quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
DIỄN ĐÀN MÔI TRƯỜNG

Đà Nẵng Du ký: Phần I. Bán đảo Sơn Trà và Sông Hàn

Thứ Bảy, 01/07/2017 | 07:03:00 AM

VACNE - Tài liệu để viết loạt bài này được tác giả thu thập trong các đợt khảo cứu Địa chất Môi trường Đà Nẵng (thuộc chương trình KHCN 06-07 do Viện Tài nguyên và Môi trường Biển Hải Phòng chủ trì) cũng như được cập nhật theo các trang WEB Wikipedia mới đây về các địa phương của Đà Nẵng như Đà Nẵng, Sơn Trà, Sông Hàn, Nam Ô,… Loạt bài nhằm giới thiệu với bạn đọc những cảm nhận chấm phá còn ít được biết của Đà Nẵng – một Thành phố có lịch sử hào hùng, năng động và đầy bí ẩn của Miền Trung.

Em xa rời bến sông Hàn / Nắng chao chát đổ, gió ràn rạt bay / Em đi sương lạnh hương đầy / Ta về yêu mãi những ngày yêu em (thơ Thanh Trắc Nguyễn Văn)

Bán đảo Sơn Trà nhìn từ Đông Bắc xuống Tây Nam

Ảnh: Lê Hải Sơn

1. Bán đảo Sơn Trà ¾ là giáp biển

Độ cao trung bình của bán đảo là 350m, điểm cao nhất là đỉnh Ốc cao 996m, Sơn Trà có diện tích 60 kilômét vuông. Trên máy bay nhìn xuống (ảnh minh họa) hòn Sơn Trà như bị cắt ra thành 3 phần nằm so le như bị đẩy dịch trượt so với nhau, với 3 ngọn núi nhô cao là hòn Nghê,  ngọn Mỏ Diều, ngọn Cổ Ngựa. Thủ phạm chia cắt và dịch  trượt các phần của Sơn Trà chính là hai đứt gãy địa chất lớn có phương 320 độ (TB - ĐN) kéo dài từ vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai  tỉnh Thừa Thiên - Huế xuống. Hai đứt gãy này kèm theo hàng loạt đứt gãy nhành và các hệ thống khe nứt chằng chịt khiến khối đá hoa cương (Granit) núi Sơn Trà như vỡ vụn ra. Nhưng cũng nhờ đó mà Sơn Trà có đến 20 dòng suối lớn nhỏ đầy nước trong vắt.

Thời xa xưa (cho đến trước thế kỷ XV), Sơn Trà vẫn là một hòn đảo. Qua thời gian dài, dòng biển ven bờ từ Đông Bắc xuống đã tải phù sa sông Cu Đê đến bồi đắp dần tạo thành hệ thống bãi cát biển phía Đông Nam của đảo, bên bờ phải sông Hàn sau đó gió vun dần thành các cồn cát. Bán đảo Sơn Trà hình thành từ đó. Hệ thống cồn bãi cát này có bản chất là vùng “bóng râm của đảo” nơi động lực sóng yếu nhất. “Bóng râm” này chắn không cho sông Túy Loan đổ thẳng ra biển mà phải ngoặt dòng lên hướng Bắc theo một lạch biển tàn đổ vào vịnh Đà Nẵng. Đoạn “lạch tàn hóa sông” này chính là sông Hàn, giống như sông Nhật Lệ ở Đồng Hới Quảng Bình.

2. Muối “Trời sinh” từ mô mà ra?

3/4  chiều dài bờ biển Sơn Trà không còn bồi tích, chỉ có các bãi biển đá hoặc các vách biển đá đổ lở. Nước biển được sóng rót vào các hốc trũng trên bờ đá, gặp ngày nắng nóng bốc hơi hết, đọng  thành thứ muối tinh khiết có những tinh thể muối to như hạt bắp. Người dân hay gọi là muối Trời sinh. Có chỗ mỗi hốc đá là một chén muối trắng tinh. 

3. Tại sao Đa dạng sinh học Sơn Trà quá độc đáo?

Bán đảo Sơn Trà có giá trị lưu trữ đa dạng sinh học rất lớn, là một phần của vùng sinh thái Trường Sơn - một trong 200 vùng sinh thái tiêu biểu toàn cầu. Khu vực rừng đặc dụng Sơn Trà chỉ có 4.000 ha này có 985 loài thực vật bậc cao thuộc 143 họ. Hệ động vật gồm 380 loài thuộc 106 họ, trong đó có 29 loài thuộc nguồn gen quý, hiếm cần ưu tiên bảo tồn như voọc chà vá chân nâu, khỉ vàng. Nhóm voọc – khỉ Sơn Trà nổi tiếng đến mức người Mỹ gọi Sơn Trà là Đảo Khỉ (MonkeyMountain)

Voọc chà vá chân nâu – “Nữ hoàng” của Sơn Trà

Loài thực vật  ngoại lai nổi tiếng là nguy hiểm nhất đã lan chiểm đến 20% diện tích rừng Sơn Trà là cây Bìm bôi hoa vàng, còn có tên là “Sát thủ Kiều mộc” Bìm bôi phát tán rất nhanh bằng hạt, chồi, rễ và thân. Chim, thú gặm nhấm ăn rồi thải hạt đi khắp nơi giúp cây phát tán rộng hơn. Chúng leo đè lên các cánh rừng Thông, Keo lá tràm hay bất cứ cây thân gỗ nào để “chiếm đoạt” ánh sáng. Do tán lá rộng và dày đặc nên đã che kín không gian, khiến thảm thực vật bên dưới bị chết sau một thời gian thiếu ánh sáng. Lớp thực vật chết tạo nên lớp lá khô rất dễ gây cháy rừng. Một số vụ cháy rừng thông ở vùng rừng cấm Hải Vân trong những năm qua đều có liên quan đến loài Bìm bôi này.

Tính đa dạng sinh học cao với không ít loài độc đáo, trong một khu bảo tồn thiên nhiên nhỏ hẹp có thể được giải thích bởi 2 lý do chính: (i) hệ sinh thái rừng Sơn Trà có lịch sử bị cô lập lâu dài nên xuất hiện một số loài độc đáo và (ii) Nền thổ nhưỡng Sơn Trà là đất phong hóa từ loại granit có tính phóng xạ (hoạt độ phóng xạ đến 25,20 µR/h) tuy chưa cao đến mức gây hại cấp diễn cho sức khoẻ con người nhưng tạo ra phông phóng xạ tự nhiên cao, với thời gian hàng ngàn năm có thể góp phần gây biến đổi gen và chọn lọc ra những giống loài sinh vật độc đáo.

Cây Bìm bôi hoa vàng

4. Sơn Trà hay Sơn Chà?

Văn bản hành chính ghi là Sơn Trà còn người bản địa lại gọi là Sơn Chà dù người miền Trung phát âm uốn lưỡi rất chuẩn. Cả hai cách gọi đều đúng. Trong “Quốc triều chính biên toát yếu”, Sơn Chà không phải bị ghi thành Trà Sơn hay Sơn Trà như “Đại Nam thực lục” hay “Đại Nam nhất thống chí” mà đúng là Sơn Chà – một loài “Cây chà là: thứ cây gần giống như cây cau” là một loại chà là ở vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi, hiện nay vẫn còn tồn tại, khác với các loại chà là ở các vùng địa lý khác. Phải chăng vùng bán đảo Sơn Chà (Sơn Trà), vốn có nhiều loại cây sơn chà này?

5. Không lạnh sao sông gọi là Hàn?

Thời xưa tàu thuyền Trung Quốc đi Đà Nẵng thường lấy hòn Sơn Trà làm mốc định vị phương hướng. Hòn Sơn Trà có hình dáng giống con hến nên người Trung Quốc đã gọi nơi đây là "Hiện Cảng" (蜆港), có nghĩa là "bến hến". Cách đọc theo tiếng Hải Nam của địa danh "Hiện Cảng" 蜆港 là "Hàn Cảng”. Tên sông Hàn cũng từ đó mà ra. Sông Hàn không phải là sông “Lạnh” như có người lầm tưởng.

Nguyễn Đình Hoè VACNE

Lượt xem: 4092

Các tin khác

Đưa thiên nhiên đến gần cộng đồng

(23/12/2024 06:20:AM)

Áp dụng LEZ: Lựa chọn từ thực tế, kỳ vọng đột phá cho môi trường Thủ đô

(16/12/2024 06:57:AM)

Gỡ vướng mắc thị trường tài chính xanh

(11/12/2024 09:30:AM)

Tài chính khí hậu là con đường dẫn đến công lý khí hậu

(18/11/2024 08:37:AM)

Tìm tiền carbon cho cây lúa

(13/11/2024 08:51:AM)

COP16: Bất đồng chưa thể vượt qua

(05/11/2024 06:53:AM)

Tăng tốc năng lượng tái tạo

(21/10/2024 08:54:AM)

Kinh nghiệm phát triển công trình xanh trên thế giới và đề xuất đẩy mạnh ở việt nam để đáp ứng mục tiêu phát thải ròng khí co2 = zero vào năm 2050

(18/10/2024 08:29:AM)

Người tiêu dùng Net Zero

(30/09/2024 06:12:AM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE