Một không gian công cộng vốn không của riêng ai, nhưng đồng thời lại thuộc về tất cả mọi người. Và nghệ thuật công cộng đã là một phần của phát triển văn hóa. Mỗi một tác phẩm nghệ thuật công cộng do các nghệ sĩ sáng tạo nên đều gắn liền với hình ảnh con người, quê hương, đất nước, bản sắc văn hóa, chiều dài lịch sử... Khi các tác phẩm nghệ thuật trong không gian công cộng được quan tâm đúng mức sẽ nâng chất lượng sống và cảm thụ nghệ thuật của Nhân dân, làm cuộc sống phong phú hơn.
Phố Bích họa Phùng Hưng, Hà Nội là một không gian sống của nghệ thuật công cộng.
Theo chia sẻ của nhiều nghệ sĩ, cách đây 50 năm, nghệ thuật công cộng đã xuất hiện. Tuy nhiên, khi đó các công trình nghệ thuật công cộng chỉ được đặt tạm thời, bằng các chất liệu như gỗ, bìa..., cũng có nhiều tượng đài được xây dựng bằng các chất liệu bền vững với thời gian, nội dung thể hiện đề tài là chiến tranh cách mạng, truyền thống dân tộc. Nhưng dường như nghệ thuật công cộng khi đó vẫn chưa được chú ý đúng mức.
Với sự thay đổi nhận thức và quan niệm của xã hội theo hướng cởi mở, nhiều năm qua, nghệ thuật công cộng không chỉ dừng lại ở những tượng đài kiến trúc, không chỉ giới hạn trong lĩnh vực mỹ thuật, mà có thể bao gồm âm nhạc, festival với nhiều loại hình nghệ thuật đường phố... Không gian nghệ thuật cũng rất phong phú, từ các nhà máy cũ, bến xe buýt, cho đến các khu đô thị mới, công viên, quảng trường...
Nhiều tác phẩm nghệ thuật không chỉ làm đẹp thêm không gian công cộng, mà còn góp phần thổi vào đó sức sống mới. Có thể kể đến Con đường gốm sứ ven sông Hồng đã phủ màu sắc nghệ thuật cho cả một đoạn đường đê; những tác phẩm bích họa, sắp đặt ở phố Phùng Hưng, Hà Nội đã làm thay đổi diện mạo, đời sống của một con phố; hay Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa đã góp phần đưa một di sản văn hóa đã được UNESCO công nhận trở thành một di sản sống trong cộng đồng, chạm tới thế hệ trẻ...
Những hình ảnh, câu chuyện trong mỗi tác phẩm nghệ thuật công cộng đều gắn liền với hình ảnh đất nước, con người, văn hóa theo chiều dài lịch sử. Đó là câu chuyện chống giặc ngoại xâm của cha ông, là những họa tiết hoa văn mang đậm dấu ấn văn hóa của mỗi dân tộc, vùng miền… hay đến những hình ảnh gần gũi, đời thường như gánh hàng dong, người mẹ địu con lên nương… Tất cả đều trở nên bình dị, thân quen trong mỗi tác phẩm nghệ thuật công cộng được thể hiện trong một không gian hợp lý.
Rõ ràng, khi nghệ thuật sống giữa cộng đồng, đã mang lại nhiều hiệu ứng tích cực, vì vậy cần có những kế hoạch dài hơi hơn, những chính sách của nhà quản lý, sự hỗ trợ, khuyến khích của chính quyền địa phương và cộng đồng để các ý tưởng, sáng tạo của nghệ sĩ có thể mang lại những biến chuyển tích cực cho không gian chung và đời sống cộng đồng.
Theo PGS.TS, Kiến trúc sư Phạm Thúy Loan, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc quốc gia (Bộ Xây dựng), trong các chính sách công hiện nay, dường như nghệ thuật chưa được chú trọng đúng mức. Ở khía cạnh này, rất cần sự ủng hộ của chính quyền và người dân, cần sự cởi mở hơn với nghệ thuật, tạo điều kiện tài chính và sự thông thoáng cho nghệ sĩ. Cộng đồng có thể cùng tham gia với các nghệ sĩ và gìn giữ các tác phẩm nghệ thuật công cộng. Bên cạnh đó, nên có những tiêu chí cơ bản để xem xét và đánh giá tác phẩm nghệ thuật công cộng có được hiệu ứng tích cực hay tiêu cực gì cho công chúng, giúp các nhà quản lý có thể lựa chọn tác phẩm tốt phục vụ xã hội; đồng thời, cũng giúp xã hội có cơ sở nhận thức tốt khi tiếp nhận, đánh giá các tác phẩm nghệ thuật.
Tuy nhiên, nghệ thuật trong không gian công cộng vẫn là một loại hình đặc thù, luôn đòi hỏi song hành cả hai yếu tố: Tính nghệ thuật của tác phẩm và không gian nơi tác phẩm đó tồn tại. Do đó, cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, để tránh những tác động ngược, làm xấu đi không gian công cộng, hoặc các yếu tố như môi trường, cảnh quan và đời sống của người dân.