Hà Nội nhiều hồ
Việt Nam là một đất nước có vùng bờ biển dài, nhiều sông ngòi và rất nhiều hồ, đầm, ao. Đặc điểm đó nói lên thủ đô Hà Nội đang có một nguồn tài nguyên vô cùng quý giá.
Ở mỗi kiểu hình thủy vực đều có sự đa dạng sinh học riêng biệt, đã cung cấp nguồn lợi thủy sản lớn cho dân tộc Việt Nam và xuất cảng ra thế giới, là phương tiện giao thông, giữ một vai trò vô cùng quan trọng trong điều hòa nguồn nước mưa, giảm thiểu úng ngập, điều hòa thời tiết khí hậu, bảo toàn lãnh thổ, cung cấp nguồn điện năng và đặc biệt tạo nên cảnh sắc thiên nhiên cẩm tú non song gấm vóc của biết bao nhiêu đời nay.
Thủ đô Hà Nội là một biểu tượng của Việt Nam thu nhỏ lại về các kiểu hình thủy vực. Sông ngòi, hồ đầm đã tạo nên một vẻ đẹp đặc hữu của một vùng đất kinh kỳ đã có lịch sử 1000 năm văn hiến.
Theo số liệu thống kê, hiện nay trong nội thành Hà Nội (trên địa bàn 9 quận) có khoảng 110 hồ và hồ chứa, trong đó có 15 hồ (loại hồ chứa) đã xây dựng hệ thống cửa phai hoặc lắp đặt tuyến cống bao để tách nước thải và hai hồ ở Vườn Bách Thảo không nhận nguồn thải.
93 hồ còn lại đang trong giai đoạn cải tạo, xây dựng tuyến cống bao tách nước thải như hồ Văn Chương, Thương Mại, Ba Mẫu, Cầu Tình. Hồ Kim Liên và Linh Quang đang trong giai đoạn lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật cải tạo hồ trong đó có hạng mục xây dựng tuyến thu gom nước thải riêng.
Hồ Tây là một hồ đồng bằng có nguồn gốc hình thành từ thiên nhiên, diện tích hồ trải qua nhiều thiên niên kỷ có bị thu hẹp lại nay đã được bảo vệ và xử lý nước thải và xây dựng tuyến cống tách nước thải đổ vào hồ.
Hồ Hoàn Kiếm là một hồ được hình thành từ một nhánh của sông Hồng. Qua thời gian dài phát triển của Thành Thăng Long trước đây và ngày nay là TP Hà Nội, sự giao lưu giữa hồ và song Hồng đã bị vùi lấp.
Nước thải và bùn cát do mưa cuốn đổ vào hồ đã làm lớp bùn sa lắng hang trăm năm của hồ Hoàn Kiếm ngày một dày, cản trở việc lưu thông nước hồ với các nguồn nước ngầm, mực nước ngày một cạn kiệt, tính chất đa dạng sinh học suy giảm.
Trước tình hình trên hồ Hoàn Kiếm đã được tiến hành cải tạo. Trong khuôn khổ hợp tác giữa CHLB Đức và Việt Nam về nghiên cứu khoa học phát triển công nghệ giữa Bộ Khoa học&Công nghệ Việt Nam và Bộ Liên bang về nghiên cứu đào tạo CHLB Đức đã ký kết văn kiện hợp tác với dự án phục hồi và ổn định bền vững hồ Hoàn Kiếm – Hà Nội, phía Đức đã đưa công nghệ hút bùn ngầm Sediturtle tiến hành tại hồ Hoàn Kiếm.
Hệ thống các hồ ô nhiễm
Nhìn lại thực trạng các hồ ở Hà Nội có thể thấy hệ thống các hồ ở đây hiện đang bị ô nhiễm do thường xuyên phải tiếp nhận một lượng lớn nước thải của thành phố đổ vào chưa qua xử lý, lớp bùn đáy khá dày với độ sâu từ 0,5m đến 1,5m.
Lưu lượng nước thải chảy vào hồ đã vượt quá khả năng tự làm sạch các hồ. Sự ô nhiễm đã làm suy thoái chất lượng nước, thiếu ôxy và làm tăng trầm tích trong hồ. Nồng độ các chất hữu cơ và vô cơ dinh dưỡng vượt quá chỉ tiêu cho phép. Tính chất đa dạng sinh học của các thủy vực bị suy thoái.
Một số hồ đã được cải tạo chỉ có trơ trọi vách hồ và nước, dân không còn nhìn thấy những loài hoa đẹp và không được cảm thụ hương thơm của các loài thực vật thủy sinh, có lẽ chỉ lác đác tồn tại ở ao hồ, Vườn Bách Thảo và Văn Miếu. Những con cà cuống nổi tiếng của Hà Nội, những cánh chim trên mặt hồ đã vắng bóng từ lâu.
Trước hiện trạng trên, việc nghiên cứu cải tạo các hồ ở Hà Nội nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm nước hồ, điều hòa nước mưa, giảm thiểu úng ngập và cần đưa hồ trở lại với đúng bản chất của nó: hồ phải có sự sống, có sinh vật hoa lá, là nơi duy dưỡng sự thư giãn của nhân dân thủ đô, giữ gìn, cải tạ, phát triển hồ là một việc làm hết sức cấp thiết.
Trong nhiều năm qua, Hội các Ngành Sinh học Hà Nội luôn quan tâm tới các hoạt động giảm thiểu ô nhiễm nước hồm bảo vệ sự đa dạng sinh học của thủy vực, tôn tạo vẻ đẹp thiên nhiên của hồ.
Theo đó, ngoài các biện pháp kỹ thuật nhằm giải quyết các vấn đề ô nhiễm nước hồ thường được áp dụng như bảo vệ hồ khỏi nguồn nước thải chưa qua xử lý bằng các cửa chắn nước thải hoặc các phương pháp xử lý nước thải phù hợp; nạo vét bùn đáy… còn cần phải luôn luôn chú trọng các biện pháp sinh học bảo vệ sự sống của hồ, bảo vệ hệ sinh thái trong hồ.
Các yếu tố vô cơ có trong nước hồ là các chất dinh dưỡng cho các sinh vật quang hợp như thực vật (thực vật thủy sinh, các loài vi tảo) và vi khuẩn lam. Sinh khối của các sinh vật quang hợp là nguồn thức ăn cho động vật không xương (động vật thân mềm, hai mảnh vỏ, giáp xác) và các động vật không xương lại là thức ăn của cá và các động vật khác. Sự phân giải các chất hữu cơ do hoạt động của vi sinh vật, tất cả tạo nên một chu trình khép kín của hoạt động sống.
Chính vì vậy, khi tiến hành xử lý ô nhiễm ao hồ, ngoài các hoạt động vệ sinh môi trường, nạo vét bùn đáy cần làm tăng độ trong của thủy vực. Việc khảo sát điều tra hệ sinh thái của thủy vực cho phép hoặc không có phép sử dụng các chế phẩm sinh học nhằm làm giảm thiểu sự ô nhiễm mùi, tăng cường hoạt động của vi sinh vật nền đáy, giảm thiểu sự phát triển của vi tảo độc hại duy trì sự sống của các loài cá, nhuyễn thể hai mảnh vỏ có ở trong hồ. Sử dụng hệ thoonbgs các thực vật thủy sinh có hoa để làm trong nước, tạo nên màu sắc cho cảnh quan hồ.
Các chế phẩm sinh học được sử dụng trên cơ sở tuyển chọn các vi sinh vật có hoạt tính phân giải protein, tinh bột, xellluloza cao có khả năng phát triển trong thủy vực. Tất cả các hoạt động của các nhóm sinh vật đều được tiến hành đồng bộ và thứ tự, như vậy sẽ đảm bảo sự tồn tại và phát triển bền vững của hệ sinh thái trong hồ.
Hiện nay, trên thế giới, để bảo vệ các nguồn gene trong các thủy vực, các nhà khoa học chú trọng đến việc điều tra, phân lập, phân loại các loài sinh vật quý hiếm và nuôi giữ chúng trong vi tro. Thành phố Hà Nội đã được 1000 năm tuổi và trên mảnh đất này, trong các thủy vực kín, ít giao lưu luôn cất giữ các loài sinh vật đặc hữu (endemic).
Việc bảo vệ các đầm hồ, chống sự ô nhiễm nguồn nước bằng các biện pháp sinh học và các biện pháp khác nhau cần có mối quan hệ hợp lý và gắn bó, cần bảo vệ các nguồn gene quý hiếm của các thủy vực Hà Nội. Chúng ta cần cố gắng đề làm mặt nước hồ Hà Nội luôn trong, sạch sẽ, một cảnh quan thanh bình, giữ bản sắc của một thủ đô Hà Nội 1000 năm tuổi.