Tại khuôn viên chùa Hưng Long ở làng Thư Điền, xã Ninh Nhất, Thành phố Ninh Bình có cây Thị và cây Bàng đã nhiều năm tuổi.
Nguyễn Tử Chuấn, 89 tuổi
Một người con của quê hương,
Làng Thư Điền, xã Ninh Nhất, TP Ninh Bình
Cây Thị được trồng ngay bên cạnh Chùa, phía sân trước, trên nền đất ngôi miếu thờ Lục vị cộng đồng; cây Bàng được trồng cạnh Gác chuông (Tam quan).
Hỏi ai cũng chẳng biết hai cây này được trồng từ bao giờ, ai cũng nói khi lớn lên đã thấy có hai cây này rồi!
Cũng nhờ có cuốn “Minh ký vựng biên” của cụ Nguyễn Tử Mẫn[1] ghi chép vào năm 1852 nên mới biết được ngôi chùa đã được sư ông họ Nguyễn, hiệu Huệ gia (Huệ gia Thiền sư Nguyễn Ông) sửa sang, xây tường đá, lợp ngói vào năm Nhâm Thìn (1592), niên hiệu Quang Hưng thứ 15, đời vua Lê Thế Tông; trước kia Chùa chỉ là tường đất, mái tranh; do vậy cũng có thể dự đoán cây Thị đã được trồng khi xây dựng Chùa. Còn Gác chuông bị bão làm đổ vào năm Ất Mão (1735); đến mùa Hạ năm Ất Dậu (1765), niên hiệu Cảnh Hưng thứ 26, đời Vua Lê Hiển Tông, cụ Hậu Thần, tức cụ Tham Nghị Nguyễn Tử Dự[2] đã tổ chức xây dựng lại nên cũng có thể suy ra cây Bàng được trồng khi xây dựng Gác chuông vậy!
Dân làng ai cũng tự hào tại nơi Chùa làng có hai cây cổ thụ to cao, có thế đẹp, độ tuổi nhiều năm, nay vẫn bốn mùa tươi tốt.
Đáp ứng nguyện vọng của bà con muốn biết tuổi của hai cây cổ thụ ở địa phương, Uỷ ban Nhân dân xã đã có thư đề nghị Viên Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam giúp đỡ giám định cụ thể tuổi của cây Thị và cây Bàng.
Viện đã cử cán bộ khoa học về nghiên cứu thực địa, lấy mẫu gỗ của hai cây về phân tích, giám định. Ngày 30 tháng 11 năm 1998, Viện đã có Thông báo cho biết là cây Thị đã có độ tuổi (510 +/- 10) năm, cây Bàng có độ tuổi (215 +/- 5) năm. Như vậy, nếu tính đến năm 2011, tuổi của cây Thị khoảng 520 năm, tuổi cây Bàng khoảng 225 năm. Bản Giám định của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cũng nêu rõ: “Trong những cây được nghiên cứu từ trước tới nay thì đây là hai cây có tuổi thọ cao nhất của hai loài cây này; nó có ý nghĩa cả về giá trị khoa học và lịch sử nên cần được bảo vệ và chăm sóc chu đáo”.
Căn cứ vào kết luận khoa học của Viện mới thấy các cụ xưa kia đã khéo lựa chọn hai cây để trồng ở nơi đền thờ, miếu mạo tại quê hương.
Cây Thị thuộc loại thân gỗ, hiện cao khoảng 28 mét, vẫn xanh tốt, hàng năm cho hoa, kết trái; quả thị mọng, khi còn nhỏ màu xanh, lúc chín màu vàng, có mùi thơm, đây là giống thị sáp; khi quả chín thường được hái để dâng cúng vào Chùa cùng với nhiều loại hoa quả khác trong khuôn viên của Chùa.
Ai được quả thị cũng rất thích thú, để thưởng thức mùi thơm ngát rất dễ chịu, đâu dễ đem ra ăn ngay như những quả mơ, quả mận. Đến khi muốn ăn thường lấy dao sắc bổ vỏ ra thành hình ngôi sao năm cánh, giữ lấy vỏ đem dán lên tường, lên cột nhà để thưởng thức mùi thơm và để thấy sự khéo léo của người bổ quả, có khi còn thi đố thử đoán xem từng quả có bao nhiêu hạt rồi cười xoà với nhau thật vui.
Các cô cậu học sinh khi còn nhỏ tuổi, mỗi buổi sáng cắp sách đến trường thường tranh thủ đi sớm trước giờ học để mong nhặt được vài quả thị do gió lay rụng ở sân chùa.
Truyện cổ tích Tấm Cám cũng có kể bà lão già hiền hậu cũng muốn có một quả thị nên có điều ước: “Thị ơi! thị rụng bị bà, bà để bà ngửi chứ bà không ăn”. Còn cô Tấm gặp nỗi oan khiên do người dì ghẻ độc ác bày trò làm cho bị ngã cây cau mà chết, nhưng Trời Phật đã thương kẻ ngoan ngoãn, đức hạnh cho nhập vào quả thị để chờ ngày sẽ được gặp lại chồng là bậc vua chúa. Qua những câu chuyện trên mới thấy thị là giống cây thanh cao nên thường được lựa chọn đem trồng ở nơi miếu mạo, chùa chiền.
Cây Bàng được trồng cạnh Gác chuông thì khỏi phải nói, cây thuộc loại thân gỗ, hiện cây cao khoảng 26 mét, cây có cái thế rất đẹp, có nhiều tầng cành, tán lá xoè rộng, lá to, cành vươn dài, che phủ cả mái Gác chuông. Mùa hè oi bức, được ngồi hóng mát dưới tán cây Bàng đón gió nồm nam, thấy tinh thần thoải mái, mệt nhọc vơi đi, khoẻ khoắn hẳn ra.
Cây Bàng mùa hạ lá xanh, mùa đông lá đỏ; mùa lá xanh có vẻ đẹp tươi mát đầy sức sống, mùa lá đỏ lại có vẻ đẹp riêng, khoẻ khoắn và rắn chắc, cả đến khi mùa đông về, lá bàng rụng hết, hiện rõ nét cổ thụ của thân cây và những tán cành được sắp xếp rất hài hoà, tự nhiên.
Quả bàng khi chín có màu vàng, vị ngọt mát, tìm hái bàng chín để ăn là một thú vui, nhất là đối với lứa tuổi học sinh. Sân trường thường trồng bàng để lấy bóng mát cho học sinh những ngày nóng nực; mùa đông bàng rụng hết lá, lớp học lại có thêm ánh sáng cho cả thầy và trò.
Nhà văn Đỗ Chu cũng rất thích phong cảnh có cây bàng nên viết bài văn: “Tản mạn trước đèn” trong cuốn sách giới thiệu Hà Nội những sắc màu văn hoá: “Nói cho cùng, cứ để các nhà sinh vật cảnh mặc sức thi thố tài năng vẫn không bén được gót các cụ ta xưa. Hãy nhìn xem xung quanh Hồ Tây là những rặng bàng bát ngát, làng nào cũng bàng, ngõ nào cũng bàng, đường nào, sân nào cũng bàng. Những vòm cổng dưới bàng, những hiên nhà dưới bàng, vườn ao, bờ giếng, đền miếu, chùa chiền đều nấp dưới tán bàng. Và áo the, khăn xếp, nón thúng quai thao, khăn vuông mỏ quạ, áo dài tứ thân, yếm trắng bao xanh, tất cả đều hiện ra thấp thoáng dưới rặng bàng. Chao ôi, chơi đến thế là tuyệt vời, lịch duyệt mà lại gần gũi, giản dị biết bao. Đây là chơi giữa đất trời, sống giữa đất trời, sống cùng đất trời”.
Những cây cổ thụ được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là cây Di sản ở nơi này, nơi khác đều rất quí, rất có ích cho hệ sinh thái. Sở dĩ tôi ngợi ca nhiều, viết nhiều về cây Thị và cây Bàng ở quê hương là hai cây có độ tuổi lâu năm, rất quí hiếm, toả rộng bóng mát cho đời, lại được lựa chọn trồng ở nơi có vị trí đẹp, tạo nên một Danh lam thắng cảnh ở một vùng quê, ai ai cũng phải ngợi khen!
Tôi đã viết thư gửi đến Hội đề nghị Hội xem xét cấp Bằng, gắn bia vinh danh cây Thị, cây Bàng ở nơi chùa Hưng Long là cây Di sản Việt Nam. Hội đã nhất trí và có công văn trả lời sẽ phối hợp cùng địa phương tổ chức lễ công nhận vào thời gian thích hợp. Đây là niềm vinh dự, tự hào của cả quê hương.
Tôi xin được dùng hai câu trong một bài thơ của tác giả Nguyễn Thị Bích Ngọc, một giáo viên đã nghỉ hưu, hiện đang sinh sống tại Hà Nội, nói lên tình cảm của những người đang sinh sống xa quê, mỗi khi nhớ đến quê hương, làng xóm:
“Xa quê, nhớ xóm, nhớ làng,
Nhớ cây Thị, nhớ cây Bàng, Gác chuông”.
[1] Nguyễn Tử Mẫn: Bà con dân làng, con cháu trong Họ thường kêu xưng là cụ Huyện; Cụ thi đỗ Cử nhân và được bổ nhiệm chức Tri Huyện, Triều nhà Nguyễn.
[2] Nguyễn Tử Dự: thi đỗ Cử nhân, làm quan Tham Nghị Triều Nhà Lê, được nhân dân suy tôn là Hậu Thần.