quản lý tòa nhà

logo Tri ân Tiền bối VACNE Thi đua Chào mừng Đại hội VIII
TUỔI TRẺ VỚI MÔI TRƯỜNG

Cô gái trẻ mơ khắc chế thiên tai

Thứ Sáu, 27/03/2015 | 10:10:00 AM

“Nhỏ như cái kẹo!”. Đó là cảm nhận ban đầu của tôi khi gặp cô gái có vóc dáng nhỏ nhắn ấy. Nhưng trò chuyện với cô mới thấy, dự định cô ấp ủ mấy năm nay và đang từng bước thực hiện, chẳng hề nhỏ chút nào.


Cô gái nhỏ Đàm Thùy Nga dưới bộ rễ cây sanh dự án
Đó là làm sao để giảm thiểu thiệt hại mùa màng, ruộng đất do thiên tai, biến đổi khí hậu gây ra. Cô gái ấy là Đàm Thùy Nga, sinh năm 1990, kỹ sư thủy sản và đang hoàn thành luận văn thạc sỹ chuyên ngành Thú y Thủy sản.

5 năm âm thầm nghiên cứu

Tôi tình cờ gặp Nga khi cô từ trường Đại học Cần Thơ về thăm gia đình ở ấp Tân Tiến (xã Tân Lập, huyện Tân Biên, Tây Ninh), còn tôi lên liên hệ công việc với ba cô. Cuộc gặp khá thú vị khi cô giới thiệu cho tôi về dự án tầm cỡ quốc gia mà cô ấp ủ và đang thực hiện từ 5 năm nay. Đó là dự án chống xói mòn, sạt lở đê điều bằng cây sanh (tên khoa học là Ficus benjamina). Nghe cô giới thiệu, tôi thắc mắc: “Cây sanh là cây kiểng mà, sao chống xói lở được?”.

Nga không nói mà đưa tôi ra vườn nhà, nơi có mấy ao cá và chỉ cho tôi hàng cây sanh trồng trên bờ ao, mỗi cây cách nhau chừng 5 m, nhưng cây nào cây nấy đều có bộ rễ to, dày chi chít, đi từ gốc xuống đến mặt nước. Bờ ao tạo thành một bức tường rễ chắc chắn, che kín mặt đất bờ ao. Tôi bắt đầu thấy thú vị và hỏi tiếp: “Từ đâu bạn có ý tưởng hay vậy?”.

Nga bắt đầu kể: “Tôi học Đại học Cần Thơ, khoa Nuôi trồng Thủy sản. Do đặc thù ngành học nên từ năm thứ 2, tôi bắt đầu phải đi thực tế nhiều vùng nuôi trồng thủy đồng ruộng, ao hồ ở các tỉnh ĐBSCL. Điều đọng lại nhiều nhất trong tôi sau mỗi chuyến đi ấy là chứng kiến tình trạng lũ lụt, sạt lở, vỡ đê.

Đặc biệt, những ao hồ nuôi thủy sản trên các cồn thường bi ảnh hưởng nhiều hơn do trống trải, gió mạnh. Mỗi năm, một diện tích không nhỏ ruộng vườn, lúa, nhà cửa… chìm trong nước. Một trong những tỉnh “nóng” nhất về tình trạng lũ lụt, vỡ đê là các huyện Châu Phú, Châu Thành, Chợ Mới, An Giang, hàng ngàn hécta lúa, hoa màu bị nước nhấn chìm.

Tôi tự hỏi mình có học vấn, có trình độ, mình không thể đứng nhìn biết bao tài sản, mồ hôi nước mắt của hàng ngàn người nông dân bỗng chốc bị “nuốt chửng” như vậy? Từ đó, tôi bắt đầu tìm hiểu những thông tin liên qua đến biến đổi khí hậu, về cách phòng tránh lũ lụt, sạt lở.

Tôi cũng từng thắc mắc là lâu nay Nhà nước vẫn có những chương trình đối phó biến đổi khí hậu, chống xói mòn, sạt lở. Một trong những chương trình đó là “trồng cây gây rừng chống xói mòn và rửa trôi”. Tuy nhiên, tôi thấy chương trình này hiệu quả không cao, vẫn gây ra hiện tượng sạt lở, xói mòn và vỡ đê. Tôi đi tìm hiểu và trả lời được tất cả câu hỏi trên đó là loại cây mà ta sử dụng, cách trồng, cách chăm sóc và tốc độ phát triển của nó không đáp ứng yêu cầu trên.

Bên cạnh đó, tình trạng chặt phá rừng ồ ạt cũng là một nguyên nhân khiến cho vấn đề xói lở ngày càng nặng. Một lần về thăm nhà, tôi thấy cây sanh ba tôi trồng ngoài bờ ao có bộ rễ chùm quá to, kín hết cả mặt đất. Tôi chợt nảy ra ý, tại sao không thử nghiệm chức năng mới của cây này cho việc chống xói mòn? Thế là sau khi thu thập nhiều thông tin, tôi bắt đầu thực hiện dự án với loài cây mà tôi cho rằng có nhiều khả năng sẽ chống được tình trạng xói mòn, rửa trôi đất”.

Chi phí cực ít

“Cây sanh tôi trồng do Trung tâm Giống cây trồng miền Nam cung cấp. Tôi mang về trồng đúng mật độ, kỹ thuật ngay tại bờ ao nhà mình. Sau đó, tôi trồng thêm một số điểm có đất nhiễm phèn, nước lợ ở An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ… trồng trên đường đê dài 150m, mật độ 10 m2/cây.

Theo dự kiến, thời gian nghiên cứu là 5 năm. Kết quả cho thấy, cây trồng ở các vùng thổ nhưỡng, khí hậu khác nhau, nhưng phát triển khá tương đồng.

Với đặc điểm là bộ rễ chùm nửa nổi nửa chìm trên mặt đất, có thể sống tốt tên mọi loại địa hình, thành phần đất, nước khác nhau, khi được 3 tuổi, cây hoàn toàn có khả năng chống sạt lở đê điều, chắn gió lùa, ngăn cản xói mòn và rửa trôi đất", Nga tâm sự. Nga cho biết, cây sanh sau khi đem về, sẽ được chăm sóc 1 tuần trước khi trồng để tránh sốc cho cây. Cây chỉ được tưới bằng nước giếng tại vùng trồng và che mát bằng bạt. Có thể trồng cây trên bờ sông, mặt ngoài bờ ao hồ nuôi thủy sản. Thậm chí, tại các điểm sạt lở đồi, núi....

Với đê, cây có thể trồng 2 bên bờ. Còn ao nuôi thủy sản, trồng ở độ cao 0,3 m so với mặt nước và 5 m so với đáy ao, độ dốc 450. Mỗi tuần tưới 2 lần và mỗi tháng chỉ cần bón phân một lần. Chỉ cần chăm sóc 2 năm đầu, sau đó theo dõi và để cây tự phát triển.

Đến năm thứ 3, bộ rễ lớn bắt đầu kết nối với rễ của các cây liền kề tạo thành một tấm thảm dày và sâu xuống đất từ 30 - 40 cm. Sau 4 năm, cây cao khoảng 4-5m, lúc này khống chế chiều cao, và tán các cây bắt đầu liên kết lại tạo thành 1 mạng lưới chằng chịt như bộ rễ và có khả năng cản sức gió mạnh hơn so với các loài cây đứng riêng lẻ. Nếu dưới tác động của con người thì các cành này sẽ liên kết nhanh hơn so với tự nhiên rất nhiều.

Sau 5 năm, cây cao trung bình 5m. Sau khi có kết luận chính xác về khả năng của cây sanh, cô liền gửi hồ sơ đăng ký tác quyền dự án, rồi gửi đơn tham gia các chương trình về biến đổi khí hậu ở ĐBSCL. Đến nay, dự án của cô đã được cấp chứng nhận tác quyền.

Trực tiếp quan sát những cây sanh trong dự án của Nga, tôi cảm nhận thấy hiệu quả của nó trong việc chống xói mòn, sạt lở. Vậy nhưng, Nga cho biết, chi phí làm cực rẻ. Chỉ cần chăm sóc 2-3 năm đầu trồng với chi phí chỉ từ 50 - 80 ngàn đồng m2. “Cây này rất dễ sống và không cần phải chăm sóc, bón phân nhiều. Tôi tính chi phí này từ năm 2013, nếu giá cả phân bón có tăng thì chi phí cũng chỉ tăng theo chút đỉnh, tối đa là 100 ngàn đồng/ m2, không đáng kể. Trong khi đó, để làm công trình chống sạt lở bằng các chất kiệu khác như cọc nhựa composit, bê tông, chi phí hàng triệu đồng/m2 chứ không ít”.

Ấy vậy nhưng, từ 2 năm nay, Nga gõ cửa một số cơ quan chức năng, tìm đến một số DN nuôi trồng thủy sản ở khu vực ĐBSCL để giới thiệu về dự án và đề nghị được tài trợ làm thử nghiệm, nhưng tất cả đều lắc đầu.

“Đến mấy cơ quan Nhà nước thì họ bảo không thuộc lĩnh vực của họ. Còn gặp mấy DN nuôi thủy sản thì họ nói không cần. Một phần vì họ chủ quan, phần vì đất họ thuê nên tâm lý họ cũng không mặn mà lắm với việc đầu tư lâu”, Nga nói, giọng buồn buồn....

Theo Phúc Lập (Nông Nghiệp Việt Nam)

Lượt xem: 22997

Các tin khác

6 chuyến đi, hàng nghìn cây số và nhiều điều trăn trở

(25/11/2014 05:22:PM)

"Xin rác" bảo vệ môi trường

(28/08/2014 08:29:AM)

Những người trẻ tập làm kinh tế xanh

(03/12/2012 10:20:AM)

Mang thông điệp bảo vệ môi trường của trẻ em tới cộng đồng

(12/11/2012 04:39:PM)

Biểu diễn rối tại trường tiểu học giáo dục học sinh về biến đổi khí hậu

(09/11/2012 08:06:AM)

“Thầy trò & làng không rác”

(08/11/2012 07:37:AM)

“Hãy viết thư để nói tại sao nước là quý ”

(06/11/2012 06:49:PM)

CLB sống xanh - mô hình bảo vệ môi trường độc đáo

(31/10/2012 06:57:AM)

Cặm cụi nhặt rác bên Hồ Gươm

(08/10/2012 09:54:AM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE