Việc thành phố Hà Tĩnh đang bị rác thải tràn ngập lại gióng lên hồi chuông cảnh báo về một vấn đề “xưa như Trái Đất: các đô thị và khu dân cư đổ rác ở đâu?”.
Nguyễn Đình Hoè - VACNE
· Lượng rác đô thị tăng theo thời gian:
|
Đội quân nhặt rác tại Bãi rác Nam Sơn, Hà Nội (1) |
Đô thị là một hệ thống hở. Chúng nhờ cậy "đầu vào" từ những vùng xung quanh như: năng lượng, vật liệu, lương thực, thực phẩm, lao động ... sau đó, gửi gắm "đầu ra" cũng tại những vùng xung quanh, thậm chí ở rất xa đô thị. Đầu ra gồm những sản phẩm mong đợi (ví dụ hàng hoá) và cả những sản phẩm không mong đợi, trong đó có rác sinh hoạt.
Ở đâu có người, ở đó có rác. Theo các tính toán khoa học, rác sinh hoạt ở đô thị luôn tăng khối lượng và biến đổi về thành phần theo đà công nghiệp hoá, đô thị hoá. Ở các đô thị cấp thấp (thị trấn, thị xã), bình quân một người một ngày thải ra khoảng 0,45 đến 0,50 kg rác. Trong lượng rác này phần chủ yếu - có khi đến 65% - là rác hữu cơ gồm các phần vứt bỏ của thực phẩm, lá cây, nhiều trường hợp có cả phân người và súc vật. Phần còn lại là vật liệu vụn, vải vụn, chất dẻo, kim loại... Rất ít thứ có thể thu gom làm phế liệu tại các trung tâm dân cư nghèo. Tại các đô thị cấp cao, nhất là ở các nước công nghiệp, mỗi người có thể xả ra đến 3,5 - 4kg rác mỗi ngày, trong đó chủ yếu là chai lọ thuỷ tinh, đồ kim khí, đồ nhựa, bao bì chất dẻo... Lượng chất hữu cơ trong rác các thành phố này chỉ còn 20 - 30%. Trong khi đó, có cả những loại rác cao cấp như đồ điện tử, xe gắn máy, đồ dùng gia đình bị vứt bỏ do hư hỏng nhẹ hoặc chỉ vì một lí do rất đơn giản là... lạc mốt.
Ở nước ta, mặc dù đã có quy định của các ngành chức năng về quản lý rác thải y tế và thú y, nhưng do quản lý lỏng lẻo nên trong các bãi rác đô thị vẫn hay gặp xác súc vật chết, kim tiêm đã sử dụng, bông băng dính máu, thuốc quá hạn sử dụng... Những thứ rác thải độc hại này càng làm cho rác đô thị trở thành thứ sản phẩm không ai muốn đến gần.
Tại các khu vực đô thị phát triển du lịch, lượng khách du lịch thường tăng đột biến theo mùa và khó dự báo chính xác. Để phục vụ cho 1 du khách, lượng rác xả ra có thể gấp 15 - 20 lần lượng rác do một người dân địa phương tạo ra mỗi ngày.
Rõ ràng tính toán, dự báo chính xác lượng rác phát sinh hàng năm là điều không thể. Đó chính là khó khăn đầu tiên của việc xây dựng và vận hành các bãi chôn lấp rác đô thị.
· Phát triển đô thị và khu dân cư tập trung cần quan tâm đến chỗ đổ rác ngay từ đầu
Ở nước ta, phần lớn đô thị cấp thấp (thị xã, thị trấn, thị tứ) và không ít thành phố chỉ có bãi chôn lấp rác tạm thời, thậm chí một số không ít đô thị hoàn toàn không có chỗ chôn lấp rác. Đi trên nhiều đường quốc lộ, bãi rác hai bên đường là dấu hiệu sắp đến khu dân cư tập trung (đây là dấu hiệu đánh giá nhanh, mặc dù không đệp chút nào!). Nhiều người dân các đô thị trên Tây Nguyên cho rác vào bao đựng phân bón và đem vứt bỏ dọc quốc lộ 14 bên ngoài các thị trấn hoặc thành phố. Có nhiều nơi rác được đổ ra bờ sông, đổ vào các khu ruộng trũng, các hồ đầm, hoặc đổ bất cứ chỗ nào người dân thấy tiện.
Lý do nào khiến cho nhiều khu vực đô thị nước ta không có bãi chôn lấp rác hoặc chỉ có bãi chôn lấp tạm thời, khi bãi rác đầy phải cuống cuồng đi tìm chỗ đổ rác khác? Có nhiều khó khăn đã được nêu ra và phân tích trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên lí do chính là quy hoạch phát triển đô thị chủ yếu theo kiểu ngắn hạn, điều chỉnh, chữa cháy hơn là quy hoạch có tính chiến lược và dài hạn.
Trong phát triển đô thị, nhất là các đô thị cấp thấp, thường các vấn đề được quan tâm hàng đầu là kinh tế, cảnh quan phố phường, nhà cửa, giao thông... bãi chôn lấp rác thường bị lãng quên cho đến khi nó trở thành vấn đề bức xúc. "Cùng tắc biến" (đến cùng sẽ thay đổi) là đối sách được nhiều khu vực đô thị đang áp dụng để mong "biến tắc thông" (thay đổi sẽ xong). Tuy nhiên không phải ở đâu "biến" cũng "thông" được, nên bãi đổ rác của rất nhiều đô thị vẫn cứ mãi là bãi tạm thời.
Một lý do để "biến" nhưng khó "thông" là ở chỗ trong nhiều quy hoạch đô thị, những "bãi đổ rác tiềm năng" sử dụng cho tương lai đã không được tính đến. Đất đai được đưa vào sử dụng hết, có chủ hết. Cho đến khi cần thì khó có khả năng đền bù giải toả để thu lại đất. Chuyển rác ra ngoại thành thường gặp sự phản đối dữ dội của người địa phương. Mọi dự án đầu tư phát triển rất dễ được người dân địa phương đón đợi trừ bãi rác.
· Chiến lược cho các bãi rác đô thị và khu dân cư tập trung
Lựa chọn các địa điểm làm bãi chôn lấp rác hiện tại và "để dành" cho tương lai là việc cần quan tâm hàng đầu của quy hoạch phát triển đô thị và khu dân cư tập trung. Theo Thông tư liên tịch số 1590 do Bộ Khoa học - Công nghệ và Môi trường (cũ) và Bộ Xây dựng ban hành năm 1999, thì mỗi khu đô thị phải có 1 bãi rác chính thức, hoạt động ít nhất là 25 năm. Diện tích mỗi bãi ít nhất từ 10ha - 20ha (bãi rác cấp thị xã) đến 150 ha (đô thị loại 1).
Một diện tích dự phòng làm bãi rác dự trữ cũng cần được tính đến khi bãi rác đang hoạt động sẽ đầy. Sau khi bãi rác đã đầy, chúng còn phải được cô lập và theo dõi, xử lý ít nhất là 20 năm nữa để trở nên vùng đất an toàn. Trong suốt 20 năm đó, khí bãi rác, nước rác cần phải được quan trắc và xử lý. Không phát triển bất cứ hoạt động gì trừ việc trồng cây xanh (không được trồng cây ăn quả vì quả sẽ bị nhiễm độc). Văn bản pháp luật đã ban hành nhưng không thấy địa phương nào tuân theo.
Bãi rác chính thức không được đặt gần khu dân cư để tránh tác động có hại tới môi trường và sức khoẻ con người, nhưng cũng không quá xa khu trung tâm đô thị để hạn chế chi phí vận chuyển. Lựa chọn địa điểm xây dựng bãi rác cũng không dễ vì nơi này đòi hỏi các tiêu chuẩn ngặt nghèo về điều kiện địa chất, thuỷ văn và môi trường theo quy định của pháp luật.
Như vậy, việc lựa chọn các bãi chôn lấp rác và bãi chôn lấp dự phòng đối với đô thị và khu dân cư tập trung là một việc không khó nhưng lại không đơn giản, nhất là với các đô thị lớn, đông dân, đất chật. Dễ thấy nếu không quy hoạch dài hạn ngay từ đầu, việc khủng hoảng rác ở đô thị là điều khó tránh. "Cùng tắc biến" nhưng "biến (lại không) tắc thông". Trong bối cảnh này, còn 2 giải pháp hỗ trợ khác cho chiến lược quản lý rác đô thị: thứ nhất, giảm lượng rác bằng cách tăng cường tái chế, tái sử dụng. Những thành công trong việc thu gom và tái chế bao bì chất dẻo ở Hải Phòng, Nha Trang, Phan Rang... trong những năm qua là những điển hình cần nhân rộng. Công ty Nam Thành đã "tiêu hoá" toàn bộ rác ở thị xã Phan Rang bằng cách tái chế hầu hết rác thành các sản phẩm khác, khiến cho lượng rác phải chôn lấp còn rất ít. Thứ hai, tách riêng và quản lý tốt các chất thải độc hại, trong đó có chất thải y tế và thú y, theo quy định của pháp luật. Điều này giúp cho rác thải trở nên ít độc hại hơn và cộng đồng sống gần bãi rác dễ chấp nhận bãi rác hơn.
Người dân 2 xã hưng Thịnh và Hưng Phú – Huyện Hưng Nguyên, Nghệ An đổ rác trên …cầu (2)
Ở các nước phát triển, đốt rác và thu hồi nhiệt năng là giải pháp chính. Giải pháp này tốn kém và gây ô nhiễm không khí, chưa phù hợp với điều kiện nước ta. Và cũng còn một hệ lụy khác liên quan đến công nghệ đốt rác, đó là khí xả ra từ lò đốt rác luôn kèm theo khí độc Dioxin (giống như Dioxin trong chất độc da cam) do không thể đốt triệt để chất thải dẻo trong rác. Thủ đô Bruselles của Bỉ không có nơi chôn lấp rác nên đã xây dựng lò đốt sát biên giới của bang, kết quả là các bà mẹ trẻ của Bruselles đều bị nhiễm Dioxin trong sữa mẹ và luật pháp Bỉ cấm các bà mẹ cho con bú. Đây là cái giá phải trả cho các lò đốt rác mà nhiều người vẫn mơ tưởng đến. Chôn lấp vẫn là phương pháp rẻ và an toàn, vẫn cần tính đến giải pháp này trong vài chục năm tới, trước khi nhiều đô thị và khu dân cư tập trung sẽ không thể còn tìm ra nơi chôn lấp rác./.
Chú thích ảnh: