Nếu thực hiện tốt chủ trương giao khoán rừng và chi trả dịch vụ môi trường rừng sẽ mang lại hiệu quả đáng kể trong công tác bảo vệ và tái tạo rừng.
Gắn với chính sách giảm nghèo
Những năm gần đây, việc thực hiện hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã tạo đột phá về nguồn lực tài chính để bảo vệ và phát triển rừng. Cùng với đó, góp phần phục hồi, làm giàu tài nguyên rừng và tạo công ăn việc làm cho người dân vùng sâu vùng xa, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số…
Đơn cử tại tỉnh Gia Lai, hiện địa phương này có diện tích rừng trên địa bàn khoảng 633.325ha. Trong đó, rừng tự nhiên khoảng hơn 543.131ha, rừng trồng hơn 90.193ha. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, từ năm 2016 đến nay, có 26.188 lượt hộ gia đình nhận hỗ trợ khoán bảo vệ rừng. Trong đó, có 25.520 lượt hộ đồng bào dân tộc thiểu số, 668 hộ người Kinh nghèo và 682 lượt cộng đồng; hạn mức khoán trung bình cho hộ gia đình 12,87 ha/hộ, cộng đồng là 191,97 ha/cộng đồng.
|
Nếu thực hiện tốt chủ trương giao khoán rừng và chi trả dịch vụ môi trường rừng sẽ mang lại hiệu quả đáng kể trong công tác bảo vệ và tái tạo rừng.
|
Tại buổi làm việc với đoàn giám sát HĐND tỉnh Gia Lai, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai cho hay, trong giai đoạn 2016-2020, các đơn vị, địa phương cân đối bố trí từ nguồn dịch vụ môi trường rừng, vốn hỗ trợ ngân sách để triển khai chính sách khoán bảo vệ rừng với mức hỗ trợ trung bình 400 ngàn đồng/ha/năm. Tổng kinh phí chi trả cho các hộ gia đình và cộng đồng nhận khoán từ năm 2016 đến 2020 là hơn 187,5 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách hơn 70,9 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2016-2020, trên địa bàn Gia Lai chỉ triển khai hỗ trợ bảo vệ rừng cho các cộng đồng được giao rừng, không triển khai hỗ trợ khoanh nuôi tái sinh; chưa triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ trồng rừng phòng hộ và trợ cấp gạo trồng rừng thay thế nương rẫy… Đặc biệt, từ năm 2016 đến nay, các hộ gia đình chỉ thực hiện trồng rừng sản xuất trên diện tích đất quy hoạch phát triển rừng sản xuất đã sử dụng đất ổn định từ 3 năm trở lên không có tranh chấp.
Để triển khai hiệu quả chính sách bảo vệ và phát triển rừng, chính quyền địa phương đã huy động mọi nguồn lực. Đồng thời, lồng ghép gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Qua đó, góp phần tăng thu nhập cho các hộ dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng.
Song theo ngành Nông nghiệp địa phương này, quá trình thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn. Cụ thể như, hiện chưa có diện tích đất lâm nghiệp được giao có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc quyết định giao đất của cấp có thẩm quyền cho các hộ gia đình để trồng rừng sản xuất, phòng hộ, phát triển lâm sản ngoài gỗ. Dẫn đến chưa triển khai hỗ trợ trồng rừng sản xuất, rừng phòng hộ, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung, trợ cấp gạo trồng rừng thay thế nương rẫy và chính sách tín dụng cho việc phát triển rừng sản xuất theo Nghị định 75/2015/NĐ-CP…
Ưu tiên cho bảo vệ, phát triển rừng bền vững
Tương tự, Kon Tum là một trong những địa phương có nhiều diện tích rừng cần được bảo vệ. Những năm qua, nhờ làm tốt công tác giao khoán rừng và hỗ trợ bảo vệ rừng cho người dân và các cộng đồng được giao rừng đã mang lại hiệu quả rất tích cực. Đến nay, các ban quản lý rừng, các công ty lâm nghiệp đã thực hiện giao khoán bảo vệ rừng cho 13 tổ chức, 335 cộng đồng, 234 nhóm hộ và 2.589 hộ gia đình, hỗ trợ bảo vệ rừng đối với diện tích đã giao rừng nhưng chưa được hưởng lợi cho 11 cộng đồng với 7.935,4ha.
Nhiều mô hình giao đất, giao rừng gắn với bảo vệ rừng đã phát huy hiệu quả tích cực. Ví như, mô hình giao đất giao rừng gắn với bảo vệ nguồn nước cho cộng đồng 4 làng đồng bào dân tộc thiểu số của xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy (Kon Tum), với diện tích 86,1ha. Ngoài thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng, các cấp, các ngành còn hỗ trợ hơn 2.000 cây giống lâm nghiệp để trồng bổ sung vào rừng đầu nguồn, thí điểm trồng sa nhân tím dưới tán rừng với khoảng 5.000 cây… Mô hình này vừa góp phần phủ xanh đồi trọc, bảo vệ môi trường, vừa giúp người dân thêm thu nhập, yên tâm gắn bó với rừng.
Tính đến cuối năm 2019, tổng diện tích rừng được chi trả dịch vụ môi trường rừng của tỉnh Kon Tum là trên 387.700ha. Năm 2020, đối tượng cung ứng dịch vụ môi trường rừng tăng thêm 1 chủ rừng là tổ chức, 4 cộng đồng và 19 chủ rừng hộ gia đình, cá nhân. Hiện toàn tỉnh Kon Tum có 32 chủ rừng là tổ chức, 3.474 hộ gia đình, cá nhân, 47 cộng đồng dân cư và 75 UBND xã, thị trấn…
Đến đầu tháng 10/2020, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum đã giải ngân cho các chủ rừng 207 tỷ đồng, gồm thanh toán trên 133 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng còn lại của năm 2019 và tạm ứng trên 73 tỷ đồng của năm 2020. Dự kiến đến cuối 2020, Quỹ tiếp tục giải ngân khoảng 150 tỷ đồng tạm ứng của năm 2020 cho các chủ rừng. Đây là nguồn tài chính quan trọng để các chủ rừng tiếp tục quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum, thực hiện chủ trương phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, tỉnh Kon Tum triển khai nhiều chương trình, đề án, giải pháp đúng đắn và chỉ đạo thực hiện quyết liệt các hoạt động sản xuất lâm nghiệp.
Đáng chú ý, chính quyền địa phương ưu tiên dành nhiều nguồn lực cho công tác quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững diện tích rừng. Đồng thời, nâng cao năng suất, chất lượng và phát huy giá trị của từng loại rừng, tăng giá trị rừng sản xuất trên đơn vị diện tích. Chính quyền cấp cơ sở cũng huy động mọi nguồn lực để bảo vệ diện tích rừng hiện có. Đặc biệt, đối với diện tích rừng tự nhiên.
Trong chiến lược phát triển lâm nghiệp bền vững, giải pháp quan trọng hàng đầu được ngành Nông nghiệp tỉnh Kon Tum và các địa phương chú trọng triển khai là phát triển rừng gắn liền với sinh kế của người dân, cụ thể là các cộng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, nâng cao hiệu quả hoạt động giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư mang lại nhiều lợi ích như bảo vệ được vốn rừng hiện có, tạo điều kiện cho đầu tư phát triển rừng, phát triển lâm sản ngoài gỗ trên diện tích được giao, hạn chế tình trạng phá rừng làm rẫy, nâng cao đời sống của người dân, góp phần giảm nghèo