Ảnh: Hoàng Thu Phố
Phố cổ không tiếng động cơ
Ấn tượng dễ nhận đầu tiên khi du khách đến Hội An đó là phố cổ không có bóng dáng của ôtô, xe máy, hay xe ba gác chạy búa xua. Dọc theo các tuyến phố Trần Phú, Nguyễn Thái Học, Bạch Đằng,… chỉ có những chiếc xe đạp, dăm ba chiếc xích lô chở khách thong dong dạo phố. Những du khách thích đi bộ có thể đi trên vỉa hè, hoặc đôi khi bước xuống cả lòng đường mà vẫn không sợ những tiếng động cơ hay tiếng còi đinh tai chói óc.
Có được điều ấy, là bởi mấy năm gần đây, Hội An áp dụng mô hình thành phố không tiếng động cơ. Đây không phải là một ý tưởng quá mới mẻ, nhưng ít nơi áp dụng được. Thậm ngay như ở những ngôi làng cổ được phong tặng danh hiệu di tích cấp quốc gia như Đường Lâm (Sơn Tây – Hà Nội), hay một số làng cổ khác cũng vẫn tràn ngập tiếng động cơ. Nhưng để áp dụng vào thực tế thì Hội An là một điển hình, một bài học cho những nơi khác nếu muốn phát triển du lịch. Trò chuyện với ông Nguyễn Sự - Bí thư Thành ủy TP. Hội An, mới hay ban đầu rất ít người dân hưởng ứng. Thậm chí, nhiều ý kiến phản đối, vì như vậy làm đảo lộn sinh hoạt của cư dân phố cổ. Nhưng các cấp chính quyền ở đây vẫn kiên quyết áp dụng, vì đã sớm nhận ra được cái giá trị của phố cổ "không tiếng động cơ” sẽ phục vụ cho chính cư dân ở đây. Vì thế, ban đầu cũng chỉ "áp dụng thí điểm”. Tức là một tuần chỉ "cấm ôtô, xe máy” 2 ngày, rồi dần dần nâng lên, 4 ngày… Cứ thế, người dân "bị” thay đổi thói quen cũng dần dần thích nghi. Đến lúc mọi người thấy "có tác dụng thật sự”, trước nhất là việc tránh gây tai nạn cho con em mình, nên quay ra đề nghị chính quyền áp dụng "triệt để” các ngày trong tuần…
Vậy là bây giờ, du khách đến Hội An được sống với cuộc sống bình yên của người dân phố Hội, được hưởng trọn cái không khí trong lành không bụi bặm, không tiếng ồn, không khói xăng…
Cơn lốc đô thị hóa với những tiện ích, kèm theo là biết bao hệ lụy đã phải dừng lại trước đô thị cổ có tuổi đời 400-500 năm.
Cơn lốc đô thị hóa với những tiện ích kèm theo biết bao
hệ lụy đã phải dừng lại trước đô thị cổ có tuổi đời 400-500 năm
Người cũ, nghề xưa
Cái sự "giữ mình” của Hội An khỏi cơn lốc đô thị hóa tàn khốc còn có thể dễ dàng bắt gặp ở sự quan tâm, trân trọng của chính quyền sở tại với những người gắn bó cả đời với phố Hội. Bây giờ họ đều là những người già cả, nhưng đã làm nên hồn của từng góc phố. Như dì Tư bán chè sen bên góc phố Trần Phú, như mẹt tò he, lợn đất của bà Sáu trước hội quán xưa của người Nhật…
Một trong những "người cũ” quá thân thuộc với cư dân phố Hội là ông Nguyễn Đường cả đời làm nghề gánh nước thuê. Ông gánh suốt từ năm 1975 tới nay, mòn nhẵn trên những con đường phố cổ, đến độ Bí thư thành ủy TP. Hội An Nguyễn Sự phải trầm trồ: "Ông Đường gánh nước thuê đã trở thành một phần của phố cổ Hội An, hình ảnh ấy rất gần gũi, thân quen đến độ bây giờ nếu vắng là thiếu”. Rồi ông Bí thư lo một ngày ông Đường gánh nước thuê mất đi, "Hội An sẽ mất đi một hình ảnh thân quen, nhiều người thương nhớ”.
Ông Nguyễn Sự còn kể một câu chuyện khác: Khi chợ Hội An mới được sửa lại, các hộ kinh doanh to nhỏ đều phải vào trong chợ, với từng ô, từng khoảnh để kinh doanh, và hàng tháng phải đóng tiền thuế. Nhưng có một cụ già lưng còng gập, ngày ngày chỉ có mấy mớ rau mấy nải chuối từ vườn nhà mang đi bán. Cụ đã bán mấy chục năm nay, quá quen với góc chợ này. Bí thư Nguyễn Sự đã đưa ra quyết định ngoại lệ: "Cụ cứ ngồi đó bán, bao giờ chết thì thôi”. Và tất nhiên, Bí thư Sự cũng quyết luôn: Cụ không phải nộp "thuế chợ”.
"Tổ chức phố không động cơ, Hội An không chỉ muốn tạo không gian giao thông thân thiện, an toàn cho du khách và người dân địa phương mà còn nhằm giảm khí thải và ô nhiễm tiếng ồn, giúp tăng tuổi thọ của những ngôi nhà cổ”. - Anh Nguyễn Ngọc Be, dân quân cơ động, TP. Hội An.
|
Chính bởi cái nhìn bắt đầu từ những chuyện có thể nói là rất li ti ấy mà bây giờ đến Hội An, người ta thấy bóng dáng cũ kỹ không chỉ hiển hiện trên những ngôi nhà cổ, những mái ngói phủ rợp rêu, những cửa hàng bán đèn lồng mà còn được gặp gỡ, trò chuyện với những con người mang hồn cốt của đô thị cổ. Đi dọc những con phố Hội An, những cửa tiệm cao lầu vẫn sáng đèn bất kể đêm mưa gió, những gánh bánh khoai, đậu hủ, tào phớ vẫn vang vọng tiếng rao mời khiến người ta thấy thân quen, gần gũi dù ngoài kia đô thị hóa từ "cơn lốc” đã dần thành "cơn bão”. Dọc phố Lê Lợi, nghề làm bánh đậu xanh vẫn được nhiều hộ dân làm một cách thủ công. Thủ công từ cách ngào bột, trộn đường, đóng đập, cho tới cách bán lẻ không khoa trương, không bảng hiệu.
Nâng niu từng khoảnh khắc
"Lúc nào cũng có nỗi lo, thậm chí không phải ngày mai Hội An vỡ mà có thể vỡ ngay bây giờ. Cho nên lúc nào cũng phải nâng niu nó”, Bí thư Nguyễn Sự nói. "Mình tin rằng các thế hệ sau của Hội An vẫn giữ được. Dù có nhiều biến động nhưng vẫn giữ được vì suốt chiều dài lịch sử của Hội An, bản lĩnh người Hội An sẽ giữ được”.
"Hội An chỉ phát triển tốt, khi nó thực sự yên tĩnh. Yên tĩnh ở đây không phải là sự ít người. Có thể đông người nhưng vẫn yên tĩnh. Hội An chỉ có thể giàu lên, bán cái sự yên tĩnh của mình mà sống, chứ không phải là sự ồn ào náo nhiệt”, ông Nguyễn Sự - Bí thư thành ủy TP. Hội An nói.
|
Người ta thường nói nhiều về Nguyễn Sự, một người lãnh đạo "yêu Hội An kinh khủng”. Nhưng nếu nhìn ngược về quá khứ một chút, người ta cũng dễ nhận thấy các thế hệ lãnh đạo trước cũng đã đối xử với Hội An không chỉ bằng tình yêu mà còn cả bằng bản lĩnh. Lúc đó người Hội An nào đâu đã biết đến danh hiệu di sản văn hóa thế giới hay những vinh danh này khác, nhưng những người có trách nhiệm với Hội An đã không phá đi bất cứ di tích nào, họ giữ nguyên các đình, chùa, hội quán… Họ ý thức rõ ràng rằng, giữ lại cho Hội An, cho dân tộc chứ không phải vì những danh hiệu. Nguyễn Sự bảo, "chính vì các cụ đã để lại cho mình như vậy, nên mình phải có trách nhiệm giữ gìn, và làm trong một điều kiện khác để Hội An phát triển hơn, tốt đẹp hơn”.
Thư Hoàng
|