gành Rái, Đồng Tranh và ven biển Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ không được như hiện nay. Giá trị giảm thiểu ô nhiễm của RNM chưa thể tính chính xác nhưng không nhỏ hơn giá trị các nhà máy xử lý nước thải có suất đầu tư nhiều trăm triệu USD đang được xây dựng ở các thành phố trong vùng.
Hệ sinh thái RNM phụ thuộc cốt tử vào chế độ triều, độ mặn và mức độ bồi lắng. Các loại thực vật chủ đạo ở RNM Cần Giờ là đước (Rhizophora spp) và mắm (Avicennia spp.). Độ mặn thích họp cho đước là 15 - 25, cho mắm là 20 - 30‰. Việc ngăn các vịnh Gành Rái, Đồng Tranh bằng đê biển để "ngọt hóa" vùng cửa sông và thay đổi chế độ triều chắc chắn sẽ làm suy thoái các RNM trong vùng, đặc biệt là Khu Dự trữ sinh quyển Cần Giờ. Tác động đến RNM Cần Giờ không do xâm phạm vào diện tích rừng (dự án không lấy đất Cần Giờ) mà chủ yếu do thay đổi chế độ mặn. Tác động này là nghiêm trọng, không phục hồi và sẽ khó được sự đồng tình của chính quyền, nhân dân TP Hồ Chí Minh, UNESCO và các tổ chức quốc tế.
4. Tác hại đến nguồn lợi thủy sản
Hiện nay nuôi tôm, cá nước mặn và nghêu sò là nguồn lợi kinh tế chính của hàng ngàn hộ gia đình ở các huyện ven biển Long An, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh. Diện tích nuôi tôm ở các tỉnh, TP này gần 13.000 ha (TP Hồ Chí Minh trên 4.000 ha, Long An: trên 3.200 ha; BR-VT: trên 5.700 ha), diện tích nghêu trên 2000 ha (số liệu của các tỉnh/TP năm 2010). Ngành nuôi thủy sản ở các tỉnh này cho thu nhập hàng trăm tỷ đồng/năm, góp phần xóa đói giảm nghèo ở các huyện này. Ngành kinh tế thủy sản sẽ bị tác hại nặng nếu vùng nước bị ngọt hóa, gia tăng ô nhiễm và chế độ thủy văn bị thay đổi.
5. Tác hại đến hệ thống cảng ở vùng KTTĐ phía Nam
Các hệ thống cảng dọc sông Thị Vải, sông Soài Rạp, sông Nhà Bè đã được Bộ GT - VT quy hoạch, được Chính phủ phê duyệt đang và sẽ có các cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam. Với việc ngăn vịnh Gành Rái, Đồng Tranh - cửa ngõ ra biển của các hệ thống cảng này bằng tuyến đê Vũng Tàu - Gò Công, dù vẫn có các âu tàu, sẽ là trở ngại lớn cho hoạt động giao thông thủy đối với vùng KTTĐ phía Nam nói riêng và hệ thống giao thông thủy quốc gia nói chung, chưa kể việc bồi lắng các luồng tàu vào cảng như đã nêu ở trên.
Chỉ với một so tác động xấu trực tiếp nêu trên có thể đánh giá rằng dự án đê biển Vũng Tàu - Gò Công chưa xem xét thấu đáo các vấn đề kinh tế và môi trường có thể gây ra bởi công trình này. Trên thế giới cũng như ở Việt Nam việc thay đổi quy luật tự nhiên về địa lý, thủy văn, thủy lực ở vùng cửa sông ven biển đều dẫn đến các hậu quả khôn lường về sinh thái và kinh tế. Nếu tính đến các tổn thất không thể bù đắp về sinh thái và kinh tế nêu trên và tính đến số tiền 50.000 tỷ sẽ chi cho dự án thì cái lợi của dự án đê biển Vũng Tàu - Gò Công sẽ khó bù đắp các thiệt hại không hồi phục về sinh thái và kinh tế.
Với áp lực do khai thác khoáng sản, các công trình thủy điện và phá rừng ở thượng nguồn hệ thống sông Đồng Nai, nay hướng mở ra biển ở hạ lưu cùng bị chặn nốt, không rõ trên 16 triệu dân các tỉnh, TP trong lưu vực sẽ phải chịu đựng sức ép do chính chúng ta tạo ra (chứ không phải do biến đổi khí hậu) đến môi trường, tài nguyên và kinh tế trong tương lai đến mức nào.
Do vậy, chúng tôi kính đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu kỹ và không nên trình dự án tuyến đê biển Vũng Tàu - Gò Công; kính đề nghị Chính phủ và các bộ ngành, tỉnh, thành phố liên quan, các nhà khoa học xem xét kỹ các tác động môi trường và kinh tế của dự án này đế có cơ sở thẩm định.
Hà Nội, ngày 04 tháng 11 năm 2011

Mọi thông tin chi tiết liên hệ với tác giả theo địa chỉ
PGS.TS. Lê Trình, Hội Đánh giá tác động môi trường Việt Nam
ĐT: 098-2619336; e.mail:vesdec@vahoo.com
 

Lượt xem: 5814

Các tin khác

Đưa thiên nhiên đến gần cộng đồng

(23/12/2024 06:20:AM)

Áp dụng LEZ: Lựa chọn từ thực tế, kỳ vọng đột phá cho môi trường Thủ đô

(16/12/2024 06:57:AM)

Gỡ vướng mắc thị trường tài chính xanh

(11/12/2024 09:30:AM)

Tài chính khí hậu là con đường dẫn đến công lý khí hậu

(18/11/2024 08:37:AM)

Tìm tiền carbon cho cây lúa

(13/11/2024 08:51:AM)

COP16: Bất đồng chưa thể vượt qua

(05/11/2024 06:53:AM)

Tăng tốc năng lượng tái tạo

(21/10/2024 08:54:AM)

Kinh nghiệm phát triển công trình xanh trên thế giới và đề xuất đẩy mạnh ở việt nam để đáp ứng mục tiêu phát thải ròng khí co2 = zero vào năm 2050

(18/10/2024 08:29:AM)

Người tiêu dùng Net Zero

(30/09/2024 06:12:AM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE