Cát Tiên. 2 – vũ điệu của sông Đồng Nai
Đoạn sông Đồng Nai chảy qua bồn địa Cát Tiên uốn cong queo một cách dị thường mặc dù nó không phải kiểu dòng sông già chảy giữa đồng bằng phù sa. Trái khoáy như vậy nên đoạn sông này rất dữ dằn.
Nguyễn Đình Hòe, VACNE
Vũ điệu của sông Đồng Nai đoạn chảy qua bồn địa Cát Tiên. Ảnh Google Earth 2011
Thị trấn huyện Cát Tiên tỉnh Lâm Đồng (có tên là thị trấn Đồng Nai) là một phần bên bờ trái sông Đồng Nai của một bồn địa giữa núi rộng hàng chục mẫu, bị bao vây tứ bề bởi một vòng cung núi thấp hình bát úp. Xẻ trong bồn địa này là dòng sông Đồng Nai với di tích “Thánh địa” Cát Tiên lụi tàn nằm ngay bên bờ trái. Ngay giữa đồng, thuộc địa phận xã Tư Nghĩa, huyện Cát Tiên, Lâm Đồng, các nhà khảo cổ đã tìm thấy dưới lòng đất bốn lò gạch cổ cách nhau không xa, ước chừng cách nay 12-16 thế kỷ. Nhiều hiện vật giá trị cũng được phát hiện gần đó trong xã Quảng Ngãi chưa rõ liên quan đến triều đại nào và dân tộc nào. Nhiều người gọi cụm di chỉ khảo cổ này là “Thánh địa” Cát Tiên mà chưa rõ chủ nhân của nó là ai và cũng chưa rõ “Thánh địa” nhằm thờ cúng vị thần nào. Vì thế gọi là “Thánh địa” mới chỉ là sự ngưỡng mộ mà thôi, gọi mãi thành quen, cứ như đã được cơ quan có thẩm quyền công nhận vậy (3) .
Tài liệu địa chất (1) cho thấy bồn địa Cát tiên là một khối sụt địa chất giữa núi sinh ra do tập trung nhiều đứt gãy thuận tách từ đầu kỉ Đệ Tứ (khoảng 700 ngàn năm trước), theo đó, các dòng chảy basalt tràn ngập. Những đứt gãy này ngày nay đang khống chế dòng chảy đoạn sông Đồng Nai qua thị trấn. Đó là những đoạn cong queo dị thường, kết hợp với những đoạn chảy thẳng hay ngoặt vuông góc với nhau, tạo thành cái thế được các nhà phân tích Địa chất địa động lực hiện đại gọi là “dị thường thủy văn”. Không hồ móng ngựa. Không bãi bồi giữa dòng. Không vạt phù sa ven bờ lồi như sông đồng bằng.
Phía tây bên bờ phải thuộc tỉnh Bình Phước còn thấy vết tích một đoạn dòng cũ của sông Đồng Nai nay đã bị tàn lụi, không phải theo hình thức chuyển dòng để tạo ra dãy hồ móng ngựa. Điều này cho thấy trục sụt hạ của bồn địa Cát Tiên đã chuyển về phía đông, hấp dẫn dòng chảy của con sông này, còn phần bồn địa phía tây bên bờ phải sông đang bị đẩy trồi lên khá nhanh. Việc chuyển dòng của sông Đồng Nai về phía đông vô tình làm cho “Thánh địa” Cát Tiên nằm sát bờ sông. Vị trí sát bờ sông, lại là con sông dữ, là vị trí không một “thánh địa” nào dám xây dựng.
Bồn địa Cát Tiên nằm trong một khối sụt kiến tạo hiện đại, bốn bề núi non vây bọc, là rốn lũ của Lâm Đồng. Khối núi Cát Lộc là nơi đã từng phát hiện tê giác java 1 sừng, nay không còn (?) dấu vết. Ảnh vệ tinh Google Earth 2011.
Sự uốn cong rối rắm của dòng sông đoạn chảy qua thị trấn Đồng Nai làm nước lũ thoát rất chậm khiến thị trấn nhỏ này trở thành “rốn lũ” của tỉnh Lâm Đồng. Mùa lũ thường về rất sớm, khoảng tháng 8 - 10 dương lịch. Lũ lên thường rất nhanh, người và gia súc nhiều khi chạy không kịp. Ban Chỉ huy PCLB huyện đã phân lũ lụt Cát Tiên gồm 4 loại: (i) lũ thượng nguồn, (ii) lũ nội đồng, (iii) lũ thượng nguồn kết hợp lũ nội đồng, (iv) lũ thượng nguồn kết hợp xả lũ các thủy điện và lũ nội đồng. Trong đó, loại thứ 4 có ảnh hưởng nghiêm trọng nhất từ trước tới nay. Đồng thời, Cát Tiên xác định trọng điểm trong phòng chống thiên tai, bão lũ, các vùng thường xuyên xảy ra lốc xoáy, lũ quét và sạt lở đất (2) . Xác đinh lũ lụt như trên là rất chính xác với bản chất bồn địa giữa núi có sông chảy qua.
Phòng chống lũ lụt cho bồn địa Cát Tiên không thể chỉ giải quyết tình thế, chờ lũ đến mới hành động. Việc đào kênh nối thông các đoạn cong chảy gần nhau của dòng sông để tăng tốc độ dòng chảy có lẽ là một phương án cần xem xét để chống lũ cho bồn địa này. Tuy nhiên cần có một phương án xả lũ liên hồ hợp lí của các bậc thủy điện trên sông Đồng Nai thì việc chống lũ cho bồn địa Cát Tiên mới trở thành hiện thực. Đó cũng là một tính toán cần thiết để cứu nguy cho ‘Thánh địa” Cát Tiên đang nằm sát bờ sông.
Lụt tháng 8/2007 trên sông Đồng Nai đoạn chảy qua thị trấn huyện Cát Tiên. Ảnh Internet.
Chú thích.