Ông Nguyễn Quang Tưởng, Phó Chủ tịch UBND xã Ngũ Phúc, đồng thời là trưởng ban di tích lịch sử đền Mõ, cho biết cây gạo có hai thân. Thân chính có chiều cao khoảng 30m, đường kính hơn 2m. Thân phụ có đường kính 0,49m mọc ra từ gốc thân chính. Mặc dù đã trải qua 727 năm, cây gạo vẫn rất xanh tốt và ra hoa đỏ rực rỡ vào tháng 3.
Đền Mõ thờ Quỳnh Trân Công Chúa, người trực tiếp trồng cây gạo. Sau khi công chúa qua đời, nhân dân địa phương đã xây đền thờ. Đền Mõ có từ đấy và được giữ đến ngày nay cùng với cây gạo ngày nay.
Thân phụ mọc ra từ thân chính
Cụ Nguyễn Xuân Nhị, 80 tuổi, ở thôn Chiếng, xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng, kể: “Năm 2009 một cơn bão đã quật đổ hai cây gạo ngoài cổng đền Mỗ. Hai cây gạo này cũng tương đương 700 năm tuổi.”
Lễ hội đền Mõ tổ chức hàng năm trong ba ngày, từ 12 đến 14/2 (âm lịch). Do điều kiện kinh tế khó khăn, lễ hội chỉ được tổ chức hàng năm từ 20 năm trở lại đây. Cùng với các nghi lễ rước thánh hoàng, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, tại lễ hội này còn có nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn như vật, đánh cờ, v.v…
"Lễ hội đền Mõ diễn ra trong ba ngày chính là dịp tưởng nhớ đến ngày giỗ của Quỳnh Trân Công Chúa ", cụ Nhị kể.
Đền Mõ là một di tích lịch sử văn hóa thờ Quỳnh Trân Công Chúa, người có công với đất nước được các triều đại, nhà nước phong kiến trao 11 sắc phong. Năm 1992, đền Mõ được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
TS Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Việt Nam, cho biết đến nay VACNE đã gắn biển công nhận 70 cây di sản ở bốn tỉnh thành gồm Hà Nội, Thừa Thiên-Huế, Hải Dương, và Hải Phòng.
VACNE cũng cho biết ngày 19/3 tới đây sẽ tổ chức lễ vinh danh một cây thị ước chừng 900 năm ở Ba Vì, Hà Nội.