quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
DIỄN ĐÀN MÔI TRƯỜNG

Công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Hội Bảo vệ TN&MT VN (VACNE)

Thứ Sáu, 25/11/2011 | 11:19:00 AM

Nguyễn Ngọc Sinh và Nguyễn Đình Hòe, VACNE

 
 
I.Tình hình triển khai các hoạt động TV,PB&GĐXH của VACNE
Trong 5 năm qua, VACNE đã tiến hành những nhiệm vụ TV.PB&GĐXH sau đây:
1.    Luật Đa dạng sinh học (Bộ TN&MT ủy nhiệm)
2.    Dự án Tam Đảo 2
3.    Doanh nghiệp và Môi trường nhân sự kiện Vedan Đồng Nai
4.    Thành phố Sông Hồng (tham gia cùng VUSTA)
5.    Vấn đề Môi trường trong dự án Đường sắt cao tốc Bắc Nam (tham gia cùng VUSTA)
6.    Vấn đề Môi trường trong 2 dự án khai thác Bauxite và chế biến Alumine Tân Rai và Nhân Cơ (tham gia cùng VUSTA)
7.    Vấn đề Môi trường trong Quy hoạch Bauxite Việt Nam (tham gia cùng VUSTA)
8.    Quy hoạch Thủ đô Hà Nội (tham gia cùng VUSTA)
9.    Luật Thuế Bảo vệ Môi trường
10.                       Vấn đề Môi trường của 2 dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A
11.                      Chương trình mục tiêu Quốc gia về Biến đổi khí hậu (VUSTA ủy nhiệm)
12.                      Vấn đề Môi trường trong dự án đập Xayabury Lào (tham gia cùng VUSTA)
13.                      Các vấn đề Môi trường và Phát triển khu vực VQG Ba Vì (VUSTA ủy nhiệm - đang thực hiện, sẽ hoàn thành trong tháng 12/2011
14.                      Biên soạn và xuất bản tài liệu ‘Phương pháp PBXH về Bảo vệ Thiên nhiên &Môi trường” Nhà xuất bản KH&KT, Hà Nội 2009 (in 1000 cuốn). Xuất bản lần thứ 2 có bổ sung , in 1000 cuốn tháng 11/2011
15.                      Tập huấn cho các hội thành viên của VACNE và VUSTA về TV & PBXH (khoảng 5 lớp)
16.                       Viết rất nhiều bài liên quan đến TV&PBXH trên trang web vacne.org.vn để định hướng dư luận cũng như trao đổi chuyên môn với đồng nghiệp
Các nhiệm vụ trên đây hoặc do VUSTA hay Bộ TN&MT ủy nhiệm, do địa phương yêu cầu hoặc do VACNE tự đề xuất và thực hiện theo chức năng của Hội. Các ý kiến PBXH của VACNE đều được các cấp có thẩm quyền nghiên cứu và đáp ứng ở nhiều mức độ khác nhau, có nhiều trường hợp là đáp ứng 100% kiến nghị của VACNE (Tam Đảo 2, Vedan, Luật Đa dạng sinh học, Bauxite Tây Nguyên, Đường sắt cao tốc bắc Nam,…). Thông qua việc thực hiện các nhiệm vụ này, VACNE tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu cũng như đào tạo được đội ngũ chuyên gia có kỹ năng tốt trong công tác TV&PBXH.
II.Kế hoạch TV,PB& GĐXH của VACNE đến 2015 và những năm tiếp theo
VACNE dự tính mỗi năm thực hiện khoảng 2-3 nhiệm vụ TV &PBXH. Các nhiệm vụ này bám sát những vấn đề bức xúc của xã hội về những lĩnh vực Môi trường và Phát triển khác nhau mà xã hội quan tâm. Trong đó có nhiệm vụ do các cơ quan Quản lí nhà nước ở TW hay địa phương (trong đó có VUSTA) ủy nhiệm và đặt hàng, có nhiệm vụ do VACNE tự đề xuất và thực hiện theo chức năng của VACNE
Tiếp tục sử dụng trang web vacne.org.vn để nâng cao nhận thức cộng đồng về lĩnh vực TV & PBXH, tập huấn tăng cường năng lực cho các hội thành viên của VACNE về lĩnh vực này, tiếp tục đào tạo nâng cao kỹ năng TV &PBXH cho các chuyên gia của VACNE
III.Kiến nghị và giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động TV & PBXH cua VUSTA cũng như của VACNE
PBXH cần thực hiện đúng bài bản, có cơ sở khoa học, có phuong pháp đúng là yếu tố then để gặt hái thành công. Sau đây là một số kinh nghiệm thự tiễn của VACNE.
1. Tập hợp được một đội ngũ chuyên gia có trình độ cao, có tâm huyết với nhiệm vụ phản biện. Tránh cách nhìn chủ quan, thiên lệch, bằng cách áp dụng phương pháp Delphi nhiều vòng.
2. Tìm kiếm được sự ủng hộ của các cấp thẩm quyền và XHDS trong nhiệm vụ phản biện, kể cả sự hỗ trợ tài chính, tuy nhiên tránh sức ép từ bất cứ phía nào để đảm bảo tính độc lập của PBXH. Tổ chức thực hiện PBXH chỉ đề xuất ý kiến trong văn kiện phản biện và gửi đến các cấp thẩm quyền liên quan, kể cả thông tin đại chúng nhưng không được có bất cứ hoạt động nào ép ngược các cấp ra quyết định phải nghe theo ý kiến phản biện của mình. Không để cho PBXH biến thành diễn đàn vi phạm luật pháp.
3. Văn kiện phản biện phải đáp ứng đủ bốn nguyên tắc của phản biện là: phù hợp luật pháp, có cơ sở khoa học chắc chắn, tư duy hệ thống và phù hợp văn hóa. Văn kiện phản biện phải ngắn gọn, rõ ràng, ngôn ngữ phổ thông, cấu trúc chặt chẽ; chỉ trình bày những vấn đề quan trọng, cần thiết và chắc chắn, có sức thuyết phục cao, không nói rông dài; không đưa văn kiện chưa hoàn tất ra thông tin đại chúng vì có thể gây ra sự hiểu lầm rằng đó là kết luận của Hội. Chỉ công bố văn kiện chính thức.

Quy trình PBXH của VACNE
PBXH có cốt lõi và đặt trên cơ sở của Phản biện khoa học (PBKH) nhưng rộng hơn PBKH. Về bản chất PBKH là “khách quan” hay chính xác hơn, là trung lập, vì dựa hoàn toàn vào phương pháp luận khoa học mà không phụ thuộc vào bất cứ nhóm lợi ích nào của xã hội. PBXH bên cạnh thuộc tính khoa học, dựa trên cơ sở khoa học như là một nền tảng còn có thuộc tính xã hội, tức là phản ánh các quan điểm, quyền lợi của các tầng lớp khác nhau trong xã hội. Vì vậy PBXH không chỉ dựa trên cơ sở lập luận khoa học thuần túy.Trong đa số các trường hợp, PBXH còn phản ảnh yếu tố quyền lợi chính trị - kinh tế - xã hội. Đây là khác biệt hết sức quan trọng. Không nắm vững điểm khác biệt này sẽ dẫn đến những sai lầm nghiêm trọng trong việc nhìn nhận và tổ chức, xây dựng cơ chế phản biện xã hội, nhất là trong bối cảnh xã hội có những quyền lợi khác biệt
Như vậy PBXH luôn có cơ sở là PBKH, còn PBKH thì chưa phải PBXH. Khi VUSTA, VACNE hay các Hội thành viên của VUSTA hay VACNE tiến hành các nhiệm vụ PBXH, không chỉ dừng ở mức độ PBKH mà phải quan tâm phân tích các khía cạnh quyền lợi của các nhóm xã hội, tức là quan tâm đến chính trị - bởi lẽ Chính trị là Khoa học về Quyền lợi.
Mặc dù là một yếu tố rất quan trọng, PBXH cũng chỉ là một trong các biểu hiện của cơ chế tập trung dân chủ, nó chỉ có ý nghĩa và giá trị khi nằm trong các tổng thể cơ chế tập trung dân chủ với sự phát triển của một xã hội dân sự. PBXH áp dụng tràn lan và cứng nhắc có thể làm mất đi tính năng động và kịp thời của quá trình điều hành xã hội. Nếu tổ chức không tốt quá trình PBXH, dẫn đến bị lợi dụng, thì có thể làm tê liệt nhất thời sự điều hành của Nhà nước
1. Phân tích dư luận xã hội (DLXH)
DLXH là “những ý kiến có tính chất đánh giá về các vấn đề xã hội mà nhóm công chúng cảm thấy có ý nghĩa với họ hoặc động chạm đến lợi ích chung, các giá trị chung”. Nếu ý kiến cá nhân không đại diện cho ai, trừ tác giả, thì ý kiến đó không được coi là DLXH mà chỉ được gọi là ý kiến cá nhânVì “DLXH không phải là kết quả cộng cơ học các ý kiến cá nhân”.
Thông tin đại chúng hiện nay còn chưa phân biệt rõ ý kiến cá nhân với dư luận xã hội và phản biện xã hội, nhiều trường hợp còn đánh đồng cả cụm. Thực ra đấy là các khái niệm khác nhau và có tầm ảnh hưởng cũng như giá trị xã hội khác hẳn nhau.
Dư luận xã hội có thể được truyền tải trên các phương tiện thông tin đại chúng.Thông tin đại chúng dù nhiều và sắc sảo đến đâu cũng chưa phải là PBXH hay PBKH mà mới chỉ là dư luận xã hội, tuy một số bài viết trên thông tin đại chúng cũng có giá trị PBKH thậm chí PBXH, bởi lẽ bài viết có tốt cũng chỉ là của một tác giả hay một vài đồng tác giả. Thu thập và phân tích dư luận xã hội là bước đi đầu tiên rất cần thiết của một chu trình PBKH hay PBXH.
PBXH khác hẳn DLXH ở chỗ không phải do cá nhân hay nhóm tác giả phát biểu mà được thực hiện bởi các tổ chức xã hội dân sự (nghĩa là các tổ chức không phải chính quyền, doanh nghiệp hay gia đình) theo một quy trình chặt chẽ. Hoạt động PBXH phải dựa trên cơ sở quy định của luật pháp, có cọ xát trao đổi nhiều vòng giữa nhóm chuyên gia làm phản biện mà hội thảo chỉ là công đoạn cuối nhằm góp ý cho văn kiện chính thức của một dự án phản biện, và đặc biệt phản biện xã hội phải có cơ sở khoa học chắc chắn. Phản biện xã hội là một trong những chức năng chính của các tổ chức xã hội dân sự, nhằm góp ý cho các Bộ luật, Chính sách, Chủ trương của Chính phủ, các chương trình, quy hoạch, kế hoạch dự án phát triển kinh tế xã hội (các đối tượng được phản biện xã hội) nhằm làm cho các đối tượng được phản biện nói trên được xây dựng đúng luật pháp, hoàn thiện hơn, hợp lý hơn, khả thi hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu quốc kế dân sinh.
Nhiều ý kiến sắc sảo trong DLXH có trình độ cao, có tâm huyết và có ý thức công dân đã cung cấp những ý tưởng tốt cho PBXH. Tuy nhiên cũng có không ít DLXH dựa trên các chuẩn mực cũ, chuẩn mực lạc hậu, tư duy cục bộ,… đã tạo ra nhiều trường hợp lẫn lộn trắng đen.
Chuẩn mực xã hội của PBXH về môi trường chính là Nghị quyết số 41-NQ/T.Ư về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (2004), Luật Bảo vệ Môi trường 2005, Luật Đa dạng sinh học 2007 và Định hướng Chiến lược Phát triển bền vững (Chương trình Nghị sự 21 Việt Nam) do Chính phủ ban hành năm 2006. Không dựa chắc trên những chuẩn mực đó thì PBXH về môi trường không đáp ứng được yêu cầu.
2. Thu thập và phân tích tài liệu
Có ba loại tài liệu cần thu thập:
(1) Cơ sở pháp lý: thu thập các văn bản luật và dưới luật (còn hiệu lực) liên quan đến DA PBXH; các văn bản pháp luật trong nước có thể tải xuống từ mạng internet.
(2) Các báo cáo chuyên môn (ví dụ báo cáo về quy hoạch, dự án, chương trình, ĐMC, ĐTM,…), các bài báo tham dự hội thảo, tạp chí, bản đồ, báo cáo đề tài dự án nghiên cứu khoa học có liên quan.
(3) Tài liệu trên thông tin đại chúng, nhất là trên báo mạng trong nước và quốc tế; nhiều vấn đề khoa học trong nước chưa nghiên cứu nhưng đã được nghiên cứu nhiều trên thế giới.
 Các tài liệu thu thập được cần được phân tích, tổng hợp thành các chuyên đề liên quan đến DA nhiệm vụ PBXH, tạo dựng cơ sở khoa học cho văn kiện PBXH. Chú ý rằng những vấn đề tuy quan trọng nhưng nếu cơ sở khoa học không chắc chắn thì không đưa vào văn kiện.
3. Thảo luận nhóm chuyên gia chủ chốt: phương pháp chuyên gia và Quy trình Delphi nhằm tạo lập cơ sở khoa học chắc chắn cho PBXH
Nhóm chuyên gia được mời tham gia vào quy trình Delphi thường có số lượng không nhiều, bao gồm những chuyên gia có trình độ cao ở các chuyên ngành khác nhau và liên quan đến DA nhiệm vụ. Thông thường nhóm chuyên gia chủ chốt gồm khoảng từ 7 đến 10 chuyên gia. Delphi đi từ rộng đến hẹp, từ ý tưởng chưa cụ thể, chưa sắc sảo đến ý tưởng cụ thể và sắc sảo hơn. Delphi có thể gồm một số vòng (được gọi là Minidelphi) thảo luận trực tiếp, mỗi Delphi gồm 2-5 vòng Minidelphi, thậm chí nhiều hơn.
Sau mỗi vòng Minidelphi, chủ nhiệm hay thư ký PBXH phải đưa ra được biểu tổng hợp ý tưởng hay dự báo ẩn danh (không ghi tên người đề xuất) của vòng trước cũng như các lý do và luận điểm đề xuất ý tưởng, ý kiến nào đã thống nhất, ý kiến nào cần thảo luận thêm. Nhờ đó các chuyên gia sẽ rà xét các kết quả của vòng thảo luận trước trên cơ sở tham khảo những ý kiến của các thành viên khác của nhóm. Cứ sau mỗi vòng, số lượng các ý tưởng sẽ giảm dần nhưng những ý tưởng còn lại sẽ trở nên sắc sảo hơn. Cuối cùng, quy trình Delphi sẽ dừng lại khi các ý tưởng trở nên khá ổn định và thống nhất và được sắp xếp theo trình tự ưu tiên. Các chuyên gia được mời tham gia vào các vòng Minidelphi nên ổn định, trong trường hợp cần thiết có thể mời thêm. Thời gian giữa các Minidelphi dành cho các chuyên gia tự nghiên cứu khoảng 1 tuần.
Nếu PBXH có khảo sát thực địa thì trước khảo sát cần tiến hành 1-2 Minidelphi, sau khảo sát 1-2 vòng Minidelphi khác để xây dựng văn kiện.
4. Tổ chức khảo sát thực địa
Khảo sát thực địa tạo điều kiện cho nhóm PBXH tiếp xúc với các địa phương sẽ thực thi DA dự án cần PBXH, kiểm chứng và hoàn thiện những vấn đề sẽ được phản biện qua tiếp xúc với chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng. Nhờ đó nhóm chuyên gia phản biện có thể phát hiện ra các nghịch lý giữa tài liệu và thực tế, phát hiện các vấn đề mới chưa có trong tài liệu, đặc biệt có thể cảm nhận được nhiều vấn đề qua trực cảm khoa học. Khảo sát thực địa còn giúp nhóm đánh giá làm quen với địa lý địa phương và có sự tự tin trong soạn thảo văn kiện.
Khảo sát thực địa cần có sự chuẩn bị tốt (kế hoạch, lịch trình, phương tiện, lịch làm việc với địa phương, kinh phí,…) và có sự phối hợp với địa phương. Sự hỗ trợ của địa phương đóng góp rất nhiều cho khảo sát thành công. Vì vậy cần tiến hành khảo sát như một đợt công tác chính thức chứ không phải tham quan du lịch (dù rằng đi thực tế có thể kết hợp tham quan du lịch), vì thế đoàn khảo sát chỉ bao gồm các chuyên gia PBXH, không nên có các thành phần khác đi kết hợp (ví dụ người thân trong gia đình kết hợp đi chơi). Những thảo luận trong thời gian khảo sát giữa các chuyên gia là rất có ích, đặc biệt khi có những phát hiện mới.
Khảo sát thực địa nhằm thu thập thông tin từ ba nguồn, được gọi là Quy tắc Tam giác của khảo sát: 1/ phỏng vấn cán bộ và cộng đồng địa phương, 2/ quan sát các dấu hiệu đặc trưng, và 3/ tài liệu thu thập được tại địa phương. Các dấu hiệu về hiện trạng và quá khứ Bảo vệ TN&MT có rất nhiều ở vùng khảo sát, chúng cung cấp rất nhiều thông tin nếu chuyên gia khảo sát không bỏ qua theo kiểu “nhìn mà không thấy, thấy mà không hiểu”.
Có thể kể ra hàng trăm dấu hiệu đặc trưng mà nhà khảo sát không được bỏ qua. Các dấu hiệu này gợi ra các ý tưởng và cần được xác nhận bằng số liệu và ý kiến người dân trong vùng, chúng cần được chụp ảnh hay quay camera làm tư liệu. Sau đợt khảo sát cần gặp gỡ lãnh đạo địa phương để phản hồi các nhận xét của đoàn khảo sát và xin ý kiến của địa phương. Việc phản hồi rất quan trọng và không bao giờ được bỏ qua.
5. Hội thảo
Mỗi cuộc PBXH cần một hội thảo rộng rãi để lấy ý kiến đóng góp xây dựng văn kiện PBXH chính thức. Đại biểu tham dự hội thảo bao gồm các nhà khoa học, các tổ chức tài trợ, các tổ chức quốc tế, lãnh đạo các Bộ/tỉnh/sở/ngành/ liên quan, giới thông tin đại chúng, đại diện địa phương… Số lượng đại biểu tùy thuộc vào quy mô của DA nhiệm vụ PBXH và nguồn lực tài chính cho việc PBXH. Văn kiện dự thảo - kết quả của nhiều vòng Minidelphi trước đó - cần được trình bày trước hội thảo. Văn kiện này cần được chuẩn bị kỹ lưỡng, hoàn thiện đến mức có thể. Các thành viên của nhóm PBXH sẽ trình bày các tham luận minh họa theo các chuyên đề mình phụ trách. Đại biểu tham gia hội thảo có thể phát biểu ý kiến, những đại biểu không có thời gian phát biểu sẽ ghi ý kiến vào giấy và gửi lại cho Ban Tổ chức. Có thể xây dựng các mẫu (form) in sẵn để đại biểu điền ý kiến vào. Hội thảo có thể từ 1 buổi đến 1 ngày. Ý kiến thảo luận tại hội thảo sẽ được sử dụng để xây dựng văn kiện chính thức.
Cần hết sức lưu ý rằng hội thảo PBXH phải được tổ chức thật chặt chẽ, đại biểu mời phải được chọn lọc, đại biểu muốn phát biểu phải đăng ký với ban tổ chức, mục tiêu cần đạt được của hội thảo phải tiên liệu sẵn, không để Hội thảo PBXH thành một diễn đàn tự do lộn xộn kiểu câu lạc bộ, nhưng hội thảo cần là diễn đàn nghiêm túc và cởi mở để các đại biểu có thể đóng góp ý kiến kể cả ý kiến phản đối cho dự thảo văn kiện PBXH hay kết luận cua hội thảo.
6. Xây dựng Văn kiện PBXH
Xây dựng văn kiện PBXH là một quá trình, bắt đầu từ những báo cáo sau mỗi vòng Minidelphi. Bản dự thảo sẽ được trình bày tại hội thảo (có thể tại hội thảo chỉ trình bày kết luận hội thảo mà không phải văn kiện chính thức, văn kiện này sẽ hoàn thành sau hội thảo). Yêu cầu của các bản dự thảo (văn kiện trung gian) và văn kiện chính thức là:
-       Chỉ nói những vấn đề quan trọng nhất. Hãy suy đoán đến khả năng ý kiến PBXH có thể bị phản bác để chọn những vấn đề có thể trình bày sao cho cử tọa “tâm phục khẩu phục”. Một văn kiện PBXH không nên quá năm vấn đề, có thể ít hơn. Vì nói nhiều sẽ bị loãng.
-       Chỉ trình bày những vấn đề có cơ sở khoa học chặt chẽ, tầm ảnh hưởng lớn và sắp xếp theo thứ tự ưu tiên như sau: 1/ Tính hợp pháp của DA dự án cần PBXH (DA dự án này có vi phạm các quy định pháp luật không, vi phạm những điều gì); 2/ Những vấn đề môi trường trọng yếu chưa được tính đến hay tính đủ của DA dự án cần PBXH, bao gồm môi trường tự nhiên, môi trường xã hội-nhân văn (chú ý vấn đề sức khỏe môi trường, an ninh môi trường); 3/ Tác động tiêu cực đến kinh tế.
-       Văn kiện cần thật ngắn gọn, càng ngắn gọn thì các cấp lãnh đạo đọc càng kỹ. Thường một văn kiện nên từ 3 đến 5 trang cỡ chữ 13 hay 14.
-       Văn phong giản dị, mạch lạc, trong sáng, tránh dùng các thuật ngữ chuyên môn để cho ai đọc cũng hiểu được. Nếu buộc phải dùng thuật ngữ chuyên môn thì phải có giải thích. Dùng động từ ở thể bị động hoặc vô nhân xưng, không dùng thể chủ động (ví dụ không nói “chúng tôi cho rằng…”, “Tôi nghĩ rằng…”, mà nói “Tài liệu cho thấy rằng,…”, “Có thể khẳng định rằng…”).
-       Sau hội thảo cần nhanh chóng xây dựng Văn kiện chính thức để đệ trình các cơ quan hữu quan, các cấp ra quyết định, các nhà tài trợ. Văn kiện chính thức có thể không cần thông qua lại toàn bộ nhóm chuyên gia mà chỉ cần thông qua Ban Chủ nhiệm PBXH.
•       Quy tắc “sự bỏ qua tối ưu” trong xây dựng văn kiện PBXH
Trong quá trình phản biện, rất có thể nhóm chuyên gia phản biện phát hiện ra nhiều vấn đề, ví dụ tham nhũng, móc ngoặc để chia sẻ quyền lợi một cách phi pháp, các vấn đề không liên quan trực tiếp đến mục tiêu của phản biện,... Hãy bỏ qua những vấn đề này để tập trung vào làm rõ mục tiêu phản biện. Hãy lựa chọn tối thiểu các vấn đề để làm thật rõ chúng với độ thuyết phục cao. “Nói ít để nói rõ hơn” là quy tắc sống còn của PBXH. Các vấn đề được trình bày trong văn kiện chỉ gồm những vấn đề thuyết phục người đọc; những vấn đề còn tranh luận thì không đưa vào văn kiện.
7. Truyền thông
Ngay khi hội thảo kết thúc, Ban Tổ chức nên ra thông cáo báo chí hoặc bản kết luận của hội thảo để cung cấp cho các nhà báo thông tin chính thức của PBXH, trong đó cần liệt kê vắn tắt mục tiêu hội thảo, chủ tịch đoàn hội thảo, số lượng đại biểu, số lượng tham luận và ý kiến phát biểu, các kết luận chính của hội thảo.
Những vấn đề văn kiện chưa đề cập có thể được nhà khoa học viết dưới dạng các bài báo trên thông tin đại chúng để bạn đọc hiểu thêm và phản hồi trao đổi. Đó là các ý kiến cá nhân của nhà khoa học. Việc viết bài trên thông tin đại chúng có thể đi trước hay song hành với PBXH để tham khảo phản ứng của DLXH, hoặc để định hướng dư luận trước những vấn đề gai góc, nhưng đó không nhât thiết phải là nội dung sẽ được đưa nguyên văn vào văn kiện PBXH.
Tài liệu tham khảo
1.    Nguyễn Đình Hòe, 2009 (a). Tăng cường năng lực phản biện xã hội về tài nguyên môi trường cho các Hội thành viên của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam. http://www.vacne.org.vn
2.    Nguyễn Đình Hòe, 2009 (b). Cần phân biệt dư luận xã hội với phản biện xã hội về môi trường. http://www.vacne.org.vn
 
3.    Nguyễn Đình Hòe,2009(c). Phản biện xã hội về Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường. NXB Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội
4.    Hoài Nam, 2008. Phản biện xã hội- sở trường của các Hội Khoa học.http://www.laodong.com.vn/Home/Phan-bien-xa-hoi--so-truong-cua-cac-hoi-khoa-hoc/20083/82057.laodong
5.    Trần Đăng Tuấn, 2006,(b) . Phản biện xã hội-Câu hỏi đặt ra từ cuộc sống. NXB Đà Nẵng
6.    Nguyễn Xuyến, Phản biện Xã hội-một số vấn đề chung. http://nguoicaotuoi.org.vn/Story.aspx?lang=vn&zoneparent=0&zone=19&ID=1377
7.    Nguyễn Xuyến, 2007. Phản biện xã hội: nội dung, ý nghĩa và giá trị. http://sokhoahoccn.angiang.gov.vn/Anphamthongtin/KHCNso5-2007/080507.htm
 
------------------------------------
 

Lượt xem: 1460

Các tin khác

Đưa thiên nhiên đến gần cộng đồng

(23/12/2024 06:20:AM)

Áp dụng LEZ: Lựa chọn từ thực tế, kỳ vọng đột phá cho môi trường Thủ đô

(16/12/2024 06:57:AM)

Gỡ vướng mắc thị trường tài chính xanh

(11/12/2024 09:30:AM)

Tài chính khí hậu là con đường dẫn đến công lý khí hậu

(18/11/2024 08:37:AM)

Tìm tiền carbon cho cây lúa

(13/11/2024 08:51:AM)

COP16: Bất đồng chưa thể vượt qua

(05/11/2024 06:53:AM)

Tăng tốc năng lượng tái tạo

(21/10/2024 08:54:AM)

Kinh nghiệm phát triển công trình xanh trên thế giới và đề xuất đẩy mạnh ở việt nam để đáp ứng mục tiêu phát thải ròng khí co2 = zero vào năm 2050

(18/10/2024 08:29:AM)

Người tiêu dùng Net Zero

(30/09/2024 06:12:AM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE