quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
DIỄN ĐÀN MÔI TRƯỜNG

Cát Tiên – 4. Vũ điệu không tên

Thứ Ba, 30/08/2011 | 11:32:00 AM

Trong đời sống xã hội, có nhiều ca khúc hay thi phẩm được đặt tên là “Không tên” (Unnamed). Không tên cũng là tên. Nhưng một số “vấn đề” quan trọng liên quan đến Cát Tiên, ban đầu có tên đàng hoàng, nhưng sau đó thì đúng là “không tên” thật.

 
 
Nguyễn Đình Hòe, VACNE

Khu Cát Lộc trong bản đồ tổng thể VQG Cát Tiên – đứa “con nuôi” của
VQG Cát Tiên
1.   Cát Lộc, chưa thấy “cát’ cũng chưa thấy “lộc”.
Chữ Cát trong tên Cát Tiên hay Cát Lộc không phải nghĩa cát (sỏi) mà là (đại ) cát , nghĩa là may mắn. 328ha đất rừng thuộc khu Cát Lộc, phần tách rời phía bắc của vườn quốc gia Cát Tiên, còn được gọi là khu bảo tồn tê giác, được giao cho dân địa phương quản lý, sau 5 năm hiện chỉ còn khoảng 10-20 ha rừng. Trên 300 ha đã trở thành nương rẫy. Những con đường mở ra và người dân di cư từ các nơi đến đã nhanh chóng triệt phá những cánh rừng để khai thác gỗ, lấy đất trồng cây công nghiệp. (1)
Năm 1998, cùng năm với việc Khu bảo tồn Tê giác Cát Lộc được chuyển thuộc VQG Cát tiên để Vườn chính thức đổi tên từ VQG Nam Cát Tiên thành VQG Cát Tiên, xã Đồng Nai Thượng được “qui hoạch” với diện tích trên 1.800ha, nằm ở vị trí cắt đôi khu bảo tồn tê giác Cát Lộc. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sau đó phê duyệt dự án đầu tư bố trí hợp lý dân cư để tạo điều kiện cho hoạt động bảo tồn. Theo đó, những thôn 3, thôn 4 (xã Phước Cát 2), thôn K’Lo – K’Ích (xã Gia Viễn), thôn Cọ và thôn K’Lút (xã Tiên Hoàng) thuộc huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng trong diện phải di dời. Lúc ấy ước tính chi phí cho dự án gần 50 tỉ đồng. Tuy nhiên, đầu năm 2007 thôn 3, thôn 4 tiếp tục định cư tại chỗ !  Lý do không di dời được là “thiếu kinh phí”. Không đi được, ở lại thì đất canh tác không đủ, chỉ còn cách nhào vô rừng cấm tranh đất với tê giác. Bây giờ tê giác cũng đã không còn gặp vết tích. Nhiều ý kiến đòi hỏi “Phải trả lại rừng cho tê giác” (2), nhưng nếu tê giác không còn (?) thì tốt nhất là trả lại rừng Cát Lộc cho địa phương để người dân có nguồn sinh kế.
2.   “Thánh địa” không biết của ai và thờ cúng vị thần nào.
Kể từ khi phát hiện (năm 1985), “Thánh địa” Cát Tiên nằm tại xã Quảng Ngãi thị trấn Đồng Nai thuộc huyện Cát Tiên Lâm Đồng đã trải qua 8 lần khai quật với hàng ngàn hiện vật có giá trị khoa học được tìm thấy. Các nhà khoa học trong và ngoài nước cũng đã tổ chức 2 cuộc hội thảo khoa học về Cát Tiên, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa thể “giải mã” về niên đại cũng như chủ nhân của di tích này. Đến nay nhiều người cũng mới chỉ biết đến Cát Tiên là quần thể di tích kiến trúc Balamon giáo có niên đại khá sớm còn sót lại cho đến nay ở khu vực Nam Tây Nguyên.
Tại Hội thảo khoa học lần thứ nhất về di tích Cát Tiên (năm 2001), các nhà khoa học gần như đi đến thống nhất đây là quần thể di tích của một nền văn hóa riêng biệt, độc lập, không thuộc nền văn hóa nào đã biết và cùng chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Ấn Độ.
Đến Hội thảo khoa học lần 2 do Viện Sử học Việt Nam, Hội Di sản văn hóa Việt Nam và UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức vào trung tuần tháng 12-2008 tại TP Đà Lạt, các nhà khoa học vẫn chưa thống nhất được niên đại cũng như việc xác định ai là chủ nhân của di tích này. GS Phan Huy Lê – nhà sử học hàng đầu Việt Nam kết luận: “Có lẽ còn lâu mới xác định được chủ nhân của di tích, vấn đề này không hề đơn giản” (3). “Thánh địa” Cát Tiên vẫn là một câu hỏi thách thức giới khảo cổ. Nó vẫn chưa có tên chính danh.
3.   Thủy điện sẽ không còn tên?
Hai dự thủy điện Đồng Nai 6 và 6A do tập doàn Đức Long Gia Lai đầu tư đang gặp sự phản đối dữ dội từ một bộ phận công luận và từ một số nhà khoa học. Hai dự án này nằm ở ranh giới phía Bắc khu vực Cát Lộc.
Nhà máy nằm trên đất tỉnh khác không thuộc khu Cát Lộc,, nhưng hồ chứa sẽ gây ngập 137 ha thuộc rìa Bắc khu Cát Lộc, cách xa trung tâm đa dạng sinh học của VQG Cát Tiên tại Nam Cát Tiên với bàu sấu với bò tót với nai với chim với gỗ quý với tự nhiên hoang sơ…60 – 80 km, ngăn cách với rừng cấm Nam Cát Tiên qua cả một huyện Cát Tiên.
Nếu tê giác Cát Lộc còn, có thể chúng tìm đến diện tích sẽ bị ngập nước do thủy điện này để kiếm ăn. Sinh thời, tê giác một sừng là loài rất tinh khôn, nhờ vậy mà chúng mới tồn tại. Giới khoa học chỉ chụp được ảnh (máy chụp ảnh hồng ngoại tự động ban đêm) mà không thấy chúng tận mắt, cho đến khi gặp được bộ xương của con tê giác đã bị săn trộm và cưa mất ngà. Một giống vật tinh khôn như tê giác chắc lẩn khuất sâu trong rừng, nếu chúng cư trú ven sông chắc bị săn hết từ lâu rồi.

Ảnh vệ tinh Google năm 2011 khu Cát Lộc. Hướng Bắc nằm về phía góc bên phải phía trên của tấm ảnh.
Nếu 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A với sản lượng điện 1 tỷ kW/năm đủ đáp ứng nhu cầu điện của 3 tỉnh Lâm Đồng, Đắc Nông và Bình Phước bị bác bỏ, như một bộ phận dư luận kỳ vọng, vì tội “giết chết VQG Cát Tiên”, lại sẽ có thêm những kỳ vọng trở thành không tên. Mai sau liệu có lúc nào Cát Tiên đổi thành “Vùng đất Không tên – Unnamed Land” không? Thiết tưởng cần có nhời hỏi thêm ý kiến của chính người dân Cát Tiên Cát Lộc mà lâu nay không thấy bất cứ ai trong số những chủ nhân thực sự của vùng đất này xuất hiện trên báo chí, truyền hình hay hội thảo khoa học.
Xin mời Quý bạn đọc xem tiếp : Cát Tiên - 5. Vũ điệu có tên
 
 
 
 
 
Chú thích
1.    Đức Tuyên.Rừng và sông đầu nguồn tan nát . 2011. http://www.binhduonghospital.org.vn/rung-va-song-dau-nguon-tan-nat/25/05/
2.    Yên Trinh. Trả rừng cho tê giác. 2007. http://vietbao.vn/Phong-su/Tra-rung-cho-te-giac/40197144/263/
3.    Thụy Trang. Bí ẩn Thánh địa Cát Tiên.8/2011.                                                                                                         
 
 

Lượt xem: 1778

Các tin khác

Đưa thiên nhiên đến gần cộng đồng

(23/12/2024 06:20:AM)

Áp dụng LEZ: Lựa chọn từ thực tế, kỳ vọng đột phá cho môi trường Thủ đô

(16/12/2024 06:57:AM)

Gỡ vướng mắc thị trường tài chính xanh

(11/12/2024 09:30:AM)

Tài chính khí hậu là con đường dẫn đến công lý khí hậu

(18/11/2024 08:37:AM)

Tìm tiền carbon cho cây lúa

(13/11/2024 08:51:AM)

COP16: Bất đồng chưa thể vượt qua

(05/11/2024 06:53:AM)

Tăng tốc năng lượng tái tạo

(21/10/2024 08:54:AM)

Kinh nghiệm phát triển công trình xanh trên thế giới và đề xuất đẩy mạnh ở việt nam để đáp ứng mục tiêu phát thải ròng khí co2 = zero vào năm 2050

(18/10/2024 08:29:AM)

Người tiêu dùng Net Zero

(30/09/2024 06:12:AM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE