|
Nhà máy xử lý nước rác tại Khu xử lý chất thải Nam Sơn, huyện Sóc Sơn Ảnh: Thanh Hải |
|
Thái Thu
Quá tải bãi chứa rác ở các đô thị lớn
Tại Hội thảo "Công nghệ đốt chất thải tái tạo năng lượng - Khả năng triển khai tại Việt Nam", do Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Việt Nam (VACNE) phối hợp với Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu & Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) tổ chức cuối tuần qua tại Hà Nội, ông Nguyễn Thành Phương, Tổng Giám đốc Vinaconex cho hay, những tháng đầu năm 2011, dư luận rất bức xúc về một thực tế đáng lo ngại: Năm 2012, Hà Nội có thể không còn chỗ đổ rác. Tại Hà Nội, khối lượng rác tăng trung bình 15%/năm, với tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt hiện nay ước khoảng 5.000 tấn/ngày đêm. Với đà này, các bãi chứa rác của Hà Nội sắp đầy ứ và không còn năng lực để xử lý.
Tại TP.HCM, mỗi ngày có trên 7.000 tấn rác, một năm tiêu tốn trên 235 tỷ đồng để xử lý. Tuy nhiên, 98% rác vẫn được chôn lấp, với công nghệ xử lý thô sơ, nên thường xuyên phát sinh nhiều vấn đề cần giải quyết, đặc biệt là nước rỉ rác thải. Không phải ở bãi rác nào cũng có nhà máy xử lý nước rỉ rác thải, hơn nữa nếu có thì cũng ít khi chạy hết công suất.
Trong khi đó tiến độ dự án xây dựng các nhà máy xử lý rác lớn ở Việt Nam lại tiến triển ì ạch. Một số giải pháp được đưa ra như thành phố tổ chức lấy mùn do rác phân hủy từ các ô chôn rác đem đi cải tạo đồng ruộng để tạo ra dung tích chứa rác mới. Hay mở rộng diện tích các bãi rác, nhưng đều chỉ có ý nghĩa tạm thời. Chôn lấp là biện pháp rẻ tiền và kinh tế chỉ khi có thừa đất để chôn. Do đó, giải quyết bài toán về rác thải nên tập trung vào đầu tư cho công nghệ xử lý rác.
"Rác là năng lượng" - nên làm thí điểm
Công nghệ WtE được giới thiệu tại hội thảo "Công nghệ đốt chất thải tái tạo năng lượng - Khả năng triển khai tại Việt Nam" được xem như mũi tên trúng hai đích. Ngoài việc giúp giảm thiểu diện tích chôn lấp khi mà bãi rác lớn nhất Hà Nội được dự báo không còn chỗ chôn rác vào năm 2012, nhiều chuyên gia Việt Nam biết tới WtE và khẳng định rác là một loại tài nguyên, tuy nhiên chưa được quan tâm khai thác.
Công ty Môi trường Đô thị Hà Nội (URENCO), đơn vị vận chuyển rác lớn nhất Thủ đô, mỗi ngày thu được từ 60 - 70 tấn rác hữu cơ chuyển về nhà máy xử lý rác Cầu Diễn để xử lý thành phân hữu cơ. Từ rác thải, Trung tâm Nghiên cứu & Chuyển giao Công nghệ Môi trường đã nghiên cứu công nghệ biến chúng thành gạch và bê tông giá rẻ hơn nhưng chất lượng tương đương gạch và bê tông thương phẩm. Những công nghệ này vẫn chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ. Việc xây dựng nhà máy đốt rác tái tạo điện cũng đã được bàn đến, mặc dù nguồn điện năng từ rác không đáng kể so với tình trạng thiếu hụt điện của Việt Nam nhưng lại giải quyết bài toán xử lý rác thải đang ngày càng nan giải.
Ông Nguyễn Thành Phương khẳng định, mối quan tâm của Vinaconex tới vấn đề xử lý rác thải vì sự phát triển bền vững. Ông cho rằng, Vinaconex có đủ điều kiện, năng lực để triển khai công nghệ này tại Việt Nam cùng hai đối tác là Martin (Đức) và Mitsubishi (Nhật Bản).
Công nghệ WtE tuy không còn mới trên thế giới nhưng việc xem xét tính phù hợp và khả thi của công nghệ này đối với tình trạng ô nhiễm môi trường, rác thải ở Việt Nam là điều đáng làm. Theo GS.TS Đặng Kim Chi, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Kỹ thuật (VACNE), công nghệ WtE chỉ nên được xem như là công nghệ tiềm năng, hứa hẹn phát triển ở Việt Nam. "Chôn rác theo phương pháp thủ công rẻ hơn nhiều nhưng tôi vẫn khuyến khích sử dụng công nghệ WtE, tuy nhiên chỉ nên làm thí điểm ở Hà Nội và TP.HCM", bà Chi bày tỏ.
Công nghệ WtE được giới khoa học đánh giá cao nhờ những ưu điểm vượt trội như giảm ô nhiễm vi sinh; giảm khối lượng rác thải lên đến 90%; tiêu hủy các hợp chất hữu cơ, hóa chất; tái tạo ra năng lượng nhiệt, điện và nguyên liệu như kính, gạch; giảm ô nhiễm nước, đất và mặt đất; giảm thải khí nhà kính (CH4); không tốn quỹ đất và linh hoạt với quy hoạch, mỹ quan đô thị; không đòi hỏi phân loại rác từ đầu, vốn khó áp dụng đối với việc thay đổi hành vi người dân.q
Tại các đô thị lớn trên thế giới, việc áp dụng công nghệ WtE có xu thế ngày càng tăng và tỷ lệ áp dụng bãi chôn lấp hợp vệ sinh để xử lý rác thải ngày càng có xu hướng giảm. Tại Mỹ có khoảng hơn 100 nhà máy WtE; Anh, Đức, Pháp với hơn 60 nhà máy ở mỗi nước. Tại Châu Á, đi đầu là Nhật Bản với hơn 80 nhà máy; Trung Quốc, Hàn Quốc với gần 20 nhà máy ở mỗi nước. Trong khối ASEAN, Singapore và Thái Lan cũng đều có khoảng 3 nhà máy WtE. Theo các nhà khoa học, trước mắt chỉ nên áp dụng công nghệ WtE ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM vì hiện nay mỗi ngày hai thành phố này thải ra từ 5.000 đến 7.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt.
|