Cuộc sống càng phát triển, sử dụng càng nhiều tài nguyên thiên nhiên (TNTN), mà khả năng cung cấp TNTN ngày càng trở nên hạn hẹp trên cả quy mô toàn cầu lẫn quy mô Quốc gia. Cuộc chiến giành tài nguyên đang xảy ra và sẽ ngày càng khốc liệt hơn.
Nguyễn Đình Hòe VACNE
Mỏ Pyrite bỏ hoang ở Minh Quang, Ba Vì, Hà Nội
Thế giới hiện nay đang sử dụng tài nguyên như thế nào?
Tài nguyên thiên nhiên bao gồm nguyên vật liệu, nước, đất đai, cảnh quan,…là cơ sở của cuộc sống trên Trái đất. Tuy nhiên con người đang ngày càng gia tăng tốc độ sử dụng tài nguyên đến chóng mặt, gây ra những thảm họa. Khí hậu đang biến đổi, nước sạch, thủy sản và rừng tự nhiên ngày càng hiếm.
Nghiên cứu của nhóm nhà Khoa học Stefan Giljum và đồng nghiệp tại báo cáo “Những người bạn của Trái đất” xuất bản tại châu Âu năm 2009 với tiêu đề: “ Tiêu thụ quá mức? Sự sử dụng của chúng ta đối với tài nguyên của Thế giới” cho thấy những số liệu thống kê đáng giật mình:
Con người ngày nay khai thác và sử dụng TNTN nhiều hơn cả 30 năm trước chừng 50%, ước lượng khoảng 60 tỷ tấn nguyên liệu thô mỗi năm. Việc gia tăng khai thác tài nguyên dẫn đến những hệ lụy về môi trường, tác động tiêu cực đến xã hội và quyền con người, nhất là ở các nước châu Phi, Mỹ La tinh, châu Á nơi mà quy chuẩn môi trường thấp. Dự báo đến năm 2030, loài người sẽ cần đến 100 tỷ tấn vật liệu tự nhiên mỗi năm. Người ở những nước giàu tiêu thụ TNTN nhiều hơn người ở những nước nghèo nhất 10 lần. tính trung bình, một người dân Bắc Mỹ tiêu thụ khoảng 90 kg vật liệu tự nhiên mỗi ngày, mỗi người châu Âu là 45 kg, trong khi mỗi người châu Phi chỉ sử dụng khoảng 10 kg mỗi ngày. Mỗi năm bình quân 1 người châu Âu phải nhập khoảng 3 tấn nguyên vật liệu tự nhiên. Từ đó xuất phát dòng chảy nhập tài nguyên từ những nước nghèo hơn, tiêu thụ ít tài nguyên hơn sang các nước giàu hơn trong những mối quan hệ thương mại đa dạng và bất bình đẳng.
Mặc dù do cải tiến công nghệ, thế giới hiện nay tiết kiệm được 30% tài nguyên cho việc làm ra mỗi đồng Euro hay USD so với 30 năm trước, nhưng tổng lượng tài nguyên sử dụng lại liên tục gia tăng khiến cho sự thiếu hụt tài nguyên ngày càng bức xúc ở châu Âu và toàn cầu nói chung. Không có cách gì yêu cầu các nước giàu hãy bớt sử dụng tài nguyên để tạo điều kiện vươn lên cho các nước nghèo, và do đó bất bình đẳng trong các dòng chảy tài nguyên vẫn gia tăng.
Một nghiên cứu khác của Muilerman H.và H.Blonk năm 2001 tiêu đề “Tiến tới sử dụng bền vững tài nguyên” trên tạp chí “Stichting Natuur en Milieu” bổ sung thêm những số liệu đáng tham khảo:
Chừng 20% dân số thế giới sống tại những nước giàu sử dụng khoảng 50% tài nguyên toàn cầu. Nhu cầu sử dụng tài nguyên không ngừng tăng ở cả những nước giầu và nghèo, nhưng tăng nhanh hơn ở những nước nghèo. Ví dụ trong thập niên 1990, Trung Quốc với dân số xấp xỉ 1/5 thế giới đã tăng tiêu thụ dầu mỏ lên 2 lần, tiêu thụ thịt ở Trung Quốc trong thời gian đó cũng tăng 2 lần. Sự gia tăng nhu cầu sử dụng tài nguyên ở những nước đang phát triển là một việc tất yếu của phát triển kinh tế xã hội. Nhưng sẽ nảy sinh vấn đề là mô hình tiêu thụ tài nguyên ở những nước phát triển đang được áp dụng theo tại những nước đang phát triển. Giả sử đến 2050 dân cư ở các nước đang phát triển cũng tiêu thụ tài nguyên bằng dân cư ở các nước phát triển đang tiêu thụ hiện nay thì nhu cầu tài nguyên toàn cầu khi đó sẽ bằng từ 2 đến 7 lần hiện nay. Xu thế này đòi hỏi các nước công nghiệp phải sáng tạo các công nghệ mới ít tiêu thụ tài nguyên hơn và ít gây tác động xấu đến môi trường hơn, nhưng khả năng này sẽ khó tiếp cận đối với nhiều nước đang phát triển.
Rất nhiều loại tài nguyên được tiêu thụ ở các nước công nghiệp hiện nay đang được khai thác và sơ chế tại các nước đang phát triển vì kiểm soát môi trường tại các nước ngèo thường lỏng lẻo, chi phí lao động rẻ, có nhu cầu ngoại tệ cao và cơ chế quản lý của chính quyền thường thiếu minh bạch tạo kẽ hở cho việc khai thác và xuất khẩu tài nguyên có lợi cho bên nhập khẩu. Ngay cả khi một số nước xuất khẩu tài nguyên ý thức được vấn đề này thì vẫn còn các cách thức khác không minh bạch buộc họ tiếp tục phải cung ứng tài nguyên rẻ cho các nước công nghiệp.
Vấn đề sử dụng tài nguyên khoáng sản ở Việt nam
Nước ta có nhiều loại tài nguyên khoáng sản nhưng nhìn chung trữ lượng thấp. Một số loại khoáng sản như than đá, bauxite, đá vôi, dầu mỏ,…tuy có nhiều nhưng thế giới cũng có nhiều. Thời gian qua, việc khai thác khoáng sản chủ yếu nhằm xuất khẩu quặng thô hay sơ chế nên giá trị không cao, chưa nói đến việc bảo vệ môi trường khai khoáng là việc làm cực kỳ yếu kém dẫn đến có nhiều ý kiến quan ngại rằng chúng ta đang lâm vào “lời nguyền tài nguyên”. Lo lắng như vậy là có lý do. Đặc biệt trong hình thức khai thác mỏ nhỏ, hay “tận thu khoáng sản “ do các địa phương cấp phép, lợi thì ít mà thất thoát tài nguyên và tàn phá môi trường thì nhiều. Hiện trạng, nguyên nhân và giải pháp cho vấn đề này đã được bàn nhiều, đề xuất nhiều, thông tin đại chúng cũng đã nói nhiều. Vấn đề là các cấp quản lý có thực hiện không và thực hiện được đến đâu.
Tài nguyên hiện nay, như phân tích ở trên, đang là đối tượng của một cuộc chiến thực thụ, chỉ khác cuộc chiến thông thường ở chỗ không (hay ít) tiếng súng. Có lẽ nào cho đến khi tài nguyên cạn kiệt, môi trường suy thoái đến mức không còn nơi ở an toàn, không còn nước sạch để uống, không có không khí sạch để thở, không còn nguyên liệu cho sản xuất thì người ta mới ngộ ra là “tiền không ăn được”./.