TP - Sẽ có đại công trường khai khoáng giữa Vườn Quốc gia Chư Mom Ray (Sa Thầy, Kon Tum)? Tuần qua, báo Tiền Phong có loạt bài đề cập vấn đề này, khiến những ai quan tâm đến môi trường, đến tương lai, không khỏi lo lắng.
Đấy là việc đề nghị chuyển đổi trên 1.600 ha rừng đặc dụng thuộc Vườn Quốc gia sang rừng sản xuất, mở đường cho việc khai thác quặng wolfram.
Ông Nguyễn Bá Thụ, Chủ tịch Hiệp hội Vườn Quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam, nguyên Cục trưởng Kiểm lâm (Bộ NN&PTNT) kêu lên “sẽ giết chết hệ sinh thái”. Ông Thụ nói: “Cứ nay cắt một miếng; mai kia lấy một miếng; xén chỗ này, chỗ kia, thì không biết mai sau con cháu còn lại gì”.
Lý của lãnh đạo tỉnh Kon Tum, khai thác wolfram để góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Ông Thụ đặt câu hỏi: “Khu bảo tồn là một chỉnh thể bao gồm động thực vật, không khí, vỏ Trái Đất và mọi thứ trong lòng đất, kể cả quặng cũng thuộc bảo tồn, ngay cả vàng bạc chôn dưới đất cũng không được đào bới. Nhăm nhăm ăn cái mỏ, con thú với dòng nước trong đó thì còn gì là bảo tồn?”.
Ra sức đào bới tài nguyên, cũng không phải chỉ có ở Kon Tum. Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam đang đào than và nhiều khoáng sản khác để xuất khẩu, dù nhiều lời ngăn cản.
Một thống kê mới đây cho biết, trong bốn năm qua, các địa phương đã cấp hơn 4.000 giấy phép khai thác khoáng sản, trong đó rất nhiều giấy phép sai quy định. Điển hình là các tỉnh Nghệ An, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hà Giang... Hầu như mọi nơi, phát hiện được thứ gì có giá là cấp phép đào lên bán tất.
Có ý kiến cho rằng, do phân cấp cho địa phương và lãnh đạo các địa phương đã để lợi ích cục bộ trước mắt lấn lướt. Phân cấp cho cấp dưới là một sự tin tưởng và là xu thế hợp thời.
Ở đây, cần thiết nêu câu hỏi: Cấp trên tin tưởng cấp dưới và cấp dưới không cần chứng tỏ cho xứng đáng với niềm tin ấy? Nếu vậy, hệ thống hành chính có vấn đề. Khi từng cấp không tỏ rõ mình là một thành viên có trách nhiệm thì bản thân sẽ ít có giá trị, và mục tiêu chung khó đạt được.
Sự đề cao quá mức lợi ích ngắn hạn, cục bộ, còn cho thấy đang tồn tại tư duy đáng lo ngại ở lãnh đạo một số địa phương: tách mình ra ngoài mối quan tâm chung. Hô hào bảo vệ môi trường, phải có tầm nhìn xa, khẩu hiệu ấy thì ai cũng có thể xướng lên được, nhưng trong từng việc làm cụ thể thì ngược lại.
Cuộc sống đã đặt ra yêu cầu cấp bách: Phát triển bền vững là phải có nền tảng cho sự an toàn, ổn định. Một sản phẩm bất kể quy mô và địa điểm, trước hết phải là cái đem lại mầm sống sinh tồn, chứ không phải dẫn đến cảnh báo “phát triển tự sát”.
Một học giả viết: Chủ nghĩa tư bản “người bóc lột người” là kiểu bóc lột cũ, bóc lột đương đại. Kiểu bóc lột đời sau, hiện tại bóc lột tương lai, cha ông bóc lột con cháu, đó là bóc lột lịch đại. Lạm khai thác tài nguyên đến cạn kiệt, bất chấp phát triển bền vững, phải chăng thuộc loại bóc lột ấy?
Sáu Nghệ
(Tiền Phong, 13/4/2010)