quản lý tòa nhà

logo Tri ân Tiền bối VACNE Thi đua Chào mừng Đại hội VIII
DIỄN ĐÀN MÔI TRƯỜNG

Cơ hội thu "tỷ đô" từ việc bán khả năng hấp thụ khí CO2

Thứ Hai, 23/07/2018 | 10:59:00 AM

(VACNE) - TS. Lê Trần Chấn, Ủy viên BCHTƯ VACNE và gửi cho BBT bài báo của TS Lê Trần Chấn và TS Nguyễn VIết Lương, đăng trên báo QĐND ngày 9/4/2018. Xin cảm ơn TS Lê Trần Chấn và trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

QĐND - Trong thị trường mua bán phát thải CO2 thì các nước phát thải nhiều CO2 phải mua lượng hấp thụ CO2 của các nước còn tiềm năng rừng. Diện tích rừng các vườn quốc gia và khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam đều có trữ lượng gỗ cao, sinh khối lớn. Đây là các bể hấp thụ CO2 lớn, một tiền đề cho nước ta tham gia vào quá trình mua bán phát thải CO2.


Tính đến tháng 1-2018, Việt Nam có 32 vườn quốc gia với tổng diện tích khoảng 10.455,74km2, chiếm hơn 3% diện tích lãnh thổ tự nhiên. Chúng ta chưa có điều kiện nghiên cứu tính toán một cách đầy đủ các bể hấp thụ CO2 này. Để có cơ sở xác định lượng CO2 hấp thụ, chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu, tính toán khả năng hấp thụ CO2 của một số loại rừng tại 2 vườn Quốc gia Cúc Phương, Yok Đôn và Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ. Kết quả nghiên cứu bước đầu cho thấy, các hệ sinh thái (HST) rừng, như: Rừng lá kim, rừng thường xanh, rừng rụng lá, rừng nửa rụng lá, rừng ngập mặn... là nơi tích lũy CO2 nhiều nhất trong các HST trên cạn. Khí CO2 được tích lũy ở nhiều bộ phận khác nhau của tầng cây bụi và tầng cỏ quyết. Ngoài ra, vật liệu rơi rụng mùn trong đất cũng chứa lượng CO2 nhất định. Tuy nhiên, sinh khối của cây trên mặt đất mới là nơi chứa CO2 quan trọng nhất. Vì vậy, việc xác định sinh khối trên mặt đất là bước quan trọng trong đánh giá tổng lượng CO2 và sự tuần hoàn của nó trong HST rừng. Khả năng hấp thụ CO2 của rừng được phản ánh đầy đủ nhất qua sinh khối rừng. Tuy nhiên, trên thực tế, lượng CO2 hấp thụ không chỉ khác nhau ở mỗi tầng tán rừng như đã trình bày mà còn phụ thuộc vào kiểu thảm thực vật, loài cây ưu thế, tuổi của lâm phần... Chính vì vậy, đòi hỏi phải có những nghiên cứu về khả năng hấp thụ CO2 của từng kiểu thảm cụ thể làm cơ sở lượng hóa những giá trị kinh tế mà rừng mang lại và xây dựng cơ chế chi trả dịch vụ môi trường một cách minh bạch, công bằng.



Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù lao Chàm, tuộc xã đảo Tân Hiệp, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam.
 Ảnh: TTXVN


Để minh họa cho những điều nêu ở trên, chúng tôi thực hiện việc đánh giá nhanh một số kiểu rừng cơ bản tại Việt Nam, như: Kiểu rừng thường xanh trên núi đất; rừng thường xanh trên núi đá vôi; rừng rụng lá, rừng ngập mặn tại các vườn quốc gia và khu dự trữ thiên nhiên, trong đó, đầu tiên lựa chọn Vườn Quốc gia Cúc Phương, Vườn Quốc gia Yok Đôn và Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, vì đây là những khu rừng có trữ lượng sinh khối cao, đồng nghĩa với tiềm năng lớn trong việc hấp thụ CO2.

Căn cứ vào sự phân chia trạng thái rừng theo trữ lượng: Rừng nghèo (10-100m3 gỗ/ha); rừng trung bình (101-200m3 gỗ/ha); rừng giàu (201m3 gỗ/ha trở lên) lập ô tiêu chuẩn (ÔTC), diện tích 500m2 (20x25m) thuộc ba trạng thái rừng như vừa nêu để đo đếm các thông số cấu trúc rừng trong từng ÔTC, bao gồm: Đường kính thân cây (tính bằng xăng-ti-mét tại vị trí thân cây cách mặt đất 1,3m); chiều cao thân cây (tính bằng mét) và số lượng cây trong một héc-ta.

Kết quả thu được ở Vườn Quốc gia Cúc Phương như sau: Tại ÔTC số 1 có sinh khối là 63 tấn/ha, lượng CO2 hấp thụ là 125,03 tấn/ha. Tại ÔTC số 2 sinh khối 165,56 tấn/ha, lượng CO2 hấp thụ là 303,80 tấn/ha. Tại ÔTC số 3 sinh khối là 552,1 tấn/ha, lượng CO2 hấp thụ là 1.013,1 tấn/ha.

Tương tự như vậy, ở Vườn Quốc gia Yok Đôn diện tích khoảng 115.545ha có hệ sinh thái rừng khộp đặc trưng của rừng nhiệt đới Đông Nam Á, là vườn quốc gia duy nhất ở nước ta hiện diện hầu hết các loài thuộc họ Dầu hay còn gọi là họ Quả hai cánh (Dipterocarpaceae). Tại đây: ÔTC số 4 sinh khối là 77,58 tấn/ha, lượng CO2 hấp thụ là 142,35 tấn/ha; ÔTC số 5 sinh khối là 174,23 tấn/ha, lượng CO2 hấp thụ là 319,71 tấn/ha. ÔTC số 6 sinh khối là 422,98 tấn/ha, lượng CO2 hấp thụ là 776,16 tấn/ha.

Khu rừng ngập mặn Cần Giờ có diện tích 75.740ha, đã được Chương trình Con người và sinh quyển (MAB) thuộc Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam công nhận là Khu dự trữ sinh quyển của thế giới. Đây là khu dự trữ sinh quyển đầu tiên tại Việt Nam. Kết quả tính toán thu được số liệu về sinh khối và lượng CO2 như sau: ÔTC số 7, sinh khối 16,75 tấn/ha, lượng CO2 hấp thụ là 30,74 tấn/ha; ÔTC số 8, sinh khối  96,87 tấn/ha, lượng CO2hấp thụ là 177,76 tấn/ha, ÔTC số 9, sinh khối 263,29 tấn/ha, lượng CO2 hấp thụ là 484,82 tấn/ha.

Theo PGS, TS Ngô Đình Quế, cán bộ nghiên cứu Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, với giá bán 5 USD/tấn CO2 thì tại ÔTC số 3 ở Vườn Quốc gia Cúc Phương với lượng CO2 hấp thụ là 1.013,1 tấn/ha, số tiền thu được là 5.065,5 USD/ha, một nguồn lợi không hề nhỏ nếu tính tổng diện tích 32 vườn quốc gia khoảng 10.455,74km2 trong đó 30% diện tích là rừng giàu. Con số thu được có thể lên tới hàng trăm triệu USD, thậm chí cả tỷ USD.

Có thể khẳng định, đây là một cơ hội đối với ngành lâm nghiệp, đồng thời cũng là một thách thức, đòi hỏi phải nỗ lực bảo đảm sự phát triển bền vững và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá này.

TS LÊ TRẦN CHẤN - TS NGUYỄN VIẾT LƯƠNG

Báo QĐND

Lượt xem: 1478

Các tin khác

Bảo vệ môi trường – Nền tảng để phát triển kinh tế bền vững

(28/03/2024 07:08:AM)

Chuyển đổi xanh trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

(26/03/2024 05:49:AM)

Một số suy nghĩ về chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, từ khai thác thâm dụng tài nguyên thiên nhiên sang phát triển dựa vào hệ sinh thái, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn - Từ phân tích thực

(25/03/2024 06:28:AM)

Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng lớn đối với Việt Nam

(24/03/2024 06:05:AM)

Thách thức khi tham gia thị trường tín chỉ carbon

(22/03/2024 07:08:AM)

Vai trò của tài nguyên thiên nhiên đối với tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam

(17/03/2024 06:53:AM)

Thúc đẩy chi trả dịch vụ hệ sinh thái biển và đất ngập nước tại Việt Nam

(10/03/2024 07:49:AM)

Giảm dấu chân carbon - hướng tới net zero

(06/03/2024 04:46:AM)

Doanh nghiệp và xu thế chuyển đổi xanh

(21/02/2024 09:11:AM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE