Có lẽ vì cảm động buổi trưa nóng vậy mà các “thượng đế” vẫn đến Quán, nên Người kể chuyện đã lộ bí mật về một trong những chuyện định giữ kín đến tận buổi trưa thứ 101 mới nói. Đó là chuyện Môi trường liên quan đến con số 13.
Ông ta kể rằng: Chuyện kỳ bí của con số này thì vô cùng, không ai có thể biết hết được, chẳng hạn như số thang máy ở nhiều tòa nhà cao tầng, rồi những lời dặn dò ngăn cản: “chớ đi ngày bẩy chớ về ngày ba” v.v. và v.v. Tuy con số 13 có nhiều người không thiện cảm nhưng vẫn có những cầu thủ bóng đá chỉ thích mặc áo đeo số 13 và rất thành công, rất nổi tiếng đấy.
Nhưng tình cờ, ngẫu nhiên và cũng chẳng biết may mắn hay rủi ro, tùy cách hiểu của mỗi người, nhưng , theo “tính toán” của một vài hội viên, môi trường ta có nhiều “quan hệ” với con số này
Chờ không khí lắng dịu, sau khi các “thượng đế” rầm rầm lên tiếng, dò xét từ các con số thứ tự văn bản và ngày tháng có liên quan, người kể mới nói tiếp:
...Cách đây đễ đến 1 phần 4 thế kỷ, 13 người tiền thân của cơ quan quản lý môi trường khi đó được phân đến ngôi nhà số 67 tại con phố mang tên nhà thơ lớn. Họ hăm hở lao vào công việc, hừng hực khí thế, sẵn sàng hoàn thành bất cứ công việc gì được giao. Sau thành công của “chiến dịch” cấm sản xuất, vận chuyển và đốt pháo nổ sẽ là đề tài của nhiều buổi trưa khác, họ được giao nhiệm vụ khẩn trương điều tra và nghiên cứu đề xuât các giải pháp xử lý các “điểm đen” môi trường trong cả nước. Nhớ là, dựa trên 30 đề xuất của các địa phương và chuyên gia, cuối cùng, cơ quan quản lý môi trường chọn được 13 cơ sở cần được xem xét, xử lý “ngay”. Vâng, đúng là 13. Đáng nói nữa là, nếu không nhầm, 13 cơ sở nằm ở 13 tỉnh và thành phố bao gồm từ khu công nghiệp đến các nhà máy nhiệt điện, xi măng, phân đạm,...,rồi đến cả 1 phân xưởng mạ. Việc đánh giá tác động môi trường các cơ sở này khá lúng túng, một phần do chưa có kinh nghiệm, phần khác do bản thân Luật bảo vệ môi trường khi đó sử dụng công cụ này cho các cở sở đang sản xuất cũng là “khiên cưỡng”. Nhưng các nhà quản lý môi trường “non trẻ”, theo nhiều người nhận xét, đã thực sự không lường hết được những phức tạp ghê gớm đến từ phía kinh tế, xã hội của vấn đề xử lý này, điều mà họ chỉ được biết qua những trang giấy của lý thuyết phát triển bền vững. Thậm chí, ở từng địa bàn cụ thể, ý kiến của các thành viên HĐND và UBND cũng chưa phải lúc nào cũng thống nhất. Thế là qúa trình “xử lý nhanh” lại bị kéo dài, với hàng loạt công việc phải thực hiện. Bao gồm điều tra khảo sát, lên phương án, lập quy hoạch, thương thảo, hội họp ở nhiều cấp (từ trung ương đến địa phương, rồi lại từ địa phương đến trung ương). Có lúc Thủ tướng Chính phủ cũng phải trực dự họp và trực tiếp chỉ đạo tại một tỉnh vùng trung du phía Bắc.
Ồn ào rất lâu. Khi các thượng đế chợt nhớ là thời gian sắp hết và muốn nghe tiếp, thì Người kể chuyện lại đang đăm chiêu, lẩm bẩm đọc mấy câu thơ:
...Ngẩn ngơ tìm kiếm ngó nghiêng
Ơ kìa sáu bẩy sang tên rồi à
Nhớ đây chung một mái nhà
Môi trường non dại những là mộng mơ
Dám cùng nhau dựng cơ đồ
Mải mê ngụp lặn bến bờ nào đâu...
Lại ầm ầm. Các “thượng đế” rất hay mất tập trung. Người bình luận, tỉa tót, đặc biệt là những từ như “ngụp lặn”, người đoán già đoán non về tâm trạng tác giả, người muốn biết hết cả bài, v.v. Cụ già nhất bàn nói chắc nịch:”Thôi, tranh luận làm gì. Tác giả tâm trạng này chắc chắn là một trong 13 vị “đầu tiên” rồi!”. Nghe vậy, Người kể chuyện lên tiếng:
-Vâng, thưa các thượng đế, trưa nay muộn rồi, trưa tiếp theo xin kể về 1 trong số 13 như lời kết luận của Trưởng lão ạ.
Mọi người hỷ hả ra về, cố chờ đến trưa mai để xem là chuyện gì./.