Dân ở thôn Dược Thượng (xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) ví cây đa hàng trăm năm ở nơi đây trông giống như “dáng một người mẹ” dang hai tay che chở đàn con.
Sự kiện lịch sử
Trong suốt chiều dài lịch sử, cây đa ở thôn Dược Thượng (xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) là một chứng nhân lịch sử trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Ngày nay, những người con Dược Thượng lại được chứng kiến một sự kiện mang tính lịch sử là đón nhận bằng công nhận cây đa làng là
cây di sản Việt Nam.
Theo truyền thuyết làng Thược Dược là một làng cổ có từ rất lâu đời (có thuyết cho rằng có từ thời vua Hùng Vương thứ 6 nên mới có tục lệ rước voi trong ngày hội mồng 6 tháng Giêng, một hội lớn của Sóc Sơn hàng năm).
Trước năm 1945, làng có tên nôm là làng Dọc (Dọc Thượng) thuộc tổng Tiên Dược – huyện Đa Phúc – tỉnh Phúc Yên. Làng có ngôi đình cổ (nay không còn) thờ đức Thành Hoàng là “xá lợi đại vương” thời Vua Lý Anh Tông (Nhà Lý).
Quanh làng có 24 gò nổi có tên và không có tên (qua các thời kỳ cải tạo đồng ruộng và cấp đất ở cho dân, các gò nổi phần lớn đã mất đi). Các gò nổi này khi cải tạo đồng ruộng phá và sau lấp, phần lớn là những mảnh gốm, ngói cổ có một số còn nguyên vẹn một số vạt rừng rậm rạp, cây cối xum xuê, có nhiều loài chim thú cư trú và đến di cư. Nay làng còn hai cây đa, trong đó có cây đa được vinh danh là cây di sản Việt Nam. Ngoài ra còn có hai giếng cổ, từ đáng giếng đến miệng giếng đều được xếp bằng đá xanh cổ kính.
Hai dấu son lịch sử ấy quả thực đã và sẽ ghi đậm trong lòng của người dân nơi đây, mà cây đa tía hơn 200 tuổi chính là “nhân chứng lịch sử” đưa chúng ta từ quá khứ đến tương lai. Một tương lai mà người dân Dược Thượng tin là cây đa sẽ tiếp tục mang lại cho họ một cuộc sống an lành, hưng thịnh, che chắn nắng mưa bão táp như trước đây từng che chắn bom đạn, bảo vệ dân làng vậy.
Theo ý kiến của các bậc cao niên và phỏng đoán của nhân dân địa phương, cây đa không phải là mọc tự nhiên của rừng xa xưa còn sót lại, mà do bàn tay của tổ tiên trồng với mong muốn làng được hưng thịnh, trường tồn (thọ như cây đa – cây đề) để con cháu mãi mãi được hưởng bóng mát đa che hôm sớm.
Cụ bà Nguyễn Thị Liễu, một người dân Dược Thược hơn 80 tuổi, cho hay, cây đa không phải tự mọc mà do tổ tiên trồng cách đây cũng mấy trăm năm ở cổng làng với mong muốn che chắn nắng cho nhân dân mỗi khi đi làm đồng về.
Thật vậy, trải qua biến cố của lịch sử, với biết bao bão táp, mưa sa, cây đa làng vẫn đứng vững hiên ngang giữa đất trời chở che lớp lớp dân làng Dược Thượng với hàng chục thế hệ được hưởng bóng mát trong lành.
Nhân chứng sống giữa dân làng
Ông Thái Văn Huế, trưởng thôn Dược Thượng, kể thời chống Mỹ, cây đa còn là đài phát thanh nơi tuyên truyền mọi chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật nhà nước đến nhân dân. Là hộp thư liên lạc bí mật thời kháng chiến chống Pháp của cán bộ, du kích thời kỳ tạm chiến, là đài quan sát phòng không nhân dân thời kỳ chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, cây đa còn là hầm trú ẩn tránh bom đạn của nhân dân.
Một người con Dược Thượng nhớ lại “hồi năm 1967, bom Mỹ dội xuống nhà cửa, ruộng đồng nhưng cây đa vẫn đứng vững. Hồi đó cây đa còn là nơi trú ẩn của sư đoàn 371”.
Theo các cụ kể lại, thôn Dược Thượng có ba cổng gồm cổng Đông, cổng Tây, và cổng Bắc thì cây đa nằm ở ngay mép con đường làng ở cổng phía Đông. Trước đây cây đa có bốn cành nhưng do thời gian cùng với sự tác động của con người, hiện nay cây đa chỉ còn hai cành vươn dài sang mỗi bên chừng 20m.
Ngoài thân chính có đường kính khoảng 2m, cây đa còn có ba rễ phụ cắm xuống đất, trong đó có một gốc phụ có đường kính khoảng 50 – 60cm. Cách từ mặt đất lên chừng 3m là hai cành vươn sang hai bên như hai cánh tay với mỗi cánh tay dài hơn 20m. Quả thực, như dân trong làng ví, cây đa trông giống như “dáng một người mẹ” dang hai tay che chở đàn con.
Chính vì vậy cây đa từ lâu đã là biểu tượng, niềm tự hào của nhân dân Dược Thượng nói riêng và của nhân dân Tiên Dược nói chung. Ngày nay hơn 4000 nhân khẩu Dược Thượng có thêm niềm vui vì không còn bó hẹp trong một địa phương mà đã trở thành “cây di sản Việt Nam” là một tài sản chung của một cộng đồng rộng lớn, là niềm tự hào của mỗi người.
“Hiểu được ý nghĩa tầm quan trọng của cây đa làng, lớp lớp những thế hệ nối tiếp đã biết chân trọng và giữ gìn vì cây đa là báu vật, là tài sản thiêng liêng mà ông cha ta để lại. Ngày nay đất nước thanh bình, hòa trong niềm vui chung của đất nước, cây đa trên quê hương Thược Dược như có sự hòa đồng, chia sẻ với người nên ngày càng xanh tươi”, ông Huế nói.
Điều đó được thể hiện qua bốn câu thơ mà hiện nay người dân Dược Thượng lưu giữ: Sừng sững hiên ngang đứng giữa trời/Nhiều năm trăm tuổi vẫn xanh tươi. Cây đa biểu tượng làng tôi đó/Hưởng bóng đa che nối tiếp đời.
Mạnh Cường
(MOITRUONG.COM.VN)