TRONG NƯỚC
Giờ xanh cho em
Giờ Xanh Cho Em kết nối 7 tỉnh thành trên cả nước đã tạo nên một hiệu ứng lan tỏa khi môi trường lần này có sự chung tay của các “công dân nhí” tham gia bảo vệ môi trường.
Giờ Xanh Toàn Quốc lần 2 với sự kết nối 7 tỉnh thành trên cả nước Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Kiên Giang, Cần Thơ, Bình Dương và TP.HCM với chủ đề Giờ Xanh Cho Em đã tạo nên một hiệu ứng lan tỏa khi môi trường lần này có sự chung tay của các “công dân nhí” là các học sinh tiểu học và trung học phổ thông. Đây là hoạt động tổng kết một năm hành động của dự án Green Talk 2014.
Ưu đãi các dự án phát triển điện sử dụng chất thải rắn
Quyết định của Thủ tướng nêu rõ
các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn tại Việt Nam được hưởng các ưu đãi về vốn đầu tư, thuế.
Theo Quyết định số 31/2014/QĐ-TTg ngày 5/5/2014, việc đầu tư xây dựng dự án phát điện sử dụng chất thải rắn phải phù hợp với quy hoạch phát triển nguồn điện sử dụng chất thải rắn và quy hoạch phát triển điện lực được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Giới trẻ thi viết ứng dụng cảnh báo thiên tai
Các bạn trẻ tham gia cuộc thi "Hackathon Code for Resilience" sẽ có 48 tiếng lập trình ứng dụng trên điện thoại có chức năng cảnh báo, chia sẻ tin tức về
thiên tai. Ngoài phần thưởng cao nhất là 5 triệu đồng, ba đội có phần mềm xuất sắc nhất sẽ có cơ hội tham gia vào vòng thi đấu quốc tế diễn ra ở London, Anh Quốc.
Theo thông tin vừa được đơn vị tổ chức là Ngân hàng Thế giới và Doanh nghiệp hỗ trợ khởi nghiệp HATCH! PROGRAM đưa ra ngày 9/5 tại Hà Nội, cuộc thi sẽ có sự tham gia của 93 bạn trẻ, trong đó phần lớn là sinh viên của các trường đại học ở Hà Nội.
THẾ GIỚI
Chỉ 12% dân số đô thị tế giới sống trong bầu không khí an toàn
Ngày 7/5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ra báo cáo số liệu kiểm định chất lượng không khí của WHO tại 1.600 thành phố thuộc 91 quốc gia và vùng lãnh thổ trên tất cả các châu lục cho thấy chỉ có
12% dân số ở những nơi này được sống trong bầu không khí đạt các tiêu chuẩn quy định của WHO.
Số còn lại phải sống ở những nơi có không khí ô nhiễm nặng nề, khiến họ thường xuyên mắc các bệnh về hô hấp và các trọng bệnh khác.
EU thông qua quy định bổ sung về kiểm soát rác thải
Hội đồng Liên minh Châu Âu (EU) vừa thông qua một
quy định sửa đổi về kiểm soát vận chuyển rác thải, trong đó cấm các nhà xuất khẩu rác thải bất hợp pháp gửi rác thải qua các nước mà không có sự kiểm soát nghiêm ngặt.
Luật mới bao gồm các biện pháp tăng cường nhằm đảm bảo sự thực hiện đầy đủ quy định trong EU và xác định những thủ tục vận chuyển rác thải trong EU cũng như giữa EU và các nước thứ ba. Theo luật mới, từ ngày 1/1/2017, các nước thành viên EU sẽ phải lập các kế hoạch thanh tra, bao gồm mục tiêu, các ưu tiên, khu vực địa lý trong các kế hoạch và các nhiệm vụ giao cho mỗi nhà chức trách liên quan tới công tác thanh tra.
Trung Quốc thu hẹp quy mô của các ngành gây ô nhiễm
Ngày 8/5, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc (MIIT) cho biết sẽ giảm quy mô sản xuất của những ngành gây ô nhiễm môi trường. Đây được coi là một phần nỗ lực của Chính phủ Trung Quốc trong việc tái cơ cấu nền kinh tế và làm sạch môi trường.
MIIT yêu cầu các địa phương cắt giảm 28,7 triệu tấn công suất sản xuất thép, cao hơn tổng sản lượng thép của Italy trong năm 2013. Ngoài ra, trong năm nay, Trung Quốc sẽ cắt giảm thêm 19 triệu tấn công suất luyện sắt.
Một tỷ người trên thế giới không sử dụng nhà vệ sinh
Hơn 1/3 dân số thế giới không được tiếp cận các thiết bị vệ sinh cơ bản - yếu tố làm tăng nguy cơ phát sinh các bệnh nhiễm trùng nguy hiểm. Tuyên bố trên được công bố trong báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) ngày 8/5.
Theo WHO, hiện trên thế giới vẫn còn hơn 700 triệu người chưa được tiếp cận với nguồn nước sạch, một nửa trong số này đang sống ở các nước châu Phi và châu Á. Khoảng 2,5 tỷ người chưa được tiếp cận với các điều kiện vệ sinh tiên tiến, trong đó có tới 1 tỷ người không sử dụng nhà vệ sinh.
Liên Hợp quốc kêu gọi cùng hành động chống biến đổi khí hậu
Ngày 4/5, Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Ban Ki-moon đã khai mạc hội nghị quốc tế về
biến đổi khí hâu, tổ chức tại thủ đô Abu Dhabi của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), với sự tham gia của hơn 1.000 đại biểu, đến từ nhiều quốc gia thành viên Liên hợp quốc, trong đó có hơn 100 vị bộ trưởng.
Phát biểu khai mạc diễn đàn quan trọng này, ông Ban Ki-moon kêu gọi mọi người, mọi quốc gia cùng hành động, vì theo ông, đấy là biện pháp duy nhất để ngăn chặn thảm họa đến từ thiên nhiên, và nếu con người còn tiếp tục chần chừ trong hành động này, sẽ phải trả giá đắt hơn cho sự chậm trễ ấy.