quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
DIỄN ĐÀN MÔI TRƯỜNG

Động đất Nhật Bản - Gian nan tạo anh hùng

Thứ Sáu, 18/03/2011 | 10:11:00 AM

Ứng xử thảm họa tạo ra phong cách thần kì của người dân xứ Phù Tang. Lời cảnh báo của Viện sĩ Efremov về thảm họa hạt nhân. Hãy vững tin vào Nhật Bản trong vượt qua thử thách.


Nguyễn Đình Hòe - VACNE
 1. Nhật Bản: cung đảo núi lửa phiêu du trên đới hút chìm
Nhật Bản nằm trong đới dồn mảng (collision) hội tụ tương tác của 4 mảng thạch quyên: Âu – Á (Eurasia), đuôi của mảng Bắc Mỹ, Philippines và Thái Bình Dương. Sự chuyển động và tương tác của 4 mảng thạch quyển này tạo ra năng lượng rất cao tích lũy trong vùng đất này với các biểu hiện thường xuyên của động đất, sóng thần, phun trào núi lửa và suối nước nóng.Trên vùng đất hội tụ mảng đó, Nhật Bản phiêu du trên 15 triệu năm qua và ngày càng tách xa châu Á lục địa.



Thách thức Ishinomaki. Ảnh của báo Yomiori
Động đất ngày 11/3/1011 với chấn độ 9.0 độ richter xảy ta trên một hệ đứt gãy chờm nghịch liên kết với đới hút chìm (subduction) có tên là đới hút chìm Nhật Bản phía đông đảo Honshu. Đây là nơi mà mảng Thái Bình Dương bị hút xuống và tan chảy dưới phần đuôi kéo dài của mảng Bắc Mĩ mà nhiều người gộp chung vào mảng Eurasia. Do chuyển động này mà mảng Thái Bình Dương dịch chuyển về phía tây, chúi xuống rồi nóng chảy dưới cung đảo Nhật Bản với tốc độ khủng khiếp 83 mm/năm. Hoạt động của đới hút chìm cũng kéo vùng đất Nhật Bản phía bên trên với tư cách là một cung đảo núi lửa (vocanic island arc) trượt về phía đông (nằm đè trên phần bị hút chìm của mảng Thái Bình Dương), tạo cơ chế tách dãn phía sau cung đảo Nhật Bản để hình thành biển rìa - còn gọi là bồn sau cung đảo (backarc basin) – biển Nhật Bản - làm Nhật Bản và Châu Á lục địa ngày càng rời xa nhau (1). Phía đông cung đảo Nhật Bản giáp đới subduction là trường xiết ép mãnh liệt, tạo ra nhiều hệ đứt gãy chờm nghịch và động đất mạnh liên quan. Phía tây cung đảo Nhật Bản giáp với biển Nhật Bản là trường tách giãn với nhiều hệ đứt gãy thuận tách, tạo tiền đề cho các núi lửa có thành phần axit. Chính giữa cung đảo Nhật Bản là trường đứt gãy thuận tách và đứt gãy trượt theo phương ngang, liên quan đến các phun trào andesite. Theo quy luật này, những động đất mạnh nhất Nhật Bản đều nằm ở vùng phía đông quần đảo, giáp biển. Câu chuyện này chỉ xảy ra khoảng 15 triệu năm trở lại (1). Trước đó Nhật Bản chưa phải là đất liền, vẫn còn là một vùng thềm lục địa gắn liền với lục địa châu Á. Những nghiên cứu cổ sinh vật Nhật Bản cho thấy các tầng đá trầm tích có tuổi Paleozoi giữa (400 triệu năm – 300 triệu năm trước) mới chỉ là trầm tích vôi sét thềm lục địa biển nông ven bờ lục địa Đông bắc Á, chứa các hóa thạch san hô và tay cuộn rất giống vùng châu Á lục địa.



Mô hình cắt ngang theo chiều đông – tây đới hút chìm, cung đảo núi lửa Nhật Bản và bồn sau cung đảo (biển Nhật Bản) (1) .
Đới hút chìm Nhật Bản đã tạo ra 9 trận động đất từ 7 độ richter trở lên tính từ 1973. Tính từ 1930 đến nay đã có 10 trận động đất mạnh làm chết hơn 18.000 người với hàng trăm ngàn công trình bị sụp đổ. Đáng chú ý có trận 7,8 đội richter năm 1994 nằm về phía bắc trận 11/3/11 chỉ 230 km về phía bắc làm chết 3 người và bị thương 700 người. Tháng 6/2008, một động đất 7,7 đội richter nằm về phía tây nam động đất 11/3/11 chỉ 75 km làm chết 22 người và bị thương 400 người. Tháng 12/2008, 4 động đất khác với chấn độ 5,3 – 5,8 độ richter xảy ra chỉ cách tâm chấn 11/3/11 chừng 20 km nhưng có hàng tá dư chấn trong đó có dư chấn đạt đến 5,7 độ richter. Trước động đất chính 2 ngày có nhiều tiền chấn trong đó có 1 tiền chấn 7,2 độ richter chỉ cách chấn tiêu trận 11/3/2011 có 40 km. Sau động đất chính còn có 3 dư chấn mạnh trên 6,2 độ richter trong cùng một ngày (2) .


Cấu trúc địa chất và động đất Nhật Bản (1).
Ảnh trái: cấu trúc địa mảng; ảnh giữa: sự tách giãn của biển Nhật bản; ảnh phải: chấn tiêu động đất ngày 11/3/11, đường màu vàng là đới hút chìm.
 2. Nhật Bản – Gian nan tạo anh hùng
Trận động đất 9.0 độ richter kèm sóng thần ngày 11/3/2011 đặt Nhật Bản đối diện với một thảm họa môi trường mới và đầy thử thách, trong đó có thảm họa hạt nhân. Trên thông tin đại chúng có những lo ngại rằng Nhật sẽ sụp đổ. Nhưng chắc chắn không thể xảy ra chuyện như vậy.
Nhật Bản có chiều dày lịch sử dài như một đất nước cô lập, Các loại thiên tai như động đất, núi lửa, sóng thần, bão lũ, trượt lở đất đá triền miên. Trong quá khứ xa xưa, nội chiến như một sự kiện xảy ra liên tục, nhưng Nhật Bản vẫn vững bước. Ổn định trong biến động, nước Nhật đến nay vẫn chỉ có duy nhất một dòng họ làm vua. Người Nhật đã sáng tạo ra Thần Đạo (Shinto) là một kiểu tín ngưỡng tôn thờ và chung sống với thiên nhiên. Vào thế kỉ 13, khi Thiền Trung Hoa (T’ian) truyền sang Nhật để kết hợp với Shinto thành Zen (Thiền Nhật Bản), người Nhật đã xây dựng cho riêng mình một lối sống Zen trong mọi mặt đời thường, từ Võ sĩ đạo (Bushido), Cung đạo (Kudo), Kiếm đạo (Kendo) Trà đạo (Chanoyu hay Chado), Cắm hoa (Ikebana), Nhu đạo (Judo), tranh Mạc hội (Sumiye), Thiền thi 17 chữ (Haiku), đến lối sống hàng ngày như Du lịch Thiền (Zentourism), chăm sóc con cái, giáo dục, kiến trúc nhà cửa, vườn tược, văn hóa doanh nghiệp,…Đặc trưng lối sống này là triết lí về chữ tín (Giri hay Nghĩa lí), sự nỗ lực vô cùng tận (Kambate) và sự bình tĩnh kì lạ trước thử thách. Khi chia tay nhau, người Nhật có thói quen nói : “O Genki de, kambate kudasai” có nghĩa là “Chúc sức khỏe, hãy cố gắng nhé”.
Cho đến những năm 50 của thế kỉ trước, Nhật vẫn còn nghèo khổ, đến tuổi 50 vẫn còn nhiều bậc cha mẹ nghèo thuận tình để con cái cõng lên núi bỏ chết ở đó để dành nhà cửa và thức ăn cho con. Cho đến những năm 1960, rất nhiều người Nhật, kể cả sinh viên và nghiên cứu sinh vẫn phải ăn bí đỏ nhập từ Campuchia trừ bữa (do đó họ gọi bí đỏ là campocha). Nhưng đến năm 1962 Nhật đã phổ cập điện thoại và đến 1968 họ đã phổ cập máy giặt như hai bước đi đầu tiên không giống ai của chiến lược hiện đại hóa, nhằm giải phóng sức lao động phụ nữ và coi thông tin là máu của nền kinh tế mới. Đến cuối những năm 1970 - chỉ sau hơn 20 năm kể từ thất bại tan tành ở Thế chiến 2 với 2 quả bom nguyên tử dội vào nước Nhật, Nhật đã trở thành cường quốc kinh tế thứ 2 thế giới sau Mĩ. Sự thần kì Nhật Bản chính là ở Con người và Văn hóa Nhật. Thảm họa động đất và sóng thần tháng 3/2011 không thể làm nước Nhật tàn lụi, không thể làm nước Nhật sụp đổ mà chỉ là thêm một thử thách để nước Nhật sớm trở lại cường quốc thế giới ở vị thế cao hơn. Người ta vẫn nói: “trong họa có phúc” và “gian nan tạo anh hùng”. Hai câu ngạn ngữ này hoàn toàn đúng với Nhật Bản. Cả thế giới những ngày này đang chia sẻ và chung sức với Nhật Bản khắc phục thảm họa. Nhưng không thể vì thảm họa to lớn này mà thiếu niềm tin vào Nhân dân và Đất nước Phù Tang.
3. Tinh vân tiên nữ và thảm họa hạt nhân
“Tinh vân Tiên Nữ” là một tác phẩm tiểu thuyết khoa học viễn tưởng của nhà văn, nhà cổ sinh vật học, giáo sư viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Liên xô (cũ) Ivan Antonovich Efremov xuất bản lần đầu tại Liên Xô năm 1957, ngay sau đó hãng phim Dovzhenko Film Studios của Ucraina chuyển thể thành phim năm 1967, được Phạm Mạnh Hùng dịch ra tiếng Việt và Nhà xuất bản Lao động phát hành rộng trãi ở nước ta vào năm 1974. Giáo sư I-van Ê-phơ-rê-mốp là một nhà tiểu thuyết khoa học viễn tưởng nổi tiếng của Liên-xô. Nhiều tác phẩm của ông như “Đất nổi sóng”, “Trái tim của con rắn”, “Những con tàu vũ trụ” đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và được đón nhận rộng rãi trên thế giới. Dựa vào nhưng thành tựu mới nhất của khoa học, “Tinh vân Tiên nữ” là một trong những cố gắng kết hợp tư duy khoa học cao siêu với sự bay bổng tuyệt vời của trí tưởng tượng nghệ thuật. Cuốn sách này dành hẳn một chương về Hành tinh Diếc-đa bị hủy diệt do sử dụng các chất phóng xạ một cách thiếu cẩn trọng (3).Đây là cảnh báo cho nhân loại về thảm họa hạt nhân, một chân lí “người định không bằng trời định”. Thảm họa hạt nhân liên quan đến động đất và sóng thần tại Nhật ngày 11/3/2011 cho thấy những ý kiến của Viện sĩ Efremov cách đây hơn nửa thế kỉ không thể bị lãng quên. Hy vọng sau thảm họa hạt nhân này, Nhật Bản sẽ sáng tạo ra triết lí mới về năng lượng hạt nhân mà thế giới phải học tập – đó chắc chắn cũng là một sự thần kì của đất nước Mặt Trời mọc./.
 Chú thích
(1). Japan in a subduction zone. http://www.glgarcs.net/intro/subduction.html
(2). Historic earthquakes in Japan. http://www.structuralgeology.org/2011/03/honshu-earthquakein-japan-89-mw.html
(3). Efremov, I.A. Tinh vân tiên nữ. NXB Lao động, Hà Nội, 1974
 

Lượt xem: 2444

Các tin khác

Việt Nam ủng hộ có thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhự

(25/04/2024 07:01:AM)

Căn bản về tái hoang dã

(22/04/2024 08:37:AM)

Một nền kinh tế xanh cần nhiều thứ hơn chỉ là trợ cấp

(20/04/2024 06:23:AM)

Thúc đẩy phát triển đô thị theo hướng xanh, bền vững

(03/04/2024 07:56:AM)

Nước đã cạn

(30/03/2024 06:46:AM)

Bảo vệ môi trường – Nền tảng để phát triển kinh tế bền vững

(28/03/2024 07:08:AM)

Chuyển đổi xanh trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

(26/03/2024 05:49:AM)

Một số suy nghĩ về chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, từ khai thác thâm dụng tài nguyên thiên nhiên sang phát triển dựa vào hệ sinh thái, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn - Từ phân tích thực

(25/03/2024 06:28:AM)

Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng lớn đối với Việt Nam

(24/03/2024 06:05:AM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE