DIỄN ĐÀN MÔI TRƯỜNG
Cuộc chiến đạo lý cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin VN
Thứ Tư, 11/08/2010 | 08:14:00 AM
Chính quyền Mỹ dùng điều luật “Quyền miễn trừ” để phủi bỏ trách nhiệm về những hậu quả mà quân đội Mỹ để lại cho nhân dân Việt Nam sau chiến tranh là “phi nhân quyền và đồng nghĩa với việc cho phép sản xuất những chất có thể giết người hàng loạt”.
Gần 5 triệu nạn nhân Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin, trong đó 500.000 người bị tàn tật và biến dạng… Chất độc da cam/dioxin gây ảnh hưởng lâu dài đến nhiều thế người và môi trường sống ở Việt Nam… Dù hành trình đòi công lý, buộc chính phủ Mỹ phải chịu trách nhiệm vẫn còn rất gian nan. Nhưng, tại buổi toạ đàm “Da cam - Thông điệp trái tim” tổ chức tại TP HCM ngày 9/8, Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, Chủ tịch hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP HCM, tin và khẳng định “Chúng ta không thua!”.
Sự thật phơi bày
Từ 1961 - 1971, gần 26.000 thôn bản ở Việt Nam đã nhận “bản án” từ quân đội Mỹ khi lãnh trọn 80 triệu lít chất diệt cỏ (chất da cam có chứa dioxin), trong đó có 86% diện tích bị phun rải hơn hai lần, số diện tích bị phun rải trên 10 lần cũng lên đến 11%. Mưa lũ, sức gió đã vô tình đẩy vùng bị ảnh hưởng tăng lên cấp số nhân. Hậu quả nặng nề nhất là hàng triệu trẻ em Việt Nam được sinh ra với hình hài “người nhưng không phải người”.
Theo GS BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng (Phó Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam), có 15 loại bệnh mà những nạn nhân của chất độc da cam/dioxin mắc phải, trong đó có 5 loại được thừa nhận “nhiều bất thường” gồm dị tật tay chân, dị tật các cơ quan giác quan, sinh đôi dính liền, sứt môi - chẻ vòm hầu và dị tật ống thần kinh.
49 năm sau, Việt Nam vẫn còn 28 điểm nóng về vấn đề chất độc da cam, buộc Bộ Quốc phòng đã phải cho xây tường thành bao bọc cấm dân đi vào cũng như khuyến cáo người dân không đánh bắt hay ăn các loại cá… trong ao, hồ gần đó.
Đặc biệt, sự tổn hại về tinh thần là điều không thể thống kê hay kể hết được. Đó là sự mặc cảm, tự ti, của những người đã bị chất độc da cam/dioxin cướp đi số phận bình thường vốn có; là nỗi đau âm ỉ trong lòng nhiều gia đình; là sự lo lắng, bất an liệu sẽ trở thành nạn nhân kế tiếp. Sự thật đó không thể bác bỏ, chính phủ Mỹ không thể phủi bỏ trách nhiệm.
|
Có 5 loại bệnh mà những nạn nhân của chất độc da cam/dioxin mắc phải với “nhiều bất thường” gồm: dị tật tay chân, dị tật các cơ quan giác quan, sinh đôi dính liền, sứt môi - chẻ vòm hầu và dị tật ống thần kinh. Ảnh: T.T
|
Đi đến cùng sự thật!
Luật sư Trương Trọng Nghĩa (Phó chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam) cho biết, đến nay chính phủ Mỹ vẫn quyết không thừa nhận trách nhiệm pháp lý đối với hậu quả chất độc da cam/dioxin tại Việt Nam. Yếu tố pháp lý mà quan toà Mỹ bác đơn kiện của Việt Nam chính là vận dụng điều luật “Quyền miễn trừ” của Mỹ rằng các nhà thầu (các công ty hoá chất Mỹ) có ký kết với chính phủ trong chiến tranh sẽ được bỏ qua, không bị quy trách nhiệm trước những hậu quả. “Chính vì vậy, họ đã nhân danh lá chắn miễn trừ này để phủi bỏ trách nhiệm”, luật sư Nghĩa nhấn mạnh.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu tham dự tọa đàm đồng tình với luật sư Nghĩa rằng đây là một điều luật lỗi thời, không đem đến công lý một cách đích thực; phi nhân quyền và đồng nghĩa với việc cho phép sản xuất những chất có thể giết người hàng loạt. Mặc dù chính phủ Mỹ vẫn không công nhận trách nhiệm về pháp lý để khắc phục những hậu quả mà chất độc da cam gây ra với Việt Nam nhưng đã từng bước thừa nhận trách nhiệm trên thực tế.
Phía Mỹ đã đồng ý hỗ trợ cho Việt Nam 300 triệu USD trong vòng 10 năm để tẩy sạch môi trường, điều trị, chăm sóc cho các nạn nhân… Song, “đối với nạn nhân chất độc da cam không bao giờ là đủ, không bao giờ bù đắp hết”, bà Ngọc Phượng chia sẻ.
“Dù cuộc chiến đòi công lý, đòi thừa nhận trách nhiệm về đạo lý này sẽ còn lắm gian truân nhưng chúng ta quyết sẽ đi đến cùng. Phải đẩy nhanh tiến độ các bước thực hiện buộc chính quyền Mỹ phải thừa nhận trách nhiệm, đạo lý”, Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ nhấn mạnh.
Bà Đặng Hồng Nhựt, Phó Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam TP HCM, cho biết UBND TP HCM đã chấp thuận đề án xây dựng Làng Cam với quy mô 5 ha tại huyện Hóc Môn. Đây sẽ là nơi nuôi dưỡng, điều trị và giáo dục thường xuyên cho 300 nạn nhân chất độc da cam/dioxin.
|
Tố Tâm
(Đất Việt, 10/8/2010)
Lượt xem: 1752
Các tin khác
Đưa thiên nhiên đến gần cộng đồng (23/12/2024 06:20:AM)
Áp dụng LEZ: Lựa chọn từ thực tế, kỳ vọng đột phá cho môi trường Thủ đô (16/12/2024 06:57:AM)
Gỡ vướng mắc thị trường tài chính xanh (11/12/2024 09:30:AM)
Tài chính khí hậu là con đường dẫn đến công lý khí hậu (18/11/2024 08:37:AM)
Tìm tiền carbon cho cây lúa (13/11/2024 08:51:AM)
COP16: Bất đồng chưa thể vượt qua (05/11/2024 06:53:AM)
Tăng tốc năng lượng tái tạo (21/10/2024 08:54:AM)
Kinh nghiệm phát triển công trình xanh trên thế giới và đề xuất đẩy mạnh ở việt nam để đáp ứng mục tiêu phát thải ròng khí co2 = zero vào năm 2050 (18/10/2024 08:29:AM)
Người tiêu dùng Net Zero (30/09/2024 06:12:AM)