quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
HỘI THẢO KH

Đại Đoàn Kết: Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A: Cân nhắc để “đánh đổi”

Thứ Bảy, 01/10/2011 | 04:36:00 PM

Trong Quy hoạch phát triển điện quốc gia giai đoạn 2011-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 7 năm nay, một số dự án thủy điện gây ra nhiều tranh cãi trong giới khoa học, trong đó có Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Một lần nữa những cái được, mất từ việc triển khai hai công trình thủy điện này lại được các nhà khoa học, môi trường "mổ xẻ” trong Hội thảo Các vấn đề môi trường liên quan đến Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A vừa diễn ra hôm 30-9, tại Hà Nội.

 
 
 
Sự phát triển ồ ạt các công trình thủy điện
 ở lưu vực sông Đồng Nai
 Ảnh: Ngô Minh Trực
 
Báo cáo bị phản đối

Do có một vị trí quan trọng trong hệ thống sông ngòi Việt Nam, sông Đồng Nai đã được nghiên cứu về Quy hoạch bậc thang thủy điện. Tuy nhiên, không giống như các dự án thủy điện khác, Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A nằm ngay trong vùng lõi của Vườn quốc gia Cát Tiên. Hai Dự án này được Công ty cổ phần tập đoàn Đức Long Gia Lai đầu tư có tổng công suất thiết kế 241MW và cho tổng sản lượng điện gần 1 tỉ kWh/năm.

Theo Báo cáo đánh giá tác động tới môi trường của Tập đoàn Đức Long Gia Lai, Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A sẽ mang lại những tác động tích cực tới môi trường như giảm phát thải khí ra môi trường khoảng 525.000 tấn CO2, đồng thời tạo thành một hàng rào để ngăn cản hiện tượng vượt sông săn bắt thú rừng và chặt cây trong Vườn Quốc gia, góp phần tăng tiềm năng du lịch của vùng Cát Tiên... Chủ đầu tư cũng cam kết các biện pháp giảm thiểu tác động như tất cả các công trình phụ trợ phục vụ thi công và Nhà máy thủy điện được thiết kế xây dựng ở bờ phải (ngoài địa phận quản lý của Vườn quốc gia Cát Tiên) để giảm tiếng ồn tối đa từ các công trình. Với những diện tích rừng bị mất sẽ được trồng bù bằng các loại cây bản địa, phát triển nhanh và có chức năng phòng hộ, giữ đất, giữ nước tốt.

Tuy nhiên, trước đó, trong các cuộc hội thảo khoa học đánh giá tác động của hai dự án thủy điện này tới môi trường, rất nhiều nhà khoa học đều cho rằng, Báo cáo đã bỏ qua hoặc không đầy đủ chi tiết đánh giá cần thiết như thay đổi hệ sinh thái, cản đường di cư của cá, thay đổi môi trường sống của các loài hoang dã, di dân và sinh kế của người dân bản địa, quản lý và bảo vệ rừng, xói lở hạ lưu, bồi lắng lòng hồ. Các đánh giá tác động môi trường và xã hội rất sơ sài, thiếu thông tin, chưa xem hết các rủi ro và sai lầm tiềm ẩn, do vậy chưa đầy đủ và chưa thuyết phục.

Bảo tồn là không được phá!

Ông Trần Văn Thành, Giám đốc Vườn quốc gia Cát Tiên cho rằng, tác động nguy cấp nhất trước mắt của hai Dự án sẽ xảy ra rõ ràng trong tất cả các giai đoạn chính của quá trình xây dựng. Cả hai đập được đặt trong phần sông, dọc theo rìa phía bắc của khu vực Cát Lộc, và chỉ cần như vậy thì tính đa dạng sinh học sẽ suy giảm và các nhóm loài quý hiếm nhất trong Vườn quốc gia Cát Tiên như loài tê giác 1 sừng Việt Nam - nhóm cực kỳ nguy cấp - rất nhạy cảm với sự hiện diện của con người, chắc chắn bị ảnh hưởng.

Đồng tình với ông Thành, TS Vũ Ngọc Long, đại diện Mạng lưới sông ngòi Việt Nam phía Nam cho rằng, nguồn tài nguyên nước và rừng đầu nguồn lưu vực sông Đồng Nai đang đứng trước những thách thức và rủi ro do tác động của việc phát triển hệ thống bậc thang thủy điện, trong đó có Thủy điện 6 và 6A. Vì vậy, theo ông Long, Báo cáo đánh giá tác động môi trường của 2 công trình này cần phải bổ sung thêm nhiều khía cạnh như ảnh hưởng ở mức độ lưu vực sông, tác động tổng hợp của các thủy điện cả vùng đầu nguồn và hạ nguồn. Báo cáo phải xem xét đến tính pháp lý (như Luật Đa dạng sinh học và việc tuân thủ các cam kết quốc tế về bảo tồn)...

Phát triển là bài toán đánh đổi

Nói về được, mất của hai dự án này, Tiến sĩ Nguyễn Đình Hòe, Trưởng ban phản biện Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam phân tích, hai Dự án này có gây tác động tiêu cực nhất định đến môi trường Vườn Quốc gia Cát Tiên và dòng chảy sông Đồng Nai nhưng không đến mức nghiêm trọng như một bộ phận dư luận xã hội đánh giá. Ví dụ, dư luận lo ngại Thủy điện 6 và 6A làm mất rừng nhưng thực chất việc mất đi 333 ha rừng, trong số đó có 137 ha rừng hỗn giao với một diện tích không lớn cây thân gỗ ở Cát Lộc sẽ làm giảm hấp thụ chừng 2.300 tấn CO2/ năm bởi thực vật rừng. Giải pháp là chủ đầu tư sẽ trồng bù rừng...

"Cần tiến hành đánh giá lại toàn diện những tác động môi trường, xã hội của hai Dự án này, đồng thời xây dựng các giải pháp giảm thiểu hợp lý và cụ thể. Từ đó mới có thể xem xét đến việc cho phép triển khai hai Dự án hay không”
Ông Vũ Ngọc Long,
đại diện Mạng lưới sông ngòi Việt Nam phía Nam
Nếu không có thủy điện, thì chúng ta không có điện, không có nước dùng khi hạn hán, thủy điện còn có nhiệm vụ cắt lũ, nhưng việc cắt lũ của thủy điện vẫn là "con dao hai lưỡi”. Cách đây mấy ngày, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam vừa công bố, Việt Nam đứng thứ 85 trong số 163 nước được xếp hạng chỉ số hiệu quả hoạt động môi trường (EPI) với 59 điểm - một số điểm cao so với nhiều nước trong khu vực Châu Á. Sở dĩ Việt Nam được đánh giá cao là trong lĩnh vực lâm nghiệp, hoạt động tái trồng rừng đã được đầu tư rất nhiều. Nhưng chúng ta vẫn không ngăn được sự suy giảm của những cánh rừng đầu nguồn. Một trong những nguyên do chính là sự phát triển ồ ạt các công trình thủy điện ở Việt Nam (nói chung) và lưu vực sông Đồng Nai (nói riêng) trong những năm qua trên tất cả các hệ thống sông suối của Việt Nam đã và đang đặt tài nguyên nước nói riêng và hệ sinh thái của các vùng đầu nguồn, các sông suối Việt Nam trong tình trạng báo động về cạn kiệt và suy thoái khó hồi phục.

Bài toán đánh đổi giữa phát triển và bảo tồn trong các dự án thủy điện như Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, vì thế, vẫn chưa thể có lời kết thỏa đáng.
Lê Na
(Đại Đoàn Kết)

Lượt xem: 2437

Các tin khác

Tri thức bản địa và sinh kế cộng đồng nhìn từ nguồn gen

(02/06/2014 01:59:PM)

Dãy Trường Sơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu

(28/05/2014 11:49:AM)

Bảo tồn sự đa dạng văn hóa-sinh học của các dân tộc trên dãy Trường Sơn

(23/05/2014 10:48:AM)

Có nên phát triển vùng trồng ba kích Tây Giang?

(22/05/2014 05:29:AM)

Mời dự Hội thảo khoa học về sản xuất sạch hơn

(28/03/2014 03:30:PM)

Thăm vùng thảm họa động đất – sóng thần ở Nhật Bản: Cuộc sống đã phục hồi (Phần cuối)

(22/03/2014 09:28:AM)

Thăm vùng thảm họa động đất – sóng thần ở Nhật Bản: Cuộc sống đã phục hồi (Phần 1)

(20/03/2014 08:56:PM)

Một số vấn đề trong nghiên cứu đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường ở các quốc gia Đông Bắc Á và khuyến nghị (Phần cuối)

(01/03/2014 03:29:PM)

Một số vấn đề trong nghiên cứu đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường ở các quốc gia Đông Bắc Á và khuyến nghị (Phần 2)

(27/02/2014 09:00:PM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE