(VACNE: 31/12) Dưới sự chủ trì của Anh Hùng Đa dạng sinh học ASEAN, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Hội đồng Cây Di sản Việt Nam vừa họp phiên cuối cùng của năm 2020. công nhận thêm 7 cây và đưa tổng số Cây Di sản Việt Nam trong cả nước lên con số 5.420 cây.
Đó là những cây cổ thụ của các tỉnh: Phú Tho, Hải Dương và Đắc Nông. Cụ thể như: cây Đa cổ thụ chu vi thân: 15 mét, cao gần 30 mét ở Bon B’ Srê B, xã Đắk Som, huyện Đắk Glong (tỉnh Đắk Nông); 02 cây Hoa mộc và 01 cây Bạch Trà trên 100 năm, có chu vi thân gần 60 Cm, cao 5 mét ở khu dân cư số 7, phường Vân Phú, thành phố Việt Trì (tỉnh Phú Thọ); 02 Cây Ruối trên 600 năm ở làng Trần Xá, xã Nam Hưng, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.
Một cây cổ thụ khác của tỉnh Hải Dương, đó là cây Đa hơn 200 năm ở Đình – Chùa làng Cát Hậu, xã Hồng Hưng, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương cũng được Hội đồng xem xét và công nhận đủ tiêu chí Cây Di sản về mặt kỹ thuật, nhưng yêu cầu chính quyền và cộng đồng địa phương phải mở rộng không gian sống cho cây. Khi đó, cây mới được công nhận là Cây Di sản Việt Nam
Cây Sao đen hơn 300 năm, chu vi thân 5,3m, cao 20 mét, ở ấp Mỹ Lợi, xã Mỹ Thạnh Tây, huyện Đức Huệ (tỉnh Long An) bị loại, vì khó bảo tồn do cộng đồng vẫn để cho những cây khác bóp nghẹt.
Ông Chủ tịch Hội đồng nhận xét: nhận thức của người dân về bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn cây cổ thụ đã được nâng lên rõ rệt. Bằng chứng là, những sự kiện liên quan tới Cây Di sản Việt Nam đều dư luận quan tâm, được báo chí phản ánh kịp thời. Những cây cổ thụ được công nhận Cây Di sản Việt Nam, được địa phương quan tâm bảo vệ, cộng đồng chăm sóc tốt hơn. Một số cây cổ thụ (đặc biệt là Cây Di sản) bị sâu bệnh đã được bà con cứu chữa kịp thời và được trồng thay thế bằng những giống cây cùng loại (nếu bị chết). Trong thời gian gần đây, có rất nhiều cây Chè Shan tuyết cổ thụ và cây bản địa, được chính quyền địa phương và các doanh nghiệp đóng trên địa bàn, đăng ký công nhận Cây Di sản Việt Nam để nâng thương hiệu và mở rộng sinh kế cho cộng đồng. /.
PV. VACNE