quản lý tòa nhà

logo Tri ân Tiền bối VACNE Thi đua Chào mừng Đại hội VIII
DIỄN ĐÀN MÔI TRƯỜNG

Chuyên gia lo hệ sinh thái vườn quốc gia Bạch Mã bị phá hủy

Thứ Tư, 17/10/2018 | 06:21:00 AM

Đánh giá tích cực về quy hoạch du lịch Bạch Mã nhưng nhiều chuyên gia lo ngại cáp treo sẽ ảnh hưởng rừng tự nhiên, đời sống động vật.

 

Sáng 13/10, tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức hội nghị lấy ý kiến quy hoạch du lịch vườn quốc gia Bạch Mã với sự tham dự của nhiều chuyên gia kiến trúc, bảo vệ rừng và du lịch. Đây là lần đầu tiên hội nghị về quy hoạch Bạch Mã được tổ chức sau khi tỉnh Thừa Thiên Huế trình đồ án quy hoạch lên các bộ ngành.

Đỉnh núi Bạch Mã nơi quy hoạch khu B với 6 phân khu chức năng. Ảnh: Võ Thạnh

Đỉnh núi Bạch Mã nơi quy hoạch khu B với 6 phân khu chức năng. Ảnh: Võ Thạnh

Ông Nguyễn Văn Phương, Phó chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Bạch Mã trước đây là một khu du lịch của Pháp nhưng chiến tranh đã làm hoang phế. Dù đã đầu tư nhưng hoạt động du lịch tại Bạch Mã còn nghèo nàn, chưa tương xứng tiềm năng. Theo ông Phương, từ lâu người dân Thừa Thiên Huế đã có một giấc mơ là phục hồi vị thế du lịch Bạch Mã, tạo dựng vị thế du lịch Thừa Thiên Huế. “Với quan điểm bảo tồn và giữ gìn cảnh quan thiên nhiên để phát triển du lịch sinh thái, tôi hy vọng các chuyên gia, kiến trúc sư sẽ góp ý vào bản quy hoạch phân khu du lịch Bạch Mã cho phù hợp”, ông Phương nói.

Chuyên gia đề nghị giảm công trình, bớt cáp treo

Theo đồ án quy hoạch của công ty WATG (Mỹ), khu du lịch sinh thái tâm linh và nghỉ dưỡng Bạch Mã sẽ có hai phân khu. Phân khu A rộng khoảng 64 ha nằm tại khe Su (xã Lộc Trì) là nơi để đón tiếp khách du lịch và đặt ga cáp treo. Phân khu B nằm trên đỉnh Bạch Mã với diện tích trên 300 ha được chia làm 6 khu chức năng chính: làng trung tâm, làng di sản, làng đỉnh núi, làng dịch vụ, khu tâm linh, thung lũng thác nước. Hệ thống cáp treo với hai tuyến cáp sẽ được xây dựng để kết nối các phân khu.

Tuyến cáp treo số một dài hơn 4 km có điểm đầu ở Khe Su (xã Lộc Trì) và điểm cuối trên đỉnh Bạch Mã gần biệt thự Pháp cổ của khách sạn Morin cũ. Tuyến hai dài hơn 1,6 km bắt đầu từ đỉnh Bạch Mã đến ga cuối ở thác Ngũ Hồ.

Tuyến cáp treo dự kiến sử dụng công nghệ của công ty PoMa, công suất tối đa 1.750 hành khách/giờ. Đơn vị tư vấn cũng dự kiến xây dựng một cây cầu ngay trên đỉnh thác Đỗ Quyên để du khách ngắm cảnh.

Phối cảnh khu B trên đỉnh Bạch Mã với 6 làng. Ảnh: Võ Thạnh

Phối cảnh khu B trên đỉnh Bạch Mã với 6 làng. Ảnh: Võ Thạnh

Bà Lã Thị Kim Ngân, nguyên viện phó Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia nhận xét, bản quy hoạch của WATG chỉ nói tổng thể, chưa đi vào chi tiết từng phân khu. Trong đó, bản đồ hiện trạng rất quan trọng, phải có xác lập của đơn vị đo đạc và cần thông số hóa các phân khu.

Thấy khu B dày đặc các công trình lưu trú và thương mại, bà Ngân cho rằng nên điều tiết quy mô dịch vụ tại đây xuống vùng đệm để tạo sinh kế cho người dân, bên cạnh đó cũng hạn chế giao cắt trên đỉnh Bạch Mã. "Tuyến cáp treo số 2 từ đỉnh Bạch Mã xuống thác Ngũ Hồ không cần thiết nên thay thế một phương tiện khác phù hợp hơn", bà Ngân đề xuất.

Phối cảnh cáp treo xuyên vườn quốc gia Bạch Mã. Ảnh: Võ Thạnh

Phối cảnh cáp treo xuyên vườn quốc gia Bạch Mã. Ảnh: Võ Thạnh

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên giám đốc Sở Văn hóa tỉnh Thừa Thiên Huế cũng cho rằng, bản quy hoạch mới chú trọng vào 300 ha trên đỉnh Bạch Mã mà bỏ quên khu A ở vùng đệm. Theo ông Hoa, khu vực khe Su ở vùng đệm phù hợp xây dựng cơ sở lưu trú và thương mại.

Việc quy hoạch quá nhiều công trình trên đỉnh Bạch Mã khiến ông Hoa cảm nhận là "quá tải với thiên nhiên ở Bạch Mã". "Chúng ta đừng bị ám ảnh con số 139 biệt thự của Pháp mà chỉ cần phục hồi những biệt thự độc đáo, vừa đủ cho khách lưu trú. Hệ thống cáp treo từ đỉnh Bạch Mã xuống Ngũ Hồ cũng không nên", ông nói.

Cần đánh giá tác động môi trường

Nhiều năm cùng học trò đi bộ lên đỉnh Bạch Mã rèn luyện,võ sư Nguyễn Văn Dũng, nguyên trưởng tràng hệ phái Suzucho Karatedo hiểu rõ thiên nhiên và thời tiết ở Bạch Mã. Khi nhìn bản đồ quy hoạch, võ sư Dũng cho rằng, mật độ xây dựng quá dày, xâm phạm rất lớn đến môi trường Bạch Mã. Không gian vốn có của Bạch Mã sẽ không còn nữa.

Theo ông Dũng, các nhà quy hoạch nước ngoài khi thấy Bạch Mã sẽ đánh giá nơi đây rất độc đáo nhưng họ không hiểu đặc trưng vườn quốc gia Bạch Mã khác với Bà Nà (Đà Nẵng). Họ cũng không hiểu về thời tiết khí hậu của Bạch Mã như thế nào, khai thác du lịch được bao nhiêu tháng, có tính toán không.

"Cách đây 10 năm, tôi từng chứng kiến một người bạn sửa sang biệt thự trên Bạch Mã để khai thác du lịch. Mùa hè có khách, mùa đông đóng cửa. Chỉ sau một năm, biệt thự phải bỏ ngang khi hệ thống sơn, gỗ bị bong tróc. Nhà đầu tư có tính toán khi chỉ khai thác du lịch ở Bạch Mã trong thời gian ngắn", ông Dũng nói.

Với việc đơn vị tư vấn tính toán mỗi năm sẽ thu hút một triệu người lên Bạch Mã, ông Dũng lo ngại nước thải, chất thải sinh hoạt sẽ chảy xuống Ngũ Hồ đi về Khe Tre, sông Hương. "Ai đảm bảo nước thải ở Bạch Mã không đổ ra môi trường gây ô nhiễm. Tôi nghĩ cần phải có đánh giá tác động môi trường một cách cụ thể", ông Dũng nói.

GS TSKH Nguyễn Ngọc Lung lo ngại môi trường ở Bạch Mã bị phá hủy. Ảnh: Võ Thạnh

GS TSKH Nguyễn Ngọc Lung lo ngại môi trường ở Bạch Mã bị phá hủy. Ảnh: Võ Thạnh

GS TSKH Nguyễn Ngọc Lung, Viện trưởng viện quản lý rừng bền vững Việt Nam đề nghị "hỏi chủ vườn có kham nổi việc bảo tồn thiên nhiên, các loài vật theo nhiệm vụ của nhà nước giao hay không?".

Ông Lung cho rằng du lịch sinh thái là một giải pháp để bảo tồn thiên một cách hiệu quả, để giáo dục về môi trường cho người dân. Tuy nhiên, đồ án quy hoạch khu du lịch sinh thái tâm linh và nghỉ dưỡng Bạch Mã, ông chưa thấy rõ điều đó.

"Đồ án quy hoạch cần đánh giá tác động môi trường với nước thải nguy hại thải ra môi trường thế nào", ông Lung nói.

Năm 1986, Chính phủ quyết định thành lập 87 khu rừng cấm, trong đó có Bạch Mã - Hải Vân. Đến năm 1991, rừng cấm Bạch Mã - Hải Vân được đổi tên thành Vườn quốc gia Bạch Mã, theo quyết định của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, với diện tích hơn 22.000 ha. Năm 2008, Vườn quốc gia Bạch Mã được Chính phủ điều chỉnh mở rộng từ hơn 22.000 ha lên gần 37.500 ha.

Khu rừng này được quy hoạch để lưu giữ hệ sinh thái đặc trưng của vùng Trung Trung Bộ.

Võ Thạnh/VnE

Lượt xem: 1360

Các tin khác

Bảo vệ môi trường – Nền tảng để phát triển kinh tế bền vững

(28/03/2024 07:08:AM)

Chuyển đổi xanh trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

(26/03/2024 05:49:AM)

Một số suy nghĩ về chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, từ khai thác thâm dụng tài nguyên thiên nhiên sang phát triển dựa vào hệ sinh thái, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn - Từ phân tích thực

(25/03/2024 06:28:AM)

Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng lớn đối với Việt Nam

(24/03/2024 06:05:AM)

Thách thức khi tham gia thị trường tín chỉ carbon

(22/03/2024 07:08:AM)

Vai trò của tài nguyên thiên nhiên đối với tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam

(17/03/2024 06:53:AM)

Thúc đẩy chi trả dịch vụ hệ sinh thái biển và đất ngập nước tại Việt Nam

(10/03/2024 07:49:AM)

Giảm dấu chân carbon - hướng tới net zero

(06/03/2024 04:46:AM)

Doanh nghiệp và xu thế chuyển đổi xanh

(21/02/2024 09:11:AM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE