Trung Quốc sẽ xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Thành phố cảng Phòng Thành - Quảng Tây, cách Móng Cái 60 km, cách Hải Phòng theo đường chim bay chừng 150 km. Nếu có sự cố xảy ra, theo gió mùa đông bắc, chừng 15-20 giở đồng hồ sau, các thành phố Hạ Long, Hải Phòng và Thủ đô Hà Nội sẽ lãnh đủ.
Nguyễn Đình Hòe, VACNE
Nhà máy điện hạt nhân Phòng Thành
|
Thành phố Cảng Phòng Thành (Fangchenggang) Trung Quốc, nơi sẽ xây dựng nhà máy điện hạt nhân |
Nhân Dân Nhật Báo (Trung Quốc) đưa tin nước này đã thông qua dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân có quy mô sáu lò phản ứng hạt nhân ở thành phố cảng Phòng Thành (Quảng Tây), cách Móng Cái, Quảng Ninh (Việt Nam) khoảng 60km. Dự án được Ban cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc thông qua ngày 15-7-2010, giai đoạn đầu xây dựng hai lò phản ứng CPR-1000 có công suất 1,08 GW, với chi phí đầu tư lên đến 24 tỉ nhân dân tệ (3,5 tỉ USD), sẽ khởi công vào cuối tháng 7-2010. Theo kế hoạch, hai lò phản ứng này sẽ được đưa vào hoạt động giữa năm 2015-2016 (1).
Quảng Tây là thành phố năng động và đang phát triển rất nhanh của Trung Quốc. Nhu cầu căng thẳng về năng lượng tất yếu sẽ dẫn Quảng Tây đến năng lượng hạt nhân. Vị trí của tổ hợp năng lượng hạt nhân này là rất đắc địa với Quảng Tây: ven biển vịnh Bắc Bộ và xa các trung tâm dân cư của Quảng Tây. Nhưng đối với Việt nam, vị trí này lại ở đầu nguồn gió mùa đông bắc. Với địa hình đặc trưng của Băc Bộ là các dãy núi vòng cung mà trực tiếp trong trường hợp này là cánh cung Đông Triều, địa hình này khiến gió mùa đông bắc có thể tràn xuông đồng bằng Bắc Bộ rất nhanh, chỉ trong vòng một ngày đêm. Nếu chẳng may xảy sự cố ở tổ hợp hạt nhân Phòng Thành vào đợt gió mùa đông bắc, chỉ trong vòng 15-20 giờ đồng hồ, Thủ đô Hà Nội và các thành phố lớn ở đồng bằng Bắc Bộ sẽ lãnh đủ, dù có chuẩn bị thế nào cũng trở tay không kịp. Việc xây dựng tổ hợp hạt nhân trên lãnh thổ của một nước luôn gây lo lắng cho các nước lân cận. Vụ nhân dân Thủ đô Vien (Áo- Austria) phản ứng việc xây nhà máy điện hạt nhân của Slovakia là một ví dụ.
Áo: Nhân dân Thủ đô Vien và dự án mở rộng nhà máy điện hạt nhân ở Slovakia
Trên 200 ngàn dân thành phố Vien (Áo) đã ký vào văn bản phản đối việc mở rộng nhà máy điện hạt nhân Mochovce ở Slovakia chỉ cách Vien khoảng 200 km về phía Đông. Họ tuyên bố đấu tranh đến cùng cho mục tiêu này mặc dù rất biết là có rất nhiều việc phải làm. Trước hết những người phản đối sẽ rà soát tất cả cơ sở pháp lý nhằm phản đối việc mở rộng nhà máy điện hạt nhân và gửi đơn phản đối lên Cộng đồng Châu Âu (EC), tố cáo rằng Chính phủ Slovakia đang vi phạm quy định của EC. Họ cũng yêu cầu chính phủ Áo tác động đến EC để dừng dự án này. Jens Karg, phát ngôn viên của tổ chức phi chính phủ Global-2000 nói: “nhiều người phản đối dự án mở rộng nhà máy điện hạt nhân Mochovce đề nghị các nhà chính trị Áo phải hợp sức để ngăn chặn dự án này”.
Steffen Nichtenberger, một quan chức của tổ chức Hòa Bình Xanh Áo kêu gọi rút các hãng của Áo, đặc biệt hãng xây dựng Strabag SE khỏi dự án mở rộng nhà máy điện hạt nhân Mochovce. Các nhóm Môi trường Áo và các nhà chính trị thân môi trường tổ chức biểu tình kéo dài nhiều tháng phản đối dự án này. Người Áo lo lắng sẽ lại có một thảm họa Chernobyl như thảm họa năm 1986 làm hàng trăm trẻ em ở nhiều vùng của Áo ốm đau do nhiễm xạ. Áo cũng đã từng có nhà máy điện hạt nhân nằm ở vùng Zwentendorf nhưng chưa bao giờ hoạt động do chính phủ của Đảng Dân chủ Xã hội phản đối ngay sau khi nhà máy được xây dựng. Ngày nay nhà máy này chỉ dùng để các công ty làm kho(2) .
An ninh môi trường cho Thủ đô Hà Nội
Ngoài rủi ro về khí ô nhiễm phóng xạ, nguy cơ kiễm soát sơ hở về chất thải phóng xạ ở nhà máy điện hạt nhân Phòng Thành cũng rất đáng ngại. Chất thải hạt nhân rò rỉ có thể theo dòng biển ven bờ Vịnh Bắc Bộ nhanh chóng trôi xuống vùng duyên hải Vịnh Bắc Bộ nước ta cũng chỉ cần một vài ngày.
Ngoài ra các rủi ro hồ đập trên thượng nguồn sông Hồng cũng cần được phòng ngừa. Cả hai nguy cơ về hồ đập thượng nguồn sông Hồng và phóng xạ ở nhà máy điện hạt nhân Phòng Thành đối với Thủ đô Hà Nội, với cư dân đồng bằng sông Hồng và ven biển các tỉnh phía Bắc là ngoài tầm kiểm soát của Việt nam.
Ngày nay, các điều kiện đã khác xa thời Lý Thái Tổ chuyển kinh đô về Thăng Long. Xét về lâu dài, cần chuyển trung tâm Chính trị và Hành chính Quốc gia (tức là Thủ đô) vào Tây Nguyên, ví dụ Đăk Lăk hay Đà Lạt.
Chú thích
(1) http://tuoitre.vn/The-gioi/391439/Trung-Quoc-se-xay-nha-may-dien-hat-nhan-gan-Viet-Nam.html