Chất thải hữu cơ ở các khu vực ao hồ, chuồng trại chăn nuôi là tác nhân chính gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường tại các địa phương. Để góp phần “đẩy lùi” ô nhiễm, các nhà khoa học của Viện Công nghệ môi trường đã nghiên cứu thành công chế phẩm sinh học Sagi Bio.
Làm sạch môi trường
Theo PGS.TS. Tăng Thị Chính và các cộng sự ở Viện Công nghệ
môi trường là “cha đẻ” của loại chế phẩm hữu hiệu này, sử dụng chế phẩm vi sinh học Sagi Bio là phương pháp xử lý chất thải bằng công nghệ sinh học, với cơ chế dựa trên các hoạt động sống của vi sinh vật, chủ yếu là vi khuẩn dị dưỡng hoại sinh có trong chất thải, để xử lý chất thải.
Các chế phẩm sinh học Sagi Bio gồm các chủng vi khuẩn và xạ khuẩn được tuyển chọn và được đánh giá có mức độ an toàn sinh học cao.
Được sản xuất từ các chủng vi sinh vật hữu ích thuộc nhóm chịu nhiệt và ưa nhiệt (nhiệt độ sinh trưởng tối ưu 45 - 550C), sinh tổng hợp mạnh các enzym ngoại bào (xenlulaza, amylaza và proteinaza) để phân hủy nhanh các chất thải hữu cơ thành mùn. Cạnh tranh dinh dưỡng và ức chế các vi sinh vật gây bệnh trong chất thải, giảm phát sinh mùi hôi thối và làm sạch
môi trường.
Chế phẩm sinh học Sagi Bio.
Nhằm phát huy cao độ tính năng và công dụng của chế phẩm này, các nhà khoa học tại Viện Công nghệ môi trường đã nghiên cứu chia tách sản phẩm ra thành hai loại chế phẩm sinh học: Sagi Bio 1 có tác dụng xử lý mùi chuồng trại chăn nuôi và bãi chôn lấp chất thải.
Sagi Bio 2 với công dụng xử lý nước thải giàu chất hữu cơ, dùng cho các công trình xử lý nước thải giàu hữu cơ hiếu khí, thiếu khí và ao hồ bị ô nhiễm hữu cơ. Thúc đẩy nhanh quá trình phân huỷ chất thải hữu cơ làm sạch môi trường nước.
Xử lý phế thải nông nghiệp
Không chỉ làm giảm mùi và xử lý nước thải giàu chất hữu cơ trong môi trường hữu khí chế phẩm Sagi Bio còn có tác dụng góp phần xử lý phế thải nông nghiệp trong quá trình sản xuất phát sinh. Sản phẩm đã được sử dụng để ủ xử lý các loại phế nông nghiệp khác như thân lá các loại rau, dưa, dây bí, lạc, phân gia súc, gia cầm... đều cho kết quả tốt.
Đối với phân gia cầm, như phân gà, phân chim có nồng độ chất dinh dưỡng rất cao nếu ủ bình thường vừa phải sử dụng vôi bột và thời gian ủ rất lâu mất từ 2 - 3 tháng, trong khi đó khi sử dụng chế phẩm thì thời gian ủ chỉ mất 15 - 20 ngày là phân hoàn toàn hoai mục và mất mùi thối.
Công dụng của loại chế phẩm này còn được ứng dụng trong việc xử lý rạ tại đồng ruộng làm phân bón, tái sử dụng được một nguồn hữu cơ lớn để cải tạo đất, đặc biệt là đã giảm được lượng phân hoá học (mỗi sào rạ sau khi xử lý bằng chế phẩm Sagi – Bio đã cho từ 250 - 300kg phân hữu cơ. Thay thế được toàn bộ lượng phân chuồng cần sử dụng, ngoài ra còn tiết kiệm được từ 1,2 -1,5kg phân Urê/sào và 1,5 kg phân Kali/sào).
Theo hướng dẫn cách sử dụng được phổ biến trên bao bì sản phẩm cho thấy 1kg chế phẩm Sagi – Bio xử lý được 2,5 đến 3m3 các chất phế thải hữu cơ thành mùn trong thời gian khoảng 35 - 40 ngày (nếu là phân gia cầm bổ sung thêm 1kg chế phẩm/tấn).
Nếu người dùng hòa vào nước 1kg chế phẩm với (0,5 - 1,0 kg NPK) và tưới lên đống ủ (nếu ủ các phế thải nông nghiệp như rơm rạ, thân lá cây rau, cỏ thì bổ sung thêm phân gia súc gia cầm từ 30 - 50 kg cho m3 chất ủ, rắc lên đống ủ), sau đó dùng nilon phủ kín đống ủ. Để vi sinh vật mới phát triển và phân huỷ nhanh chất ủ phải phải đảm bảo có độ ẩm từ 50 đến 55%.
Thời gian ủ được quy định với phế thải là xác thực vật thì thời gian ủ phải từ 30 - 40 ngày, còn đối với phân gia súc, gia cầm thời gian ủ từ 20 - 25 ngày. Đây là một mô hình đơn giản, dễ thực hiện, đầu tư ít, mang lại hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường đối với người sử dụng đặc biệt có thể áp dụng rộng rãi với bà con nông dân tại các vùng nông thôn.
Nhờ những tính năng hữu hiệu này các chế phẩm vi sinh Sagi Bio đã được Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên & Môi trường cấp phép chế phẩm sinh học được sử dụng trong xử lý môi trường tại Việt Nam và được chuyển giao cho doanh nghiệp để sản xuất và thương mại hóa trên thị trường.
Các nhà chuyên môn cũng đánh giá cao khả năng xử lý chất thải triệt để, an toàn cho môi trường, dễ sử dụng, giá thành thấp và cần được nhân rộng mô hình trong cả nước.
Theo Nguyễn Cường (Báo Tài nguyên&Môi trường)