quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
DIỄN ĐÀN MÔI TRƯỜNG

Cháy Vườn quốc gia (VQG) Tràm Chim: Đừng nghiêm trọng hóa!

Thứ Ba, 11/05/2010 | 08:31:00 AM

(TBKTSG) - Tuần rồi, Vườn quốc gia (VQG) Tràm Chim bị cháy và qua các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều người quan tâm đến tài nguyên thiên nhiên đang rất lo lắng. TBKTSG xin giới thiệu bài viết nêu quan điểm của hai nhà khoa học gắn bó rất lâu với VQG này về sự việc vừa xảy ra, mà theo họ, đừng vội làm nghiêm trọng hóa vấn đề!

Sếu đầu đỏ ở vườn quốc gia Tràm Chim. Ảnh: Nguyễn Văn Hùng.

Ts. Dương Văn Ni - Ts. Trần Triết

Cháy chưa hẳn là tai họa !

Ở VQG Tràm Chim, tùy theo hiện trạng tích lũy chất hữu cơ của từng khu, trên từng kiểu sinh thái khác nhau, việc xảy ra cháy có những tác động khác nhau, cần đánh giá tổng hợp mới có thể kết luận chính xác về mức độ ảnh hưởng đến tính đa đạng sinh học.

Theo kết quả quan sát từ năm 1995 đến nay, nếu cháy trên sinh thái (quần xã) rừng tràm từ 1-5 năm tuổi thì có thể làm chết trên 80% cây, từ 6-10 năm tuổi là khoảng 50% và trên 11 năm tuổi thì ít hơn 20%. Đáng lưu ý là tất cả các diện tích tràm bị cháy đều được phục hồi một cách tự nhiên sau 3-4 năm.

Khác với tràm, trên tất cả các sinh thái còn lại như cỏ năng, lúa ma, cỏ ống, cỏ mồm mốc, thì sau khi cháy chỉ 3-4 tháng, tất cả đều phục hồi nhanh chóng. Đặc biệt là Sếu đầu đỏ, chúng thường kiếm ăn trên các cánh đồng cỏ năng sau khi cháy, vì lớp bổi trên mặt đất không còn nên mỏ chúng dễ dàng moi được củ năng còn lại trong đất!

Người dân sống nơi đây cũng như con chim con cá, họ biết cách khai thác rất hiệu quả tiềm năng đa đạng sinh học của Đồng Tháp Mười. Mùa khô họ tìm cá, tép ở những nơi trũng, còn đọng nước và mùa mưa thì giăng lưới, đặt lọp, đặt lờ vào chỗ nước sâu, nước chảy. Vì vậy, hễ đến cuối mùa khô, nếu không đốt đồng để bắt chim, chuột thì họ cũng đốt để dọn dẹp sạch cỏ cho việc giăng lưới, đặt lọp vào mùa nước nổi sắp tới.

Tập quán đốt đồng của người dân địa phương đã góp phần làm giảm chất hữu cơ tích tụ trên đồng. Với họ, lửa là phương tiện để làm vệ sinh đồng ruộng nhanh và rẻ nhất; tập quán này nông dân vẫn còn áp dụng phổ biến ở nhiều nơi.

Cách phòng cháy chưa ổn

Năm 1990, để giữ nước vào mùa khô, VQG Tràm Chim đã xây dựng xung quanh một hệ thống đê bao và cống điều tiết nước. Hệ thống đê này, giống như đê bao lửng (đê bao tháng 8) của các vùng trồng lúa ở An Giang và Long An, tức là chỉ ngăn nước lũ đến tháng 8, sau đó nước tràn qua đê và ngập toàn VQG.

Do áp lực sợ cháy rừng tràm, từ năm 1999 VQG Tràm Chim luôn giữ nhiều nước trong mùa khô. Đến năm 2002, hệ thống đê bao xung quanh được nâng cấp cao hơn, để có thể giữ nước bên trong rất cao và ngăn hoàn toàn nước tràn qua đê vào mùa lũ. Hệ thống đê này làm thay đổi rất nhiều hệ sinh thái của VQG. Trước tiên, nó làm giảm lượng cá di cư vào VQG trong mùa nước nổi; nó cũng làm giảm khả năng trao đổi nước giữa bên trong và bên ngoài và làm cho chất hữu cơ tích tụ nhiều hơn và vì phân hủy yếm khí nên chúng gây ra thối nước.

Đặc biệt là giữ nước cao làm cho các đồng cỏ năng chết hoặc không tạo củ nên thiếu nguồn thức ăn, làm số lượng sếu về VQG Tràm Chim giảm đột ngột. Mặc dù chúng ta đã rất nỗ lực để điều chỉnh lại mực nước, giúp các cánh đồng cỏ năng phục hồi, tạo củ, nhưng số lượng sếu về VQG Tràm Chim đến nay vẫn không cải thiện được bao nhiêu.

Mỗi năm một héc ta đồng cỏ của VQG sản xuất khoảng 20 tấn chất hữu cơ và của rừng tràm là khoảng 12 tấn. Trước đây, khi chưa thành lập VQG, thì việc dọn dẹp các chất hữu cơ này chủ yếu là do người dân đốt đồng, phần còn lại thì theo dòng nước nổi trôi đi nơi khác, nên việc tích tụ tại chỗ là không đáng kể.

Hiện nay, việc tích tụ chất hữu cơ làm cho công tác quản lý nước của VQG càng thêm phức tạp. Vì nếu giữ nước nhiều sẽ làm chết cỏ, tăng ô nhiễm; làm giảm lượng cá di cư; làm cỏ năng không tạo củ và làm giảm số lượng sếu về hàng năm. Ngược lại, nếu giữ nước ít, thì nguy cơ xảy ra cháy càng tăng. Cháy có thể làm thay đổi hệ sinh thái, làm dư luận xã hội bức xúc, nhưng nếu cháy ít hơn 30% diện tích thì không phải lúc nào cũng làm giảm tính đa dạng sinh học!

Tóm lại, bảo vệ hệ sinh thái của VQG Tràm Chim là việc quản lý hợp lý giữa nước và lửa. Nhiều lửa quá hay nhiều nước quá cũng đều ảnh hưởng đến tính đa dạng sinh học. Cần lưu ý là giữ nước nhiều càng làm tăng quá trình tích tụ chất hữu cơ và sự tổn thương đa dạng sinh học do giữ quá nhiều nước sẽ khó khắc phục hơn; trường hợp của Sếu đầu đỏ trên đây là một ví dụ cụ thể.

(TB KTSG, 10/5/2010)

Lượt xem: 2386

Các tin khác

Đưa thiên nhiên đến gần cộng đồng

(23/12/2024 06:20:AM)

Áp dụng LEZ: Lựa chọn từ thực tế, kỳ vọng đột phá cho môi trường Thủ đô

(16/12/2024 06:57:AM)

Gỡ vướng mắc thị trường tài chính xanh

(11/12/2024 09:30:AM)

Tài chính khí hậu là con đường dẫn đến công lý khí hậu

(18/11/2024 08:37:AM)

Tìm tiền carbon cho cây lúa

(13/11/2024 08:51:AM)

COP16: Bất đồng chưa thể vượt qua

(05/11/2024 06:53:AM)

Tăng tốc năng lượng tái tạo

(21/10/2024 08:54:AM)

Kinh nghiệm phát triển công trình xanh trên thế giới và đề xuất đẩy mạnh ở việt nam để đáp ứng mục tiêu phát thải ròng khí co2 = zero vào năm 2050

(18/10/2024 08:29:AM)

Người tiêu dùng Net Zero

(30/09/2024 06:12:AM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE