Cuộc thi Quốc gia Cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước đã bước sang lần thứ VII
Mặc dù đã chắc chắn đoạt giải kỳ thi năm nay, nhưng các thí sinh sẽ phải vượt qua vòng phỏng vấn trực tiếp tại Hà Nội vào ngày 7/6 để Ban tổ chức chọn ra các đề án đoạt giải Nhất, Nhì, Ba; đồng thời chọn ra những giải khuyến khích và 3 tập thể có nhiều thành tích xuất sắc. Việc này đồng nghĩa với việc chọn ra những cá nhân (tác giả của Giải Nhất) tới Thụy điển vào tháng 8 năm nay, để tham dự vòng chung kết Giải thưởng quốc tế Stockholm về nguồn nước dành cho học sinh (SJWP). Lễ trao giải thưởng cuộc thi này được tổ chức vào 19 giờ cùng ngày (7/6), tại Nhà hát Lớn Hà Nội và được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV2, Đài truyền hình Việt Nam.
Ban tổ chức đã chính thức chọn các đề án của các nhóm tác giả “Sử dụng ốc vặn làm sinh vật chỉ thị, đánh giá mức độ ô nhiễm nguồn nước” của Nguyễn Thị Hồng Loan, Nguyễn Công Sơn, học sinh trường THPT Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên- Hà Nội); “Dung dịch giặt tẩy nguồn gốc thiên nhiên” của Nguyễn Quỳnh Hoa, Lương Thanh Hoa; “Gameshow:Teen & Water”của Nguyễn Diệu linh, Nguyễn Thị Phương Thành, Trần Mai Trang; “Xây dựng truyện khoa học vui” của Đỗ Ngọc Linh, Ma Thị Thúy Trà học sinh trường THPT Chuyên (Tp. Thái Nguyên); “Hệ thống cống ngầm, xử lý nước thải đô thị của Nguyễn Bích Ngọc, Phạm Mạnh Cường, Trần Thanh Bình học sinh lớp 11A1, trường THPT Mộc Lỵ (huyện Mộc Châu- Sơn La); “Hệ thống thùng thu gom và xử lý chất thải trên sông” của Phạm Hữu Phúc, Nguyễn Hữu Hà Phương, Nguyễn Phúc Bửu Gia; “Sử dụng bèo tây, bèo tấm và rau muống xử lý nước thải từ lò mổ gia súc và nước thải sinh hoạt” của Nguyễn Văn Huy, Lê Sỹ Dự, Phạm Văn Quế Lâm, học sinh trường THPT Nguyễn Huệ tỉnh Thừa Thiên- Huế); “Các biện pháp xử lý nước mưa và nước nhiễm mặn đơn giản”của Nguyễn Tấn Thành, Chung Diệp Hào, Lương Thiện Phú, học sinh trường THPT An Lạc Thôn (huyện Kế Sách - Sóc Trăng); “Xây dựng phòng trưng bày, khu triển lãm, bảo tàng quốc gia môi trường nước tiến tới thành lập bảo tàng quốc gia môi trường tự nhiên Việt Nam và hệ thống bảo tàng các cấp” của Trương Hoàng Thông, học sinh trường THPT Vĩnh Bình (Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang).
Cuộc thi này được tổ chức tại nước ta từ năm 2003, sau đó trở thành sự kiện thường niên và sân chơi của lứa tuổi học sinh THPT, nhờ có sự tài trợ của Cơ quan phát triển quốc tế Thuỵ Điển (Sida), Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam, cùng nhiều cơ quan và tổ chức khác trong và ngoài nước. Cuộc thi này đã thu hút hàng chục vạn học sinh trong cả nước tham gia và tới nay đã có 12 em đoạt giải nhất quốc gia. Những tác giả nhỏ tuổi này được cử đi Thụy Điển dự thi vòng chung kết Giải thưởng quốc tế Stockholm về nguồn nước dành cho học sinh (SJWP) và tham dự Tuần lễ nước quốc tế; được gặp gỡ và giao lưu với các bạn học sinh hàng chục nước khác trên thế giới.