Là nhà tư vấn, chúng tôi cảm nhận được sự đón nhận hồ hởi các chính sách mới gần đây của VN. Quyết định 37 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại VN là bước ngoặt rất quan trọng đối với việc phát triển điện gió ở nước ta.
|
Tiềm năng điện gió ở VN rất lớn nhưng trong quy hoạch phát triển, tỉ lệ rất nhỏ - Ảnh: T.T.D. |
Thứ nhất, vì nó quy định rõ giá điện gió mà nhà đầu tư có thể bán được là 7,8 xu Mỹ/kWh. Công trình điện gió có vốn đầu tư rất cao, không nhà đầu tư nào không đi vay ở các tổ chức tín dụng để làm dự án. Còn các tổ chức tín dụng thì luôn đòi hỏi chứng minh khả năng hoàn vốn của dự án.
Thiếu yếu tố giá điện gió không thể nào tính được khả năng hoàn vốn của dự án. Lâu nay các nhà đầu tư bị tắc chỗ này. Yếu tố thứ hai là quy định Tập đoàn Điện Lực VN (EVN) phải mua lại toàn bộ sản lượng điện từ các nhà máy điện gió. Vì điện gió không tích trữ được như những loại hình khác nên EVN mua lại toàn bộ là quá đúng, các nước trên thế giới cũng đã làm như vậy.
Điều quan trọng nữa là đề xuất hợp đồng mua bán điện mẫu sẽ giúp rút ngắn thời gian đàm phán giữa bên bán và mua. Quyết định 37 cũng mở đường cho việc lập quy hoạch điện gió cấp quốc gia. Điều này được nhà đầu tư hoan nghênh vì lâu nay họ phải tự bổ sung dự án của mình vào quy hoạch, rất nhiêu khê.
Mức giá điện gió quy định còn khiêm tốn, nhưng đây là bước đầu, có thể là một cách để sàng lọc, những dự án nào “ngon ăn” nhất sẽ làm trước. Nhà đầu tư sẽ chưa hài lòng, nhưng bước đầu như vậy là ổn.
Hiện nay ở Ninh Thuận đang có làn sóng xin đầu tư vào điện gió sau quyết định này. Ở Bình Thuận cũng vậy, rất nhiều nhà đầu tư xin giấy phép. Còn đối với những nhà đầu tư đã có giấy phép thì giờ đây họ đã có con số đầu vào để tính toán lại cụ thể hơn về hiệu quả đầu tư. Qua tính toán lại một số dự án, hiện nay nếu vay với lãi suất 3-5% thì dự án khả thi. Lúc trước không xác định được chuyện tính toán này. Các tổ chức tín dụng thiên về năng lượng có thể cho vay với lãi suất này. Chẳng hạn, Ngân hàng Tái thiết Đức (KFW) có thể cho vay 3% đầu tư vào năng lượng sạch.
Công nghệ điện gió phát triển rất nhanh. Hiện nay, theo tôi biết, các tổ máy đang sử dụng ở VN đều có công nghệ tiên tiến từ châu Âu, không có công nghệ hạng nhì. So với châu Âu, đúng là của Trung Quốc rẻ hơn chừng 70%. Hàng Trung Quốc cũng mua lại công nghệ, bản quyền của châu Âu. Tuy nhiên, họ sử dụng vật liệu và nhân công của mình thế nào để giảm giá thành là chuyện khác, phải tính.
Độ tin cậy về an toàn, công nghệ... giữa hai xuất xứ có khác biệt. Đây chính là rủi ro của nhà đầu tư. Nếu chọn rẻ tiền thì phải lãnh hậu quả. Tuy nhiên cần nói thêm là hàng Trung Quốc cũng có đủ mọi cấp độ, vấn đề là trình độ thẩm định công nghệ của người mua. Ngay tại Mỹ, bệ máy tuôcbin 1,5MW của một hãng lắp ráp tuôcbin cũng được sản xuất tại Trung Quốc. Vì vốn đầu tư rất lớn nên nhà đầu tư phải cẩn trọng trong việc lựa chọn.
Ngành điện đã có nhiều bài học xót xa về các tổ máy nhiệt điện, thủy điện, tưởng không cần phải nhắc lại. Giờ qua đến điện gió, nhà đầu tư phải cẩn trọng, tỉnh táo. Nhà quản lý phải tìm cách đưa ra các tiêu chí để sàng lọc được những thiết bị cấp thấp chứ không thể đưa ra chính sách không dùng hàng nước này, nước kia.
Bài học hay nhất cần tham khảo là châu Âu đã đưa ra những tiêu chí kỹ thuật để sàng lọc. Chúng ta cần nhanh chóng đưa ra bộ tiêu chí để ngăn ngừa tái diễn những bài học đắt giá xảy ra trong lĩnh vực nhiệt điện và thủy điện. Điều này rất quan trọng.
Quản lý nhà nước đã nhìn thấy rồi. Tôi nghĩ chúng ta sẽ tránh được vết xe đổ của những ngành khác. Để làm tốt, ta nên tham khảo tư vấn quốc tế.
NGUYỄN HOÀNG DŨNG
(trưởng phòng dự án lưới điện, Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 3)
(TTO)