|
KTS Lê Quang Ngọc. |
* Bài viết của KTS Lê Quang Ngọc, Công ty CP Kiến trúc xây dựng số 1.
Với tình yêu Hà Nội của người dân sống tại thủ đô, trong 4 tháng qua, tôi và nhóm đồng sự đã tự lên ý tưởng, thiết kế một cổng chào với mong muốn được đóng góp cho thành phố.
Cổng chào xây dựng theo ngôn ngữ kiến trúc, điêu khắc chứ không phải đưa các hình tượng từ văn học sử. Chúng tôi đã phải tìm kiếm hình tượng đã nằm trong lòng người Việt Nam như cây đa bến nước, bụi tre. Khi đi qua cổng, mỗi người có thể gợi cho người ta cảm giác về quê hương mình. Tất cả hình tượng mà người Việt Nam hay bạn bè quốc tế nhìn thấy truyền thống văn hóa.
|
Phối cảnh cổng chào Thăng Long của ông Ngọc. Ảnh: Lê Quang Ngọc. |
Cổng chào với tên gọi Thăng Long như một vòng tay rộng mở. Như hình chữ V (là Việt Nam), chữ Victoria (sự chiến thắng)... tượng trưng của dân tộc Việt Nam hùng mạnh và cởi mở đón chào bạn bè quốc tế. Cổng chào ngự trong một quần thể kiến trúc có "tình làng nghĩa xóm", có bối cảnh là những hình ảnh thân thương cây đa, bến nước, mái đình và cổng làng Việt.
Cổng được tạo hình như chiếc kiềng ba chân tạo thế vững chắc. 3 mặt được tạo hình những bức phù điêu bằng đá.
Trên bức phù điêu là những hình ảnh rồng thời Lý, tượng trưng cho sự hình thành và phát triển của Thăng Long. Những tán cây đa, những dải mây uốn lượn mang vẻ đẹp quê hương. Cổng Thăng Long có thể chuyển tải thông điệp đến những bạn bè trong nước và quốc tế những tình cảm rất Việt Nam với một kiến trúc đẹp, hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa Việt.
Để đạt hiệu quả cao, cổng chào nên được bố trí trong không gian rộng như sân vườn, cây xanh, các tiểu cảnh như cổng làng, đình làng. Khu vực thích hợp nhất cửa ngõ phía bắc của thủ đô, tuyến Bắc Thăng Long - Nội Bài. Nơi đây có không gian rộng để người dân và du khách có thể nghỉ ngơi và chiêm ngưỡng cổng chào.
Lê Quang Ngọc
(VNexpress, 7/7/2010)