Cát Tiên - 1. Vũ điệu “tắc kè”
Tìm hiểu khu vực VQG Cát Tiên, người không quen như lạc vào những vũ điệu rối rắm của một “mê hồn trận”. Bảo tồn VQG Cát Tiên hiện nay như “khiêu vũ giữa bầy sói’.
Nguyễn Đình Hòe VACNE
Cấu trúc 2 mảnh của VQG Cát Tiên. Ảnh vệ tinh Google Earth. Một số địa danh do tác giả chú thích.
1. “Thành phố tắc kè”
Huyện Cát Tiên thuộc tỉnh Lâm Đồng được thành lập vào năm 1987, do chia huyện Đạ Hoai thành 3 huyện Đạ Hoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên. Huyện Cát Tiên hiện có dân số trên 41 ngàn thuộc khoảng 8400 hộ (khi mới thành lập huyện chỉ có 2500 nhân khẩu thuộc 10 xã) với tổng diện tích 35.900 ha. Địa hình cơ bản của Cát Tiên là núi thấp, có cả gò đồi lẫn vùng đất trũng ngập nước. Độ cao tuyệt đối trung bình 400m. Do địa hình, Cát Tiên có hệ sinh thái rừng đất thấp ẩm ướt nhiệt đới khá rộng. Vào mùa mưa, Cát Tiên thường xuyên bị lũ lụt, nhưng lại hay thiếu nước vào mùa khô.
Tục truyền, nơi này ven sông Đồng Nai, xưa kia các nàng tiên thường xuống tắm nên được gọi là "Cát Tiên". Tuy nhiên vì là vùng đất thưa dân, nên dân cư các tỉnh chuyển cư về đây, lập làng và lấy tên quê hương đặt cho làng xã mới, mà chỉ cần nghe tên xã hay thị trấn là biết nguồn gốc dân cư: Phước Cát , Đồng Nai, Đồng Nai Thượng, Gia Viễn, Nam Ninh, Đức Phổ, Quảng Ngãi, Phù Mỹ v.v…Có thể nói Cát Tiên là một kiểu “Hợp chủng …huyện” với nhiều bản sắc văn hóa khác nhau từ nhiều miền đất nước mang đến.
Thị trấn huyện Cát Tiên có tên là thị trấn Đồng Nai do lấy theo tên xã Đồng Nai từ khi chưa thành lập huyện. Nhiều người nhầm thị trấn này thuộc tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên không hiểu nguyên nhân gì mà có một thời không ít người dân vẫn gọi vùng đất của mình là “thành phố tắc kè”.
Ở “thành phố tắc kè” ven sông Đồng Nai, một di chỉ khảo cổ học nổi tiếng với bộ Linga – Yoni to nhất Đông Nam Á đã được phát hiện.Thánh địa Cát Tiên là tên gọi quần thể di chỉ khảo cổ này, được phát hiện từ năm 1985, nằm trong một diện tích rộng hàng trăm hecta và trải trên chiều dài khoảng 15km dọc theo sông Đồng Nai, bao gồm rất nhiều gò đồi và thềm phù sa cổ ven sông. Toàn bộ khu di tích kéo dài từ xã Quảng Ngãi đến xã Đức Phổ, trong đó mật độ di chỉ khảo cổ tập trung dày đặc ở xã Quảng Ngãi. Các khoa học gia đoán định Thánh địa này xuất hiện khoảng thế kỷ 4 đến thế kỷ 8, thuộc về một nền văn hóa khá lạ, tương ứng thời vương quốc Phù Nam đầu công nguyên. Có người hy vọng các di tích khác của Thánh địa Cát Tiên còn có thể nằm đâu đó sâu trong VQG Cát tiên, nhưng đó cũng chỉ là phỏng đoán.
2. Vũ điệu của tên gọi
VQG Cát Tiên là một khu bảo tồn thiên nhiên nằm gối trên đất 3 tỉnh.Trong tổng diện tích trên 71 ngàn ha, khoảng 30 ngàn ha thuộc về Cát Lộc hay Bắc Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng), phần diện tích trên 36 ngàn ha còn lại thuộc Nam Cát Tiên (tỉnh Đồng Nai) và chỉ khoảng trên 5000 ha là thuộc Tây Cát Tiên (huyện Bù Đăng, Bình Phước). Lúc đầu là VQG Nam Cát Tiên được thành lập theo quyết định số 01/CT ngày 13 tháng 1 năm 1992 của Thủ tướng chính phủ trên cơ sở kết nối khu rừng cấm Nam Cát Tiên thuộc huyện Tân Phú tỉnh Đồng Nai (được thành lập theo quyết định số 360/TTg, ngày 7 tháng 7 năm 1978 của Thủ tướng chính phủ) và khu bảo tồn thiên nhiên Tây Cát Tiên thuộc huyện Bù Đăng tỉnh Bình Phước (được thành lập theo quyết định số 194/CT, ngày 9 tháng 8 năm 1986 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng). Đại bản doanh của Vườn đặt tại Nam Cát Tiên trên đất tỉnh Đồng Nai. Như vậy cái VQG này tuy có tên Cát Tiên nhưng không liên quan gì đến huyện Cát Tiên và cũng không nằm trong tỉnh Lâm Dồng
Vào cuối thập kỉ 1990, do phát hiện thấy có tê giác 1 sừng còn gọi là tê giác java tại khu rừng phía bắc huyện Cát Tiên, nên một diện tích khoảng 30.000 ha thuộc đất huyện Cát Tiên và huyện Bảo Lộc của Lâm Đồng được cắt ra, gọi theo tên ghép hai huyện là vùng Cát - Lộc, còn có tên là khu bảo tồn tê giác, và được giao cho VQG Nam Cát Tiên quản lí luôn, từ đó VQG Nam Cát Tiên đổi tên thành VQG Cát Tiên. Ngày 16/2/1998, Thủ tướng Chính phủ có quyết định số 38/1998/QĐ-TTg chuyển giao Vườn quốc gia Cát Tiên cho Bộ Nông nghiệp và PTNT quản lý (với phần mở rộng diện tích Cát Lộc) vì Vườn là vùng đất liên tỉnh. Như vậy Bắc Cát Tiên hay Cát Lộc trở thành khu bảo tồn Thiên nhiên với lí do chính là vì có tê giác 1 sừng. Khu Cát Lộc đến 90% diện tích là rừng tái sinh, tre nứa, rừng thưa và cây bụi không có nhiều giá trị Đa dạng sinh học như các vùng Nam và Tây Cát Tiên (theo bản đồ VQG Cát Tiên).
VQG Cát Tiên vốn là một phần của Chiến khu D, là vùng căn cứ cách mạng của Khu ủy Khu 6 và Khu 10 cũ, là hành lang chiến lược Bắc – Nam trong kháng chiến chống Mỹ. Do vậy trong chiến tranh chống Mỹ, vùng đất Cát Tiên hứng chịu nhiều bom đạn, nhiều lần rải chất diệt cỏ trong đó có chứa dioxin khiến cho nhiều khoảng rừng rộng lớn trở thành trơ trụi. Sau này tại đó tái sinh nhiều trảng rừng tre nứa, cây bụi, rất ít cây gỗ lớn ở diện tích này.
Vì thế kiểu rừng nguyên sinh ở VQG Cát Tiên không nhiều, nếu tính cả diện tích rừng thường xanh tại đó thì tổng cộng cũng chỉ khoảng 50% tổng diện tích VQG, còn lại là rừng tái sinh, tre nứa và cây bụi (40%) với một ít rừng trồng và nông trại (10%) (Theo tài liệu VQG Cát Tiên). Giá trị Đa dạng sinh học của VQG này chủ yếu ở giới động vật của Vườn. Thực vật tại một số diện tích rừng thường xanh còn nhiều loài quý như cẩm lai, trắc, mun,… trong đó nhiều cổ thụ đến 3 vòng tay người ôm mới kín, nhưng đáng kể nhất là trên 60 loài lan rừng. Khu đất ngập nước Bàu Sấu và đàn bò tót nằm ở Nam Cát Tiên bên bờ phải sông Đồng Nai. Phần lớn diện tích rừng thường xanh (có phần là rừng nguyên sinh) cũng ở Nam Cát Tiên. Tê giác nằm ở Cát Lộc, Bắc Cát Tiên, bên bờ trái sông Đồng Nai. Huyện Cát Tiên với “thành phố tắc kè” lọt thỏm giữa 2 vùng bảo tồn là Nam Cát Tiên và Cát Lộc, trở thành vùng đệm của VQG Cát Tiên.
Theo Bách Khoa Thư Việt Nam, VQG Cát Tiên đặc trưng bằng đa dạng sinh cảnh: rừng thường xanh nguyên sinh và thứ sinh trên đất thấp, rừng nửa rụng lá nguyên sinh và thứ sinh trên đất thấp, đất ngập nước ngọt và trảng cỏ ngập nước theo mùa, rừng ngập lụt và các kiểu sinh cảnh thứ sinh như rừng tre nứa, trảng cỏ...
Năm 2001, UNESCO đã công nhận VQG Cát Tiên là Khu dự trữ sinh quyển thế giới (có tên chính thức là Khu dự trữ sinh quyển Cát Tiên). Khi đó, 3 lâm trường: Mã Đà, Hiếu Liêm, Vĩnh An (thuộc tỉnh Đồng Nai) vẫn là lâm trường sản xuất. Năm 2004, 3 lâm trường này sáp nhập thành Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai, trở thành rừng đặc dụng. Năm 2008, theo quyết định của Chính phủ, hồ Trị An và một phần của hệ thống sông Đồng Nai trở thành Khu bảo tồn vùng nước ngập nội địa. Cả vườn quốc gia Cát Tiên, Khu bảo tồn thiên nhiên văn hoá Đồng Nai và Khu bảo tồn vùng nước ngập nội địa được UBND tỉnh Đồng Nai có văn bản đề nghị UNESCO công nhận khu dự trữ sinh quyển mới gồm cả 3 vùng trên và có tên là Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai. Như vậy, thực chất của Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai (vừa được UNESCO công nhận tháng 7 năm nay 2011) là sự hợp nhất của vườn quốc gia Cát Tiên, Khu bảo tồn thiên nhiên văn hoá Đồng Nai và Khu bảo tồn vùng nước ngập nội địa, chủ yếu nằm trong tỉnh Đồng Nai, trừ 2 vùng Cát Lộc (Lâm Đồng ) và Tây Cát Tiên (Bình Phước).
Tổng diện tích của khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai hiện nay là trên 190.000 ha, trong đó vườn quốc gia Cát Tiên có 71.920 ha; Khu bảo tồn thiên nhiên văn hoá Đồng Nai chiếm 67.903 ha; hồ Trị An và một phần của hệ thống sông Đồng Nai có 32.400 ha. Với sự sáp nhập trên, hiện tỉnh Đồng Nai đang có kế hoạch thành lập 1 Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai. Mặc dù trên thực tế nó là liên tỉnh.
Các địa danh : huyện Cát Tiên, thị trấn Đồng Nai, xã Đồng Nai, VQG Cát Tiên, Bắc Cát Tiên – Cát Lộc, Nam Cát Tiên, Tây Cát Tiên, Thánh địa Cát Tiên, Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai, Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai, Khu bảo tồn vùng đất ngập nước nội địa,……quả thật là một mê hồn trận, một trận đồ Bát quái khiến người Việt Nam trong đó không ít nhà khoa học, nhà báo bị lạc lối.
Các dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A tọa lạc ở rìa phía bắc của khu Cát Lộc, cách Nam Cát Tiên khoảng 40 km qua một vùng đệm là huyện Cát Tiên.
3. VQG Cát Tiên – “khiêu vũ giữa bầy sói”
Năm 2002, chỉ từ đầu mùa lũ tháng 9 đến tháng 11, lực lượng kiểm lâm VQG Cát Tiên đã bắt được 47 vụ săn thú dùng súng tự chế, phát hiện và thu giữ hàng trăm dụng cụ cài bẫy (bẫy không chủ) cùng hàng chục khẩu súng. Đối tượng “đã nhanh chân tẩu thoát”.
Trong 2 tháng đầu năm 2011, công an và kiểm lâm huyện Tân Phú - Đồng Nai đã kiểm tra hàng chục cơ sở mộc, điểm kinh doanh, chế biến lâm sản trên địa bàn, lập biên bản thu giữ 88,75m3 gỗ các loại và xử phạt 62 triệu đồng, tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 13 đối tượng "lâm tặc" nhiều lần lẻn vào VQG Cát Tiên đốn hạ nhiều cây gỗ quý, trong đó có 2 cây gõ đỏ có khối lượng gần 16m3, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
Hạt Kiểm lâm VQG Cát Tiên mỗi năm phát hiện hàng trăm vụ săn bắt thú rừng trái phép với 150 – 170 đối tượng vi phạm; thu giữ nhiều bẫy thú, bộ xung điện, xuồng ba lá…; đặc biệt, năm 2007 phát hiện, chuyển giao cho cơ quan chức năng các huyện Tân Phú (Đồng Nai), Bù Đăng (Bình Phước), và Cát Tiên (Lâm Đồng) hàng chục khẩu súng các loại. Từ đầu năm 2008 đến nay, đơn vị này đã thu giữ trên 10 khẩu súng tự chế. Có trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng lại tái phạm. Nhiều nhân viên kiểm lâm tại Cát Tiên không ít lần bắt gặp thợ săn trang bị súng đang mai phục bò tót. Chỉ trong vòng ba năm từ 2006-2009, có 10 bộ xương bò tót được phát hiện, phần nhiều là do dính bẫy. Trên 20.000 bẫy thú được phát hiện và thu giữ mỗi năm.Diện tích rừng và đất lâm nghiệp của vườn bị người dân lấn chiếm làm rẫy hiện tại lên đến 500ha [3].
Đàn bò tót tại Nam Cát Tiên tháng 4/2011 [2].
Tháng 3 vừa qua, chỉ trong hai ngày truy quét đột xuất tại xã Đắc Lua (Tân Phú, Đồng Nai), cơ quan chức năng phát hiện, tịch thu hơn 280 kg thú và thịt thú rừng. Tại các xã vùng đệm của VQG thuộc các huyện Cát Tiên và Đạ Tẻh (Lâm Đồng), Hạt Kiểm Lâm cũng phát hiện mười mấy tụ điểm buôn bán động vật hoang dã trái phép nhiều năm.
Tháng 5 năm 2010, con tê giác 1 sừng ở Cát Lộc đã bị bắn chết và cưa mất sừng. Từ tháng 11-2010 dấu vết tê giác thưa dần và đặc biệt từ tháng 4-2011 (thời điểm phát hiện bộ xương tê giác) đến nay thì không còn thấy dấu vết tê giác nữa [3]. Vì vậy đã có ý kiến cho rằng hiện nay khu Cát Lộc không còn con tê giác nào.
4.Đồng nai liệu có còn nai ?
Bộ NN&PTNT vừa có quyết định phê duyệt Quy hoạch Bảo tồn và Phát triển bền vững VQG Cát Tiên giai đoạn 2010-2020.Theo đó, trong tống số 71.350 ha thì diện tích phân khu bảo vệ nghiêm ngặt đã giảm gần 15.000ha so với năm 1998 là năm thành lập Vườn; phân khu dịch vụ hành chính tăng từ 100ha năm 1998 lên 2.325ha (tăng thêm 2.225 ha). Như vậy chỉ 13 năm từ ngày thành lập Vườn, trên 17 ngàn ha rừng cấm đã phải chuyển đổi, trong đó vùng bảo tồn nghiêm ngặt phải chuyển sang dạng phục hồi sinh thái với tốc độ trung bình gần 1.150 ha/ 1 năm.Với tốc độ suy thoái này, khoảng 50 năm nữa, chẳng cần nhờ đến thủy điện, VQG Cát Tiên có lẽ chỉ còn lại cái tên gọi.Chú ý rằng với nguy cơ làm ngập 137 ha rìa khu Cát Lộc ven sông Đồng Nai mà các dự án thủy điện 6 và 6A đã bị dư luận gán tội “giết” VQG Cát Tiên rồi !
Xin lưu ý rằng lí do chính để tạo lập khu bảo tồn Cát Lộc ghép vào VQG Cát Tiên là vì ở đó có tê giác. Nếu không còn tê giác, khả năng cắt diện tích bảo tồn dạng “đảo cô lập” này ra khỏi VQG Cát Tiên để tập trung đầu tư bảo tồn phần còn lại có giá trị của Vườn trong tương lai là không thể loại trừ.
Chú thích: