(VACN E) - Chỉ có Phản biện xã hội (PBXH ) đúng bài bản chứ không phải Dư luận xã hội (DLXH) là có khả năng tạo ra sự đồng thuận về bán đảo Sơn Trà
Nguyễn Đình Hoè VACNE
1. Dư luận xã hội (DLXH) không có khả năng tạo ra sự đồng thuận
DLXH là “những ý kiến đánh giá về các vấn đề xã hội mà nhóm công chúng cảm thấy có ý nghĩa với họ hoặc động chạm đến lợi ích chung, các giá trị chung”. Nếu ý kiến cá nhân không đại diện cho ai, trừ tác giả, thì ý kiến đó không được coi là DLXH mà chỉ được gọi là ý kiến cá nhân. Vì DLXH không phải là kết quả cộng cơ học các ý kiến cá nhân
Thông tin đại chúng hiện nay còn chưa phân biệt rõ ý kiến cá nhân với DLXH và PBXH, nhiều trường hợp còn đánh đồng cả cụm. Thực ra đấy là các khái niệm khác nhau và có tầm ảnh hưởng cũng như giá trị xã hội khác hẳn nhau.
DLXH có thể được truyền tải trên các phương tiện thông tin đại chúng.Thông tin đại chúng dù nhiều và sắc xảo đến đâu cũng chưa phải là PBXH mà mới chỉ là DLXH, tuy một số bài viết trên thông tin đại chúng cũng có giá trị PBXH, bởi lẽ bài viết có tốt cũng chỉ là của một tác giả hay một vài đồng tác giả. Thu thập và phân tích DLXH là bước đi đầu tiên rất cần thiết của một chu trình PBXH.
Mời đọc thêm Nguyễn Quý Thanh, 2006. Xã hội học về Dư luận Xã hội. NXB ĐHQG Hà Nội
2.PBXH khác hẳn DLXH ở chỗ không phải do cá nhân hay nhóm tác giả phát biểu mà được thực hiện bởi các tổ chức xã hội dân sự (nghĩa là các tổ chức không phải chính quyền, doanh nghiệp hay gia đình) theo một quy trình chặt chẽ (ở nước la là Mặt trận Tổ quốc, Liên hịệp các hội KHKT và các tổ chức thành viên). Hoạt động PBXH phải dựa trên cơ sở quy định của luật pháp, có cọ xát trao đổi nhiều vòng giữa nhóm chuyên gia làm phản biện. Đặc biệt PBXH phải có cơ sở khoa học chắc chắn. Nhiều ý kiến sắc sảo trong DLXH có trình độ cao, có tâm huyết và có ý thức công dân đã cung cấp những ý tưởng tốt cho PBXH. Tuy nhiên cũng có không ít DLXH dựa trên các chuẩn mực cũ, chuẩn mực lạc hậu, tư duy cục bộ, tư duy cực đoan… đã tạo ra nhiều trường hợp lẫn lộn trắng đen.
Chuẩn mực xã hội của PBXH về môi trường chính là Luật Bảo vệ Môi trường, Luật Đa dạng sinh học, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Nghị quyết số 24-NQ/T.Ư về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”. (2007), Chương trình Nghị sự 21 Việt Nam do Chính phủ ban hành năm 2006. Không dựa chắc trên những chuẩn mực đó thì PBXH về môi trường không đáp ứng được yêu cầu.
Mời đọc thêm: Nguyễn Đình Hòe, 2011 Phản biện xã hội về Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường. NXB Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội
3.Đồng thuận ở Sơn Trà cần những vấn đề gì?
PBXH đúng nghĩa cần tạo ra được sự đồng thuận trên 4 bình diện: Chính trị, Môi trường, Kinh tế và Văn hóa. Những lợi ích cuả các mặt này có thể có trọng số cao thấp khác nhau tùy từng đối tượng khảo cứu
(i). Bình diện Chính trị: đảm bảo các yêu cầu Quôc phòng và An ninh, cũng như các thỏa thuận quốc tế mà nước ta đã ký kết.
(ii) Bình diện Môi trường: bảo vệ sự an toàn và đa dạng các dịch vụ hệ sinh thái (rừng, biển,…) dành cho cuộc sống không chỉ cho thế hệ hiện tại mà cho cả các thế hệ tương lại. Bởi lẽ không thể đợi đến lúc các dịch vụ hệ sinh thái bị hủy họai mơi chịu ngộ ra rằng “tiền không ăn được”
(iii) Bình diện Kinh tế: đảm bảo phúc lợi kinh tế (trực tiếp từ kinh doanh sản xuất hay gián tiếp từ dịch vụ sinh thái)
(iv) Bình diện Văn hóa bảo vệ các lợi ích văn hóa truyền thống bản địa
Bình diện (iì) là mục tiêu và cơ sở khoa học của PBXH; các Bình diện (i), (iii) và (iv) là mục tiêu và cơ sở Văn hóa – Chính trị - Xã hội của PBXH về Sơn Trà.
Mời đọc thêm: Nguyễn Đình Hòe và Nguyễn Ngọc Sinh (2012) An ninh Môi trường. NXB Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội
---------------------------------------------------