quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
DIỄN ĐÀN MÔI TRƯỜNG

Đập Xayaburi và thảm họa môi trường

Thứ Năm, 21/04/2011 | 08:35:00 PM

Dự án đập thủy điện Xayaburi đã trở thành vấn đề an ninh môi trường của cả 4 nước hạ du lưu vực sông Mekong. Không chỉ dự án Xayaburi, mà tất cả các dự án liên quan đến dòng chính sông Mekong cần phải được đặt và nghiên cứu trong tổng thể phát triển của cả lưu vực, chứ không chỉ riêng lẻ một dự án nào

 
 
Nguyễn Đình Hòe - VACNE
 
1.Sông Mekong – nồi cơm chung và nền văn hóa đặc sắc của Đông Nam Á
Sông Mekong dài 4.880 km, bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng của Trung Quốc rồi chảy qua Myanma, biên giới Lào - Thailand, Campuchia và Việt Nam. Đây là con sông dài thứ 12 nhưng có lưu lượng dòng chảy lớn thứ 10 trên thế giới. Quan trọng hơn, dòng sông này giữ vai trò thiết yếu cung cấp nước, thực phẩm, là tuyến giao thông quan trọng và là cái nôi văn hóa giàu bản sắc của người dân ở khu vực vốn được coi là vựa lúa của thế giới này.
Mekong là một trong những khu vực có đa dạng sinh học với quần thể cá phong phú nhất thế giới, là ngôi nhà của hơn 1000 loài cá, với hàng trăm loài cá có tập tính di cư, trong đó có loài cá nước ngọt lớn nhất thế giới, từ loài cá da trơn khổng lồ tới loài cá heo Irrawaddy quý hiếm. Thủy sản Mekong mang lại giá trị hơn 9 tỷ USD mỗi năm. Mekong cũng là nguồn dinh dưỡng lớn cho người dân ven sông, đặc biệt là 70% dân số Campuchia. Về mặt đa dạng sinh học, sông Mekong chỉ xếp sau sông Amazon ở Nam Mỹ. Nó còn là nguồn cung cấp thực phẩm và thu nhập thông qua việc đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp lúa nước, du lịch sinh thái... cho hơn 65 triệu người sống trong lưu vực sông.Chỉ riêng đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam đã chiếm hơn nửa tổng giá trị nông nghiệp của quốc gia.
Có thể nói không chỉ đơn thuần là một dòng sông, Mekong còn có những giá trị không thể đổi thành tiền được. Mekong còn là nồi cơm chung của các nước trong lưu vực, là cái nôi văn hóa của gần 65 triệu người. Mekong trong ngôn ngữ Lào – Thái còn có nghĩa là sông Mẹ. Tương lai của dòng Mekong, nền văn hóa bản địa, sự ổn định chính trị - xã hội và sinh kế của nhiều chục triệu dân khu vực hạ lưu Mekong đang nằm trong tay những quốc gia (hoặc doanh nghiệp ?) sở hữu các con đập này.



Hệ thống đập trên sông Mekong
 
2. Những mối đe dọa từ đập Xayaburi: vấn đề khủng hoảng môi trường xuyên biên giới.
Đe dọa lớn nhất đối với dòng chảy tự nhiên của sông Mekong là những đập thủy điện loại  lớn chắn ngang dòng chảy tự nhiên. Trung Quốc xây dựng thủy điện trên sông Mekong từ những năm 1980 và có kế hoạch hoàn thành nốt 4 trong 8 đập thủy điện trên địa bàn tỉnh Vân Nam. Còn Campuchia, Lào, Thái Lan đang có kế hoạch xây 12 đập trên hạ lưu sông. Trong số đó, đập Xayaburi ở phía bắc Vientiane là sự khởi đầu. Với quy mô này, chừng ¾ dòng chảy sông Mekong sẽ biến thành những hồ nước dài ngắn khác nhau. Thủy vực nước chảy biến thành thủy vực nước đứng. Hệ sinh thái sông và cộng đồng ven sông sẽ buộc phải thay đổi toàn diện và sâu sắc.
Nằm ở phía bắc tỉnh Xayaburi (Lào), với chiều dài 820m, cao 32,6m, cao trình đỉnh đập 280m, dung tích hồ chứa khoảng 5 tỉ m3, đập Xayaburi sẽ cắt toàn bộ chiều ngang của sông Mekong. Đây là con đập được xúc tiến xây dựng đầu tiên trong số trên một chục con đập đang được lên kế hoạch tại dòng chính của hạ lưu sông Mekong.
Việc xây dựng những đập chắn ngang sông luôn luôn làm thay đổi khối lượng, thời gian dòng chảy, chất lượng nước, giảm lắng đọng bồi tích - quá trình có vai trò sống còn đối với những khu vực đầm hồ và hệ thống đồng bằng dưới hạ lưu, và do đó ảnh hưởng tới hệ sinh thái giàu có, bao gồm hơn 70% loài cá có tập tính di cư từ nơi khác tới đây để đẻ trứng. Dự án xây đập Xayaburi tạo nguy cơ gây tuyệt chủng khoảng 41 loài cá, trong đó có cả loài cá trê lớn đặc trưng của sông Mekong, ngăn cản dòng di cư của vô số loài cá và đẩy 41 loài cá đến sự tuyệt chủng, trong đó có cá da trơn khổng lồ, cá chép không lồ, cá đuối gai độc khổng lồ,…Khoảng từ 23 đến 100 loài cá di cư khác cũng có thể sẽ bị đe dọa do đường di cư bị con đập này cắt đứt.
Nếu xây đập Xayaburi, khoảng 15% lượng nước bị ảnh hưởng, cộng với 18% lượng nước đã bị các đập ở thượng nguồn Mêkông thuộc Trung Quốc điều khiển nữa, tổng cộng có khoảng 1/3 tổng lượng nước sông Mêkông bị điều tiết theo ý muốn chủ sở hữu đập. Riêng Đồng bằng sông Cửu Long của Việt nam sẽ thiệt hại từ khoảng 300.000 – 400.000 tấn lúa/năm vì thiếu nước, chưa nói đến việc nuôi trồng thủy sản, chưa nói đến mất đất do xói lở biển vì lượng phù sa bị cắt giảm do đập ngăn lại mà hiện tượng mũi Cà Mau đang bị xói lở mạnh chỉ là hậu quả bước đầu. Đấy là chưa nói đến chuyện những đập khác dưới hạ lưu Xayaburi đang chờ thời cơ để khởi công.
Sự đảo lộn của dòng chảy sẽ phá vỡ hệ thống sinh thái mà con người dựa vào. Mọi sinh hoạt, trật tự an ninh xã hội của người dân cũng sẽ bị thay đổi không mong đợi. Sứ mạng xuất khẩu gạo nhằm đóng góp vào việc đảm bào an ninh lương thực toàn cầu của Việt Nam sẽ bị cắt giảm nghiêm trọng. Một bộ phận không nhỏ người dân sống dựa vào dòng sẽ tái nghèo đói. Tị nạn môi trường hàng loạt sẽ xảy ra gồm di cư bất dắc dĩ vào các thành phố, vào các khu bảo tồn thiên nhiên thậm chí tị nạn môi trường quốc tế sẽ xảy ra đối với hàng chục triệu người. Chúng ta đang nỗ lực xây dựng ASEAN thành một cộng đồng đoàn kết và phát triển. Kỳ vọng chính đáng này sẽ bị các dự án đập thủy điện chắn ngang sông Mekong đe dọa.
3. Giải pháp nào?
Dự án đập thủy điện Xayaburi đã trở thành vấn đề an ninh môi trường của cả 6 nước lưu vực sông Mekong. Không chỉ dự án Xayaburi, mà tất cả các dự án liên quan đến dòng chính sông Mekong cần phải được đặt và nghiên cứu trong tổng thể phát triển của cả lưu vực, chứ không chỉ riêng lẻ một dự án nào. Xây dựng công trình thủy điện trên các dòng sông xuyên biên giới cần giữ vững nguyên tắc tính toán đầy đủ, kỹ lưỡng các tác động xuyên biên giới trên cơ sở quyền lợi đa phương. Bất cứ con sông xuyên biên giới nào cũng tuyệt đối không được xây đập, hồ thủy điện trên dòng chảy chính. Việc xây đập quy mô hợp lí vẫn có thể tiến hành ở các sông nhánh. Nếu xây dựng cắt ngang sông chính, Mekong sẽ biến thành chuỗi hồ, hệ thống sinh thái đã định hình sẽ bị phá vỡ hết, môi trường bị hủy hoại nghiêm trọng.
Cần hoãn dự án này và các dự án thủy điện khác trên dòng chính sông Mekong thêm ít nhất 10 năm nữađể có thêm thời gian cần thiết  tiến hành các nghiên cứu toàn diện và mang tính định lượng hơn về tất cả các tác động tích lũy xuyên biên giới có thể xảy ra. Tuy nhiên tốt nhất là không xây dựng bất cứ con đập nào chắn ngang sông Mekong, vì những khủng hoảng môi trường diện rộng tầm cỡ quốc tế do chúng gây ra là nhãn tiền, và không thể đảo ngược, nếu đập được xây dựng./.

Chú thích:
Bài báo này đã đăng trên báo Đại Đoàn kết ngày 21/4/211. Bạn đọc có thể tham khảo theo đường link: http://www.daidoanket.vn/index.aspx?Menu=1427&Chitiet=28273&Style=1
 
 

Lượt xem: 2065

Các tin khác

Việt Nam ủng hộ có thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhự

(25/04/2024 07:01:AM)

Căn bản về tái hoang dã

(22/04/2024 08:37:AM)

Một nền kinh tế xanh cần nhiều thứ hơn chỉ là trợ cấp

(20/04/2024 06:23:AM)

Thúc đẩy phát triển đô thị theo hướng xanh, bền vững

(03/04/2024 07:56:AM)

Nước đã cạn

(30/03/2024 06:46:AM)

Bảo vệ môi trường – Nền tảng để phát triển kinh tế bền vững

(28/03/2024 07:08:AM)

Chuyển đổi xanh trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

(26/03/2024 05:49:AM)

Một số suy nghĩ về chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, từ khai thác thâm dụng tài nguyên thiên nhiên sang phát triển dựa vào hệ sinh thái, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn - Từ phân tích thực

(25/03/2024 06:28:AM)

Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng lớn đối với Việt Nam

(24/03/2024 06:05:AM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE