quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
DIỄN ĐÀN MÔI TRƯỜNG

Cát Tiên - 5. Vũ điệu của những phát hiện mới mà rất cũ

Thứ Tư, 31/08/2011 | 03:33:00 PM

Chuyến khảo sát cuối tháng 8/2011 của VACNE tại Cát Tiên đã phát hiện một số thông tin mới và cái nhìn mới về khu vực này. Nhưng thực ra không phải mới. Chúng có sẵn đó từ xưa rồi, ở vùng đất Cát Tiên, nhưng trước đây chưa ai để ý hoặc hiểu sai mà thôi. Những tấm ảnh mới chụp cuối tháng 8/2011 sẽ bổ sung nhiều điều mà phần dẫn giải của bài báo này không nói hết.

 
Nguyễn Đình Hòe, VACNE
1.Khu bảo tồn tê giác Cát Lộc là một mảnh sót của một cao nguyên đất đỏ basalt.

Khu Cát Lộc, nơi dự kiến đặt các đập thủy điện Đồng Nai 6 và 6A ở rìa phía bắc, có bề mặt của một cao nguyên bị xâm thực có độ cao trung bình khoảng 400 – 500 m. Phủ trên bề mặt cao nguyên đó là lớp đất đỏ basalt khá dày và màu mỡ rộng hàng chục ngàn ha. Đây là loại basalt cổ có tuổi cuối kỷ Neogen – đầu kỉ Đệ Tứ (khoảng từ trên1 triệu năm đến 700 ngàn năm trước) Do thảm thực vật rất thưa nên cấu trúc dạng vòm phủ của tầng basalt lộ rõ trên ảnh vệ tinh Google Earth.
 
 
Đường vào xã Đồng Nai Thượng xen giữa vùng lõi khu Bảo tồn tê giác Cát Lộc, nhiều diện tích đã bị khai quang. Dân địa phương thiếu đất canh tác, mà đất trong khu bảo tồn Cát Lộc lại là đất basalt màu mỡ nên hàng trăm ha khu bảo tồn đã bị người địa phương chuyển thành đất nương rẫy hoặc cây công nghiệp. Có đất basalt, lượng mưa dồi dào, lại sẵn lao động địa phương, tiểu cao nguyên Cát Lộc đủ khả năng trở thành một “Tiểu Lâm Đồng” với rau với điều với chè với hoa. Tuy nhiên giờ nó chỉ là rừng thưa, cây bụi vì là khu bảo tồn tê giác.

Tại những diện tích khai quang đó, điều là một loài cây được trồng nhiều trên đất đỏ basalt. Một số người dân Cát Tiên nói : bây giờ không còn tê giác, mong sao Quốc hội cắt khu Cát Lộc ra khỏi diện tích bảo tồn giao về cho địa phương phát triển kinh tế, để người dân có đất canh tác, vừa xóa đói giảm nghèo, vừa không buộc phải làm “đất tặc”.


Xe bị thủng lốp trên đường trong khu bảo tồn Cát Lộc (đường đến xã Đồng Nai Thượng); xung quanh toàn đất đỏ basalt. Một mảnh dăm đá basalt sắc như dao đã chọc thủng lốp chiếc xe chuyên chinh chiến đường núi. Đường đất đỏ basalt gặp mưa dính như keo. Một bác đi xe máy “lết” từ Đồng Nai Thượng ra cho biết : “nếu Cát Lộc còn thuộc khu bảo tồn thiên nhiên thì có đường như thế này là may rồi, vì đường ô tô không được phát triển trong khu bảo tồn”.
2. “Thánh địa” Cát Tiên – những phát hiện bổ sung cho ngành khảo cổ



Vị trí “Thánh địa” Cát Tiên bị vẽ sai trên bản đồ hành chính tỉnh Lâm Đồng. Vị trí đúng của Thánh địa dịch về phía đông bắc so với vị trí trên bản đồ khoảng 15 km, trong “Tiểu Cát Tiên” – một thung lũng treo và nhỏ nằm ở phía đông bồn địa Cát Tiên - trên bờ một đoạn sông Đồng Nai có 3 đứt gãy địa chất cắt qua. “Thánh địa” nằm trên vùng gò đồi cao ráo, không phải nằm ở bãi bồi sông Đồng Nai như nhiều sử liệu vẫn nói. Đứt gẫy địa chất là đới có năng lượng cao. Đó liệu có phải là lí do để người xưa xây “thánh địa” ở đây ?

Gò tháp số 2 của “Thánh địa” Cát Tiên đã quay cửa chính về phía đông bắc khoảng 30 o so với hướng chính đông. Hãy so sánh đường ghép dọc giữa các viên gạch tại cửa đền thờ, nó chỉ rõ hướng cửa chính của ngôi đền, với bóng nắng tháng 8 đổ dài của chiếc cột - chỉ hướng đông - sẽ thấy độ lệch. Cửa hướng chính đông là một tiêu chí khắt khe đối với một đến thờ Bà la môn giáo. Nhiều khả năng sự quay của khu đất có đền thờ này là do hoạt động của đứt gãy địa chất, giống như hiện tượng ở Thánh địa Mỹ Sơn.

Bộ Linga – Yoni lớn nhất Đông Nam Á nằm trên ngọn đồi cao chừng 50 mét so với mực nước trung bình sông Đồng Nai. Các ngôi đền tháp khác ở “Thánh địa” Cát Tiên đều nằm trên các gò cao 3-5 m so với bãi bằng dưới chân, bãi bằng này cao 15 m so với mực nước trung bình của sông Đồng Nai và gò gần sông nhất cũng cách sông 25 m. Ông Minh Giám đốc khu bảo tồn “Thánh địa” cho biết “Thánh địa” không mấy khi ngập nước. Vào những dịp lũ to nhất hiếm có, nước chỉ ngập mấy hố trũng trong khu “Thánh địa”, nhưng rút rất nhanh. Bây giờ lượng nước sông Đồng Nai đã giảm bớt do thủy điện Đại Ninh chuyển nước xuống Bình Thuận, khả năng ngập lụt “Thánh địa” là không còn. Theo tất cả những gì đã biết, không ai xây đền chùa thánh địa trên đất bãi bồi thường ngập lụt ven sông.

Những phiến đá lớn tại khu “Thánh địa” lâu nay vẫn được coi là đá basalt, thực ra là đá phun trào andesite, một loại đá không có trong bồn địa Cát Tiên nhưng lại rất sẵn ở Lâm Đồng. Nhiều bộ Linga – Yoni và ngay cả tượng Bà Ponaga trong tháp Chăm Ponaga Nha Trang cũng được tạc từ đá andesite. Liệu điều đó có giúp làm sáng tỏ mối liên quan ít nhiều của ‘Thánh địa” Cát Tiên với văn hóa Chăm Pa xưa ?

Bộ Linga – Yoni cũng được làm từ đá phun trào andesite, không phải từ đá basalt như một số sử liệu vẫn đồn.
 

Đoạn sông Đồng Nai chảy sát “Thánh địa” Cát tiên có hình nửa chữ “Vạn”. Hình chữ Vạn từ lâu đã là ký biểu tượng của sự tốt lành và mạnh mẽ trong vô số nền văn hóa trải trên khắp địa cầu. Trong văn hóa phương Đông, hình chữ Vạn là tượng trưng cho Phật. Ở Trung Quốc, hình chữ Vạn cũng là hiện thân của các khái niệm bất diệt, vô tận và vũ trụ. Hình chữ Vạn và ký hiệu âm dương là biểu trưng cho vũ trụ vì nó giống với hình dạng các dải thiên hà. Chữ Vạn (tiếng Phạn:
स्वस्तिक svastika) là một biểu tượng chữ thập với bốn góc vuông ngoặt về và hướng sang bên phải, có hướng các đầu mút xoay ngược chiều kim đồng hồ. Tên gọi svastika (gồm chữ sv và asti ghép lại) hiểu theo tiếng Phạn có nghĩa là "phúc lộc, an khang, thành công thịnh vượng". Biểu tượng chữ Vạn của Ấn Độ giáo, đôi khi còn được trang trí thêm các chấm tròn ở các góc một phần tư (xem hình dưới đây).
Đây là biểu tượng của sự may mắn, đã từng xuất hiện lần đầu khoảng 16.000 đến 14.000 trước công nguyên. Biểu tượng này được lấy ý tưởng từ việc quan sát vũ trụ, hệ mặt trời, nơi phát sinh ra nguồn sống vô tận, vĩnh hằng. Trong tín ngưỡng Ấn Độ giáo, chữ Vạn được đồng hóa với thần Vishnu và được liên kết với thần Shiva và rắn thần Nagar.
Chữ Vạn là một trong ba mươi hai tướng tốt của Phật, vị trí trên ngực. Nó biểu thị công đức vô lượng của Phật. Chữ Vạn là phù hiệu, không phải là chữ viết. Viết xoay bên trái hay bên phải đều được, tuy rằng có một số nhà Phật học tranh luận nhau về hướng xoay của phù hiệu này.


Có lẽ hình dạng tự nhiên “nửa chữ vạn” của mảnh đất “Tiểu Cát Tiên” này đã khiến người xưa chọn vị trí cho “Thánh địa” chăng ?
Đoạn sông Đồng Nai dưới chân Thánh địa Cát Tiên đục qua một khe hẻm chảy giữa 2 khối núi hẹp do đứt gãy tạo nên khiến nước sông không thoát kịp trong mùa lũ. Chỗ thắt hẹp dị thường này cùng với dạng uốn lượn cong queo dị thường của sông Đồng Nai trong bồn địa Cát Tiên, cùng với lượng mưa lớn ở Cát Tiên (2800 – 3000 m/năm, lượng mưa /ngày có thể đạt đến 150 mm, là thủ phạm chính gây lụt cho bồn địa Cát Tiên trong suốt chiều dài lịch sử của vùng đất bồn địa giữa núi này. Thủy điện Đại Ninh đã chuyển một khối lượng khá lớn nước sông Đồng Nai về Bình Thuận, vì thế việc xả lũ thủy điện thượng nguồn Đồng Nai chỉ là “giọt nước tràn li” chứ không phải là tác nhân chính gây lụt ở Cát Tiên.
3. Dòng suối chảy ngược ở khu Ramsa Bàu Sấu trong VQG Cát Tiên



Trên bản đồ hành chính xã Đắc Lua huyện Tân Phú tỉnh Đồng Nai vẫn vẽ một dòng suối bắt nguồn từ trung tâm VQG (Nam) Cát Tiên, chảy qua vùng đất ngập nước Bàu Sấu rồi đổ ra sông Đồng Nai ở ấp 4. Đầu nguồn dòng suối hẹp, cuối nguồn rộng, dòng suối nhìn trên ảnh vệ tinh có dạng cây, hình dạng thông thường của một dòng suối bình thường.
Tuy nhiên khoảng vài chục năm trở lại, khi lũ cao, dòng suối này lại chảy ngược từ sông Đồng Nai vào Bàu Sấu.
 
Trên ảnh vệ tinh Google Earth, Bàu Sấu có đầy đủ yếu tố địa chất – địa mạo của một vùng sụt trũng đạ chất giữa núi với nguồn nước cấp từ nhiều khe suối nhỏ quanh Bàu, tạo ra một hệ thống dị thường thủy văn dạng hướng tâm. Đây là một bồn trũng dạng đầm lầy. Đo độ cao trên ảnh vệ tính Google Earth năm 2011 cho thấy phần cửa suối ấp 4 hiện nay cao hơn vùng thượng nguồn suối ở Bàu Sấu 20 feet, tức là khoảng 6,6 m. Không rõ sự chênh lệch này là do Bàu Sấu sụt hạ quá nhanh hay do phần cửa suối nâng cao quá nhanh, nhưng không loại trừ là do cả 2 lí do.
Trước khi dòng suối ấp 4 chảy ngược vào Bàu Sấu vào mùa lũ, hàng ngàn năm trước cho đến ngày nay Bàu Sấu vẫn được nuôi dưỡng bằng các khe suối nội bộ chảy xuống từ các dãy núi xung quanh. Những khe suối này vẫn có thể quan sát rất rõ trên ảnh vệ tinh Google Earth. Và dòng suối ấp 4 vẫn cần cù tải nước dư  từ Bàu Sấu ra sông Đồng Nai cho đến gần đây. Nam Cát Tiên mưa nhiều, rừng tốt nên Bàu Sấu vẫn là Bàu Sấu ngay cả khi thủy điện Đồng Nai 3 tích 1.4 tỷ m 3 nước từ tháng 12 /2010 đến tháng 5/2011 làm khô cạn đoạn hạ lưu sông Đồng Nai. Như vậy nói thủy điện tích nước sẽ tiêu diệt Bàu Sấu là không đúng, có chăng nó chỉ gây hại chút ít nếu thời gian tích nước kéo dài.
4. Vĩ thanh
Liên quan đến thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, dư luận bỗng trở nên quan tâm hơn đến vùng đất Cát Tiên. Bài báo này cung cấp thêm thông tin về “thành phố tắc kè” xa xôi và nghèo khó tận cuối Tây Nguyên. Quý bạn đọc có thể phóng to các tấm ảnh vệ tinh trong bài báo để xem rõ chi tiết.
 

Lượt xem: 4527

Các tin khác

Đưa thiên nhiên đến gần cộng đồng

(23/12/2024 06:20:AM)

Áp dụng LEZ: Lựa chọn từ thực tế, kỳ vọng đột phá cho môi trường Thủ đô

(16/12/2024 06:57:AM)

Gỡ vướng mắc thị trường tài chính xanh

(11/12/2024 09:30:AM)

Tài chính khí hậu là con đường dẫn đến công lý khí hậu

(18/11/2024 08:37:AM)

Tìm tiền carbon cho cây lúa

(13/11/2024 08:51:AM)

COP16: Bất đồng chưa thể vượt qua

(05/11/2024 06:53:AM)

Tăng tốc năng lượng tái tạo

(21/10/2024 08:54:AM)

Kinh nghiệm phát triển công trình xanh trên thế giới và đề xuất đẩy mạnh ở việt nam để đáp ứng mục tiêu phát thải ròng khí co2 = zero vào năm 2050

(18/10/2024 08:29:AM)

Người tiêu dùng Net Zero

(30/09/2024 06:12:AM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE