quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
THÔNG TIN MÔI TRƯỜNG

Điểm tin môi trường trong tuần

Thứ Bảy, 01/11/2014 | 08:55:00 AM

239 tỷ đồng hỗ trợ 24 tỉnh di dân ra khỏi vùng thiên tai; Thêm 783 triệu đồng để bảo tồn loài và sinh vật cảnh hồ Hoàn Kiếm; IPCC hoàn tất báo cáo tổng hợp về biến đổi khí hậu toàn cầu;… là trong số những thông tin đáng chú ý diễn ra trong tuần.


TRONG NƯỚC

239 tỷ đồng hỗ trợ 24 tỉnh di dân ra khỏi vùng thiên tai


Thủ tướng Chính phủ đồng ý tạm ứng từ ngân sách trung ương 239 tỷ đồng để hỗ trợ cho 24 địa phương thực hiện các dự án di dân khẩn cấp ra khỏi vùng thiên tai, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất trong năm 2014.



Theo số liệu rà soát của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, hiện nay có 45 dự án di dời khẩn cấp 7.077 hộ với trên 33.000 người sống trong vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất của 24 tỉnh cần đầu tư. Đây là các tỉnh nghèo, rất cần sự hỗ trợ của ngân sách trung ương để thực hiện.

Thêm 783 triệu đồng để bảo tồn loài và sinh vật cảnh hồ Hoàn Kiếm

Nhằm bảo tồn, bảo vệ các loài thủy sản có giá trị kinh tế và sinh vật quý hiếm, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái hồ Hoàn Kiếm, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội dự kiến sẽ chi 783 triệu đồng để triển khai dự án “Quy hoạch chi tiết khu bảo tồn loài và sinh vật cảnh hồ Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội đến năm 2020.”

Theo Quyết định số 5546/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề cương nhiệm vụ quy hoạch chi tiết khu bảo tồn loài và sinh vật cảnh Hồ Hoàn Kiếm đến năm 2020 vừa được Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Xuân Việt ký ban hành ngày 28/10, phạm vi dự án được nghiên cứu tại 5 phường: Hàng Trống, Lý Thái Tổ, Tràng Tiền, Hàng Bạc, Hàng Đào thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm.

Quy hoạch hệ thống xử lý nước thải lưu vực sông Đồng Nai

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch hệ thống thoát nước và xử lý nước thải khu vực dân cư, khu công nghiệp thuộc lưu vực sông Đồng Nai đến năm 2030 với phạm vi quy hoạch là toàn bộ diện tích lưu vực hệ thống sông Đồng Nai (khoảng 47.000 km2) thuộc ranh giới hành chính của 11 tỉnh, thành phố.

Quyết định số  1942/QĐ-TTg ngày 20/10/2014, lưu vực hệ thống sông Đồng Nai được chia thành 7 vùng tiêu thoát nước bao gồm: 2 vùng tiêu là sông La Ngà, sông Bé áp dụng giải pháp tiêu thoát nước tự chảy hoàn toàn và 5 vùng tiêu là sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Vàm Cỏ Đông, sông Vàm Cỏ Tây (1 phần khu vực tỉnh Long An), các sông nhỏ ven biển có địa hình thấp hơn mực nước sông trong mùa lũ áp dụng giải pháp tiêu thoát nước tự chảy kết hợp với tiêu động lực.

Trao giải thi vẽ tranh về động vật hoang dã

Tổ chức Động vật Châu Á (Animals Asia) vừa tổ chức lễ trao giải cho các tác giả đoạt giải của cuộc thi vẽ tranh "Cuộc sống của Động vật Hoang dã trong các rạp xiếc" tại Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam tại Vườn Quốc gia Tam Đảo.

Cuộc thi nhằm bảo vệ động vật và kêu gọi tôn trọng quyền lợi động vật- vấn đề đang ngày càng nhận được sự quan tâm của mọi người và toàn xã hội. Hiện nay tại Việt Nam, hàng trăm động vật hoang dã vẫn đang phải chịu đựng trong các rạp xiếc.

THẾ GIỚI

Trung Quốc: Rác thải công nghiệp tăng cao kỷ lục


Kinh tế Trung Quốc hiện đang thải ra hơn 6 tỷ m3 rác thải công nghiệp năm qua, đây là mức cao nhất trong lịch sử.
Theo báo cáo của LHQ, kinh tế Trung Quốc hiện đang thải ra hơn 6 tỷ m3 rác thải công nghiệp năm qua, đây là mức cao nhất trong lịch sử. Tốc độ tăng trưởng rác thải của Trung Quốc liên tục tăng và dự đoán đến năm 2017, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trở thành nước tạo ra lượng rác thải công nghiệp lớn nhất thế giới.

Hội nghị không chính thức Bộ trưởng môi trường ASEAN

Ngày 31/10 tại Thủ đô Vientane, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào với sự tham dự của Bộ trưởng và quan chức cấp cao về môi trường 10 nước ASEAN.

Tại Hội nghị, các Bộ trưởng đã xem xét các hoạt động tiểu vùng khu vực và của quốc gia nhằm giải quyết vấn đề xác định khu vực hay xảy ra cháy rừng gây nên ô nhiễm khói mù xuyên biên giới. Hội nghị hoan nghênh những tiến bộ đáng kể trong việc thực hiện Chương trình thực hiện Hiệp định ASEAN về ô nhiễm khói mù xuyên biên giới của các nước, bao gồm cả các hoạt động cụ thể và thực hiện Chiến lược quản lý đất than bùn ASEAN giai đoạn 2006-2020.

Australia thông qua Kế hoạch hành động chống biến đổi khí hậu

Ngày 31/10, Thượng viện Australia đã thông qua Dự thảo Kế hoạch hành động trực tiếp chống biến đổi khí hậu do chính phủ Liên đảng của Thủ tướng Tony Abbott đề xuất. Kế hoạch nêu chi tiết chính sách và các bước tiến hành nhằm ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu, trong đó cốt lõi là việc thành lập Quỹ giảm lượng khí thải (ERF) trị giá 2,5 tỷ AUD (khoảng 2,3 tỷ USD).

Chính phủ Australia tin tưởng có thể đạt mục tiêu giảm 5% khí thải của nước này vào năm 2020, thông qua việc rót ngân sách cho các dự án “Xanh.''

Trung Quốc nỗ lực giảm ô nhiễm không khí dịp hội nghị APEC

Theo Tân Hoa xã, lượng chất thải gây ô nhiễm tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc và các khu vực láng giềng như Thiên Tân và Hà Bắc sẽ được cắt giảm 30-40% trong thời gian diễn ra hội nghị của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) vào tháng 11, nhờ việc áp dụng một loại biện pháp kiểm soát ô nhiễm không khí.

Theo dự báo của Trung tâm giám sát môi trường quốc gia Trung Quốc, đa phần khu vực Bắc Kinh-Thiên Tân-Hà Bắc sẽ được hưởng các điều kiện môi trường thuận lợi từ ngày 1-3/11. Phó Thủ tướng Trương Cao Lệ cho biết việc đảm bảo chất lượng không khí cho hội nghị APEC là "ưu tiên trong các ưu tiên" đối với công tác kiểm soát ô nhiễm không khí hiện nay ở Trung Quốc.

IPCC hoàn tất báo cáo tổng hợp về biến đổi khí hậu toàn cầu

Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) đã bắt đầu cuộc họp kéo dài một tuần tại Copenhagen (Đan Mạch) để hoàn tất Báo cáo tổng hợp, giúp các nhà hoạch định chính sách có được đánh giá tổng quan về những nguy cơ do biến đổi khí hậu gây ra. Cuộc họp sẽ phân tích và tổng hợp những kết quả nghiên cứu do 3 nhóm công tác của IPCC công bố trong 13 tháng qua và kết quả của hai báo cáo đặc biệt công bố năm 2011.

Chủ tịch IPCC, Rajendra K. Pachauri, cho biết báo cáo tổng hợp được công bố vào ngày 2/11 tới, sẽ vạch ra lộ trình để các nhà hoạch định chính sách đi đến một thỏa thuận toàn cầu nhằm ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay, ngoài ra nó cũng góp phần xây dựng một tương lai tươi sáng và bền vững hơn cho Trái Đất.

Theo Mạnh Cường (MOITRUONG.COM.VN)

Lượt xem: 1950

Các tin khác

Chủ đề Ngày Trái đất 2024: Đối đầu của Hành tinh với Nhựa

(18/04/2024 07:27:AM)

Bến Tre: Phát triển giá trị đa dụng hệ sinh thái rừng

(13/04/2024 04:52:PM)

Vàng ròng tín chỉ carbon

(08/04/2024 07:45:AM)

Đồng Nai quyết tâm giảm phát thải carbon

(05/04/2024 07:30:AM)

Miền Bắc sắp đón không khí lạnh, nhiệt độ giảm mạnh

(04/04/2024 06:43:AM)

Thừa Thiên Huế: Tăng trưởng mạnh mẽ, hài hòa với các tiêu chí bền vững

(02/04/2024 07:29:AM)

Khai thác các giá trị của thiên nhiên theo hướng bền vững

(25/03/2024 06:18:AM)

Thái Bình chọn rừng

(24/03/2024 06:08:AM)

Chiến dịch Giờ Trái đất 2024 - "Giảm dấu chân Carbon - Hướng tới Net Zero"

(17/03/2024 07:00:AM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE