Một ngọn núi ở Tuy Phước (Bình Định) bị đào phá để khai thác đá phục vụ cho thị trường xây dựng và trang trí nội thất.(ảnh chụp ngày 28/11/2010)
Trên thực tế, chúng ta đã dự báo và cảnh báo về mức độ thiệt hại của thiên tai sẽ tăng cao, nhưng hành động thì chưa thật sự quyết liệt mà phần lớn vẫn còn theo kiểu “giật gấu vá vai”. Chỉ trong đầu mùa mưa năm nay, một số địa phương như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Nghệ An và hiện tại là Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa… đã có những thiệt hại về người, về của do mưa lũ ngoài sức tưởng tượng của nhiều người. Và không ai dám khẳng định, thời gian tới, thiên tai sẽ còn xảy ra ở mức độ nào?
Nguyên nhân của lũ, lụt được cho rằng là hậu quả của nạn phá rừng; là thủy điện “mọc” lên khắp nơi do quy hoạch thiếu đồng bộ; là khí hậu biến đổi bất thường… Nhưng chung quy lại, nhiều người có trách nhiệm vẫn đổ lỗi cho… ông trời nhiều hơn mà chưa thẳng thắn nhìn nhận về trách nhiệm của bản thân mình, của các cơ quan quản lý, của cộng đồng và của toàn xã hội.
Ai cũng biết rằng, nguyên nhân của bão lũ hiện nay là do chính con người chúng ta trong một thời gian dài chưa có những biện pháp đồng bộ, căn cơ, có tính chất lâu dài để “nói không” với quy hoạch chưa đồng bộ, để xử lý thật mạnh tay với những hành động tàn phá môi trường...
Chừng nào còn cho rằng mọi nguyên nhân tại… trời hay chỉ kêu gọi và tìm cách giải quyết phần “ngọn”, tức là khắc phục hậu quả của lũ lụt, mà không giải quyết được triệt để phần “gốc”, tức là khắc chế những nguyên nhân tạo ra lũ lụt, thì thật khó có thể giảm nhẹ được thiên tai.