(VACNE)-14% dân số thế giới có nguy cơ không đảm bảo an toàn lương thực, vì vậy chống sa mạc hóa là chống đói nghèo – TS Nguyễn Bá Ngãi, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp&Phát triển Nông thôn), phát biểu tại lễ mít tinh Ngày Sa mạc Hóa Thế giới chiều 17/6 tại Hà Nội.
“Hiện nay Việt Nam có khoảng 9,34 triệu ha đất bị hoang hóa (chiếm 28% tổng diện tích đất đai trên toàn quốc), trong đó 7,5 triệu ha đất bị thoái hóa nặng”, ông Ngãi nói, “Nạn phá rừng trái phép chưa được ngăn chặn khiến gia tăng hoang mạc hóa”.
Rừng bị mất đã làm tăng diện tích đất hoang hóa, kéo theo sự giảm sút đáng kể các hệ sinh thái, làm suy thoái vùng đầu nguồn.
Việt Nam có sa mạc cục bộ, đó là các dải cát hẹp trải dài dọc theo bờ biển miền trung, tập trung ở 10 tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Thuận với diện tích khoảng 419.000 ha và ở đồng bằng sông Cửu Long với diện tích 43.000 ha.
Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 462.000 ha cát ven biển (chiếm khoảng 1,4% tổng diện tích tự nhiên toàn quốc) và 87.800 ha trong số này là các đụn cát, đồi cát lớn di động.
Trong gần 40 năm qua, quá trình hoang mạc hoá do cát di động rất nghiêm trọng. Mỗi năm có khoảng 10-20 ha đất canh tác bị lấn bởi cát di động. Ở các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, thời tiết đặc biệt khô nóng vào mùa khô, lượng mưa trung bình hàng năm ở một số nơi chỉ đạt khoảng 700 mm (vùng nóng hạn nhất là Ninh Thuận và Bình Thuận).
Nguyên nhân gây thoái hóa đất khá đa dạng, song những nguyên nhân phổ biến nhất bao gồm hạn hán, biến đổi khí hậu, tập quán thâm canh và quản lý nước kém.
Sau lễ mít tinh chủ đề “Đừng để tương lai của chúng ta trở nên khô hạn” của Ngày Sa mạc Hóa Thế giới năm 2013, lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp, Viện Điều tra Quy hoạch Rừng tiến hành trồng cây ở vườn thực vật trong khuôn viên Viện, đồng thời kêu gọi mọi người cùng bảo vệ rừng, qua đó giúp giảm tỷ lệ hoang mạc hóa, giảm tác động của biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.
Theo đánh giá của Liên Hợp quốc, phần lớn những người nghèo nhất trên thế giới cũng chính là những người bị ảnh hưởng trực tiếp của nạn sa mạc hóa. Hai phần ba số người nghèo sống ở các vùng khô hạn, khoảng một nửa sống ở vùng nông thôn nơi sự suy thoái môi trường đang đe dọa đến sản xuất nông nghiệp mà đây chính là cái mà sinh kế của họ phụ thuộc vào.
Trái đất nóng lên sẽ làm tăng số lượng của các hiện tượng thời tiết cực đoan (ví dụ: hạn hán, mưa lớn) sẽ gây ra những tác động to lớn đến các khu vực đất đang bị suy thoái. Điều này sẽ làm cho tình hình sa mạc hóa trở nên nghiêm trọng hơn, làm tăng nguy cơ nghèo đói, di cư bắt buộc và xung đột tại các vùng bị ảnh hưởng.
- Ngày 17/6 hàng năm được chọn là Ngày Thế giới chống sa mạc hóa và hạn hán.
Được tổ chức lần đầu tiên năm 1995, Ngày Thế giới Chống sa Mạc hóa và hạn hán là lời nhắc nhở Thế giới rằng việc tham gia và hợp tác của cộng đồng có thể giải quyết vấn đề sa mạc hóa.
- Liên Hợp Quốc cho hay năm 1990, chỉ 110 nước bị ảnh hưởng bởi sa mạc hóa. Thế mà đến nay tình trạng sa mạc hóa đã tấn công 168 nước, gây thiệt hại kinh tế tới 490 tỷ mỗi năm và làm mất một diện tích đất gấp ba lần diện tích đất nước Thụy Sĩ.
|
Mai Anh